Tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch lần thứ tư bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 đã gây sức ép nặng nề lên mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân khi lan rộng ra hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai…, nơi tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế và thu ngân sách.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết vào ngày ngày 15-11-2020 đã mang đến nhiều ý nghĩa tích cực cũng như kỳ vọng sẽ tạo xung lực mới cho kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.
Bài viết sau đây sẽ cung cấp đến bạn những kiến thức cơ bản nhất về Hiệp định RCEP. Hiệp định RCEP là gì, các đặc điểm chính của Hiệp định RCEP, ý nghĩa của RCEP với Việt Nam và Asean. Đặc biệt, bài viết sẽ phân tích những cơ hội và áp lực cho Việt Nam khi Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Từ đó, đưa ra một số khuyến nghị cho doanh nghiệp nhằm tận dụng triệt để tiềm năng của hiệp định.
Nội dung bài viết
Hiệp định RCEP là gì?
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership, viết tắt RCEP) là một hiệp định thương mại tự do bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) hướng tới mục tiêu hình thành Hiệp định thương mại tự do Đông Á và khởi đầu cho Đối tác Kinh tế toàn diện Đông Á.
Hiệp định RCEP được khởi động vào tháng 11 năm 2012 với mục đích thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu hơn giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, tập trung vào thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.
Sau tám năm kể từ khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bắt đầu khởi xướng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ngày 15-11-2020, 10 quốc gia ASEAN và 5 nước đối tác (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) chính thức ký kết RCEP.
Theo quy định của Hiệp định RCEP, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm: Có ít nhất 06 nước ASEAN và 03 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định và nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký ASEAN. Đến ngày 02/11/2021, đã có 06 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và 04 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Ốt-xtrây-li-a và Niu Di-lân nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN.
Như vậy, Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm: Tóm tắt Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)
Các đặc điểm chính của Hiệp định RCEP
Hiện đại.
Hiệp định RCEP là một hiệp định không chỉ được xây dựng cho hiện tại mà còn là một hiệp định cho tương lai. Hiệp định tổng hợp phạm vi của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) ASEAN+1 hiện có (các FTA của ASEAN với năm đối tác đối thoại) và cân nhắc về những thực tiễn thương mại mới nổi hoặc đang thay đổi, bao gồm thời đại của thương mại điện tử, tiềm năng của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, sự phát triển sâu rộng của chuỗi giá trị khu vực và sự phức tạp của cạnh tranh thị trường. Hiệp định RCEP được xây dựng và bổ sung thêm dựa trên Hiệp định WTO, trong những lĩnh vực mà các Bên đã đồng ý cập nhật hoặc vượt ra ngoài các điều khoản của Hiệp định.
Toàn diện.
Hiệp định RCEP là toàn diện, cả về phạm vi và chiều sâu của các cam kết. Về phạm vi, Hiệp định RCEP có 20 Chương và bao gồm nhiều lĩnh vực trước đây chưa được đề cập trong các FTA ASEAN+1. Hiệp định RCEP có các điều khoản cụ thể liên quan đến thương mại hàng hóa, bao gồm cả quy tắc xuất xứ; thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại; các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá mức độ phù hợp; và phòng vệ thương mại. Hiệp định cũng đề cập đến thương mại dịch vụ, bao gồm các điều khoản cụ thể về dịch vụ tài chính; dịch vụ viễn thông; các dịch vụ chuyên nghiệp, và sự di chuyển tạm thời của các thể nhân. Ngoài ra, Hiệp định còn có các chương về đầu tư; sở hữu trí tuệ; thương mại điện tử; cạnh tranh; doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME); hợp tác kinh tế và kỹ thuật; mua sắm công; và các lĩnh vực thể chế pháp lý, bao gồm giải quyết tranh chấp. Về tiếp cận thị trường, Hiệp định RCEP đạt được tự do hóa trong thương mại hàng hóa và dịch vụ và mở rộng phạm vi cam kết về đầu tư.
Chất lượng cao.
Hiệp định RCEP có các điều khoản vượt ra ngoài khuôn khổ các FTA ASEAN+1 hiện có, đồng thời ghi nhận mức độ phát triển và nhu cầu kinh tế riêng lẻ và đa dạng của các Bên tham gia RCEP. Hiệp định RCEP giải quyết các vấn đề cần thiết để hỗ trợ các Bên tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, đồng thời bổ sung các cam kết tiếp cận thị trường với những quy tắc cho phép mở cửa thương mại và đầu tư, nhằm tạo thuận lợi cho kinh doanh đồng thời với duy trì các mục tiêu chính sách công hợp pháp. Hiệp định RCEP cố gắng thúc đẩy cạnh tranh bằng cách thúc đẩy tăng năng suất bền vững, có trách nhiệm và mang tính xây dựng. Ngoài ra, Hiệp định RCEP còn có giá trị khác là tập hợp một bộ quy tắc giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và mở rộng chuỗi cung ứng khu vực giữa các Bên.
