Công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam gắn với chuỗi giá trị toàn cầu

Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

Phát triển công nghiệp hỗ trợ là mắt xích đóng vai trò quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế. Cùng với tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tuy đã có những bước tiến nhất định, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ để phát triển.

Công nghiệp hỗ trợ là gì?

Theo định nghĩa trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ, công nghiệp hỗ trợ (hay còn gọi là công nghiệp phụ trợ) là các ngành sản xuất nguyên vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.

Chẳng hạn, để sản xuất được một chiếc xe ô tô, doanh nghiệp cần phải lắp ráp rất nhiều linh kiện, phụ tùng khác nhau. Theo các chuyên gia kỹ thuật, lượng linh kiện trong một chiếc ô tô có thể lên tới 30000 chi tiết khác nhau. Doanh nghiệp sản xuất ra những chi tiết, linh kiện đó và cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất ô tô được gọi là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam giai đoạn hiện nay

Những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước trong phát triển công nghiệp hỗ trợ và kết quả đạt được

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018, của Bộ Chính trị đưa ra định hướng: Xây dựng tiêu chí ưu tiên trong lựa chọn phát triển công nghiệp phụ trợ, tập trung vào các khâu còn yếu của chuỗi giá trị sản phẩm hoặc công đoạn quyết định đến chất lượng, giá trị sản phẩm của ngành. Hỗ trợ phát triển các nhà cung ứng trong các ngành công nghiệp ưu tiên, coi đây là cốt lõi của chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Ngày 6/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP, Về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ có tính cạnh tranh cao. Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Công nghiệp hỗ trợ được tạo điều kiện phát triển
Công nghiệp hỗ trợ được tạo điều kiện phát triển

Việc triển khai đồng thời các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đã thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Năm 2018, có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 doanh nghiệp sản xuất vật liệu cho ngành dệt – may, da – giày doanh thu sản xuất, kinh doanh xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng (đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo).

Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam vẫn còn đang ở giai đoạn sơ khai và tồn tại nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Về số lượng, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ còn ít và trình độ sản xuất trung bình, thậm chí còn lạc hậu so với thế giới. Đây chắc chắn là một trở lực lớn cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta.

Những rào cản còn tồn tại trong phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam

Cho đến nay, hệ thống công nghiệp hỗ trợ mới bao gồm các nhóm phục vụ ngành điện tử tin học; dệt may, da giày; sản xuất, lắp ráp ô-tô, xe máy; gia công kim loại phục vụ sản xuất công nghiệp… Tuy nhiên, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của các đối tác và khả năng cạnh tranh đang còn thấp.

Đối với ngành điện tử – tin học, công nghiệp hỗ trợ mới tập trung ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 90% tổng vốn đầu tư. Doanh nghiệp trong nước chiếm 2/3 số cơ sở sản xuất, sử dụng 60% lực lượng lao động, song chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng số vốn đầu tư.

Trong ngành dệt may – da giày, tuy là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng chưa có công nghiệp hỗ trợ thích đáng nên tỷ lệ nội địa hóa đang còn thấp. Nguyên phụ liệu cho ngành dệt may phải nhập khẩu từ 70% – 80%.

Trong ngành ô-tô, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi: mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7% – 10%. Đối với các loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45% đến 55%.

Quy mô công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô còn nhỏ
Ngành sản xuất ô tô trong nước vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô vẫn còn nhiều hạn chế.

Có thể nói, mặc dù có nhiều triển vọng, song do phát triển trên nền sản xuất khép kín, công nghệ nền lạc hậu và đội ngũ doanh nhân chưa có nhiều kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ; với thị trường nhỏ, chưa đủ quy mô sản xuất, giá thành cao, sức cạnh tranh thấp, nên thương hiệu và thị phần của công nghiệp phụ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp sản xuất nội địa còn rất lớn. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, song còn ít doanh nghiệp có chiến lược phát triển dài hạn để có thể đầu tư chiều sâu về thiết bị, công nghệ, quản lý, cũng như nhân lực.

Các doanh nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ còn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là lao động tay nghề cao. Trình độ của đội ngũ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn hạn chế, trong khi đây là nhân tố quyết định đường lối, chiến lược kinh doanh và cách thức vận hành doanh nghiệp, khả năng chấp nhận rủi ro để thực thi các điều chỉnh, cải cách thông qua đầu tư, đổi mới công nghệ, cách thức quản lý…

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp hỗ trợ
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp hỗ trợ

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn lỏng lẻo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chưa phong phú về chủng loại, kiểu dáng và mẫu mã, chất lượng sản phẩm còn thấp, giá thành cao… Hiện nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô-tô, xe máy… hầu như chưa có công nghiệp phụ trợ đi kèm, nên phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến sản xuất còn manh mún, bị động, chi phí cao. Nguyên phụ liệu trong nước chỉ co cụm ở các doanh nghiệp FDI.

