Fed tăng lãi suất trong năm 2022: 3 lý do có thể bạn chưa biết

Chủ tịch Fed tại cuộc họp mới nhất - Fed tăng lãi suất

“Fed tăng lãi suất” là từ khoá có lượng tìm kiếm tăng 9,900% so với cùng kỳ năm trước theo thống kê từ Google Ads. Nguyên nhân khiến từ khoá này “hot” như vậy là do Fed đã 3 lần tăng lãi suất trong vòng 6 tháng của năm 2022, tạo ra những tác động vô cùng mạnh mẽ tới thị trường tài chính toàn cầu.

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả sẽ trình bày những nội dung về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các chức năng quan trọng mà tổ chức này đảm nhận, đặc biệt là những lý do khiến Fed liên tục nâng lãi suất trong năm 2022. 

1. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là gì?

Thành lập trên cơ sở Đạo luật dự trữ liên bang được Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson kí kết và Quốc hội Mỹ thông qua vào ngày 23 tháng 12 năm 1913, Cục Dự trữ Liên bang (tiếng Anh: Federal Reserve System – Fed) hay Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ là ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ.

Cơ cấu tổ chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ gồm các bộ phận: Hội đồng Thống đốc, Ủy ban Thị trường mở (FOMC) và 12 ngân hàng dự trữ liên bang khu vực. Chủ tịch hiện nay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là ông Jerome Hayden “Jay” Powell 

Logo Fed - Fed tăng lãi suất
Logo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)

Với việc độc quyền phát hành “đồng bạc xanh”, Fed được coi là tổ chức tài chính quyền lực bậc nhất thế giới, có vai trò quan trọng trong việc hoạch định và điều chỉnh các chính sách tiền tệ không chỉ ảnh hưởng tới Mỹ mà còn rất nhiều quốc gia khác trên toàn cầu.

2. Chức năng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)

Fed thực hiện năm chức năng chính nhằm thúc đẩy sự lành mạnh của nền kinh tế và sự ổn định của hệ thống tài chính Hoa Kỳ:

2.1. Thực hiện chính sách tiền tệ:

Fed đặt ra chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ để thúc đẩy việc làm tối đa, giá cả ổn định và lãi suất dài hạn vừa phải trong nền kinh tế Mỹ

2.2. Thúc đẩy sự ổn định của hệ thống tài chính:

Fed tìm cách giảm thiểu và ngăn chặn rủi ro hệ thống thông qua giám sát và tham gia tích cực ở Hoa Kỳ và nước ngoài; đảm bảo hệ thống hỗ trợ một nền kinh tế lành mạnh cho các hộ gia đình, cộng đồng và doanh nghiệp Mỹ

2.3. Giám sát và Điều chỉnh các Tổ chức và Hoạt động Tài chính:

Fed thúc đẩy sự an toàn và lành mạnh của các tổ chức tài chính riêng lẻ và giám sát tác động của chúng đối với hệ thống tài chính nói chung.

2.4. Tăng cường sự an toàn và hiệu quả của hệ thống thanh toán và quyết toán:

Fed thông qua các dịch vụ cho ngành ngân hàng và chính phủ Mỹ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch và thanh toán bằng đô la Mỹ

2.4. Thúc đẩy Bảo vệ Người tiêu dùng và Phát triển Cộng đồng:

Fed tăng cường giám sát, tái đầu tư cộng đồng, và nghiên cứu nhằm cải thiện sự hiểu biết về tác động của các chính sách và hành vi dịch vụ tài chính đối với người tiêu dùng và cộng đồng

3. Lý do Fed tăng lãi suất trong năm 2022?

“Rõ ràng, việc tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm ngày hôm nay là một bước nhảy lớn bất thường, và tôi cũng không cho rằng việc nâng lãi suất với tốc độ như vậy là phổ biến”, ông Powell – chủ tịch Fed nói trong cuộc họp báo ngày 16 tháng 6 theo giờ Việt Nam sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần thứ ba tăng lãi suất trong năm 2022

3.1. Lý do thứ nhất: Fed tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát

Ngay từ đầu năm 2021, dưới tác động của yếu tố cầu kéo (kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đỉnh dịch Covid-19), giá cả các yếu tố đầu vào (nguyên, nhiên liệu, lương thực..) liên tục tăng từ nửa cuối 2021, đặc biệt khi chiến tranh Nga – Ukraina bùng nổ từ cuối tháng 2/2022 đã khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn, chi phí vận chuyển tăng mạnh; hệ quả là giá năng lượng và hàng hóa thế giới tăng cao. Hầu như tất cả mọi hàng hoá đều trở nên đắt đỏ hơn, đặt ra thách thức cho các hộ gia đình Mỹ và cả uy tín chính trị của Tổng thống Joe Biden.

Việc tăng lãi suất giúp kiểm soát lạm phát có thể hiểu đơn giản như sau:

  • Khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng nghĩa với việc cắt giảm lãi suất cơ bản sẽ khiến lãi suất trên các khoản vay cũng giảm theo. Chi phí đi vay giảm sẽ làm người dân quan tâm hơn đến các khoản vay. Từ đó, lượng tiền được lưu thông và mức tiêu dùng của toàn xã hội  sẽ tăng lên. Cùng lúc đó, cung tiền với giá rẻ làm giá trị đồng tiền của Mỹ so với các loại ngoại tệ khác như Bảng Anh, đồng Yên Nhật, đồng Euro bị thấp đi. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ lạm phát có thể sẽ tăng lên.
  • Ngược lại, khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ, thực hiện tăng lãi suất cơ bản, các ngân hàng thương mại cũng sẽ tăng lãi suất cho vay. Chi phí đi vay tăng lên đương nhiên cũng sẽ làm nhu cầu về tiền giảm xuống. Thay vì đi vay hay dùng tiền, người dân thích gửi tiền vào ngân hàng để được hưởng mức lãi suất cao. Nhu cầu tiêu dùng của xã hội cũng trở nên thấp đi, làm giảm nguy cơ tăng giá hàng hóa. Lãi suất tăng sẽ làm giảm lượng tiền lưu thông ngoài thị trường, ảnh hưởng tích cực lên đồng tiền của quốc gia đó. Vì vậy lạm phát sẽ thấp.
Sự thay đổi của CPI Hoa Kỳ qua các năm - Fed tăng lãi suất
Sự thay đổi của CPI Hoa Kỳ qua các năm

Theo Cục Thống kê Bộ Lao động Mỹ cho biết, lạm phát tại Mỹ đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong 40 năm kể từ tháng 12/1981. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ kỳ vọng lạm phát sẽ giảm mạnh trong năm 2023, với lạm phát tổng quát hạ về 2,6% và lạm phát lõi còn 2,7% – không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 3.

Tuyên bố của Fed sau cuộc họp mới nhất đã loại bỏ một cụm từ mà Fed trước đó thường xuyên dùng rằng FOMC – Ủy ban Thị Trường mở liên Bang “kỳ vọng lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2% và thị trường lao động tiếp tục vững mạnh”. Thay vào đó, tuyên bố chỉ nói rằng Fed “cam kết mạnh mẽ” với mục tiêu lạm phát 2%

3.2. Thứ do thứ hai: Fed tăng lãi suất nhằm đạt được một cú “hạ cánh mềm”

Hiện tại kinh tế Mỹ đã phục hồi tương đối vững chắc sau giai đoạn dài thực hiện chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

Khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát và kinh tế đã tăng trưởng ổn định, thất nghiệp giảm xuống còn 3,8%. Fed bắt đầu tăng lãi suất, thực hiện chấm dứt chương trình mua tài sản đã định ra. Fed hy vọng việc tăng lãi suất có thể làm chậm nền kinh tế đủ để giảm lạm phát, mà không làm tổn hại nó đến mức suy thoái kinh tế, họ có thể tạo nên tiền đề để nền kinh tế Mỹ tăng trưởng bền vững, ổn định hơn

Sự thay đổi của chi tiêu tiêu dùng của Hoa Kỳ qua các năm - Fed tăng lãi suất
Sự thay đổi của chi tiêu tiêu dùng của Hoa Kỳ qua các năm

“Tôi nghĩ rằng có nhiều khả năng chúng ta có thể đạt được cái mà chúng ta gọi là hạ cánh mềm” Chủ tịch Fed – ông Powell nói

Tuyên bố trên của Chủ tịch Fed cho thấy dù việc thắt chặt tiền tệ quá mức bằng cách tăng lãi suất có khả năng dẫn tới kịch bản không mong muốn là suy thoái, nhưng ông vẫn tự tin rằng, nền kinh tế Mỹ đủ khả năng “hạ cánh mềm” khi vừa chế ngự được lạm phát nhanh chóng mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

3.3. Lý do thứ ba: Fed tăng lãi suất để ngăn chặn tình trạng vay tiêu dùng quá mức và các bong bóng tài chính đang nổi lên

Để phục hồi nền kinh tế Mỹ sau cuộc suy thoái kinh tế năm 2001, lãi suất liên ngân hàng đã được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm liên tiếp (từ 6,5% xuống còn 1,75%), theo đó, lãi suất cho vay của tín dụng thứ cấp cũng giảm xuống thấp. Chính sách nới lỏng tiền tệ (chính sách đồng đô la rẻ) đã kích thích người dân vay tiền mua nhà và các tổ chức tín dụng thì sẵn sàng cho vay, đầu tư mạo hiểm.

Tuy nhiên, chính lãi suất thấp lại là nguyên nhân sâu xa gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu 2008 tại Mỹ để rồi sau đó lan ra toàn Thế giới. Giờ đây, với việc Fed tăng lãi suất khiến chi phi đi vay cao hơn, giảm hoạt động vay tiêu dùng quá mức của người người dân, góp phần ngăn ngừa được từ sớm mầm mống của những cuộc khủng hoảng như vậy

Tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ - Fed tăng lãi suất
Tỷ lệ thất nghiệp tại Hoà Kỳ

Bên cạnh đó, việc Fed tăng lãi suất cũng khiến cho dòng vốn chảy vào các kênh đầu tư ít rủi ro như vàng, trái phiếu, đồng thời “tháo chạy” khỏi các tài sản có tính rủi ro cao như cổ phiếu công nghệ hay tiền kĩ thuật số.

  • Cụ thể, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục chứng kiến đợt bán tháo phiên ngày 13/6 trong bối cảnh giới đầu tư gia tăng quan ngại về rủi ro suy thoái trước cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Chỉ số S&P 500 giảm mạnh trong phiên này, thiết lập vùng đáy mới trong năm 2022 và chính thức rơi vào “thị trường gấu” – thị trường đầu cơ giá xuống.
  • Theo CNBC, chốt phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 giảm 3,88%, về còn 3.749,63 điểm. Đây là mức chốt thấp nhất của chỉ số này kể từ tháng 3/2021, đồng thời nâng mức giảm của chỉ số so với mức kỷ lục thiết lập hồi tháng 1 lên hơn 21%. Thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ chính thức chìm vào “thị trường gấu” (được định nghĩa là giảm từ 20% trở lên so với đỉnh) sau khi gần chạm mức này cách đây 3 tuần. Lần gần đây nhất S&P 500 rơi vào “thị trường gấu” là tháng 3/2020, khi Covid-19 mới trở thành đại dịch toàn cầu.
  • Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, việc Fed tăng lãi suất nhằm làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế đã tạo tâm lý bi quan, dòng tiền, trong đó có dòng tiền nhà đầu tư ngoại rút ra khỏi các thị trường. Trong phiên 15/6, VN-Index giảm 16 điểm do đầu tư “nín thở” chờ động thái nâng lãi suất tiếp theo. Có thể thấy dòng tiền nhà đầu tư vẫn rất thận trọng trước những diễn biến tiêu cực của chứng khoán Mỹ.
  • Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 18 tháng khi cuộc khủng hoảng tiền điện tử ngày càng sâu sắc. Lúc kết thúc ngày 15/6 theo giờ Việt Nam, Bitcoin có giá chỉ 20.076,05 USD, kéo theo các loại tiền điện tử nhỏ hơn giảm giá theo, với Ethereum giảm mạnh xuống gần 1.100 USD. Dữ liệu từ CoinMarketCap cho thấy tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền điện tử đã lần đầu tiên kể từ năm 2021 giảm xuống dưới 1.000 tỷ USD.

Có thể thấy, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất đã góp phần ngăn chặn dòng tiền đã và đang chảy vào ngày một nhiều, tạo nên những “bong bóng tiền số”, “bong bóng chứng khoán” vượt quá giá trị thực có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, gây ra những thiệt hại lớn với các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức hay thậm chí là cả một quốc gia như El Savador…

4. Phần kết

Báo cáo cho thấy lạm phát tại Mỹ đã lập đỉnh 40 năm trong tháng 5 theo dữ liệu từ Bộ Lao động nước này đã buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải đẩy nhanh cuộc chiến chống lạm phát. Ngày 15 tháng 6 vừa qua, cơ quan này đã thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 75 điểm cơ bản (0,75%) – mạnh nhất kể từ năm 1994. Hồi tháng 5, họ cũng đã nâng lãi thêm 0,5% – cao nhất trong 22 năm. Trong cuộc họp liền trước đó vào tháng 3, Fed áp dụng mức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm (0,25%)

Nhìn chung, ba lần tăng lãi suất vừa qua đã và đang phản ánh đúng kịch bản Fed tăng lãi suất 7 lần trong năm 2022 được nhiều nhà hoạch định chính sách, tổ chức tài chính uy tín dự đoán.

Có thể khẳng định, “Fed tăng lãi suất” sẽ vẫn là cụm từ được giới tài chính trên thế giới nhắc tới ngày một nhiều hơn trong năm 2022 khi mà lạm phát đang gia tăng, nguy cơ “bong bóng tài chính” hiện diện trên phạm vi toàn cầu. Thực tế đó đòi hỏi Fed – Ngân hàng trung ương của quốc gia dẫn dắt nền kinh tế Thế giới – Hoa Kỳ phải có những bước đi thật sự kỹ lưỡng và phù hợp trong việc tăng lãi suất nhằm đảm bảo sự lành mạnh của nền kinh tế và sự ổn định của thị trường tài chính không chỉ tại nước Mỹ mà là trên toàn Thế giới.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế hàng đầu, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất đã đang và sẽ có những tác động lớn đến kinh tế Việt Nam, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những biện pháp ứng phó linh hoạt và phù hợp nhằm hạn chế những tiêu cực mà một nền kinh tế đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế như nước ta có thể gặp phải.

 

Sinh viên thực hiện: Đỗ Đức Thắng

Mã sinh viên: 19051576

Mã lớp học phần INE3104 3

One thought on “Fed tăng lãi suất trong năm 2022: 3 lý do có thể bạn chưa biết

Comments are closed.