Công nghiệp điện tử Việt Nam trên bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu thế kỉ 21

Công nghiệp điện tử Việt Nam trên bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu

Công nghiệp điện tử Việt Nam hiện đang được coi là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của nước ta. Có thể nói rằng ngành công nghiệp điện tử ngày nay đã trở thành ngành công nghiệp của tất cả các ngành công nghiệp vì không ngành  nào không liên quan đến điện tử.

Trên thế giới, thị trường sản xuất các mặt hàng cũng rất đa dạng bao gồm từ sản phẩm công nghiệp đến gia dụng như các thiết bị giải trí gia đình, máy quay phim (AV), máy tính, điện thoại cầm tay, đến các thiết bị cho cơ sở hạ tầng internet, thiết bị y tế, ô tô và các thiết bị điện tử trong ô tô…

1. Chuỗi giá trị toàn cầu là gì?

Khái niệm “chuỗi giá trị toàn cầu” bắt nguồn từ khái niệm “Value chain – chuỗi giá trị”, do Michael Porter khởi xướng vào thập kỷ 90 của thế kỷ 20. Theo ông, “chuỗi giá trị là một tập hợp các hoạt động để đưa một sản phẩm từ khái niệm đến khi đưa vào sử dụng và cả sau đó. Chuỗi giá trị bao gồm các hoạt động như thiết kế mẫu mã, sản xuất, marketing, phân phối và dịch vụ sau khi bán cho người tiêu dùng cuối cùng. Những hoạt động này có thể được thực hiện trong phạm vi một doanh nghiệp hoặc được phân phối giữa các doanh nghiệp khác nhau.

Chuỗi giá trị này có thể được thực hiện trong phạm vi một khu vực địa lý hoặc trải rộng trong phạm vi nhiều quốc gia và trở thành chuỗi giá trị toàn cầu – Global value chain. 

2. Chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp điện tử là gì?

Chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp điện tử được hiểu là một chuỗi các hoạt động cần thiết để một sản phẩm hay dịch vụ từ khi chỉ là một ý tưởng. Thông qua các quá trình khác nhau cho tới khi thành sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Khả năng tham gia chuỗi của từng quốc gia còn phụ thuộc tùy vào nhiều yếu tố khác nhau, điển hình là yếu tố công nghệ.

Vì đặc thù của yếu tố này sử dụng giá trị công nghệ khá lớn cho nên sự phát triển công nghệ của từng quốc gia cũng chính là mấu chốt của sự tham gia. Các yếu tố tiếp theo là nguồn nhân lực, khách hàng quốc tế. Đây cũng là những yếu tố chi phối mạnh đến các hoạt động trong chuỗi giá trị toàn cầu. Có thể nói các yếu tố trên đều vô cùng quan trọng và có tác động lớn đến khả năng tham gia và chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp điện tử.

3. Thực trạng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong những năm qua đã có những bước tiến vượt bậc. Nằm trong số các quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN. Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam không ngừng gia tăng về trị giá kim ngạch xuất khẩu. Từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngành điện tử phát triển mạnh mẽ

3.1 Tổng quan về ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

Theo đánh giá của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển khi Việt Nam có vị trí địa lý nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động. Có nguồn lao động dồi dào và được đánh giá là học hỏi nhanh trong khai thác, sử dụng và lắp ráp các thiết bị điện tử, kể cả các thiết bị điện tử hiện đại. Chi phí nhân công lao động tương đối thấp, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp so với các doanh nghiệp trong khu vực.

Điểm nhấn đặc biệt phải kể đến: Việt Nam là quốc gia có an ninh, chính trị ổn định và thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Điều này đã và đang tạo lòng tin cho các nhà đầu tư về một môi trường đầu tư an toàn.

Đinh Thị Trâm – Đại học Lao động – Xã hội bình luận: “Sản phẩm của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam ngày càng phát triển đa dạng, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, mà còn vươn ra xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới với giá trị ngày càng gia tăng.”

Tình hình sản xuất

Theo tổng cục thống kế trong 3 tháng đầu năm 2021, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Sản phẩm chính của công nghiệp điện tử là linh kiện điện tử, điện thoại nguyên chiếc, linh kiện điện thoại, tivi lắp ráp, máy tính bảng, ipad và máy vi tính.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành hàng công nghiệp điện tử giai đoạn 2012-2020 (Nguồn: Tổng hợp từ số liệu Tổng cục thống kê, 2021)
Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành hàng công nghiệp điện tử giai đoạn 2012-2020 (Nguồn: Tổng hợp từ số liệu Tổng cục thống kê, 2021)

Trong giai đoạn 2012 – 2020, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ. Bình quan năm trong giai đoạn này, chỉ số sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 13, 49%, trong đó các năm 2014, 2014, 2017 đặt mức tăng trưởng cao nhất trong cả giai đoạn với hơn 135%.

Bên cạnh đó, theo Tổng cục thống kê, mặc dù sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong tháng 9 đầu năm 2021, chỉ số sản xuất ngành sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,7% với sản phẩm linh kiện điện thoại tăng 43,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình xuất, nhập khẩu 

Với sự phát triển không ngừng, Việt Nam đã trở thành 1 trong những nước xuất khẩu điện tử chính, từ vị trí thứ 47 năm 2001 đã thành nước xếp thứ 8 trong năm 2020. Các thị trường nhập khẩu chính như nhóm hàng điện tử tư Việt Nam là Hoa Kỳ (Mỹ), Châu Âu (EU), Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, … Tất cả đều là đối tác chính của Việt Nam trong nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương.

Top 10 thị trường Việt Nam xuất khẩu hàng điện tử nhiều nhất năm 2020. (Tỷ USD) (Nguồn: Tổng hợp từ dữ liệu của International Trade Center, 2021)

Trong năm 2020, Hoa Kỳ đã vượt Trung Quốc và trở thành đối tác nhập khẩu hàng điện tử nhiều nhất Việt Nam. Trong số các thị trường lớn trên, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang thị trường Mỹ có xu hướng tăng; thị trường EU và Hàn Quốc tương đối ổn định; còn tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Hồng Kông có xu hướng giảm.

Trong giai đoạn cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021, các doanh nghiệp điện tử trong nước cũng đã tiếp cận được nhiều đơn hàng mới. Do đó, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 57,5 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2020; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử đạt 51 tỷ USD, tương ứng tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Bộ Công thương cho biết, với đà tăng trưởng, phục hồi của năm 2021, quý I/2022, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam đã đạt 13,2 tỷ USD, chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này chủ yếu vẫn là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, trong đó xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện sang Hoa Kỳ tăng tới 17,2%, đạt gần 3 tỷ USD.

3.2 Vị thế của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

Trong vòng 10 năm từ năm 2010 đến năm 2019, thứ hạng của Việt Nam trên thế giới xét về giá trị ngành công nghiệp điện tử cũng liên tục tăng và vươn lên vị trí thứ 8 trên thế giới năm 2019. Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (AAGR) của nhóm hàng điện tử Việt Nam trong giai đoạn 2010-2019 đạt mức 37%, vượt xa AAGR của nhóm 10 quốc gia xuất khẩu hàng điện tử đứng đầu thế giới. 

Chỉ số lợi thế so sánh (RCA) ngành điện tử của một quốc gia xuất khẩu lớn năm 2020 (Nguồn: Tính toán từ dữ liệu của ITC, 2021)

Trong năm 2020, nhóm hàng điện tử xuất khẩu của Việt Nam có giá trị chỉ số lợi thế so sánh (RCA) đứng thứ 3, chỉ sau Hồng Kông và Đài Loan trong 10 nước xuất khẩu hàng điện tử chính. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về RCA mặt hàng điện tử Việt Nam đặt mức 14%/năm, cao hơn rất nhiều so với giá trị này của các nước khác trong nhóm 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu mặt hàng điện tử trên thế giới.

Điện tử là nhóm hàng xuất khẩu duy nhất của Việt Nam có xu hướng RCA tăng nhanh qua các năm, ngược với xu hướng giảm chung về RCA của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác. Tuy nhiên, ngoại trừ Mỹ và Đức, hàng điện tử Việt Nam có chung lợi thế so sánh trong ngành với các nước xuất khẩu khác còn lại trong danh sách 10 quốc gia xuất khẩu chính hàng điện tử.

4. Những hạn chế còn tồn tại trong phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

Năng suất lao động trong ngành điện tử Việt Nam còn thấp.
  • Ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn kém, chưa đáp ứng được nhu cầu về nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI. Do đó, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều linh kiện, nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài, chư thể tự chủ nguyên liệu trong sản xuất.
  • Năng suất lao động trong ngành công nghiệp điện tử Việt Nam còn thấp. Mặc dù chi phí lao động tại Việt Nam tương đối thấp so với chi phí lao động của đa số đối thủ cạnh tranh, năng suất lao động thấp khiến chi phí làm ra sản phẩm cao. 
  • Áp lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đè nặng. Áp lực này đang ngày càng đè nặng lên hệ thống đại học Việt Nam. Việt Nam chưa có được đội ngũ đủ mạng để thích ứng với yêu cầu đi trước đón đầu công nghệ, trong khi, “chất xám” của các doanh nghiệp Việt Nam bị thu hút sang các công ty xuyên quốc gia.
  • Tầm và quy mô của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp điện tử Việt Nam còn khá nhỏ. So với thế giới, tầm và quy mô của doanh nghiệp Việt Nam ở sân chơi quốc tế hầu hết còn khá nhỏ. Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu lắp ráp sản phẩm theo thiết kế và linh kiện nhập khẩu nên giá trị gia tăng thấp. Sự thay đổi về cơ cấu sản phẩm từ “cứng” sang “mềm” cũng là hạn chế rất lớn đối với doanh nghiệp sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp điện tử.
  • Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đang mất cân đối. Sự mất cân đối giữa nhập khẩu để kinh doanh và sản xuất để nhập khẩu linh kiện điện tử thấp hơn thuế nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất linh kiện. Do đó, các doanh nghiệp trong nước thiếu vốn và công nghệ tiên tiến sẽ thích kinh doanh linh kiện phức hợp nhập khẩu hơn là tự nhập khẩu linh kiện.

