Cộng đồng kinh tế ASEAN (tiếng Anh: ASEAN Economic Community, viết tắt: AEC) là một khối kinh tế khu vực của 10 quốc gia thành viên ASEAN chính thức. AEC được thành lập vào 31/12/2015 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 tại Malaysia nhằm mục đích tạo dựng một thị trường cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề trong ASEAN.
Bản chất của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)
AEC thực chất là đích hướng tới của các nước ASEAN thông qua việc hiện thực hóa dần dần 04 mục tiêu: Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung; Một khu vực kinh tế cạnh tranh; Phát triển kinh tế cân bằng; Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Trong 04 mục tiêu này, chỉ mục tiêu thứ nhất được thực hiện tương đối toàn diện và đầy đủ thông qua các Hiệp định và thỏa thuận ràng buộc đã ký kết, các mục tiêu còn lại mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng lộ trình, khuôn khổ, thực hiện một số chương trình và sáng kiến khu vực. Do vậy có thể nói, AEC thực chất chưa phải là một cộng đồng kinh tế gắn kết bởi AEC không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và những điều lệ, quy định có tính chất ràng buộc cao và rõ ràng.
Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam
Câu hỏi đặt ra là, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã mang lại cho Việt Nam những cơ hội nào, và đâu là những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt?
Cơ hội
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã và đang mang lại nhiều lợi ích, cơ hội cho các nước thành viên, trong đó có Việt Nam:
Thứ nhất, AEC mở ra một khu vực thị trường chung rộng lớn: Đây được xem là cơ hội lớn nhất mà Cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại cho nền kinh tế các nước trong khu vực nói chung và cho Việt Nam nói riêng. AEC khiến cho việc giao thương quốc tế giữa các nước trong nội khối trở nên vô cùng thuận lợi với gần như toàn bộ hàng hóa được tự do lưu chuyển giữa các quốc gia thuộc ASEAN. Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam và các nước trong khu vực.
Thứ hai, AEC mở ra cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam:Thực tế, FDI đang là một trong hai động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam, bên cạnh xuất khẩu. Vì vậy, việc gia tăng đầu tư nội khối giữa các nước ASEAN nói chung và từ ASEAN vào Việt Nam nói riêng có vai trò then chốt trong tiến trình thu hút vốn đầu tư, phục vụ cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ngoài xu hướng đầu tư nội khối đang ngày càng trở nên quan trọng với các nước trong khu vực, các quốc gia ASEAN đều cam kết hướng tới một môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch nhằm tăng cường các dòng đầu tư và thu hút thêm các nhà đầu tư ngoại khối, đặc biệt là các đối tác lớn của ASEAN thông qua các hiệp định thương mại tự do như Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Thứ ba, AEC thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam: Tham gia vào một sân chơi chung và chịu áp lực cạnh tranh từ các đối tác khu vực cả về trình độ quản lý, công nghệ và nhân lực chính là một trong những động lực thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng tự cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tồn tại, thích nghi và phát triển.
Thứ tư, Củng cố địa vị quốc gia: Tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam có cơ hội củng cố địa vị quốc gia trong quan hệ giữa các nước trong và ngoài khu vực. Đây là điều kiện không thể thiếu đối với mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế và tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thách thức
Bên cạnh những cơ hội đầy hứa hẹn mà Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mang lại, vẫn tồn tại những thách thức mà Việt Nam phải đối diện:
Thứ nhất, Sức ép cạnh tranh:Thực tế, chất lượng của nhiều loại hàng hóa – dịch vụ của Việt Nam chưa thể cạnh tranh được với hàng hóa – dịch vụ của một số nước ASEAN. Hơn nữa, hàng hóa – dịch vụ của 10 nước ASEAN được đánh giá là có tính tương đồng cao, cơ cấu gần giống nhau, kéo theo tính loại trừ cũng cao, đặc biệt là khi hàng hóa được tự do lưu chuyển trong toàn ASEAN nhờ vào Cộng đồng kinh tế ASEAN. Không những vậy, nhiều nước thuộc ASEAN, đặc biệt là các nước ASEAN+ đã có bề dày kinh nghiệm và có sự chuẩn bị tốt về sản xuất, quản lý, công nghệ phục vụ cho mục tiêu hội nhập. Nếu hàng hóa từ các nước ASEAN tự do tràn vào Việt Nam, trong khi doanh nghiệp Việt lại chưa có chỗ đứng trên thị trường nước ngoài, thì vị thế của doanh nghiệp Việt sẽ trở nên mờ nhạt kéo theo hoạt động kinh doanh trong nước và quốc tế có diễn biến khó khăn hơn bao giờ hết.
Thứ hai, Thách thức về dịch vụ:Với mục tiêu tự do lưu chuyển hàng hóa của Cộng đồng kinh tế ASEAN, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam chắc chắn sẽ bị đặt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều. Lí do là bởi hiện nay, các rào cản/điều kiện đối với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn tương đối cao, do đó doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam hiện đang được “bao bọc” khá kỹ lưỡng trong nhiều lĩnh vực dịch vụ.
Thứ ba, Thách thức về lao động:Tiến trình hội nhập kinh tế đòi hỏi các quốc gia một lượng lớn lao động chuyên nghiệp, lành nghề, có trình độ cao, được tiếp cận và làm chủ công nghệ và đội ngũ quản lý được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, lao động tay nghề kém, thiếu tính chuyên nghiệp và còn yếu về các kỹ năng cần thiết cho hội nhập vẫn còn tồn tại rất nhiều trong đội ngũ lao động của Việt Nam, trở thành một vấn đề mang tính dài hạn mà Việt Nam cần nỗ lực giải quyết.
Kết luận
Không thể phủ nhận rằng, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã đem lại cho các quốc gia thành viên nói chung và Việt Nam nói riêng những cơ hội to lớn, góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trên chặng đường hội nhập này, như sức ép cạnh tranh hay chất lượng nguồn lao động chưa cao. Những vấn đề tiềm tàng này cần được nhìn nhận và giải quyết một cách triệt để.