5 tác động của hiệp định thương mại tự do EVFTA đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang EU

Hiệp định thương mại tự do EVFTA

Hiệp định thương mại tự do EVFTA

Hiệp định thương mại tự do EVFTA
Hiệp định thương mại tự do EVFTA

Ngày 01/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực, mở ra những cơ hội và triển vọng vô cùng to lớn trong thúc đẩy thương mại và đầu tư. Đây là một trong những Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới toàn diện, chất lượng cao, đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế cả nước đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu khi dịch covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. 

Cơ hội hiệp định thương mại tự do EVFTA mang lại cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam

Xuất khẩu Việt Nam
Xuất khẩu Việt Nam

Thứ nhất, hiệp định thương mại tự do EVFTA có tác động tích cực đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và thuế đánh vào những mặt hàng chủ lực giảm đáng kể.  

Hiện nay, EU là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Hoa Kỳ) với kim ngạch hai chiều tăng gần 14 lần từ mức chỉ 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 15 lần từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD.

Hàng hóa xuất khẩu chủ lực của nước ta sang EU bao gồm giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản. Khi hiệp định được ký kết, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được cơ hội rất lớn trong thị trường to lớn như châu Âu với 27 nước thành viên. Không những vậy, một trong những khía cạnh chính mà Hiệp định thương mại tự do đạt được chính là gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tạo lợi thế rất lớn cho xuất nhập khẩu Việt Nam và châu Âu. Trước khi hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực, rau quả Việt Nam xuất khẩu vào EU được gán mức thuế ở mức khá cao (10 – 20%). Sau tháng 8 bắt đầu hiệu lực, hơn 90% nhóm hàng rau quả được miễn thuế, trong đó có nhiều mặt hàng rau quả đang là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. 

Ngành dệt may Việt Nam
Ngành dệt may Việt Nam

Hơn nữa, theo cam kết của EU trong Hiệp định thương mại tự do EVFFTA, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Tiếp đó sau 07 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của ta. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại của Việt Nam, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Theo số liệu của Bộ Công Thương tổng hợp, tính chung 7 tháng đầu năm 2021, tổng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường EU đạt 32,09 tỷ USD, tăng 17,42% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng tháng 7/2021, Việt Nam xuất siêu 2,03 tỷ USD sang thị trường EU, tăng 3,13% so với tháng 7/2020.

Thứ hai, hiệp định thương mại tự do EVFTA tạo điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất khẩu.

Hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu với khu vực châu Á (chiếm khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu). Hiệp định thương mại tự do EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện thâm nhập, khai thác các thị trường mới, thị trường còn nhiều tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ ba, hiệp định thương mại tự do EVFTA tạo cơ hội nâng cao dây truyền sản xuất, chất lượng sản phẩm đầu ra để đủ điều kiện đáp ứng với các tiêu chí khi xuất khẩu sang các nước EU. 

Khi EVFTA được ký kết, Việt Nam cần tuân thủ cơ sở pháp lý trong các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sang EU, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn mà thị trường này đòi hỏi. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam cần đạt các quy chuẩn kỹ thuật trong hiệp định TBT của WTO về rào cản kỹ thuật trong thương mại. Hàng hóa sẽ bị trả lại nếu vi phạm quy định, không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà cho cả ngành. Qua đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội để được tìm hiểu, tiếp cận, cải thiện quy trình sản xuất cũng như bày tỏ quan điểm của mình liên quan đến những quy định này của EU.

Thách thức từ hiệp định thương mại tự do EVFTA đối với xuất khẩu của Việt Nam

Khó khăn lớn nhất của Việt Nam khi xuất khẩu các mặt hàng chủ lực sản thị trường EU là những đòi hỏi khắt khe về quy tắc xuất xứ, vấn đề bán phá giá, trợ cấp và sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại cũng cũng như quy định về môi trường, đảm bảo về an toàn, vệ sinh, quy trình công nghệ và chất lượng sản phẩm là trở ngại lớn và lâu đời đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường EU. Khi Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực, mức độ thuế quan được cắt giảm sâu dẫn đến áp lực cạnh tranh giữa các sản phẩm trong và ngoài nước là rất lớn. Do vậy nhu cầu sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại sẽ tăng cao để bảo vệ lợi ích các doanh nghiệp trong nước, đòi hỏi cần tìm hiểu kỹ càng các quy tắc thương mại để thực hiện thích đáng hiệp định cũng như không để doanh nghiệp trong nước bị lép vế.

Quy tắc xuất xứ là một trong những yếu tố hàng đầu để nhận ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Chẳng hạn, thủy sản Việt Nam như hàu, bào ngư, mực, tôm hùm… được cắt giảm mức thuế từ 16 – 22% xuống còn 0% khi xuất khẩu sang các quốc gia EU nhưng cần chứng minh được xuất xứ thuần túy. Tức là thủy sản phải được sinh ra hoặc lớn lên tại một nước thành viên thuộc hiệp định thương mại tự do. Hay để chứng minh về nguồn gốc hợp pháp của gỗ, của các nhóm hàng dệt may là một thách thức đối với ngành này. Yêu cầu này là thích đáng để đổi lại ưu đãi được miễn thuế ngay lập tức hoặc theo lộ trình đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực và tiềm năng của Việt Nam.

Muốn xuất khẩu sang EU, các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ các điều khoản quy định về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ. Điều này đã bộc lộ rõ điểm yếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam khi hạn chế về năng lực kỹ thuật và tài chính khiến sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để bán ra trên thị trường. Bên cạnh quy tắc xuất xứ, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật (SPS), quy định về trách nhiệm môi trường, các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT)… cũng sẽ tạo ra những khó khăn, cản trở nhất định tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong các ngành thủy sản và lâm nghiệp nước nhà.

Một số giải pháp đối với lĩnh vực xuất khẩu từ Việt Nam sang EU

Các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án điều chỉnh chuỗi cung ứng, nguyên liệu đầu vào đảm bảo tuân thủ quy tắc xuất xứ, để thực sự tận dụng được lợi thế của Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực đồng thời được hưởng thuế suất ưu đãi. Doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu thông tin để hiểu rõ đặc điểm của từng thị trường nhằm đảm bảo hiệu quả xuất khẩu, cũng như cần có các phương pháp xuất khẩu ứng biến tùy theo tình huống xảy ra tại các thị trường ngoại quốc. Thêm vào đó, doanh nghiệp không thể không chú ý đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo nơi xuất xứ tránh bị điều tra hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả thương mại.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng của Việt Nam có lợi thế so sánh bộc lộ cao, thể hiện tiềm năng xuất khẩu, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng chưa rõ rệt do hiệu quả sản xuất chưa cao. Do vậy cần chú trọng cải thiện công nghệ sản xuất để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, đồng thời thực hiện chuyển dịch cơ cấu giữa từ các mặt hàng thô sơ sang hàng hóa công nghiệp và đã qua chế biến.

Xem thêm tại:

9 lợi ích kinh tế đạt được từ thương mại tự do giữa các quốc gia

EVFTA có hiệu lực – Top 5 nhóm ngành chắc chắn hưởng lợi ngay lập tức

EVFTA – Cơ hội và thách thức với kinh tế Việt Nam

Người thực hiện: Nguyễn Lê Hồng Lam

Mã sinh viên: 19051115

Bài tập lớn_INE3104 6