EVFTA có hiệu lực – Top 5 nhóm ngành chắc chắn hưởng lợi ngay lập tức

Kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020, Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực sau khi đã được Quốc hội của hai Bên phê chuẩn. Có thể nói EVFTA là một trong những Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, với nhiều cam kết sâu, rộng, bao hàm cả những nội dung truyền thống và phi truyền thống. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được chính thức thông qua thì bên cạnh những tác động chung tới các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế (các chỉ số kinh tế vĩ mô), Hiệp định cũng sẽ có các tác động khác nhau đối với các ngành do mức độ mở cửa, lợi thế cạnh tranh, năng lực của từng ngành là khác nhau.

Theo báo cáo “Tác động của EVFTA đối với các ngành và doanh nghiệp niêm yết” của CTCP Chứng khoán SSI (SSI), ngành gạo Việt Nam được đánh giá là ngành sẽ hưởng lợi theo hướng rất tích cực ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực. Bên cạnh đó, một số ngành cũng được hưởng lợi theo hướng tích cực khác có thể kể đến như rau củ quả, hoá chất, điều, cà phê, thuỷ sản và dệt may. Trong khi ngành gỗ có ít tác động, còn ngành sữa sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực theo mức độ nhẹ.

Những ngành sẽ được hưởng lợi

Dự kiến việc thực thi Hiệp định EVFTA sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), tăng 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và tăng 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).

Về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Xét theo ngành hàng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành sang EU dự kiến sẽ đạt kết quả tăng trưởng cao đối với các ngành như sau:

Ngành gạo

Theo báo cáo của SSI, việc EVFTA giảm thuế nhập khẩu sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp gạo tại Việt Nam xây dựng mô hình sản xuất gạo khép kín, cải thiện chất lượng và củng cố thương hiệu trên toàn cầu.

Tuy sản lượng xuất khẩu sang Châu Âu không nhiều so với các thị trường khác, nhưng giá xuất khẩu gạo thương hiệu sẽ cao hơn giá gạo hàng hóa.

Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 21.300 tấn gạo sang thị trường châu Âu, tương đương giá trị 11,4 triệu USD, chỉ chiếm 0,3% tổng sản lượng xuất khẩu gạo.

Trước EVFTA, thuế nhập khẩu đối với gạo Việt Nam là 65-211 EUR/tấn, tương đương từ 5-45%. Khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế này được giảm về 0%, với gạo theo hạn ngạch là 80.000 tấn/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm).

Ngoài ra, thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ đối với gạo tấm sau 5 năm và các sản phẩm từ gạo sau 3-5 năm.

Trong quá khứ, sản lượng gạo xuất khẩu sang châu Âu rất ít do:

  • Chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng
  • Châu Âu chủ yếu tiêu thụ gạo basmati của Ấn Độ thay vì gạo thơm từ các nước như Thái Lan, Việt Nam.

 

Ngành gạo sẽ hưởng lợi tích cực từ EVFTA
Ngành gạo sẽ hưởng lợi tích cực từ EVFTA

Xem thêm tại: Hiệp định EVFTA: Gạo Việt Nam tự tin vào thị trường EU

Ngành Rau quả

Trước khi EVFTA có hiệu lực, rau quả Việt Nam xuất sang Châu Âu đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi GSP, nhưng vẫn ở mức cao, từ 0- 20%.

Từ ngày 1/8/2020, khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được cắt giảm về 0%. Đối với rau quả, EVFTA không hạn chế về kim ngạch và hạn ngạch.

Việt Nam có thể xuất khẩu bất kỳ loại rau quả sang châu Âu, miễn là đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, trong đó có Global GAP và các điều kiện nguồn gốc xuất xứ.

Trong 2 năm đầu tiên kể từ khi EVFTA có hiệu lực, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU được phép lựa chọn giữa GSP hoặc EVFTA. Nếu chọn GSP thì phải đáp ứng quy định của GSP, và nếu lựa chọn EVFTA thì phải đáp ứng quy định của EVFTA.

Mức thuế suất ưu đãi GSP lên mặt hàng rau quả trước và sau EVFTA
Mức thuế suất ưu đãi GSP lên mặt hàng rau quả trước và sau EVFTA

Nguồn: http://macmap.orghttp://argo.gov.vn

Trong 5 năm tiếp theo, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn được phép lựa chọn giữa GSP hoặc EVFTA. Tuy nhiên, cho dù chọn mức thuế theo GSP hay EVFTA thì đều phải tuân thủ quy định của EVFTA. Sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế và tuân thủ hoàn toàn theo EVFTA.

