Digital Banking là gì? 4 điều cơ bản cần biết về Digital Banking

Digital Banking là gì

Digital Banking – hay còn gọi là Ngân hàng số – là một thuật ngữ tuy đã xuất hiện trên thế giới từ gần 20 năm trước nhưng đến nay vẫn còn khá xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Vậy Digital Banking là gì và có ưu điểm và nhược điểm như thế nào, hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết này.

1. Digital Banking là gì?

Digital Banking (Ngân hàng số) là hình thức ngân hàng cho phép thực hiện hầu hết các giao dịch tại ngân hàng thông thường bằng hình thức trực truyến qua Internet, bằng việc số hóa tất cả hoạt động và dịch vụ của ngân hàng truyền thống.

Do đó, Digital Banking cũng có các tính năng tương tự như ngân hàng truyền thống, bao gồm:

  • Rút tiền, chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, chuyển tiền quốc tế.
  • Thanh toán các hóa đơn, dịch vụ.
  • Vay nợ ngân hàng.
  • Gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn, không kỳ hạn có lãi suất.
  • Sử dụng các sản phẩm tài chính như mua bảo hiểm, đầu tư chứng khoán…
  • Quản lí tài chính cá nhân và doanh nghiệp.
  • Sử dụng dịch vụ tiện ích khác.

Tại Việt Nam, với sự phát triển mạnh mẽ của việc chuyển đổi số, nhiều ngân hàng cũng mở rộng phạm vi hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh thông qua việc phát triển ngân hàng số. Xu thế phát triển này đã ghi nhận sự có mặt của một số cái tên như: ngân hàng số VCB Digibank Vietcombank, ngân hàng số Timo – Bản Việt, ngân hàng số Yolo – VPBank, ngân hàng số Viettelpay… Việc số hóa ngân hàng có thể nói là quy luật tất yếu của việc phát triển thị trường trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Chỉ cần kết nối mạng là có thể quản lý và giao dịch được nên khách hàng có thể chủ động thực hiện các dịch vụ mọi lúc mọi nơi. Với hình thức ngân hàng số này, khách hàng không cần phụ thuộc vào thời gian cũng như địa điểm các chi nhánh ngân hàng, đồng thời tiết kiệm được đáng kể chi phí và thời gian thực hiện các giấy tờ, thủ tục. Ngoài ra, sử dụng ngân hàng số giúp khách hàng tăng tính bảo mật cho dữ liệu và thông tin cá nhân của bản thân.

________________

Tham khảo thêm: Ngân hàng số là gì? Danh sách ngân hàng số tại Việt Nam năm 2021

2. Phân biệt Digital Banking và Online Banking

Digital Banking (Ngân hàng số) và Online Banking hay E-Banking (Ngân hàng điện tử) là hai khái niệm vẫn bị nhiều người dùng dễ nhầm lẫn với nhau. Vậy nên để hiểu rõ về hình thức ngân hàng này, cần phân biệt digital banking và online banking.

Điểm giống nhau là cả hai hình thức này đều cho phép người dùng quản lý tài khoản và giao dịch trực tuyến, hay thực hiện những chức năng cốt lõi của ngân hàng như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn,…

Tuy nhiên, ngân hàng điện tử chỉ là một dịch vụ tiện ích phát triển thêm của ngân hàng và nó chỉ dừng lại ở tập trung triển khai các tính năng chuyển tiền, thanh toán và tra cứu số dư tài khoản.

Trong khi đó, ngân hàng số như đã nói ở trên, chi tiết và đa dạng các chức năng hơn vì đây là hình thức trực tuyến của một ngân hàng đích thực. Sử dụng ngân hàng số sẽ giúp người dùng thực hiện được tất cả các tính năng, hoạt động của ngân hàng thông thường trên nền tảng số. Khách hàng có thể dễ dàng gửi thắc mắc, hay những yêu cầu của mình đến ngân hàng chỉ với thiết bị di động.

Cụ thể, ngân hàng số và ngân hàng điện tử có thể được phân biệt như sau:

Phân biệt Digital Banking và Online Banking
Điểm khác nhau giữa Digital Banking và Online Banking

________________

Tham khảo thêm: Digital Banking là gì? Phân biệt Digital Banking và Internet Banking

3. Ưu điểm và nhược điểm của Digital Banking

Ưu điểm

Sự ra đời của hình thức ngân hàng này mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng, tự khẳng định mình là một sự cần thiết trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Theo đó, đứng ở vị trí khách hàng, Digital Banking có những ưu điểm sau.

  • Tiết kiệm thời gian và công sức

Hoạt động dựa trên kết nối nền tảng của Digital Banking giúp khách hàng có thể chủ động thực hiện giao dịch và dịch vụ mong muốn ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào, chỉ với điều kiện phải có kết nối Internet. Nếu thông thường, khách hàng phải tìm đến địa chỉ chi nhánh ngân hàng rồi xếp hàng, chờ đợi đến lượt, và sau đó phải mất thêm thời gian xác nhận một số thủ tục cần thiết; thì với Digital Banking, thời gian để một giao dịch được thực hiện chỉ là 1-2 phút.

