Việt Nam giữ vững vị trí số 2 trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu

Chuỗi giá trị cà phê toàn cầu bao gồm các hoạt động tạo ra và hình thành giá trị mặt hàng cà phê, từ khâu nghiên cứu, trồng trọt, sản xuất, thu gom, chế biến cho đến tiêu thụ, xuất khẩu. Mặc dù là một trong những cường quốc về xuất khẩu cà phê trên thế giới, Việt Nam vẫn chưa thực sự đi sâu vào khâu chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của mặt hàng này.

chuỗi-giá-trị-cà-phê-toàn-cầu
Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị cà phê toàn cầu

1. Thực trạng sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị cà phê toàn cầu

1.1. Sự tham gia của Việt Nam vào khâu sản xuất trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu 

Hiện nay trên thế giới có 80 quốc gia trồng cà phê, tuy nhiên sản lượng chỉ tập trung chủ yếu ở 10 nước với sản lượng ước tính là 149,8 triệu bao đạt được năm 2020, chiếm 87% sản lượng cà phê toàn cầu. Niên vụ 2020/2021, Brazil có sản lượng cà phê lớn nhất thế giới là 62 triệu bao ; thứ hai là Việt Nam với 29 triệu bao ; Colombia với 14,3 triệu bao ; Indonesia với 12 triệu bao ;… (Hình 1)

Top 10 Quốc gia có sản lượng cà phê lớn nhất thế giới

Brazil là nước sản xuất cà phê nhiều nhất thế giới, chiếm 37,4% tổng sản lượng cà phê toàn cầu ; tiếp đến là Việt Nam với tỉ lệ 17,1% ; kế đó là Colombia 8,4% ; Indonesia 7,1% ;… Sản lượng cà phê sản xuất ở 10 quốc gia biến động phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và khí hậu, điển hình là ở 2 quốc gia Brazil và Việt Nam. Sản lượng cà phê ở các quốc gia khác, như : Colombia, Indonesia do xu hướng gia tăng, do đó diện tích trồng cà phê được phục hồi.

Có thể thấy rằng, trong khâu sản xuất, cà phê của Việt Nam đã có vị trí cao trong chuỗi giá trị sản xuất cà phê toàn cầu. Việt Nam hiện đang là nước đứng đầu về sản lượng cà phê Robusta và đứng thứ 2 về tổng sản lượng cà phê sản xuất trên thế giới, chỉ đứng sau Brazil.

1.2. Sự tham gia của Việt Nam vào khâu tiêu thụ trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu 

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn thế giới đạt mức 167,7 triệu bao (60 kg) trong niên vụ 2020/2021, tăng 1,9% so với niên vụ trước. Trong đó, thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất vẫn là Liên minh Châu Âu, Brazil, ASEAN, Mỹ, Nhật Bản.

Các quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất Thế giới năm 2020

Hình 2 cho thấy, EU tiêu thụ cà phê lớn nhất với 39,8% nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn thế giới, sau đó là Brazil với 13,4%, tiếp theo là các nước ASEAN, Mỹ, Nhật Bản. Để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ fofd, Brazil là quốc gia có thị phần xuất khẩu cà phê lớn nhất, chiếm 36,6% thị trường tiêu thụ. Việt Nam đứng vị trí thứ 2 với 17,1% thị phần (Hình 3).

Thị phần xuất khẩu cà phê của các quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới năm 2020

1.3. Sự tham gia của Việt Nam vào khâu thu gom và chế biến trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu

Tại Việt Nam, hoạt động thu gom và chế biến cà phê chủ yếu là thu gom và sơ chế cà phê nhân. Hoạt động chế biến được thực hiện tại các hộ gia đình, các cơ sở thu gom tư nhân và tại các doanh nghiệp.

Năm 2021, Việt Nam có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân với công suất thiết kế 1,5 triệu tấn/năm, tổng công suất thực tế đạt 83,6%. Đối với cà phê rang xay, có khoảng 160 cơ sở chế biến với công suất thiết kế 51,7 nghìn tấn sản phẩm/năm. Trong đó có tới 50% dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình. Chế biến cà phê hoà tan, cả nước có 8 cơ sở với công suất 36,5 nghìn tấn sản phẩm/năm.

Tại Việt Nam, đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến sâu, như : Vinacafe, Trung Nguyên, Nescafe ; một số thương hiệu sản phẩm cà phê rang xay, như : Đắc Hà (Kon Tum), Thu Hà (Gia Lai), Vinacafe, Trung Nguyên. Tuy nhiên, công nghệ chế biến vẫn ở mức độ thấp do vốn đầu tư lớn và điều kiện tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa cao. Máy móc, thiết bị của các nhà máy chủ yếu được sản xuất trong nước, ngoài ra có một số thiết bị được nhập khẩu từ nước ngoài.