Ngành Thuỷ sản

Theo SSI, tôm nguyên liệu và cá tra sẽ được hưởng lợi ngay lập tức từ EVFTA. Đơn vị này có biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2019 đạt 8,6 tỉ USD, chiếm 3,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,4 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2 tỉ USD. Để tăng trưởng xuất khẩu được bền vững, các doanh nghiệp trong ngành thuỷ sản nên có chứng nhận ASC.

Tuy đây không phải yêu cầu bắt buộc, nhưng chứng nhận sinh thái này đang ngày càng phổ biến đối với các mặt hàng thủy sản nuôi trồng nhập khẩu vào EU. Chứng nhận này gồm có các tiêu chuẩn về tác động môi trường, bảo tồn tài nguyên nước và quần thể hoang dã, bảo đảm quyền lợi của người lao động, … được cấp bởi Hội đồng quản lý Nuôi trồng thủy sản.

Tôm nguyên liệu và cá tra sẽ được hưởng lợi ngay lập tức từ EVFTA
Tôm nguyên liệu và cá tra sẽ được hưởng lợi ngay lập tức từ EVFTA

Ngành Dệt may

Dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định. Về sản lượng, nhìn chung Hiệp định EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030.

Trước EVFTA, xuất khẩu dệt may và da giày của Việt Nam sang EU đang được hưởng ưu đãi theo chế độ GSP tiêu chuẩn, trong đó thuế nhập khẩu hàng may mặc của EU đối với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam là 9,6% đối với hàng may mặc và 11,9% với da giày. Sau khi EVFTA có hiệu lực, đa số các mặt hàng dệt may sẽ được giảm thuế về 0% theo lộ trình 5 năm (chiếm 77,3% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chính) hoặc 7 năm (22,7% còn lại). Trong khi đó, đa số các mặt hàng da giày sẽ được giảm thuế ngay lập tức về 0%.

Ngành dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA
Ngành dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA

Ngành Logistics

Đối với ngành Logistics, Hiệp định EVFTA có thể ảnh hưởng đến triển vọng phát triển ngành logistics ở 2 góc độ:

Thứ nhất, cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và EU trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải;

Thứ hai, cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, thực hiện dịch vụ.

Hiệp định EVFTA có thể ảnh hưởng đến ngành Logistics ở 2 góc độ
Hiệp định EVFTA có thể ảnh hưởng đến ngành Logistics ở 2 góc độ

Những ngành sẽ bị ảnh hưởng

Ở chiều ngược lại, các cam kết trong Hiệp định EVFTA cũng sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh lớn hơn cho ta trong một số ngành, một số ngành sẽ ít hưởng lợi hoặc thậm chí sẽ chịu tác động tiêu cực từ EVFTA.

Ngành gỗ

EVFTA được kỳ vọng là một trong những động lực quan trọng nhằm thúc đẩy mở rộng thị trường cho các hàng hóa của Việt Nam, bao gồm cả gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu vào EU.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU chiếm 6-7% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ vào tất cả các thị trường. Hiện nay, có 117 dòng sản phẩm – chiếm 88% kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019 – đã có mức thuế suất 0% trước khi EVFTA có hiệu lực do đó sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của các dòng sản phẩm này tại thị trường Châu Âu.

Đồng thời, có 104 dòng sản phẩm – chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019 – sẽ được giảm thuế ngay lập tức từ mức 4-1,7% thuế suất về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. Các dòng sản phẩm chiếm tỷ trọng 1% kim ngạch xuất khẩu, sẽ giảm dần thuế trong 4-6 năm sau khi EVFTA có hiệu lực.

Ngành gỗ được dự báo sẽ chịu ít ảnh hưởng từ hiệp định EVFTA
Ngành gỗ được dự báo sẽ chịu ít ảnh hưởng từ hiệp định EVFTA

Ngành sữa

Theo phân tích của các chuyên gia Công ty CP Chứng khoán SSI, sữa là một trong những ngành nông nghiệp phát triển nhất ở châu Âu, hàng năm sản lượng sữa từ châu Âu chiếm khoảng 20% tổng sản lượng sữa trên thế giới. Về thị phần xuất khẩu, châu Âu dẫn đầu với 29% thị phần, tiếp theo là New Zealand với 26,5% thị phần.

