Chiến lược Marketing mix 4P của Louis Vuitton – Chìa khóa thống trị của thương hiệu xa xỉ.

Louis Vuitton – một trong những tên tuổi hàng đầu đến từ kinh đô thời trang lớn nhất thế giới đã thay phiên nhau thống trị trên đỉnh cao, trở thành biểu tượng xa hoa và sang trọng của ngành công nghiệp này. Đóng góp vào sự thành công đó không thể không nhắc tới chiến lược Marketing hiệu quả của Louis Vuitton. Cụ thể như thế nào, hãy cùng tìm hiểu chi tiết về Chiến lược Marketing mix 4P của Louis Vuitton qua bài viết dưới đây:

1. Giới thiệu về Louis Vuitton

1.1. Lịch sử hình thành và phát triển của Louis Vuitton

Louis Vuitton gọi vắn tắt là LV, là một thương hiệu thời trang cao cấp của Pháp do Louis Vuitton thành lập tại thủ đô Paris vào năm 1854. Louis Vuitton trải qua 4 giai đoạn phát triển đó là từ năm 1854 – 1892 thành lập và điều hành bởi Louis Vuitton, 1893 – 1936, thời kỳ điều hành của Georges Vuitton, 1930 – 2000 Louis Vuitton trong và sau chiến tranh thế giới lần 2 và từ 2001 đến nay. Trong từng giai đoạn Louis Vuitton có những cú chuyển mình mạnh mẽ để vươn tới biểu tượng thời trang trên toàn thế giới.

Trong suốt 6 năm liên tiếp từ 2006 đến năm 2012, Louis Vuitton được vinh danh là thương hiệu thời trang cao cấp có giá trị nhất thế giới, với doanh thu năm 2012 là 25,9 tỷ đô la Mỹ.

1.2. Các sản phẩm tiêu biểu của Louis Vuitton

  • Các sản phẩm làm từ da : Cappucines Compact Wallet, Zippy Coin Purse Padlock
Ví Capucines Compact
Ví Capucines Compact
  • Giày thiết kế: Lv Beaubourg Ankle Boot, Vendome Flex Derby
Giày Bốt LV Beaubourg - Giày | LOUIS VUITTON
Giày Bốt LV Beaubourg – Giày | LOUIS VUITTON
  • Nước hoa: City of Stars, Imagination
Nước Hoa City Of Stars | LOUIS VUITTON
Nước Hoa City Of Stars | LOUIS VUITTON
  • Đồng hồ: Tambour Twenty
Đồng hồ Louis Vuitton Tambour Twenty
Đồng hồ Louis Vuitton Tambour Twenty
  • Túi xách tay: Đa dạng các dòng như Keepall, Speedy, Alma, v.v.
Chiến lược Marketing
Túi Louis Vuitton – Keepall Bandoulière 55 Monogram Eclipse

Xem thêm các dòng sản phẩm túi xách nôi trội khác của Louis Vuitton tại: 8 DÒNG TÚI XÁCH NỮ CỔ ĐIỂN CỦA LOUIS VUITTON VÀ GIÁ TRỊ ĐẦU TƯ CỦA CHÚNG

Ngoài ra bạn có thể tham khảo các sản phẩm khác của Louis Vuitton tại website của nhãn hàng: https://vn.louisvuitton.com/vie-vn/homepage

2. Chiến lược Marketing mix (4Ps) của Louis Vuitton

2.1. Chiến lược sản phẩm (Product)

Louis Vuitton là một thương hiệu nổi tiếng chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm cao cấp chuyên dụng được chế tác một cách kỳ công và tinh tế. Một điểm đặc biệt của Louis Vuitton nói riêng và cũng là của phân khúc xa xỉ nói chung, thay vì đầu tư thiết bị trong dây chuyên sản xuất để tăng số lượng, thương hiệu lựa chọn sử dụng những thợ thủ công lành nghề và chuyên gia để hoàn thiện sản phẩm bằng tay.

