QUAN TRỌNG!!! VAY NỢ NGÂN HÀNG – 9 PHƯƠNG THỨC VAY VÀ 5 LƯU Ý

Hoạt động vay vốn ngân hàng chắc hẳn chẳng hề xa lạ với bất kỳ ai trong chúng ra. Nhưng liệu những bạn sinh viên chưa một lần đi vay tiền nhưng cần tiền để sinh hoạt độc lập, hay một bộ óc trẻ tài năng nào đó cần vốn để khởi nghiệp thì phải làm thế nào? Vậy xin hãy đọc kĩ bài viết dưới đây để hiểu rõ có bao nhiêu phương thức cho vay và bạn cần cần lưu ý những gì trước khi quyết định vay tiền các ngân hàng thương mại nhé.

A. 9 phương thức cho vay của các ngân hàng thương mại

Theo điều 27, mục 1, chương II của Thông tư 39/2016/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện nội hàm các phương thức cho vay dựa theo yêu cầu thực tế và tạo sự tách biệt giữa các phương thức.

Sau đây là 9 phương thức cho vay mà bạn cần nắm chắc.

9 phương thức vay nợ ngân hàng
Các phương thức vay nợ ngân hàng

1. Vay từng lần

Đây là phương thức mà mỗi lần cho vay, tổ chức tín dụng và khách hàng sẽ thực hiện thủ tục cho vay và ký hợp đồng tín dụng. Phương thức này phù hợp cho các đối tượng là khách hàng không có nhu cầu vay tiền thường xuyên hay chỉ có nhu cầu chi sinh hoạt cá nhân.

2. Vay hợp vốn

Phương thức này được sử dụng khi có từ hai tổ chức tín dụng trở lên cùng thực hiện cho vay đối với khách hàng để thực hiện một phương án, dự án vay vốn. Chính vì cần từ hai tổ chức tín dụng trở lên nên sẽ là lựa chọn phù hợp cho doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn lớn vượt quá khả năng của một tổ chức tín dụng.

3. Vay lưu vụ

Khách hàng tìm đến công cụ vay này thường sẽ là khách hàng có nhu cầu vay ngắn hạn để chi trả cho các khoản nuôi trồng, chăm sóc các cây trồng, vật nuôi có tính chất mùa vụ theo chu kỳ sản xuất liền kề trong năm như lúa, ngô, khoai, cam, quýt, vải, điều, cà phê,… Khi dùng công cụ vay này, khách hàng sẽ chỉ phải trả lãi mà không cần trả nợ gốc cho đến khi hết hạn, bên cạnh đó còn được sử dụng tiếp vốn vay đáp ứng cho nhu cầu vụ sản xuất tiếp theo.

4. Vay theo hạn mức

Khi vay theo hạn mức, ngân hàng sẽ thỏa thuận với khách hàng một hạn mức dư nợ cho vay tối đa, có thời hạn nhất định và khách hàng sẽ phải duy trì mức dư nợ không vượt mức đã thỏa thuận.

Ví dụ như hạn mức thỏa thuận của bạn là 500 triệu/tháng, thì bạn chỉ có thể vay tối đa 500 triệu. Nhưng nếu trả được 300 triệu trong tháng đó thì bạn vẫn tiếp tục được vay 200 triệu, miễn sao cuối tháng số dư nợ không quá 500 triệu.

Phương thức này phù hợp với các doanh nghiệp hoặc cá nhân có nhu cầu về vốn thường xuyên, tốc độ lưu động vốn nhanh và có uy tín.

5. Vay theo hạn mức cho vay dự phòng

Phương thức cho vay này cũng gần giống như vay theo hạn mức tín dụng, nhưng bên cạnh hạn mức đã thỏa thuận ban đầu, khách hàng có thể đăng ký thêm hạn mức dự phòng trong trường hợp dự kiến hoặc phòng trừ trường hợp cần vay nhiều hơn. Tuy nhiên hạn mức dự phòng này cũng có thời hạn và chịu phí tổn cho dù khách hàng có dùng đến hay không. Mức chi trả và tính phí phạt sẽ tùy thuộc vào các ngân hàng.

6. Vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán

Khi áp dụng phương thức cho vay này, ngân hàng sẽ cho phép khách hàng đang dùng thẻ ghi nợ tại ngân hàng đó chi vượt mức cho khi tài khoản bằng 0. Mặc dù sẽ có hạn mức tín dụng nhưng hạn mức này tương đối cao, có thể bằng 5 lần tháng lương của bạn. Bên cạnh đó tùy thuộc vào các ngân hàng sẽ có những mức lãi suất khác nhau nhưng thường thì lãi suất vay thấu chi cũng không hề nhỏ. Chính vì vậy chỉ khách hàng gặp tình huống cần tiền gấp nhưng không thể xoay sở được thì mới dùng đến công cụ vay này.

7. Vay quay vòng

Trong trường hợp vay này, ngân hàng thương mại và khách hàng sẽ thỏa thuận để dùng khoản vay cho chu kỳ hoạt động kinh doanh không quá 1 tháng. Khách hàng sẽ tiếp tục được sử dụng dư nợ của chu kì kinh doanh trước cho chu kì kinh doanh tiếp theo nhưng đảm bảo thời hạn cho vay không quá 3 tháng.

8. Vay tuần hoàn

Vay tuần hoàn là khoản vay mà ngân hàng cho phép người vay, sau một thời gian vay cụ thể, được tiếp tục nợ tiền vay sau ngày trả nợ khoản vay mà người vay đồng ý trả lãi suất ở mức cụ thể và phải trả lại tiền vay tại một thời gian cụ thể. Phương thức cho vay ngắn hạn này có một vài điều kiện sau:

  • Đến thời hạn trả nợ, khách hàng có quyền trả nợ hoặc kéo dài thời hạn trả nợ thêm một khoảng thời gian nhất định đối với một phần hoặc toàn bộ số dư nợ gốc của khoản vay.
  • Tổng thời hạn vay vốn không vượt quá 12 tháng kể từ ngày giải ngân ban đầu và không vượt quá một chu kỳ hoạt động kinh doanh.
  • Tại thời điểm xem xét cho vay, khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng.
  • Trong quá trình cho vay tuần hoàn, nếu khách hàng có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng thì không được thực hiện kéo dài thời hạn trả nợ theo thỏa thuận.

9. Vay kết hợp

Công cụ vay kết hợp này sẽ có thể kết hợp các phương thức vay nói trên tùy thuộc vào điều kiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và phải đáp ứng được những điều kiện cụ thể của tổ chức tín dụng quy định.

B. 5 lưu ý khi quyết định vay tiền ngân hàng

1. Tìm hiểu rõ về mức lãi suất, hạn mức vay và thời gian vay

Đọc kỹ các đề mục khi vay nợ ngân hàng
Kiểm tra kỹ các thông tin trong hợp đồng khi ký kết vay nợ ngân hàng

Trước khi quyết định đi vay ở bất kỳ ngân hàng thương mại nào, khách hàng cần phải tìm hiểu kỹ càng về mức lãi suất, số tiền có thể vay và thời hạn vay nợ vì mỗi ngân hàng, mỗi hợp đồng hay các phương thức vay nợ mà những yếu tố trên sẽ khác nhau.

  • Lãi suất: mức lãi suất là bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào mỗi ngân hàng, nhưng khách hàng cần phải cẩn thận trước những chương trình vay ưu đãi với lãi suất hấp dẫn vì chỉ sau một vài tháng thì lãi suất đó sẽ lại bị thả nổi. Tỉnh táo trước những chương trình ưu đãi này và tìm hiểu kỹ thời gian ưu đãi cũng như cách tính lãi, kỳ điều chỉnh lãi suất thế nào. 

>>> Các bạn có thể tham khảo “TOP 10 NGÂN HÀNG UY TÍN NHẤT VIỆT NAM HIỆN NAY”

  • Hạn mức vay: số tiền mà khách hàng có thể vay sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng và hình thức vay mà khách lựa chọn. Nếu chọn vay tín chập thì hạn mức vay có thể tầm vài trăm triệu. còn nếu chọn vay thế chấp thì hạn mức vay sẽ được định giá trên tài sản thế chấp, giá trị tài sản càng cao như ô tô, nhà, bất động sản thì hạn mức vay càng lớn.
  • Thời hạn trả nợ: Khách hàng nên tính toán thời gian thanh toán phù hợp sao cho số tiền phải trả hàng tháng không quá cao và bị áp lực nặng vì thời gian trả nợ quá gấp, không thể chủ động về mặt tài chính.