Tại Châu Âu, sữa là ngành được bảo hộ rất cao. Các quy định về tổ chức thị trường chung đã được ban hành từ những năm 1960 ví dụ như chính sách can thiệp thị trường bằng cho phép hội đồng Châu Âu hàng năm mua vào 1 lượng lớn bơ và sữa gầy từ nông dân ở mức giá cố định để bình ổn giá và tạo ra mức giá sàn. Hoặc chính sách hỗ trợ kho lưu trữ cho các nhà sản xuất để giao cho các hợp đồng tương lai, cũng như các chính sách hỗ trợ cho chương trình sữa học đường…

Hiện tại, rất ít quốc gia có thể xuất khẩu sữa vào châu Âu, và châu Âu đang áp dụng triệt để các biện pháp bảo hộ, cũng như hàng rào thuế quan và phi thuế quan để bảo vệ ngành sữa trong nước. Hiện tại, Châu Âu chưa cấp phép nhập khẩu các sản phẩm sữa từ Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu sữa từ Châu Âu với giá trị đạt 215 triệu USD năm 2019, chủ yếu từ các nước như Ireland, Germany, Netherland, France and Poland. Sản phẩm Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là Sữa gầy (Skimmend milk powder), bột whey, bơ, pho mát.

Ngành sữa được dự báo sẽ gia tăng cạnh tranh trên sân nhà sau EVFTA
Ngành sữa được dự báo sẽ gia tăng cạnh tranh trên sân nhà sau EVFTA

Theo Hiệp định EVFTA vừa được ký kết, thuế nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa từ EU sẽ được giảm dần theo lộ trình từ mức 5 – 15% về mức 3,5-0% với nhiều mặt hàng như sữa và kem, chưa cô đặc và chưa pha thêm đường hoặc các sản phẩm có chứa thành phần tự nhiên của sữa… Điều này được nhận định sẽ tác động tới các doanh nghiệp sữa Việt Nam, giúp doanh nghiệp Việt gia tăng cạnh tranh trên sân nhà về nguyên vật liệu.

Xem thêm tại: EVFTA và ‘cuộc chiến’ sữa nội-ngoại: Kẻ tám lạng, người nửa cân

Ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội cho việc thúc đẩy tự do hóa ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm của Việt Nam. Tác động của mở cửa dịch vụ với nhóm ngành này là tích cực trên các góc độ cầu về dịch vụ, cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp từ EU.

Theo Báo cáo “Đánh giá tác động của Hiệp định EVFTA tới Việt Nam” của Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), đối với ngành Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm,  Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội cho việc thúc đẩy tự do hóa ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm của Việt Nam. Tác động của mở cửa dịch vụ với nhóm ngành này là tích cực trên các góc độ cầu về dịch vụ, cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp từ EU. Đến năm 2025, xuất khẩu dịch vụ tài chính, bảo hiểm của Việt Nam sẽ tăng khoảng 21%, nhập khẩu sẽ tăng 9,65%.

Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh là rất lớn, đồng thời, áp lực ổn định vĩ mô cũng lớn hơn do mở cửa dịch vụ này làm cho Việt Nam dễ nhạy cảm hơn với các cú sốc từ bên ngoài.

EVFTA tạo cơ hội thúc đẩy tự do ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm của Việt Nam
EVFTA tạo cơ hội thúc đẩy tự do ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm của Việt Nam

Kết luận

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Có thể nói tuy cơ hội của Việt Nam trong thực thi EVFTA là rất lớn nhưng những thách thức cũng không hề nhỏ.

Nhưng phải khẳng định rằng thách thức của EVFTA là thách thức tích cực, là sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Nếu chúng ta không đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu về chất lượng sản phẩm cũng như quy trình sản xuất thì hàng hóa Việt Nam sẽ rất khó thâm nhập được thị trường này.

Tham khảo thêm các bài viết liên quan tại

Hiệp định EVFTA là gì và 5 lợi ích kinh tế có được khi thông qua hiệp định?

New EVFTA- Việt Nam và mối bận tâm sau 9 năm chờ đợi ký kết hiệp định với EU

 

Người thực hiện:

Nguyễn Thị Ngọc Ánh

Mã sinh viên: 18050406

Lớp: QH-2018E-KTQT CLC4