Tất cả túi xách LV chính hãng đều được làm bằng 100% da thật dưới bàn tay của những thợ thủ công giỏi nhất, chỉ cần thừa hoặc thiếu một mũi chỉ, sản phẩm sẽ bị hủy thành nhiều mảnh nhỏ ngay lập tức. Nhờ đó mà các sản phẩm của Louis Vuitton luôn nổi bật với sự tinh xảo và độc đáo, thỏa mãn bất cứ ai kể cả những tín đồ thời trang “sành sỏi” nhất.

Một trong những bí quyết quan trọng nhất trong sự thành công về mặt sản phẩm của LV là sản phẩm dạo gần đây được thiết kế và quảng bá bởi những cá nhân xuất chúng. Trong những năm qua, những cái tên hàng đầu trong ngành công nghiệp thời trang như Helmut Lang, Azzedine Alaïa, Sybilla, Manolo Blahnik, Vivienne Westwood, Isaac Mizrahi, Stephen Sprouse và Romeo Gigli đều tham gia với LV, tạo ra những sản phẩm “trendy” được đông đảo người dùng đón nhận.

Tuy nhiên, điều gì tốt quá cũng không tốt. Họa tiết monogram của Louis Vuitton là di sản có tuổi đời hơn một thế kỷ, ra mắt vào năm 1896. Tuy nhiên, bất chấp cái giá đắt đỏ, những chiếc túi LV này có thể được coi là thủ phạm gây “ô nhiễm logo” lớn nhất thế giới. Khi mức sống tăng, đi đến đâu người ta cũng thấy móc khóa với 2 chữ cái L-V lồng vào nhau hay những chiếc túi họa tiết lưới. Mức phủ sóng rộng đồng nghĩa với việc đồ không còn “độc”. Louis Vuitton đang mắc phải lỗi cơ bản nhất của thương hiệu cao cấp – quá phổ biến.

2.2. Chiến lược giá cả (Price)

Chiến lước định giá cao cấp (Premium)

Với chiến lược này, doanh nghiệp định giá sản phẩm của họ cao để thể hiện rằng sản phẩm có giá trị cao, sang trọng hoặc cao cấp. Định giá Premium tập trung vào giá trị được cảm nhận của sản phẩm hơn là giá trị thực tế hoặc chi phí sản xuất.

Định giá Premium là một chức năng quan trọng của sự nhận biết thương hiệu và cảm nhận về thương hiệu. Các thương hiệu áp dụng chiến lược định giá này được biết đến với việc cung cấp các giá trị cao cấp thông qua sản phẩm của họ. Đó là lý do tại sao họ được định giá cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác.

Với chiến lược này, Louis Vuitton không phải lo nghĩ quá nhiều tới giá thành, qua đó họ dành nhiều nguồn lực hơn trong việc đầu tư và phát triển sản phẩm mới chất lượng hơn. Tất nhiên điều này sẽ khiến mức giá bán sản phẩm được đẩy lên rất cao, nhưng bù lại nhà mốt này sẽ làm gia tăng giá trị cảm nhận của khách hàng với chất lượng tuyệt vời, tính độc đáo của sản phẩm.

Chiến lược định giá sản phẩm dựa trên giá trị (Value-based Pricing Strategy)

Chiến lược định giá của Louis Vuitton không chỉ dựa trên mỗi chất lượng sản phẩm, mà còn dựa trên giá trị hình ảnh của thương hiệu. Về cơ bản, Louis Vuitton đặc biệt chú ý đến chất lượng của vật liệu, mẫu mã và quy trình sản xuất thủ công tạo ra sản phẩm, do đó, giá thành sản phẩm khi đến tay khách hàng rất cao là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, khách hàng cũng phải trả thêm khoản tiền cho một tuyên bố về phong cách và đẳng cấp khi sở hữu món đồ từ LV. Kết quả thành ra, giá đã cao nay càng thêm cao, và không bao giờ người dùng có cơ hội tìm thấy trong cửa hàng LV nào một chiếc túi với giá dưới 1.000 USD.

