Chuyển đổi số: Cuộc chạy đua khốc liệt giữa các ngân hàng Việt Nam năm 2021

Với lượng dữ liệu khổng lồ, ngân hàng là một trong những ngành đã chủ động lựa chọn tiên phong chuyển đổi số để thích ứng với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Có thể nói, chuyển đổi số chính là một cuộc chạy đua đường dài, đòi hỏi các ngân hàng phải có chiến thuật thông minh và sáng suốt.

1. Chuyển đổi số trong ngân hàng là gì?

Chuyển đổi số trong ngân hàng là việc tích hợp số hóa và công nghệ số vào mọi lĩnh vực ngân hàng. Sự tích hợp này cho phép tạo mới – hoặc sửa đổi các quy trình kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng hiện có nhằm đáp ứng các yêu cầu thay đổi của thị trường và mong muốn của khách hàng.

Ngân hàng số (Digital Banking) là ngân hàng có thể thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng bằng hình thức trực tuyến thông qua internet. Giao dịch của ngân hàng số có thể được thực hiện mọi lúc mọi nơi không phụ vào thời gian và không gian, giảm thiểu tối đa những thủ tục liên quan đến giấy tờ, từ đó mang lại nhiều tiện ích và luôn đảm bảo tính chủ động của khách hàng.

Thực chất, chuyển đổi số trong ngành ngân hàng không chỉ đơn giản là ứng dụng các công nghệ mới như AI, Blockchains và tự động hoá trong quy trình ở cấp độ vi mô; thay vào đó là chuyển đổi toàn bộ mô hình, chiến lược và văn hoá kinh doanh của ngân hàng – trên nền tảng sự đổi mới công nghệ.

AI (Artificial intelligence): Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính (Computer science). Là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người.

Blockchain (hay cuốn sổ cái) là hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin (block) được liên kết với nhau nhờ mã hóa. 

––––––––––––––

Tham khảo thêm: Digital Banking là gì? 4 điều cơ bản cần biết về Digital Banking

2. Tổng quan về tình hình chuyển đổi số của các ngân hàng Việt Nam hiện nay

Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước năm 2021, có đến 95% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược hoặc tích hợp trong định hướng phát triển kinh doanh và công nghệ thông tin.

Nếu như cách đây 2-3 năm, các ngân hàng tại Việt Nam chỉ mới tiếp cận khái niệm công nghệ thì ngày nay cuộc đua về ngân hàng số (digital bank) đã và đang diễn ra khá sôi nổi tại Việt Nam. Điều này giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị, nhiều sản phẩm tài chính, đem lại tiện lợi cho khách hàng… Những ngân hàng có khát vọng chuyển đổi số mạnh mẽ và tận dụng thế mạnh về vốn chắc chắn sẽ có ưu thế phát triển, bứt phá và dẫn đầu trong thời gian tới.

Dự kiến trong vòng 3-5 năm tới, các ngân hàng số sẽ có mức tăng trưởng doanh thu tối thiểu là 10%, và có 58,1% tổ chức tín dụng đặt kỳ vọng thu hút hơn 60% khách hàng sử dụng kênh giao dịch số, kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng đạt trên 50%.

Điều này cho thấy mức độ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển biến mạnh mẽ. Không chỉ chịu sự tác động sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà đại dịch COVID-19 trong khoảng hai năm trở lại đây đã thúc đẩy hệ thống ngân hàng số Việt Nam đang bước vào một giai đoạn then chốt với những cơ hội và thách thức lớn trong công cuộc chuyển đổi số.


3. Tại sao cần chuyển đổi số trong ngành ngân hàng?

Chuyển đổi số trong ngân hàng giúp nâng cao chất lượng dịch vụ

Với sự tiến bộ của công nghệ số và sự phát triển của chuyển đổi số trong ngân hàng, giờ đây, khách hàng chỉ phải mất vài phút để hoàn tất các thủ tục như đăng ký mở tài khoản, chứng từ vay nợ, thanh toán, phiếu kê khai thẻ…mà không cần tốn hàng giờ đồng hồ để nhân viên ngân hàng phân loại, kiểm tra, đối chiếu và xử lý các thông tin như trước đây. Từ đó, Digitbank có thể giúp nâng cao trải nghiệm dịch vụ khách hàng một cách tốt nhất.

Chuyển đổi số trong ngân hàng giúp đồng nhất trải nghiệm giao diện cũng như tính năng của ở mọi nền tảng trình duyệt máy tính, iPad, thiết bị di động, với tốc độ xử lý nhanh chóng giúp khách hàng dễ dàng thực hiện giao dịch ngân hàng bất cứ nơi đâu và bất cứ thời điểm nào.

—————————

Xem thêm: Mobile Money tại Việt Nam: Top 04 điều cần biết về giải pháp đột phá trong cách mạng thanh toán điện tử

Tiếp cận khách hàng dễ dàng với chi phí rẻ hơn

Trong thời đại kỷ nguyên số, các ngân hàng sẽ chủ động hơn về cách thức tiếp cận và thu hút khách hàng như trước. Chuyển đổi số ngân hàng sẽ mở ra một “cánh cửa” mới giúp các tổ chức tài chính tiếp cận khách hàng tiềm năng một cách dễ dàng mà vẫn tối thiểu hóa được chi phí.

