Quản trị đa văn hóa là một phạm trù gắn liền với toàn cầu hóa. Trong một doanh nghiệp có thể hội tụ đủ các văn hóa đến từ nhiều quốc gia khác nhau, đây là một thách thức đối với nhà quản trị khi làm việc trong môi trường đa văn hóa. Bài viết này sẽ giải đáp các thắc mắc về đa dạng văn hóa, quản trị đa văn hóa và các kỹ năng cần thiết của một nhà quản trị đa văn hóa.
Nội dung bài viết
Đa dạng văn hóa
Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Trong cuộc sống hằng ngày, văn hóa thường được hiểu là văn học, nghệ thuật như thơ ca, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh…
Văn hóa là bao gồm tất cả những sản phẩm của con người, và như vậy, văn hóa bao gồm cả hai khía cạnh: khía cạnh phi vật chất của xã hội như ngôn ngữ, tư tưởng, giá trị và các khía cạnh vật chất như nhà cửa, quần áo, các phương tiện, v.v. Cả hai khía cạnh cần thiết để làm ra sản phẩm và đó là một phần của văn hóa.
Sự khác biệt về văn hóa là rào cản đáng kể đối với quá trình hiểu biết lẫn nhau. Ví dụ như người Việt khi ăn khá tự nhiên, có thể cười nói trong suốt bữa ăn, khi nhai không cần khép miệng và vẫn có thể tạo ra tiếng. Thế nhưng, việc đó được cho là ‘’rude’’ (thô lỗ) trong văn hóa phương Tây. Người phương Tây thường khép miệng khi nhai, không tạo ra tiếng ồn và trật tự khi ăn uống. Họ có thể trao đổi vài câu chuyện nhưng không cười đùa ầm ĩ và tuyệt đối không vừa ăn vừa nói.
Xem thêm: Quản trị đa văn hóa là gì ?
Quản trị đa văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa
Quản trị đa văn hóa (Multicultural Management) nghiên cứu con người trong các tổ chức trên toàn thế giới, mô tả hành vi tổ chức thông qua các quốc gia và các nền văn hóa. Quan trọng hơn, nó nghiên cứu nhằm tìm hiểu và thúc đẩy mối quan hệ tương tác giữa các đồng nghiệp, khách hàng và đối tác đến từ các quốc gia và các nền văn hóa khác nhau. Nó mở rộng phạm vi quản trị của các nhà quản trị doanh nghiệp từ trong nước tới phạm vi quốc tế, trong đó bao gồm cả sự đa dạng về văn hóa.
Hiện nay, tốc độ toàn cầu hóa đang tăng nhanh trên toàn thế giới đem đến sự đa dạng hóa trong thị trường lao động. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với các nhà quản trị về tính cấp thiết trong việc nâng cao kiến thức và kinh nghiệm về hoạt động quản trị đa văn hóa. Giống như trong một vườn cây, mỗi loại cây đều có một cách chăm sóc khác nhau, phải tận tâm tìm hiểu,chăm sóc đúng cách thì mới có thể trưởng thành lớn lên mà cho ra quả ngọt.
Các nhân tố ảnh hưởng đến quản trị đa văn hóa
Sự khác biệt văn hóa
Khác biệt văn hóa là việc giữa hai hay nhiều nền văn hóa có những giá trị khác nhau, thậm chí trái ngược nhau tạo nên những nét riêng làm cho có thể phân biệt các nền văn hóa đó với nhau.
Sự giao tiếp
Hiện nay, có ba xu hướng chủ yếu liên quan đế tầm quan trọng ngày càng cao của giao tiếp đa văn hóa:
Thứ nhất, thị trường toàn cầu hóa đồng nghĩa với việc môi trường làm việc ngày càng có nhiều người đến từ khắp nơi trên thế giới.
Thứ hai, sự phát triển trong ngành giao thông – vận tải cũng như công nghệ thông tin làm cho khoảng cách trên thế giới trở nên nhỏ bé hơn và con người trở nên gắn bó hơn.
Thứ ba, ngày càng có nhiều người nhập cư đến từ các nền văn hóa khác nhau, làm thay đổi hình thái của lực lượng lao động của một quốc gia.
Sốc văn hóa
Sốc văn hóa là tình trạng tinh thần và thể chất tác động tới một người khi mọi thứ trước kia từng quen thuộc với họ như ngôn ngữ, thức ăn, tiền tệ, các giá trị,… đột nhiên biến mất bởi vì anh ta đã đi tới một nền văn hóa mới.
Nhà quản trị cần có kỹ năng gì để quản trị đa văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa ?
Có rất nhiều kỹ năng mà một nhà quản trị trong môi trường đa văn hóa cần phải học hỏi. Kỹ năng ngoại ngữ là cánh cửa đầu tiên mở ra sự hiểu biết liên văn hóa (cross – cultural). Hoa Hậu Hòa Bình Quốc Tế năm 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên trong phần thể hiện cuối cùng đã sử dụng tiếng Thái Lan để trả lời cho phần hỏi đáp của mình thay vì tiếng Anh.
Trong kinh doanh cũng vậy, phiên dịch không thể thay thế hoàn toàn cho người đàm phán. Kỹ năng ngoại ngữ giúp cho người làm việc ở môi trường quốc tế nâng cao tính tự chủ, tự tin, thể hiện sự tôn trọng đối với chủ nhân hay khách nước ngoài trong công việc, cũng như giúp xây dựng mối quan hệ và sự tín nhiệm.
Nắm vững ngoại ngữ còn giúp nhà quản trị nâng cao hiểu biết về các nền văn hóa, giảm thiểu những cú sốc về văn hóa, đồng thời cải thiện xác suất thành công khi mở doanh nghiệp ở nước ngoài.
Việc đào tạo về lĩnh vực liên văn hóa rất quan trọng, nhằm giúp con người sống và làm việc thoải mái trong một nền văn hóa khác. Trong một môi trường mà nhân viên có thể thoái mái giao tiếp, thoải mái trao đổi với lãnh đạo và đồng nghiệp thì họ mới có thể làm việc hết hiệu suất. Tuyệt đối đừng để ngôn ngữ trở thành rào cản giao tiếp.
Ngoài rèn luyện kỹ năng đàm thoại ngoại ngữ, các chương trình và tài liệu về lịch sử, văn hóa, các thể chế, địa lý và kinh tế học đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thu nền văn hóa khác biệt.
Một số phương pháp đáng lưu ý bao gồm học cách thích nghi thông qua tiếp xúc các sự kiện liên văn hóa hay các tình huống điển hình, các bài tập trải nghiệm về nhận biết tác động từ hành động của một người lên người khác, cũng như tiếp xúc với văn hóa sắc tộc hay văn hóa nước ngoài để nâng cao sự nhận biết và cảm thông.
Xem thêm: Lãnh đạo trong môi trường đa văn hóa
Kết luận
Để có thể quản trị tốt trong môi trường đa văn hóa, nhà quản trị ngoài việc phải trai dồi kỹ năng ngôn ngữ, họ còn cần phải trau dồi cả những kiến thức về lịch sử, văn hóa, chính sách,… của các đất nước khác nhau trên toàn thế giới. Nếu như nhà quản trị làm được đều này, thì không chỉ nhân viên cảm thấy thoải mái mà còn tôn trọng lãnh đạo hơn, sẵn sàng cống hiến hết mình vì doanh nghiệp.