Sau mỗi mùa, các sản phẩm LV không bán được sẽ bị gửi trả lại nhà máy ở Pháp để tiêu hủy. Đây là cách thương hiệu duy trì giá trị của món hàng cũng như tạo nên đẳng cấp của thương hiệu. Dù vẫn có tin đồn cho rằng, trước khi tiêu hủy những món đồ ế ẩm, công ty sẽ bán lại cho nhân viên với mức giá phải chăng kèm điều kiện không được bán lại cho bất kỳ ai. Nhưng trên thực tế, LV chưa bao giờ triển khai một chương trình giảm giá chính thức.

2.3. Chiến lược phân phối (Place)

Louis Vuitton đã áp dụng phương pháp Vertical Intergration (liên kết theo chiều dọc) để khẳng định giá trị thương hiệu của hãng. Điều này có nghĩa là LV không chỉ sở hữu các các nhà máy của riêng mình, công ty cũng thuê địa điểm để mở các cửa hàng và trực tiếp bán sản phẩm.

Với cách làm này, Vuitton có thể kiểm soát sản phẩm thực tế (nếu một chiếc túi nào đó không “ăn khách”, họ có thể giảm số lượng sản xuất). Công ty cũng trực tiếp quản lý hoạt động của các cửa hàng và không bao giờ bán buôn – nghĩa là các cửa hàng khác không thể có sản phẩm chính hãng và có thể “qua mắt” Louis Vuitton để bán hạ giá.

Việc tự làm chủ và vận hành các cửa hàng trực tiếp cho phép Louis Vuitton quản lý tốt hơn nhân viên của mình, đào tạo và giám sát kỹ càng hơn trong việc mang lại cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm hoàn hảo nhất, trong một không gian thân mật, ấm áp và trọn vẹn tinh thần của thương hiệu. Về lâu dài, chiến lược phân phối (Place) này sẽ giúp hãng giảm chi phí trung gian mà các thương hiệu khác phải đối mặt khi bán hàng thông qua các kênh phân phối dài.

Trên toàn thế giới, hiện Louis Vuitton đang sở hữu hơn 460 cửa hàng tại những thành phố giàu có như Angeles, Dubai, Las Vegas, New York, Paris và Tokyo. Việc mua sắm trực tuyến hiện cũng chỉ có mặt tại thị trường Hoa Kỳ.

Các kênh phân phối của Louis Vuitton

Cửa hàng (Store)

Các cửa hàng thuộc sở hữu của công ty và do chính công ty điều hành đều được tọa lạc tại các vị trí đắc địa. Thương hiệu sử dụng cửa hàng của mình như một kênh phân phối để cắt giảm chi phí trung gian mà họ phải trả cho đối tác để bán được nhiều hàng hơn.

Louis Vuitton City Center, Las Vegas
Louis Vuitton City Center, Las Vegas

Đội ngũ nhân viên tại các cửa hàng của Louis Vuitton cũng được đào tạo bài bản, vì vậy mỗi khi khách hàng tới, họ sẽ có trải nghiệm tuyệt vời bởi đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Đồng thời tạo sự liên kết chặt chẽ đối với khách hàng.

Cửa hàng bán lẻ

Đã có thời gian các sản phẩm của Louis Vuitton được bày bán tại các cửa hàng bán lẻ như Saks Fifth Avenue và Nieman Marcus. Ngày nay, công ty thường thuê các cửa hàng bán lẻ cao cấp có vị trí đắc địa. Đối tượng thường xuyên lui tới địa điểm này là những khách hàng thuộc tầng lớp thượng trung lưu.

