EVFTA: Cơ hội “đột phá” của kinh tế số Việt Nam trong bối cảnh COVID-19

 

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 trùng thời điểm Việt Nam đưa ra Chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số quốc gia. Đây chính là cơ hội tiềm năng để hai bên cùng chia sẻ những giá trị chung, không chỉ lợi ích về kinh tế mà còn cả giải pháp cùng thắng.

Cơ hội phát triển kinh tế số từ EVFTA

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN, với cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin khá tốt. Nền kinh tế số của Việt Nam hiện đang ở thời kỳ phát triển mạnh mẽ và là thị trường phát triển nhanh thứ 2 ở Đông Nam Á sau Indonesia.

Theo nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), kinh tế số của Việt Nam đạt quy mô khoảng 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Theo một nghiên cứu khác của Tổ chức Data61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.

Việt Nam là nước có cơ cấu dân số trẻ, yêu thích công nghệ, tốc độ và độ phủ Internet rộng, hạ tầng viễn thông tốt, có sự dịch chuyển đổi mới sáng tạo sang phía Đông. 

Dư địa phát triển kinh tế số ở Việt Nam lớn, như trong lĩnh vực bán lẻ so với các nước trong khu vực, chi tiêu tạp hóa qua kênh hiện đại thấp nhất so với các nước trong khu vực. Đây là cơ hội để ứng dụng công nghệ số chuyển dịch bán lẻ truyền thống sang bán lẻ hiện đại. Hay tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản thanh toán di động còn thấp, là cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển fintech…

Đại dịch Covid-19 bùng nổ đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống y tế, kinh tế và xã hội không chỉ của Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đại dịch này cũng mở ra cơ hội chưa từng có, đây là một “cú huých” mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Nhiều chuyên gia nhận định, đây là hiệp định thương mại mang lại cơ hội và động lực thúc đẩy các doanh nghiệp và khu vực công tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số. EVFTA được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Việt Nam sẽ có cơ hội cao hơn trong việc tiếp cận với các bí quyết, công nghệ và chuyên môn của Châu Âu.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết vào ngày 1/8/2020 - Cơ hội đột phá của kinh tế số Việt Nam
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết vào ngày 1/8/2020

Ngày 5/11/2020, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam (EUD) phối hợp với VINASA và Eurocham tổ chức Hội nghị Bàn tròn về “Kinh tế số, Chuyển đổi số tại Việt Nam và Hiệp định EVFTA” để đánh giá thực trạng, cơ hội và thách thức từ kinh tế số và sự chuyển đổi số tại Việt Nam, hiệp định EVFTA và những đóng góp tiềm năng trong việc thúc đẩy nền kinh tế số và chuyển đổi số ở Việt Nam. 

Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ châu Âu tại Việt Nam nhận định, xu thế chuyển đổi sang kinh tế số được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chính đại dịch Covid-19 làm phát triển xu thế này hơn không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Vào tháng 10/2020, EU đã thông qua chiến lược về số hóa. Rất nhiều hạ tầng cho số hoá được tạo ra, tương đương 120 tỷ USD ở EU sẽ được đem lại nhờ các hoạt động liên quan đến kinh tế số. EU sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi áp dụng công nghệ số này. Việt Nam cũng sở hữu lợi thế lớn về các kỹ sư, chuyên gia công nghệ với trình độ cao.

Thông qua EVFTA, doanh nghiệp cũng như người lao động 2 bên có thể giao lưu, học hỏi và giúp đỡ nhau trong quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. 

Các diễn giả và chuyên gia tại Hội nghị Bàn tròn về “Kinh tế số, Chuyển đổi số tại Việt Nam và Hiệp định EVFTA” - Cơ hội bứt phá của kinh tế số Việt Nam
Các diễn giả và chuyên gia tại Hội nghị Bàn tròn về “Kinh tế số, Chuyển đổi số tại Việt Nam và Hiệp định EVFTA”

Ông Carsten Schittek, Tham tán thương mại, phái đoàn EU tại Việt Nam cũng cho rằng trong EVFTA có chương riêng về thương mại điện tử, đây là cơ hội đem lại nền kinh tế số và chuyển đổi số của Việt Nam. Khi EVFTA có hiệu lực, nó như chìa khóa mở cánh cửa kinh tế, tăng vị thế, uy tín quốc gia, đồng thời còn thúc đẩy mọi hoạt động, nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống, xã hội.

“Chính phủ Việt Nam đang thực hiện những chương trình hướng đến công nghệ hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, xã hội có nhiều điểm tương đồng với các nước EU. Sự tương đồng về tư duy sẽ là yếu tố quan trọng tối ưu hóa hiệu quả hợp tác song phương.”, ông Schittek nói.