Đôi bên cùng có lợi.
Hiệp định RCEP bao gồm các quốc gia có trình độ phát triển đa dạng. Do đó, các Bên tham gia RCEP đã công nhận rằng sự thành công của Hiệp định sẽ được quyết định bởi khả năng mang lại lợi ích lẫn nhau của các bên. Hiệp định RCEP được thiết kế để đạt được mục tiêu này theo một số cách, bao gồm thông qua các hình thức linh hoạt phù hợp và các quy định về đối xử đặc biệt và khác biệt, cụ thể là đối với Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, nếu thích hợp, và linh hoạt thêm cho các Bên kém phát triển. Ngoài ra, Hiệp định RCEP còn bao gồm hợp tác kỹ thuật và nâng cao năng lực để hỗ trợ việc thực hiện các cam kết, giúp các Bên tối đa hóa lợi ích có được từ Hiệp định này. Hiệp định RCEP cũng bao gồm các điều khoản đảm bảo rằng các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau, các doanh nghiệp có quy mô khác nhau và đối tượng khác rộng hơn đều có thể hưởng lợi ích từ Hiệp định.
Có thể bạn quan tâm: EVFTA – Cơ hội và thách thức với kinh tế Việt Nam
Ý nghĩa của RCEP với Việt Nam và ASEAN
RCEP, với sự tham gia của 15 thành viên, sẽ tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Nhờ vào cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, FTA này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới.
Trong các FTA đã có trước đây, không ít sản phẩm xuất khẩu Việt Nam do sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước nằm ngoài FTA mà không đáp ứng yêu cầu xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan. Giờ đây, Trung Quốc, Hàn Quốc và những nước vốn là nguồn cung nguyên liệu chủ yếu đều nằm trong RCEP khiến vấn đề về quy tắc xuất xứ để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan RCEP trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Mặt khác, RCEP cũng mở cửa cho các dịch vụ logistics, thương mại điện tử, khiến hàng hoá đến tay người tiêu dùng giữa các nước dễ dàng.
Hiệp định cũng thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bất ổn gần đây. Việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử… và tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực.
Xem thêm: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực: Ý nghĩa và kỳ vọng
Cơ hội
Hiệp định RCEP được xác định là nội dung ưu tiên trong chiến lược hội nhập của Việt Nam. Hiện, Việt Nam đã có một số ký kết riêng trong từng nước là thành viên của Hiệp định RCEP như: Hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, Hàn Quốc… Sau khi Hiệp định RCEP được ký kết và đi vào thực thi, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về tham gia vào hội nhập sâu, rộng vào cả 3 hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP).
Tiếp cận thuận lợi hơn nguồn nguyên liệu
Tham gia hiệp định RCEP giao thương của Việt Nam với các đối tác trong hiệp định RCEP sẽ ngày càng rộng mở. Nhiều cơ hội mới dự kiến sẽ mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặt biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ tiếp cận thuận lợi hơn nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu. Đơn cử, Việt Nam có thể nhập khẩu chip điện tử từ Nhật Bản, Hàn Quốc; nhập nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc để sản xuất trong nước và xuất khẩu đi nước khác, đồng thời thỏa mãn quy tắc xuất xứ nội khối để tận dụng được ưu đãi thuế quan.
Tận dụng các ưu đãi thuế quan
Theo các chuyên gia, RCEP là khu vực tạo điều kiện lớn nhất cho Việt Nam tận dụng các ưu đãi thuế quan nội khối, do đó doanh nghiệp Việt Nam có thể kỳ vọng Hiệp định sẽ giúp ưu đãi thuế quan được cải thiện hơn nữa, quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn. Các quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi thương mại. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng kỳ vọng một số thị trường dịch vụ sẽ mở hơn, đặc biệt là dịch vụ logistics, viễn thông…; nền tảng thương mại điện tử tốt hơn, môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, cạnh tranh hơn…
Mở rộng thị trường
RCEP cũng đem lại cho Việt Nam một thị trường có mức sống, kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ với nhu cầu tiêu dùng rất lớn mà đòi hỏi không quá cao về chất lượng sản phẩm như khi tham gia vào CPTPP hay EVFTA… Hiện, các thị trường trong khối RCEP đang bao trùm gần như toàn bộ chuỗi sản xuất của nhiều loại hàng Việt Nam có thế mạnh như: Sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến… Đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng hơn nữa thị trường, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp tới thị trường các nước thành viên RCEP.