LV Khai trương Cửa hàng Flagship Yorkdale ấn tượng tại Toronto
LV Khai trương Cửa hàng Flagship Yorkdale ấn tượng tại Toronto

Các trang thương mại điện tử

Các trang thương mại điện tử là kênh phân phối quan trọng cũng như đang trở thành xu hướng hiện nay. Và đối với một nhà mốt nổi tiếng như Louis Vuitton thì không thể nào đứng ngoài cuộc chơi được. Thông qua trang Web chính hãng của mình, người tiêu dùng giờ đây có thể mua các sản phẩm chính hãng một cách thuận tiện nhất

2.4. Chiến lược xúc tiến (Promotion)

Louis Vuitton là một trong những con gà đẻ trứng vàng của tập đoàn LVMH, tập đoàn luôn mạnh tay và hào phóng với những chiến dịch marketing. Chỉ tính trong năm 2017, chi phí dành cho quảng bá và tiếp thị chiếm 38,4% trên tổng doanh thu (42,6 tỷ euro) của công ty. Hiện nay, trong chiến lược Marketing mix của Louis Vuitton đã kết hợp sử dụng nhiều chiến lược xúc tiến hỗn hợp như:

Ấn phẩm truyền thông

Chiến lược xúc tiến của Louis Vuitton sử dụng các phương tiện in ấn để quảng bá sản phẩm của mình và nâng cao hình ảnh thương hiệu tới khách hàng. Những ấn phẩm này được công bố trên các phương tiện truyền thông như các tạp chí thời trang nổi tiếng được giới thượng lưu ưa chuộng. Thương hiệu đã dựa vào các ngôi sao như Andre Agassi và Steffi Graff,…để quảng cáo trên báo in. Bên cạnh các tạp chí thời trang, quảng cáo in ấn cũng được đặt tại các bảng quảng cáo ở nhiều thành phố quốc tế.

Diễn viên Jung Hoyeon ( Squid Game) trong trang phục Louis Vuitton trên bìa tạp chí Vogue Mỹ tháng 2/2022
Diễn viên Jung Hoyeon ( Squid Game) trong trang phục Louis Vuitton trên bìa tạp chí Vogue Mỹ tháng 2/2022

Chiến dịch quảng cáo: Sử dụng người nổi tiếng

Một trong những chiến lược tiếp thị ưa thích của LV chính là sử dụng người nổi tiếng. Ví dụ, Angelina Jolie đã được trả 8,5 triệu USD để đại diện cho thương hiệu trong chiến dịch quảng cáo năm 2011 – một trong những thương vụ đắt nhất từ trước tới nay trong lịch sử ngành thời trang.

Ngay cả khi gia nhập các kênh truyền thông xã hội, một trong những mục tiêu của Louis Vuitton là trở thành biểu tượng cho cuộc sống sang trọng và đẳng cấp, hãng vẫn luôn sử dụng các diễn viên, người mẫu, nhạc sĩ nổi tiếng cho các chiến dịch quảng cáo của mình. Các diễn viên nổi tiếng như Jennifer Lopez, Kate Moss, Scarlett Johansson và Uma Thurman đã gắn liền với Louis Vuitton với tư cách là đại sứ của thương hiệu này.

Tuy nhiên, người ta vẫn luôn tỏ ra hoài nghi về tính đúng-sai của chiến lược này trong phân khúc hàng cao cấp. Trong cuốn sách nổi tiếng “Luxury Marketing: A Challenge for Theory and Practice” (Marketing sang trọng: Thách thức về lý thuyết và thực hành), Vincent Bastien (từng là CEO của Louis Vuitton từ 1988 đến 1995) và Jean-Noël Kapferer đã viết:

“Người nổi tiếng phải được sử dụng thận trọng trong chiến lược cao cấp, nếu thương hiệu muốn xây dựng sức mạnh giá, sự khác biệt, phong cách và sức hấp dẫn lâu dài. Họ không nên được dùng như đại lý bán hàng, để khách hàng mới mua sản phẩm vì muốn bắt chước”

Phương tiện truyền thông truyền thống

Chiến lược quảng cáo của Louis Vuitton đã được sửa đổi ở một mức độ nào đó trong những năm gần đây khi công ty quyết định bước vào thế giới điện ảnh và truyền hình với quảng cáo “Where will life take you” (Cuộc sống sẽ đưa bạn đến đâu). Chiến dịch quảng cáo này do Bruno Aveillan, giám đốc quảng cáo người Pháp, chỉ đạo đã được dịch sang 13 ngôn ngữ và là quảng cáo đầu tiên của công ty.