T.S Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn FPT cho biết đội ngũ chuyên gia FPT đang tiến hành nghiên cứu, phát triển nhiều nền tảng ứng dụng số phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp vừa và nhỏ, với tính khả thi cao, dễ vận hành và chi phí thấp. Tập đoàn FPT cũng đang lên kế hoạch xây dựng trường đại học chuyên về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Vẫn còn nhiều thách thức

Với tốc độ phát triển nhanh của kinh tế số, thương mại điện tử và sự mở rộng nhanh chóng của không gian mạng được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững sau Covid-19, bên cạnh những cơ hội thì cũng đặt ra cho Việt Nam rất nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, thách thức nằm ở việc làm thế nào để đáp ứng được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của quốc tế, liên quan đến vấn đề bảo mật, định danh, sở hữu trí tuệ và xác định nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Bên cạnh những nỗ lực của chính phủ, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần phải tích cực và chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề này.

Hiện tại hệ thống thể chế, chính sách cũng như các thiết chế thực thi, giải quyết tranh chấp và hiệu lực của cơ quan thực thi liên quan đến phát triển kinh tế số còn yếu, chưa đồng bộ và hiệu quả nên chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển kinh tế số.

Trong khi đó, thói quen giao dịch, thanh toán dùng tiền mặt, trả tiền khi nhận hàng của đa số người tiêu dùng là trở ngại lớn, làm tăng chí phí cho cả xã hội, doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, nhận thức của người dân về kinh tế số còn hạn chế, kỹ năng sử dụng internet an toàn thấp và chưa theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ; đặc biệt là nhân lực số cho chiến lược kinh tế số còn hạn chế,… sẽ trở thành “rào cản” kìm hãm kinh tế số phát triển. 

Việt Nam cần làm gì để “đột phá” trong nền kinh tế số?

Kinh tế số - cơ hội đột phá kinh tế số Việt Nam

Thứ nhất, Việt Nam cần thích ứng với thực tế mới sau đại dịch Covid-19. Chuyển đổi số là yếu tố không thể thiếu giúp doanh nghiệp dần quen với sự bình thường mới hậu Covid-19. Trước cuộc khủng hoảng Covid-19, các động lực thúc đẩy công nghệ tập trung vào việc giảm chi phí và tăng năng suất. Mục tiêu là khiến các doanh nghiệp đang hoạt động tốt hoạt động tốt hơn. Khi thích ứng với thực tế mới do Covid-19 gây ra thì vai trò của công nghệ sẽ được phát huy để nâng cao năng lực chống chọi, khả năng tạo lợi nhuận và hoạt động bền vững.

Thứ hai, Chính phủ và doanh nghiệp phải cùng nhận thức và nhận định chuyển đổi số, kinh tế sốCụ thể, vai trò của Chính phủ xây dựng nền tảng, phối hợp các bộ ngành tuyên truyền kiến thức giúp lực lượng lao động thích ứng với chuyển đổi số. Thay đổi các vấn đề pháp lý của các Chính phủ có thể tạo ra các yếu tố thuận lợi để thúc đẩy sự hợp tác, sáng tạo cho cộng đồng doanh nghiệp mỗi bên.

Thứ ba, thương mại điện tử ở Việt Nam hiện đã phát triển rất mạnh nhưng thời gian tới cần thêm những ý tưởng mới về công nghệ số khác nữa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Bên cạnh đó, EVFTA đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, vì thế để tạo điều kiện cho việc thực hiện EVFTA một cách dễ dàng hơn, ngoài chính sách thuế quan, cần nhiều hơn nữa các chính sách khác. 

Thứ tư, cần biến các vấn đề thương mại trong dịch vụ thực sự tự do hóa, giảm rào cản thương mại trong dịch vụ và cần mở dịch vụ sang khu vực tư nhân.

Thứ năm, cải thiện tiếp cận và công khai thông tin. Việc xây dựng nền kinh tế số sẽ đòi hỏi khả năng tiếp cận và công khai thông tin, trong khi Việt Nam vẫn đang tụt hậu về quyền được thông tin và sự tham gia của người dân. Muốn cải thiện số hóa thì phải cải thiện hơn nữa vấn đề sự tham gia của người dân. 

Thứ sáu, định danh cá nhân. Đây là yếu tố giúp doanh nghiệp đẩy nhanh hơn nữa các giao dịch với bên ngoài. Một vấn đề nữa quan tâm là dữ liệu, các dữ liệu được chia sẻ xuyên biên giới, nhưng phải đảm bảo an ninh dữ liệu, phải suy nghĩ về tiêu chuẩn quốc tế đặc biệt về vấn đề an ninh.

Kết luận

Như vậy, Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực mở ra rất nhiều cơ hội cho Việt Nam “đột phá” trong kinh tế số. Bên cạnh những tiềm năng vốn có thì cũng có rất nhiều những thách thức đặt ra. Vì vậy, Việt Nam cần tranh thủ cơ hội tuyệt vời này để phát triển nền kinh tế cũng như hội nhập toàn diện với thế giới.

Người thực hiện: Trần Thu Hiền – 18050456

QH-2018-E KTQT CLC 4

Có thể bạn quan tâm: