Phụ thuộc vào xuất khẩu của khu vực FDI: 3 Rủi ro shock – Special Alert

Title image1 - xuất khẩu, FDI

Nền kinh tế của Việt Nam trong những năm qua phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Xuất khẩu của khu vực FDI đã đem lại những lợi ích tích cực như bổ sung nguồn vốn đầu tư cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều chỉ chú ý đến những lợi ích mà Việt Nam thu được từ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhưng ít ai nói đến hậu quả khi Việt Nam quá phụ thuộc vào xuất khẩu của khối FDI.

Thực trạng xuất khẩu của khu vực FDI tại Việt Nam

Trong ba thập kỷ qua, Việt Nam coi thương mại và đầu tư nước ngoài là công cụ chủ yếu để chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế. Từ khi thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài đến nay, Việt Nam đã thu hút hơn 30000 dự án đến từ 130 nước và vùng lãnh thổ. FDI đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2007, khu vực kinh tế trong nước đóng góp 42,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng đến năm 2016 tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 28,5%. Trong khi đó, tỷ trọng của khu vực doanh nghiệp FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 57,2% năm 2007 lên 71,5% năm 2016.

Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu của khu vực FDI
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Khối FDI ngày càng giành lợi thế hơn về xuất khẩu và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 4 năm liên tục. Doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm tỷ trọng 27,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu đạt được năm 2017, trái lại, doanh nghiệp thuộc khu vực FDI lại chiếm tới 72,6%. Vào năm 2019, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp một con số khổng lồ 67,8% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Sự xuất hiện của doanh nghiệp FDI đã làm thay đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu. Năm 2010, xuất khẩu hàng thô hoặc sơ chế chiếm 30,8% nhưng đến năm 2019 đã giảm xuống còn 20%; ngược lại, tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm chế tạo sử dụng công nghệ cao tăng lên một cách mạnh mẽ. Xuất khẩu hàng hóa đã chuyển từ xu hướng dựa vào dầu thô sang tập trung vào hàng điện tử và linh kiện. Tuy nhiên, nhóm hàng điện tử công nghệ cao này đều nằm trong tay các doanh nghiệp FDI.

Doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế về hàng điện tử - xuất khẩu
Doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế về hàng điện tử

Các doanh nghiệp FDI không chỉ chiếm ưu thế ở nhóm hàng điện thoại và linh kiện, máy vi tính, linh kiện và hàng điện tử, mà còn ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng trưởng các mặt hàng công nghiệp chế biến, giày dép, hàng dệt may,… Xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khối FDI. Điều này có thể khiến hoạt động xuất khẩu trở nên bấp bênh và giá trị thu được từ sản xuất và xuất khẩu đối với Việt Nam không cao.

Rủi ro từ việc phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu của khu vực FDI

#1 Doanh nghiệp FDI thu hẹp quy mô sản xuất

Việc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu của khu vực FDI có thể tiềm ẩn không ít rủi ro. Nếu công ty FDI quyết định ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô hoạt động tại Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ngay cả khi các công ty này không có kế hoạch sớm thu hẹp quy mô hoạt động tại Việt Nam, phụ thuộc vào xuất khẩu và FDI sẽ khiến hoạt động kinh tế của Việt Nam rất dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc bên ngoài.

#2 Biến động quốc tế ảnh hưởng tới xuất khẩu

Tác động từ đại dịch COVID-19 đang diễn ra là một lời nhắc nhở rõ ràng về lỗ hổng này. Đến tháng 7 năm 2020, mặc dù Việt Nam vẫn duy trì được tình hình xuất khẩu khá ổn định, nhưng nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chủ chốt suy giảm đã khiến nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải cắt giảm sản xuất và sa thải lao động, đặc biệt là trong các ngành thâm dụng lao động như may mặc và da giày.