Có rất nhiều yếu tố tác động đến tâm lý khách hàng như các nền tảng truyền thông xã hội, các trang web hay quảng cáo… Nếu các ngân hàng có thể thực hiện một số hoạt động tiếp thị trực tuyến tốt, nó sẽ giúp họ tạo dựng niềm tin trong mắt mọi người.

5 điều chuyển đổi số mang lại cho ngành ngân hàng
5 điều chuyển đổi số mang lại cho ngành ngân hàng

Tự động hóa quy trình nhờ chuyển đổi số ngân hàng

So với việc tốn thời gian cho các quy trình xử lý hồ sơ khách hàng và tìm kiếm thông tin, mọi ngân hàng đều cần một phương pháp giúp họ tự động hóa toàn bộ quy trình, để tiết kiệm được nhiều thời gian hơn và phục vụ khách hàng tốt hơn. Chuyển đổi số sẽ giúp ngân hàng giải quyết vấn đề này một cách nhanh gọn.

Cá nhân hóa trải nghiệm người dùng

Chuyển đổi số trong ngân hàng cho phép các tổ chức tài chính biết người tiêu dùng thực sự muốn gì bằng những bộ lọc và hệ thống phân tích thông minh. Từ đó họ có thể tạo ra các dịch vụ tài chính cá nhân và cung cấp theo yêu cầu của khách hàng hơn là phỏng đoán. Những phát triển công nghệ sáng tạo mới cho phép các ngân hàng tăng cường sự tham gia của khách hàng với các dịch vụ cá nhân hóa.

Một tính năng hấp dẫn với khách hàng chính là tùy biến giao diện (tùy chọn các giao diện/ màu giao diện theo sở thích cá nhân). Chỉ cần vài thao tác đơn giản khách hàng có thể dễ dàng chuyển đổi bộ giao diện theo sở thích, giới tính, sự kiện hoặc những ngày đặc biệt. Như vậy, tùy vào mục đích sử dụng của từng cá nhân mà màn hình giao diện của mỗi người dùng sẽ khác nhau, đảm bảo tính tối ưu khi thực hiện giao dịch trên ứng dụng ngân hàng số.

Nâng cao tính bảo mật

Các dịch vụ thanh toán trên di động đang ngày càng được ưa chuộng hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện thanh toán qua Internet vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro: bị đánh cắp mật khẩu, hacker tấn công,… Trưởng Dịch vụ tư vấn An ninh mạng EY Việt Nam cho biết, khảo sát trên 100 ngân hàng số thì có 98 ngân hàng có lỗ hổng an ninh. Do đó, tính bảo mật trong các dịch vụ ngân hàng đã và đang là vấn đề đang được quan tâm hiện nay. Khi áp dụng chuyển đổi số, các thông tin sẽ được bảo mật an toàn nhờ lớp bảo vệ bằng mật khẩu và mã xác thực OTP.

Tính bảo mật trong ngân hàng
Tính bảo mật là vấn đề mà mọi ngân hàng đều quan tâm khi hướng đến chuyển đổi số

4. Giải pháp cho các ngân hàng chuyển đổi số

Nâng cao đào tạo kỹ năng và kỹ thuật số

Để phục vụ cho việc thực hiện mục tiêu mới trong chiến lược chuyển đối số của mình, nhiều ngân hàng đã đầu tư cho Trung tâm học tập và sáng tạo – một không gian đào tạo quy mô, đẩy mạnh đào tạo thế hệ nhân viên ngân hàng các năng lực đáp ứng với tốc độ chuyển đổi mau chóng của ngân hàng.

Tận dụng dữ liệu để thúc đẩy quy trình làm việc thông minh

Việc đồng bộ dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau giúp ngân hàng có cái nhìn tổng thể về khách hàng trong mọi quy trình làm việc tại doanh nghiệp.

Việc khai thác dữ liệu trong toàn bộ quy trình làm việc thúc đẩy các ngân hàng thấu hiểu nhu cầu thực tế của khách hàng một cách rõ ràng và chính xác hơn, từ đó đưa ra các mô hình kinh doanh – tiếp thị hiệu quả, phù hợp với từng nhóm phân khúc khách hàng khác nhau.

Hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp bên thứ ba

Hợp tác với một công ty công nghệ chính là bước đi thông minh cho các ngân hàng trong giai đoạn thực hiện chuyển đổi số. Thực tế, một vài ngân hàng đã nắm bắt cơ hội đẩy nhanh tốc độ tiếp cận thị trường thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác công nghệ quy mô lớn và các công ty tài chính công nghệ (fintech) đảm bảo tiêu chí đáp ứng được đặc thù ngành ngân hàng, vừa có kinh nghiệm triển khai thực tiễn tại thị trường Việt Nam.