  • Tiết kiệm chi phí

Nền tảng kỹ thuật số giúp giảm chi phí cho ngân hàng trong việc vận hành tự động thay vì phải thực hiện thủ công. Từ đó, ngân hàng cũng có chính sách giảm hoặc miễn phí một số dịch vụ nhằm cải thiện trải nghiệm khách hàng. Không chỉ vậy, thông qua sự hỗ trợ của dữ liệu mạng và phân tích, xử lý nhanh hơn những biến động của thị trường, trong tương lai, còn có thể tiết kiệm được nhiều chi phí hơn nữa.

  • Bảo mật và an toàn

Thứ nhất, ngân hàng số được xây dựng với nhiều lớp bảo vệ, trong đó cơ chế bảo mật thông dụng nhất là OTP (mã xác thực dùng một lần) mà theo đó, mỗi khi phát sinh giao dịch, khách hàng sẽ nhận được mã OTP và tin nhắn hoặc email thông báo nên có thể giảm thiểu tối đa rủi ro. Ngoài ra, ở một số giao dịch cụ thể, hình thức bảo mật bằng Token cũng được áp dụng.

Ưu điểm của Digital Banking
Tính bảo mật và an toàn của Digital Banking

Thứ hai, sử dụng ngân hàng số giúp khách hàng tránh được việc phải mang một số tiền lớn đến ngân hàng giao dịch trong trường hợp cần thiết. Khi đó, việc vận chuyển số tiền này trên đường tồn tại những rủi ro nhất định, đồng thời, quá trình đếm tiền mặt tại quầy cũng có thể phát sinh lỗi, đem lại những tổn thất không đáng có cho khách hàng.

Nhược điểm

Tuy có nhiều ưu điểm và đem lại nhiều tiện ích, nhưng bên cạnh đó, hình thức ngân hàng số vẫn còn một số hạn chế nhất định khiến nhiều khách hàng còn chần chừ trước việc chuyển sang sử dụng hình thức ngân hàng này.

  • Sự cố mạng và kỹ thuật

Sử dụng Digital Banking yêu cầu người dùng phải kết nối mạng Internet. Trong thời đại 4.0 ngày nay, truy cập Internet chắc hẳn không phải điều gì khó khăn với giới trẻ, nhưng với các khách hàng lớn tuổi, việc làm quen với các ứng dụng công nghệ trong đời sống vẫn còn những trở ngại. Thêm vào đó, chất lượng mạng kém, tốc độ đường truyền chưa cao, hay những lỗi kỹ thuật xảy ra trong quá trình truy cập mạng ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm người dùng.

  • Hacker (tin tặc)

Digital Banking cũng không nằm ngoài nguy cơ đánh cắp thông tin của hacker. Các hacker chuyên nghiệp luôn tìm cách xâm nhập vào tài khoản và đánh cắp dữ liệu người dùng. Nếu các ngân hàng không có lớp bảo vệ đủ mạnh trước hacker, sẽ không chỉ gây ra tác hại, rủi ro rất lớn đến bản thân ngân hàng mà còn đánh mất sự tin tưởng của khách hàng.

Hacker Digital Banking
Bất cứ loại hình online nào cũng đều có thể trở thành đối tượng của hacker

________________

Tham khảo thêm:

Xu hướng ngân hàng số, ưu và nhược điểm trong thời đại 4.0

Bảo mật thông tin khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số

4. Những điều cần lưu ý khi sử dụng Digital Banking

Để hạn chế tối đa những rủi ro của Digital Banking, khách hàng nên nâng cao ý thức của bản thân và chú ý một số lưu ý sau khi sử dụng hình thức này:

  • Bảo mật và tránh chia sẻ cho người khác các thông tin liên quan như: mật khẩu truy cập tài khoản ngân hàng, mật khẩu email cá nhân.
  • Thường xuyên thay đổi mật khẩu và cài đặt mật khẩu với độ khó cao, đảm bảo nguyên tắc an toàn, không chọn chế độ lưu tự động và đăng xuất sau khi sử dụng thiết bị của người khác, thiết bị chung.
  • Trong trường hợp bị mất điện thoại hay thiết bị có ứng dụng ngân hàng số, cần nhanh chóng liên hệ với ngân hàng để thực hiện biện pháp an toàn.

5. Lời kết

Bài viết trên đã giải đáp thắc mắc Digital Banking là gì, ưu điểm và nhược điểm của hình thức ngân hàng này. Mong rằng qua bài viết, các bạn có thể hiểu rõ hơn về ngân hàng số cũng như nắm chắc những lưu ý cần thiết để tránh được rủi ro khi sử dụng.

________________

Đọc thêm bài viết liên quan tại:

Mobile Money: Top 04 điều cần biết giải pháp đột phá trong cách mạng thanh toán điện tử

Bật mí Top 5 Ví điện tử best nhất Việt Nam 2021

Cho vay ngang hàng – P2P lending: Hình thức vay vốn đầy tiềm năng

 

Người thực hiện

Nguyễn Phương Hà – 18041032