COVID-19 ảnh hưởng tới sản xuất - xuất khẩu
COVID-19 ảnh hưởng tới sản xuất

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Những lo ngại bắt đầu xuất hiện trở lại ở châu Á, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch tiếp theo như Trung Quốc, Hàn Quốc,… Tình hình này đã khiến nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế để phòng ngừa sự lây lan của dịch, có thể dẫn đến cản trở đà tăng trưởng của xuất khẩu.

#3 Doanh nghiệp FDI đóng cửa cơ sở sản xuất

Trong thời gian gần đây, làn sóng các công ty đa quốc gia rút khỏi Trung Quốc hoặc đa dạng hóa sản xuất trong những năm qua cũng gây báo động cho các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam. Trong tương lai, điều tương tự cũng có thể xảy ra với Việt Nam khi chi phí lao động tăng cao có thể khiến cho các công ty đa quốc gia cân nhắc lại về việc duy trì cơ sở sản xuất.

Việt Nam đang mất dần lợi thế thu hút FDI so với các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, do mất dần lợi thế về nhân công, tài nguyên và chính sách ưu đãi. Đặc biệt, gần đây, sự trỗi dậy của Ấn Độ cũng có thể coi là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc thu hút FDI.

Việt Nam có thể làm gì để thay đổi tình hình?

Cải cách về môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính và chống tham nhũng cũng đã được thực hiện nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ những cải cách này, nhưng lợi ích của các doanh nghiệp trong nước sẽ đáng kể hơn do quy mô và nguồn lực hạn chế khiến họ gặp khó khăn hơn trong việc đối phó với các rào cản kinh doanh.

Tăng cường năng lực xuất khẩu
Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp nội

Giải pháp quan trọng là tăng cường năng lực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước để họ có thể đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế. Giải quyết vấn đề trong xuất khẩu không phải là kéo giảm sức cạnh tranh của khu vực FDI mà phải tìm cách nâng cao năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước, khuyến khích họ mở rộng kinh doanh, đặc biệt là vào các lĩnh vực sản xuất và công nghệ cao, để củng cố nền tảng công nghiệp trong nước của Việt Nam.

Một ví dụ điển hình hiện này là Chính phủ hỗ trợ VinGroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, mở rộng sang các ngành công nghiệp ô tô, điện tử và công nghệ cao. Nếu thành công, những doanh nghiệp như vậy sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam mà còn tạo ra nhiều giá trị xuất khẩu hơn cho đất nước. Các chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước có thể giúp Việt Nam vừa tận dụng tối đa dòng vốn FDI, vừa tăng cường năng lực sản xuất cũng như xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng cần thay đổi chính mình. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải điều chỉnh lại tầm nhìn, tư duy kinh doanh và cách ứng xử cho phù hợp với hoàn cảnh mới; cần sớm bỏ tư duy manh mún, chộp giật để xây dựng một định hướng cho hoạt động kinh doanh trên thị trường khu vực và quốc tế.

Lời kết

Mặc dù đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, việc phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu của khu vực FDI cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về kinh tế cho Việt Nam. Điều này đòi hỏi những biện pháp mạnh mẽ để giúp Việt Nam vừa tận dụng tối đa dòng vốn FDI, vừa tăng cường năng lực sản xuất cũng như xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Xét cho cùng, các nhà đầu tư nước ngoài có thể đến và đi, trong khi các doanh nghiệp trong nước sẽ luôn ở lại, thành công của họ sẽ là chìa khóa cho sự tự cường và thịnh vượng lâu dài của Việt Nam.

Tìm hiểu thêm các bài viết khác trên clibme.com:

5 Vai trò quan trọng và những ảnh hưởng tiêu cực của FDI đến kinh tế Việt Nam

Việt Nam năm 2021- điểm “hot” trong thu hút FDI

Incoterms 2020 có gì thay đổi so với Incoterms 2010?

Người thực hiện: Nguyễn Thị Minh Châu – 16042176

QH2018-E-KTQT NN