5. Giải pháp giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp điện tử

Để tạo cơ hội cho ngành công nghiệp điện tử phát triển và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành điện tử, đại diện Bộ Công thương cho hay, đã chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng, triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế để góp phần giúp doanh nghiệp trong nước gắn kết với các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, nhà nước cũng cần phải có những định hướng giải pháp cụ thể như:

  • Có chính sách nhanh chóng kịp thời để thu hút nhà đầu tư. Để đón đầu làn sóng FDI dịch chuyển từ Trung Quốc, nhà nước cần có những chính sách nhanh chóng, kịp thời thu hút nhà đầu tư. Việt Nam cần chuẩn bị sẵn mặt bằng, đất sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là các hạ tầng kỹ thuật, điện nước, … để nhà đầu tư có thể triển khai các dự án.
Thu hút đầu tư các ngành công nghiệp trọng điểm, đặc biệt là ngành công nghiệp điện tử Việt Nam
  • Có sự đột phá trong điều hành thực hiện các giải pháp riêng cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. Đẩy mạnh thay đổi và thực thi các giải pháp, chính sách đầu tư và phát triển nghiên cứu các sản phẩm điện tử có tính chiến lược quốc gia, đẩy mạnh thực hiện mua và chuyển giao công nghệ,… Chuyển từ việc cạnh tranh về phí nhân công thấp và khai thác tài nguyên thiên sang cạnh tranh về lợi thế so sánh các hàng hóa và dịch vụ.
  • Đảm bảo xây dựng hệ thống pháp lý, quản lý và kiểm soát tốt ở các cấp. Thực hiện cam kết đã ký kết, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
  • Xây dựng hợp lý các biện pháp bảo vệ thị trường điện điện – điện tử tiêu dùng (như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả  và hàng nhập lậu, …). 

Cùng với những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các doanh nghiệp trong nước cũng cần kết hợp để thúc đẩy xuất khẩu ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.

  • Các doanh nghiệp cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh cá nhân. Doanh nghiệp phải xác định được sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá cùng với đó đẩy mạnh chất lượng sản phẩm, trung thực với tiêu chuẩn và hiệu quả hơn nữa. Các doanh nghiệp điện tử cũng cần tận dụng những lợi thế lớn đến từ các doanh nghiệp lớn trong nước như Samsung, LG, Intel,… 
  • Các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa những hỗ trợ về kỹ thuật. Chú trọng đến sự chuyển giao kinh nghiệm quản lý công nghệ khoa học để phát triển doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành hàng điện tử. Từ đó nâng cao trình độ chuyên môn của lao động trong doanh nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất.
  • Cần tận dụng tối đa lợi thế về việc xóa bỏ hàng rào thuế quan hay giảm thuế để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sản phẩm điện tử sang các nước đối tác.
  • Xác định rõ thách thức lớn đang hiện hữu đó là nguy cơ bị các đối tác điều tra phòng vệ thương mại bởi nhận thức doanh nghiệp về vấn đề này chưa cao, năng lực kháng kiện còn hạn chế và chưa có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước trong xử lý vụ việc hiệu quả. Vì vậy doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị đầy đủ kiến thức và năng lực kháng kiện; phối hợp hiệu quả với cơ quan quản lý nhà nước

6. Kết luận

Qua bài phân tích, ta có thể thấy được thực trạng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp điện tử và vị thế của Việt Nam trên bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu. Ngành điện tử đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế – xã hội Việt Nam trong việc phát triển doanh nghiệp, đem lại nguồn thu cho người lao động và ngân sách nhà nước, thúc đẩy xuất khẩu và đang tạo ra giá trị gia tăng tương đối lớn. 

Tuy nhiên, dù có lợi thế so sánh thương mại và chỉ số tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ngành điện tử cao nhưng chỉ số vị thế của Việt Nam vẫn âm, ngành điện tử vẫn phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp FDI. Từ những hạn chế mà ngành điện tử Việt Nam gặp phải, bài viết đã đưa ra những gợi ý về giải pháp góp phần thúc đẩy sự phát triển cũng như nâng cao vị thế của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Họ và tên: Dương Thị Phương Thúy

Mã sinh viên: 19051595

Lớp: QH-2019-E QTKD CLC3

Mã học phần: INE3104 3

 

 

One thought on “Công nghiệp điện tử Việt Nam trên bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu thế kỉ 21

Comments are closed.