Việc thực hiện thành công ba bước trên chính là con đường nhanh nhất để các ngân hàng tăng tốc trong lộ trình chuyển đổi số, chiếm lĩnh vị thế tiên phong trong cuộc đua cạnh tranh ngày càng khốc liệt của ngành ngân hàng.

5. Top những ngân hàng đã áp dụng chuyển đổi số

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Chia sẻ về chiến lược chuyển đổi số tại BIDV, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng số, BIDV, cho biết, là một ngân hàng lớn nên việc chuyển đổi số tại BIDV có nhiều áp lực. Trong quá trình chuyển đổi số, BIDV đã xây dựng kiến trúc hệ sinh thái số chia làm 3 lớp:

  • Lớp thứ nhất là dịch vụ ngân hàng cơ bản (do BIDV sở hữu và quản trị)
  • Lớp thứ hai là dịch vụ ngân hàng bổ sung thêm: dịch vụ quản lý chi tiêu, quản lý thuế… (BIDV vẫn quản lý và sở hữu công nghệ lõi)
  • Lớp thứ ba là các dịch vụ đời sống cho khách hàng: sức khỏe, nhà hàng, nghỉ dưỡng….
BIDV – Ngân hàng số thế hệ mới
BIDV – Ngân hàng số thế hệ mới

BIDV lựa chọn tham gia vào hệ sinh thái của các đối tác. Việc tham gia vào hệ sinh thái của các đối tác và cộng hưởng với đối tác nhằm tạo giá trị tốt nhất cho các bên và đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, từ đó tạo ra sự khác biệt cho ngân hàng.

—————————

Xem thêm: Ngân hàng số là gì? Danh sách ngân hàng số tại Việt Nam năm 2021

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank)

Theo ông Đinh Văn Chiến, Phó Tổng giám đốc TPBank, cho biết, hệ sinh thái ngân hàng số TPBank đang tập trung tại 3 hoạt động chính:

  • Thứ nhất, các ngân hàng đang xây dựng cho mình năng lực công nghệ để phát triển hệ sinh thái
  • Thứ hai, hợp tác với các công ty công nghệ, nhằm cải thiện quá trình giao dịch và cung cấp dịch vụ ngân hàng
  • Thứ ba, các ngân hàng tích cực kết nối với các công ty fintech để cung cấp các sản phẩm để gia tăng giá trị cho khách hàng.
TPBank – Ngân hàng số của tương lai
TPBank – Ngân hàng số của tương lai

—————————

Xem thêm: TPBank – ngân hàng số của tương lai 

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB)

Năm 2016, MB xác định đầu tư nền tảng cho cá nhân (AppMB) và cho doanh nghiệp (BizMB). Gần đây, MB có nghiên cứu và triển khai mô hình smartbank nhằm chuyển đổi từ online sang offline, gộp khoảng 30 loại dịch vụ được thực thi tại Smartbank và triển khai mô hình mới này tại 30 điểm trọng điểm.

MB Ngân hàng số - Trải nghiệm số
MB Ngân hàng số – Trải nghiệm số

Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết: “Tư tưởng xuyên suốt của MB trong thời gian qua là các vấn đề liên quan đến sự khác biệt, chuyển đổi nhanh và sản phẩm tự phát triển và nghiên cứu về công nghệ ”. Mặc dù làm như vậy sẽ khiến cho lực lượng và hệ thống của các đơn vị ở dưới vất vả nhưng khi gặp sự cố sẽ được xử lý nhanh hơn.

Thành quả từ chuyển đổi số là năm 2020 MB đã có thêm khoảng 2 triệu khách hàng mới; 6 tháng đầu năm 2021, ngân hàng có thêm 2,5 triệu khách hàng mới. Trung bình một ngày MB có 1,1 triệu giao dịch và giao dịch trên kênh số chiếm 92-93%. Đến nay, MB đã trở thành ngân hàng có tỷ trọng giao dịch đứng trong nhóm đầu của châu Á.

Xem thêm: TOP 10 NGÂN HÀNG UY TÍN NHẤT VIỆT NAM HIỆN NAY

Lời kết

Như vậy có thể thấy, chuyển đổi số và tạo lập hệ sinh thái ngân hàng số có quá nhiều ưu thế cho các ngân hàng. Chuyển đổi số giúp các tổ chức ngân hàng bắt kịp xu hướng công nghệ và những thay đổi của thị trường nhanh hơn. Đó chính là lý do vì sao chuyển đổi số trong ngân hàng diễn ra vô cùng sôi động tại Việt Nam. Không thể phủ nhận khi ngân hàng số dần trở thành thói quen trong xã hội. 

—————————

Đọc thêm bài viết liên quan tại:

 

3 quy tắc vàng khi vay ngân hàng mua nhà với lãi suất tốt

Bật mí Top 5 Ví điện tử best nhất Việt Nam 2021

Giải pháp chuyển đổi số trong ngành ngân hàng

Người thực hiện:

Đoàn Khánh Linh – 19051124

Bài tập lớn_INE3104 5

One thought on “Chuyển đổi số: Cuộc chạy đua khốc liệt giữa các ngân hàng Việt Nam năm 2021

Comments are closed.