Xem thêm: Louis Vuitton – Where Will Life Take You?

Nền tảng mạng xã hội

Chiến lược quảng cáo của Louis Vuitton đã sử dụng sự trợ giúp của các nền tảng truyền thông xã hội như YouTube , Instagram và Facebook để quảng bá nội dung và duy trì khả năng hiển thị thương hiệu.

Nền tảng Youtube: https://www.youtube.com/@louisvuitton

Nền tảng Instagram: https://www.instagram.com/louisvuitton/

Nền tảng Facebook: https://www.facebook.com/LouisVuitton/

Quan hệ công chúng

Là một phần của hoạt động tiếp thị quảng bá quan hệ công chúng, năm 2016, Louis Vuitton đã hợp tác với UNICEF trong chiến dịch “Make A Promise” để hỗ trợ trẻ em dễ bị tổn thương trên khắp thế giới. Qua đó, doanh thu đến từ vòng tay độc quyền đã được Louis Vuitton quyên góp cho UNICEF để hỗ trợ trẻ em trong thời điểm khó khăn.

Unicef's Work with Louis Vuitton - Unicef UK
Ảnh: UNICEF UK

Hợp tác đặc biệt

Chiến lược Marketing mix của Louis Vuitton đảm bảo những sự hợp tác đặc biệt như là một phần của chiến lược quảng cáo. Với Takashi Murakami, thương hiệu đã tung ra “Bộ sưu tập Monogramouflage”, với Kanye West một số lượng giày giới hạn hay với Yayoi Kusama,..

Sự kết hợp "viral" giữa Louis Vuitton x Yayoi Kusama - Vogue India
Sự kết hợp “viral” giữa Louis Vuitton x Yayoi Kusama – Vogue India

Đại sứ thương hiệu

Sau hàng loạt những tin đồn, Louis Vuitton chính thức giới thiệu chiến dịch đầu tiên của hãng với sự tham gia của Zendaya, nữ diễn viên từng đoạt giải Quả cầu vàng. Từ thời điểm này, Zendaya trở thành đại sứ thương hiệu toàn cầu của Louis Vuitton và là gương mặt đại diện cho chiếc túi Capucines mang tính biểu tượng.

Ảnh: Louis Vuitton
Ảnh: Louis Vuitton

Kết luận

Như vậy Louis Vuitton đã thành công nhờ vào chiến lược Marketing Mix (4Ps) khéo léo của mình. Hãng đã tận dụng sự kết hợp hài hòa giữa các chiến lược Sản phẩm (Product), Giá cả (Price), Phân phối (Place), cùng với chiến lược xúc tiến (Promotion) để tạo ra một hình ảnh độc đáo và cao cấp, xây dựng một thương hiệu quốc tế thành công và được biết đến trên toàn thế giới.

Tham khảo thêm các bài viết về chiến lược Marketing mix tại đây:

Starbuck – Sự thành công khi áp dụng Marketing Mix 4P

CHIẾN LƯỢC MARKETING MIX 4P CỦA THE COFFEE HOUSE – SỰ ĐỘC ĐÁO LÀM NÊN THƯƠNG HIỆU VIỆT.

4Ps – CHIẾN LƯỢC MARKETING MIX ĐƯA VINAMILK ĐẾN VINH QUANG SỮA VIỆT

Chiến lược Marketing mix 4P của Biti’s Hunter – Dấu ấn đột phá trên thị trường giày thể thao Việt

4P TRONG CHIẾN LƯỢC MARKETING MIX CỦA COCA COLA – CHÌA KHÓA ĐI ĐẾN THÀNH CÔNG

Người thực hiện: Bùi Yến Nhi

Mã sinh viên: 21050967

Lớp học phần: INE3104 6