Giảm chi phí giao dịch, nâng cao vị thế của Việt Nam
Cùng với việc mở ra một thị trường tiêu dùng rộng lớn, Hiệp định RCEP sẽ giúp Việt Nam giảm chi phí giao dịch, tạo dựng môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành, áp dụng các quy định trong khuôn khổ các FTA khác nhau của ASEAN. Đồng thời, góp phần tăng cường hợp tác kỹ thuật và vị thế của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp về thương mại và đầu tư.
Tham gia hiệp định RCEP là phù hợp với chủ trương của Việt Nam về tăng cường hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, gắn liền với những cải cách trong nước mạnh mẽ và toàn diện hơn. RCEP được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội mới cho Việt Nam để tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị và sản xuất của khu vực.
Có thể bạn quan tâm: Hiệp định EVFTA là gì và 5 lợi ích kinh tế có được khi thông qua hiệp định?
Áp lực
Áp lực lên nhập siêu
Ngành sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn nhất là hàng hoá từ các nước khác có thể đưa vào Việt Nam với mức thuế suất thấp hơn. Nếu doanh nghiệp từ các đối tác trong RCEP không điều chỉnh giá trước thuế nhập khẩu, thì hàng của họ vẫn sẽ cạnh tranh hơn về giá khi vào Việt Nam và có thể gây áp lực đối với nhập siêu.
Trong một kịch bản khác, doanh nghiệp ở các nước RCEP dùng phần chi phí tiết kiệm được từ thuế nhập khẩu để gia tăng đầu tư cho công nghệ, chất lượng sản phẩm thì phần giá trước thuế có thể không thay đổi, nhưng lượng nhập khẩu lớn hơn. Khi đó, hệ lụy đối với nhập siêu của Việt Nam sẽ còn lớn hơn. Thực tế nhập siêu giai đoạn trước 2020 với các nước RCEP ít nhiều đã phản ánh lo ngại này.
Tỷ trọng xuất khẩu Việt Nam sang các nước RCEP tăng từ 44,0% năm 2010 lên 44,1% năm 2018, sau đó giảm còn 41,8% năm 2019. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu từ khối RCEP trong tổng nhập khẩu thậm chí còn cao hơn: đạt tới 70,7% năm 2019 so với 67,4% năm 2010.
Trong giai đoạn 2009 – 2019, Việt Nam có xu hướng gia tăng thâm hụt thương mại với thị trường RCEP. Việt Nam có mức thâm hụt thương mại lớn với Hàn Quốc, Trung Quốc và nhóm ASEAN. Số liệu thống kê cho thấy, thâm hụt thương mại với Trung Quốc liên tục tăng, đặc biệt là giai đoạn 2010-2015, và giảm dần từ năm 2016. Thâm hụt thương mại với Hàn Quốc đặc biệt tăng nhanh từ năm 2015. Cụ thể, thâm hụt thương mại tăng trung bình ở mức 22,3%/năm giai đoạn 2010-2014, đã mở rộng lên 31,4%/năm trong giai đoạn 2015-2017 sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết năm 2015. Gia tăng nhập siêu có thể gây áp lực đối với cán cân thanh toán và thị trường ngoại hối, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô và dư địa chính sách tiền tệ ở Việt Nam – điều luôn được quan tâm trong những thập niên gần đây.
Mất lợi thế cạnh tranh với hàng Trung Quốc
Một thách thức lớn đối với doanh nghiệp là RCEP có thể tạo ra nguy cơ chuyển hướng thương mại, cụ thể hơn là gia tăng cạnh tranh với Trung Quốc.