Như vậy, sự tham gia của Việt Nam trong khâu thu gom và chế biến chuỗi giá trị cà phê toàn cầu vẫn còn hạn chế. Các phương pháp chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chưa được áp dụng nhiều, công suất chế biến cà phê hoà tan và rang xay duy trì ở mức thấp.

1.4. Sự tham gia của Việt Nam vào khâu xuất khẩu trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu

Xuất khẩu cà phê Việt Nam góp phần rất quan trọng đối với phúc lợi của người dân. Việt Nam mới chỉ tham gia vào thị trường xuất khẩu cà phê từ những năm 1990. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 1995 chỉ mới đạt 3,53 triệu bao, nhưng đến năm 2000 Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Năm 2010, lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 30 triệu bao cà phê các loại, tăng 12,27% so với xuất khẩu niên vụ cà phê 2016/2017.

Năm 2021, giá trị cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt 3 tỷ USD. Hình 4 cho thấy giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam khá ổn định. Điều này giúp Việt Nam giữ vững vị trí là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil.

Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam

2. Giải pháp nâng cao giá trị gia tăng của cà phê Việt Nam trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu

2.1. Về khâu sản xuất

Một là, khai thác và phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để chuyên môn hoá trồng trọ cà phê, tạo lập lợi thế phát triển theo quy mô. Cần đẩy mạnh xu hướng tích tụ và tập trung ruộng đất vào các chủ trang trại giỏi, hình thành các nông trại lớn. Khuyến khích các chủ trang trại cà phê Việt Nam ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trực tiếp với các hãng chế biến và các tập đoàn thương mại cà phê nhân thế giới.

Theo đó, các chủ trang trại cà phê Việt Nam sẽ từng bước nâng cấp chất lượng sản phẩm, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá bán cà phê và nâng cao giá trị gia tăng của khâu trồng trọt cà phê.

Việc điều chỉnh hợp lý diện tích trồng cà phê, tiến hành nghiên cứu đánh giá các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng cũng như yêu cầu sinh học của các loại giống cà phê nhằm xác định số diện tích và số khu vực cần điều chỉnh cho phù hợp là yếu tố rất quan trọng. Các doanh nghiệp địa phương trồng cà phê cần rà soát và phân loại chất lượng trên diện tích cà phê cần trồng lại hoặc chuyển đổi trong thời gian tới, đưa ra những cơ chế hỗ trợ trồng tái sinh cây cà phê hoặc chuyển đổi cà phê.

Hai là, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê Việt Nam cần được khuyến khích thành lập quỹ Xúc tiến thương mại, quỹ Bảo hiểm ngành hàng để thực hiện các chương trình quảng cáo kích cầu cà phê trong nước và khắc phục rủi ro trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trước những biến động tiêu cực của thị trường cà phê thế giới.

Ngoài ra, nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng cà phê Việt Nam cần hướng vào việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững ngành cà phê. Việt Nam cần loại bỏ những diện tích cà phê vối kém hiệu quả, nằm ngoài quy hoạch, trên những vùng đất có điều kiện tự nhiên sinh thái không phù hợp, thiếu nguồn nước tưới,…

2.2. Về khâu thu gom, chế biến

Thứ nhất, cần mở rộng chức năng và tăng cường liên doanh liên kết với các hãng cà phê hàng đầu thế giới để xây dựng các nhà máy chế biến cà phê quy mô lớn, đẩy mạnh hoạt động marketing xây dựng nhãn hiệu riêng và liên kết với các hãng thương mại cà phê để mở rộng mạng lưới phân phối trực tiếp sản phẩm cà phê trên thị trường thế giới.

Theo đó, các nhà máy chế biến cà phê Việt Nam cần phát triển theo mô hình hãng cà phê với thương hiệu riêng, liên kết chặt chẽ với các chủ nông trại cà phê để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác kinh doanh với các công ty thương mại để mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm cà phê chế biến.

Thứ hai, đảm bảo chất lượng sản phẩm chế biến phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần lựa chọn nguyên liệu đầu vào kỹ lưỡng hơn. Trong chế biến, cần đẩy mạnh đầu tư đúng mức vào kỹ thuật, để nâng chất lượng cà phê thành phẩm, dù năng suất giảm, nhưng chất lượng tăng, vẫn có lãi ; xây dựng mô hình quản lý nhằm gắn kết những tác nhân từ quá trình, sản xuất, chế biến cho đến khi sản phẩm hoàn thành và được đưa ra thị trường. Doanh nghiệp nên tổ chức lại các mô hình chế biến cà phê nhân.