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam

Thứ nhất, chưa xây dựng được chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ để các doanh nghiệp dựa vào xây dựng chiến lược phát triển cho riêng mình, từ đó các doanh nghiệp mới có thể yên tâm đầu tư.

Thứ hai, chưa có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là chính sách về vốn vay, lãi suất ưu đãi, chính sách thuế,… ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ.

Thứ ba, chưa có quy hoạch đồng bộ cho phát triển công nghiệp phụ trợ. Mặc dù ngành công nghiệp hỗ trợ đã được quy hoạch tổng thể nhưng việc quy hoạch lại chưa được thực hiện cho từng vùng, miền, địa phương, do đó việc phát triển công nghiệp phụ trợ còn mang tính tự phát, chưa có sự gắn kết giữa phát triển công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp phụ trợ nói riêng.

Thứ tư, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, trình độ công nghệ, kỹ thuật của các doanh nghiệp còn lạc hậu, khó có khả năng chuyển giao công nghệ, đặc biệt là những ngành có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao.

Thứ năm, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ còn lỏng lẻo, nhiều doanh nghiệp FDI muốn tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nhưng còn thiếu thông tin và cơ hội.

Thứ sáu, chưa thành lập cơ quan độc lập của Nhà nước để chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có điều kiện tiếp cận những tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp lớn nhằm học hỏi và ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm.

Thứ bảy, kết cấu hạ tầng phục vụ cho công nghiệp phụ trợ còn yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ gắn với chuỗi giá trị toàn cầu

Chính phủ xác định mục tiêu đặt ra đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và giá trị xuất khẩu chiếm 25% giá trị sản xuất công nghiệp; phấn đấu đạt khoảng 2.000 doanh nghiệp.

Để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đảm bảo nguồn nguyên vậy liệu, linh phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước, trước hết cần xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ phát triển. Định hướng cho các doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị bằng cách áp dụng những điều kiện của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Thu hút doanh nghiệp FDI để đảm bảo có sự liên kết và chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa phát triển.

Một số giải pháp được đề xuất là:

Một là, hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ: Điều chỉnh, sửa đổi những quy định còn vướng mắc trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, ngày 3/11/2015, của Chính phủ “Về phát triển công nghiệp hỗ trợ” liên quan đến phạm vi công nghiệp hỗ trợ; làm rõ tiêu chí xác định đối tượng ưu đãi; rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm công nghiệp phụ trợ ưu tiên phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Hai là, bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp nhằm thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ, khuyến khích các địa phương xây dựng chính sách, chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ riêng, đầu tư nguồn lực trên địa bàn, gắn với việc tuyên truyền, phổ biến chính sách công nghiệp phụ trợ để doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận đầy đủ các chính sách của Nhà nước.

Ba là, phát triển chuỗi giá trị trong nước: Tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bốn là, phát triển và bảo vệ thị trường nội địa: Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và thị trường ngoài nước để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển.

Năm là, nâng cao năng lực doanh nghiệp: Xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng và địa phương, mục tiêu phát triển và nguồn lực sẵn có nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Sáu là, phát triển công nghiệp hạ nguồn. Việc phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh) có vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam.

Kết luận

Qua bài phân tích, ta thấy được tầm quan trọng của việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Một mặt là để đảm bảo tự chủ nguồn nguyên liệu, tự chủ công nghệ sản xuất, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản xuất nội địa, giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất. Mặt khác cũng là để đạt được mục tiêu phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Tuy vậy, thực trạng ngành này của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế về quy mô, chất lượng nguồn nhân lực, hạn chế về công nghệ sản xuất so với khu vực và trên thế giới. Do đó, trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần phải thực hiện nhiều giải pháp một cách đồng bộ, nhằm tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho các doanh nghiệp trong ngành, tạo động lực phát triển cho toàn nền kinh tế.

Sinh viên thực hiện: Nguyễn Tiến Đạt

Mã sinh viên: 19051435

Lớp: QH-2019-E QTKD CLC 3

Mã lớp học phần: INE3104 3