Nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu năm 2022

Chuỗi giá trị toàn cầu là gì? 

Chuỗi giá trị toàn cầu là dây chuyền sản xuất kinh doanh được thực hiện trên toàn cầu. Mang đến các giá trị phản ánh chung với các giá trị được tổng hợp trong từng giai đoạn. Trong hoạt động, các giai đoạn có thể được tiến hành với các quốc gia khác nhau. Giúp cho các giá trị tốt nhất được phản ánh quan sản xuất và sản phẩm kinh doanh. Từ đó, chuỗi giá trị toàn cầu được thể hiện có thể là lợi ích nhất thời hay bền vững và ổn định. Phụ thuộc vào tính chất tham gia và khả năng cung ứng của các quốc gia.

1. Tổng quan nền kinh tế của Việt Nam

Những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với những xu hướng trong chuỗi giá trị toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng một thế hệ. Từ năm 2002 đến 2020, GDP đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD. Tỉ lệ nghèo (theo chuẩn 1,9 USD/ngày) giảm mạnh từ hơn 32% năm 2011 xuống còn dưới 2%.

Nhờ có nền tảng vững chắc, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu đáng kể trong những giai đoạn khủng hoảng, mới đây là đại dịch COVID-19. Tăng trưởng GDP giảm xuống 2,58% vào năm 2021 do sự xuất hiện của biến thể Delta nhưng dự kiến ​​sẽ phục hồi lên 5,5% vào năm 2022.

Việt Nam đã đặt ra những tầm nhìn phát triển tham vọng hơn, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Để làm được điều này, nền kinh tế cần tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm khoảng 5% trên đầu người trong 25 năm tới. Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu phát triển theo hướng xanh hơn, bao trùm hơn đồng thời đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

GDP của Việt Nam trong 15 năm qua
GDP của Việt Nam trong 15 năm qua

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP quý IV/2021 tăng trưởng dương 5,22%, trong khi quý III âm 6,17%, kéo theo GDP cả năm tăng 2,58% so với năm 2020. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp và lọt Top 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại quốc tế. Riêng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước.

2. Thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Kết quả mà Việt Nam đạt được trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa

Sau hơn 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, trong đó, lĩnh vực công nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực cho phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện mục tiêu sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh  trong chuỗi giá trị toàn cầu ở mức trung bình cao. Năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019 (theo xếp hạng của UNIDO), trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN.

Trong giai đoạn chiến lược 10 năm qua 2011 – 2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (2010) lên vị trí thứ 22 (2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. một số ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam như khai thác, chế biến, dầu khí, công nghệ thông tin,…tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn cũng như góp phần vào quá trình gia tăng chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động đã ngày càng hướng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%. Xét giai đoạn 2011 – 2020, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo không ngừng được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm (tăng từ 13% năm 2010 lên 14,27% năm 2016; 16,48% vào năm 2019 và đạt 16,7% vào năm 2020).

Công nghiệp hỗ trợ được quan tâm thúc đẩy, tăng cường liên kết, đặc biệt là trong những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản... Cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 44,3% năm 2016 lên 49,8% năm 2020.

Công nghiệp hỗ trợ trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Công nghiệp hỗ trợ trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Cùng với các hoạt động thu hút đầu tư với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế lớn và công ty đa quốc gia hàng đầu tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cũng đã có bước phát triển, vươn lên mạnh mẽ, trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo… như Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát…, đã tạo nền tảng cho công nghiệp hỗ trợ, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Khó khăn thách thức của Việt Nam trong quá trình phát triển công nghiệp nước ta

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam còn đối mặt với những khó khăn, thách thức đặt ta trong quá trình phát triển công nghiệp và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ nhất, sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn đang tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp. Còn có sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa các mắt xích trong nội ngành và giữa các ngành công nghiệp dẫn tới sự phát triển thiếu tính bền vững. Các ngành công nghiệp của ta trong chuỗi giá trị toàn cầu nhìn chung mới chỉ tham gia được vào các khâu trung gian có giá trị gia tăng thấp, chưa chiếm lĩnh được các phân khúc có giá trị gia tăng cao.

Thứ hai, động lực trong chuỗi giá trị toàn cầu của các sản phẩm công nghiệp ở Việt Nam hiện nay vẫn đang chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI, chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây là hệ quả của mối liên kết yếu giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước trong chuỗi giá trị toàn cầu, cho thấy năng lực cạnh tranh còn hạn chế của các doanh nghiệp trong nước để có thể tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Khó khăn trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu hóa
Khó khăn trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu hóa

Thực chất, đây là biểu hiện của tăng trưởng năng suất thấp và khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu yếu của khu vực kinh tế trong nước. Các doanh nghiệp trong nước đa phần quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế), có trình độ công nghệ không cao, năng lực tài chính hạn chế, khả năng tích tụ và đầu tư đổi mới công nghệ thấp, hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao…

Do vậy đã dẫn đến sức cạnh tranh thấp, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hạn chế. Các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn của Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 2%), chưa thực sự đóng vai trò dẫn dắt cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong việc liên kết chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ ba, tính bền vững trong phát triển kinh tế chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh thế giới ngày càng có những diễn biến phức tạp hơn, nhanh hơn và khó đoán định hơn trước. Hội nhập sâu rộng với độ mở của nền kinh tế cao hơn cũng đồng nghĩa với việc chịu tác động trực tiếp hơn, nhanh hơn và mạnh mẽ hơn khi tình hình thế giới gặp biến động.