2.3. Về khâu xuất khẩu

Tham gia chuỗi thị trường cà phê với tư cách là những nhà xuất khẩu độc lập, mua gom cà phê nhân ở trong nước và bán hàng cho người mua độc lập (có thể là các hãng rang xay hoặc các công ty thương mại).

Tham gia vào chuỗi liên kết phụ thuộc, thu mua gom cà phê hạt trong nước, liên kết với các đối tác nước ngoài (các hãng rang xay, chế biến cà phê hoà tan, các hãng thương mại…) thông qua đầu tư, liên doanh, nhượng quyền thương mại để xuất khẩu trực tiếp cho bạn hàng nước ngoài quen biết, có quan hệ hợp tác chặt chẽ lâu dài để củng cố vị thế của doanh nghiệp mình, với tư cách là nhà cung ứng nguồn cà phê nhân có uy tín, có bạn hàng nhập khẩu ổn định.

Hợp tác trong việc hoàn thiện thể chế giao dịch quốc tế nhằm thực hiện công bằng thương mại đối với mặt hàng cà phê. Nông dân trồng cà phê Việt Nam cần được hướng dẫn thành lập các cơ chế bên cạnh hiệp hội đủ sức mạnh để phát ngôn với các định chế cà phê quốc tế về thực thi công bằng cho nông dân cà phê, ngành cà phê quốc gia. Ngoài ra, Nhà nước cần xem cà phê là ngành hàng mũi nhọn trong nông nghiệp.

2.4. Về phân phối, marketing

Tăng cường đầu tư cho các hoạt động xúc tiến, phát triển thị trường trong nước đối với mặt hàng cà phê nhằm chiếm lĩnh thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Doanh nghiệp phải xây dựng hình ảnh và thương hiệu, chú trọng đảm bảo đem lại sự hài lòng tối đa cho khách hàng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú trọng tăng cường công tác quản trị hệ thống các kênh phân phối mặt hàng cà phê của doanh nghiệp. Việc thay đổi các kênh phân phối là việc làm khó khăn nhất so với thay đổi các yếu tố khác trong chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có một chiến lược để tiếp cận thị trường, đó là thực hiện quản trị kênh phân phối một cách hợp lý, đây là mắt xích quan trọng nhất để có thể mang lại lợi ích cho tất cả đối tác tham gia trong kênh phân phối.

Đồng thời cũng cần phải xây dựng và phát triển thương hiệu. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải có một cái nhìn chiến lược về xây dựng thương hiệu ngay từ thị trường trong nước. Trước hết, doanh nghiệp phải có ý thức tạo ra một sản phẩm chất lượng đủ tốt, thì mới có thể xây dựng được thương hiệu lâu dài.

Bước tiếp theo là lựa chọn mô hình thương hiệu hợp lý và hình thành chiến lược tổng thể cho xây dựng thương hiệu. Lựa chọn mô hình và chiến lược thương hiệu đóng vai trò rất quan trọng vào sự thành công của doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển thương hiệu cho mặt hàng cà phê. Lựa chọn mô hình không hợp lý với chiến lược xa vời thực tiễn có thể dẫn đến thất bại cho doanh nghiệp. Mục đích cuối cùng của chiến lược thương hiệu là làm cho thương hiệu đến được với người tiêu dùng và được người tiêu dùng chấp nhận, yêu mến thương hiệu.

3. Kết luận

Qua bài viết này, ta có thể thấy rằng Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới tuy nhiên giá trị xuất khẩu cà phê chưa tương xứng với tiềm năng. Có thể nói trong ngành nông nghiệp hiện nay, cà phê chỉ đứng sau lúa gạo và có chỗ đứng vững chắc trở thành ngành sản xuất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Để nâng cao giá trị và hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, cần phát triển ngành cà phê Việt Nam theo hướng chuỗi giá trị, tăng cường kết nối sản xuất với thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, hướng tới xây dựng chuỗi giá trị cà phê bền vững.

Bên cạnh đó, để Việt Nam vững bước trên con đường công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước, ngoài phát triển ngành cà phê, các ngành công nghiệp cũng cần được chú trọng phát triển như công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; xây dựng có chọn lọc một số cơ sở công nghiệp nặng về dầu khí, than, xi măng, cơ khí, điện tử, thép, phân bón, hoá chất, một số cơ sở công nghiệp quốc phòng.

Họ và tên: Trần Mai Anh

Mã sinh viên: 19051420

Lớp: QH – 2019 – E QTKD CLC 3

Mã học phần: INE3104 3