Hiện nay, Việt Nam đang có ưu thế cạnh tranh một cách tương đối so với Trung Quốc nhờ Hiệp định Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), và các Hiệp định ASEAN+1. Với RCEP, Trung Quốc có thêm ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào các thị trường này và sẽ gia tăng cạnh tranh hơn nữa với Việt Nam và các nước ASEAN. Chẳng hạn, hiện nay theo Hiệp định, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản với mức thuế ưu đãi là khoảng 10%, trong khi đó, mức thuế áp cho hàng dệt may Trung Quốc là 15 – 20%. Một ví dụ khác, Nhật Bản áp mức thuế dưới 5% cho sản phẩm da giày của Việt Nam, và 30% cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Với RCEP, Trung Quốc có thể được hưởng ưu đãi thuế và do đó làm mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
So với các thành viên trong khối, các doanh nghiệp Việt Nam yếu kém về quy mô vốn, về năng lực thiết bị, trình độ công nghệ, kỹ năng quản lý và lao động. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may, sẽ ở thế bất lợi hơn nhiều trong việc chiếm lĩnh thị trường các nước so với Trung Quốc, bởi các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất hàng loạt, giao hàng hàng loạt, giá thành rẻ hơn, mẫu mã đẹp hơn.
Bên cạnh đó là những lo ngại về khả năng ngành nông thủy sản trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực bởi RCEP. Trên thực tế, Trung Quốc, Australia và New Zealand xuất khẩu nhiều sản phẩm nông sản trong khi các nước ASEAN lại có sức cạnh tranh trong lĩnh vực thủy sản. Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức chuyển hướng thương mại của Nhật Bản và Hàn Quốc khi các nước này mở cửa thị trường của mình cho Trung Quốc. Nếu tác động chuyển hướng thương mại lớn hơn so với tác động thúc đẩy tăng thương mại thì xét tổng thể sẽ đem lại kết quả tiêu cực với Việt Nam.
Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đối với một số sản phẩm nông thủy sản và công nghiệp, tuy nhiên chủ yếu vẫn là sản phẩm thô hoặc có hàm lượng chế biến thấp, chất lượng chưa cao. Trong khi đó, cơ cấu xuất khẩu 2 ngành này của Việt Nam lại tương đồng với các nước khác trong ASEAN, Trung Quốc, mức độ tương đồng xuất khẩu với Hàn Quốc và Ấn Độ cũng ngày càng tăng. Điều này tạo áp lực cạnh tranh tăng giữa Việt Nam với các nước trong khối.
Doanh nghiệp phải chuẩn bị những gì?
Tham gia vào RCEP, Việt Nam đã tham gia vào sân chơi thương mại toàn cầu luôn đan xen cả cơ hội và thách thức, chỉ những doanh nghiệp với sự chuẩn bị tốt mới có cơ hội thành công. Để có thể tận dụng những lợi ích mà RCEP đem lại, các doanh nghiệp Việt Nam cần:
Ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần đánh giá tác động dài hạn của RCEP trên con đường phục hồi hoạt động kinh doanh, từ đó đặt ra các kế hoạch cho tương lai. Các doanh nghiệp có thể xem xét các mối quan hệ thương mại hiện tại, xác định khoảng trống, tiềm năng lớn nhất để tạo các mối quan hệ mới và khai thác một số thị trường tiêu dùng phát triển nhanh nhất.
Các doanh nghiệp cũng cần xem xét các chuỗi cung ứng hiện tại, trong khu vực hoặc toàn cầu để đánh giá tác động của RCEP lên mô hình kinh doanh trong tương lai. Điều này không chỉ quan trọng đối với doanh nghiệp có trụ sở tại các thị trường thành viên mà còn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào kinh doanh trong khu vực.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần nắm chắc về RCEP và tác động về thuế quan đến từng nhóm hàng hóa, dịch vụ, sau đó đánh giá lại chiến lược và lợi thế cạnh tranh của mình.
Kết luận
Thế giới hiện đang bước vào một giai đoạn mới với những thay đổi to lớn chưa từng có trong 100 năm qua khi dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp; cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lại; cuộc cách mạng khoa học về trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ lượng tử phát triển nhanh chóng; sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi đã thách thức địa vị của các nền kinh tế phát triển truyền thống, vai trò của các thể chế kinh tế – thương mại đa phương…; trật tự và “luật chơi” kinh tế – thương mại quốc tế cũng dần thay đổi và tái định hình. Trong bối cảnh đó, việc ký kết các FTA nói chung, RCEP nói riêng, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Cùng với sự chuẩn bị của Việt Nam và nhất là sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây, có thể tin rằng, RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam, qua đó góp phần giúp Việt Nam thực hiện thành công chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu.
Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực: Cơ hội, thách thức và một số đề xuất tham chiếu đối với Việt Nam
Hội nhập kinh tế quốc tế: 5 cơ hội và thách thức đối với Việt Nam
Người thực hiện: Lê Hồng Nhung
MSV: 19051183
Lớp: INE3104-4