Trong khi đó, Việt Nam sẽ không chỉ chịu tác động từ phía cầu (thị trường đầu ra), mà còn cả từ phía cung (là kênh cung ứng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước). Tác động của dịch COVID-19 trong năm 2020 vừa qua là một minh chứng điển hình cho tác động đa chiều này đối với nền kinh tế Việt Nam, khi chúng ta cùng lúc gặp cả khó khăn, đứt gãy về thị trường đầu ra cho xuất khẩu, vừa bị đứt gãy nguồn cung phục vụ cho sản xuất trong nước.

Thứ tư, chi phí thương mại của Việt Nam vẫn đang còn ở mức cao, cao hơn mức trung bình của ASEAN về chi phí logistics, chi phí tuân thủ các quy định tại cửa khẩu và sau khi thông quan. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp tác động tới chi phí giá thành của sản phẩm và ảnh hưởng tới sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.

Thứ năm, việc tổ chức, phân bố không gian phát triển các ngành công nghiệp chưa khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của các vùng; chưa hình thành được nhiều cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa để liên kết phát triển theo chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao khả năng tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Cơ hội cho Việt Nam phát triển nền kinh tế nước nhà

Bối cảnh và tình hình thế giới đang đặt ra cho Việt Nam những thách thức to lớn nhưng cũng tạo nên cơ hội vô cùng quý giá để có thể tận dụng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và vươn lên mạnh mẽ, đồng thời thúc đẩy quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Dòng chảy đầu tư của thế giới vốn đang trong quá trình dịch chuyển, cộng thêm tác động của dịch COVID-19 càng làm cho đích đến của các nguồn vốn đầu tư chuyển về các địa bàn có môi trường ổn định, trong đó Việt Nam đang trở thành điểm sáng, ngày càng chiếm được lòng tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thế giới. Tiến trình hội nhập quốc tế với quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam đã tiếp tục giúp nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên chuỗi giá trị toàn cầu.

Quá trình chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư… không chỉ tác động trực tiếp tới các hoạt động thương mại mà còn làm thay đổi sâu sắc các phương thức sản xuất truyền thống. Đây vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội tốt để những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể rút ngắn thời gian để có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhiều hơn.

3. Định hướng lớn giúp Việt Nam nâng cao vai trò, vị thế của mình trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu

Để có thể tận dụng được thời cơ này, giúp Việt Nam có thể nâng cao được vai trò, vị thế trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển bền vững,cần bám sát quan điểm xuyên suốt mà Đảng ta đã xác định, đó là: “Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định”. Trong đó các định hướng cần thực hiện là:

Thứ nhất, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ từng ngành, từng lĩnh vực và khai thác triệt để thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thực hiện số hóa, công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và tăng năng suất, chất lượng lao động trong sản xuất công nghiệp; tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu; kết nối, hợp tác để tăng cơ hội kinh doanh mới, tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia hệ sinh thái số.

Thứ hai, thực hiện có hiệu quả việc phân bổ nguồn lực cho phát triển, tập trung nguồn lực tạo ra các cực tăng trưởng, đầu tàu phát triển mạnh trong các ngành, lĩnh vực. Tiếp tục phát huy vai trò của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân trong nước trong các ngành quan trọng; coi trọng sự đóng góp của khối doanh nghiệp FDI trong việc nâng cao chất lượng chuyển đổi công nghệ, tạo sự kết nối, hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước để nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành.

Thứ ba, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng Chính phủ kiến tạo, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư kinh doanh. Tập trung xem xét xây dựng các Luật mới trong một số ngành, lĩnh vực mới để tạo lập nên các cơ chế mới mang tính nền tảng cho phát triển các ngành, lĩnh vực.

Vai trò của Đảng, Nhà nước trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Vai trò của Đảng, Nhà nước trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Thứ tư, tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đặc biệt là năng lực thực thi và hiện thực hóa các FTA đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu.

Thứ năm, tăng cường thu hút đầu tư để mở rộng sản xuất cho phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh diễn biến phức tạp từ tình hình căng thẳng chính trị, xung đột thương mại và xu hướng bảo hộ mậu dịch trên thế giới. Thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng dựa vào các lợi thế cạnh tranh động để khu vực FDI có thể gắn kết chặt chẽ hơn, đóng góp nhiều hơn vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, và tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất và giá trị tạo ra trong nước.

Kết luận

Nhận thức sâu sắc quan điểm, định hướng của Đảng, ngành Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo hơn nữa để nhất định sẽ thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy và đưa nền kinh tế Việt Nam vươn xa hơn và đạt được vị thế uy tín trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu nhưng đồng thời nâng cao tính độc lập, tự chủ trong phát triển kinh tế của nước ta thời gian tới vừa là yêu cầu, đòi hỏi nhưng cũng vừa là phương châm, cách thức để Việt Nam có thể vượt qua khó khăn, thách thức và tận dụng được những cơ hội để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển sắp tới.

Sinh viên thực hiện: Nguyễn Thị Đào Trang

Mã sinh viên: 19051606

Lớp: QH-2019-E QTKD CLC 3

Mã học phần: INE 3104-3