2. Cân nhắc về số tiền vay và khả năng trả nợ

Mặc dù đi vay chính là vì chúng ta đang không có đủ tiền để chi tiêu và đầu tư, thế nhưng trước khi đi vay, chúng ta cần phải kiểm tra lại quỹ dự phòng, nguồn thu nhập và đánh giá khách quan khả năng trả nợ của bản thân.

Cần xác định số tiền vay và thời gian trả nợ sao cho số tiền phải trả hàng tháng chỉ chiếm từ 30-40% tổng thu nhập nếu bạn không muốn bản thân rơi vào tình cảnh vay nợ mới để trả nợ cũ. Khi đánh giá khả năng trả nợ, ngoài tình hình thu nhập, các chi tiêu cơ bản thì bạn cũng nên có một khoản dự phòng cho các chi phí phát sinh bất khả kháng.

3. Trao đổi kỹ càng về các khoản phí phạt trước khi ký hợp đồng

Việc đi vay phải trả lãi suất tương ứng là chuyện rất bình thường, thế nhưng bên cạnh đó còn có thêm các khoản phí phạt mà nhiều khi khách hàng sẽ bỏ qua hoặc ít chú ý đến.

Phí trễ hạn sẽ xuất hiện khi khách hàng không kịp thanh toán đúng và đủ theo lịch trả nợ đã ký trong hợp đồng dù chỉ 1 ngày, và chắc chắn là có đi kèm lãi suất phạt trễ hạn. Tuy nhiên nếu khách hàng muốn thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản nợ sớm hơn thời hạn cũng bị tính phí và thường phí phạt sẽ rơi vào từ 1-5% tổng số tiền khách hàng muốn tất toán.

>>> Các bạn có thể tìm hiểu rõ hơn về Các loại phí và cách tránh phí phạt khi đi vay.

4. Kiểm tra và xác nhận lại các thông tin trên hợp đồng

Ký kết hợp đồng là một hành động sẽ gắn chặt bạn với pháp luật và tiền bạc. Chính vì vậy trước khi đặt bút ký, bạn bắt buộc phải kiểm tra lại từng điều khoản, từng con số đặc biệt là các thông tin về lãi suất, số tiền vay, thời hạn vay và các khoản phí phạt và phí phát sinh. Nếu có bất kì thông tin nào bị sai lệch hoặc bạn chưa hiểu rõ ràng phải ngay lập tức đính chính và làm rõ, tránh trường hợp đến cuối kì hạn sẽ xảy ra tranh chấp vì thấy số tiền phải trả cao hơn so với dự tính.

5. Giữ một bộ hồ sơ đã ký kết và luôn giữ liên lạc với ngân hàng

Việc giữ lại một bộ hồ sơ đầy đủ đã ký kết hợp pháp rất quan trọng vì điều này sẽ giúp bạn có cơ sở bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi có tranh chấp xảy ra (thường thì các ngân hàng sẽ đưa một bộ hồ sơ liên quan cho khách hàng nhưng vẫn nên chú ý phòng trường hợp phía ngân hàng xảy ra thiếu sót).

Bên cạnh đó, việc đảm bảo sự kết nối với ngân hàng sẽ là lưu ý vô cùng quan trọng vì bạn sẽ không muốn bị lỡ bất kì thông tin nhắc nợ hoặc thông báo gấp nào từ phía ngân hàng. Đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển và tội phạm trí tuệ cũng tăng cao, việc chúng giả mạo ngân hàng một cách tinh vi để lừa đảo cũng không còn là chuyện hiếm.

Nếu nhận được bất kì thông báo lạ nào về việc vay-trả nợ bất thường, bạn cần ngay lập tức trao đổi với bên ngân hàng và ưu tiên hình thức trao đổi trực tiếp, tránh bị đánh cắp thông tin dữ liệu từ xa.

>>> Tìm hiểu thêm 3 quy tắc vàng khi vay ngân hàng mua nhà với lãi suất tốt

Mong rằng sau khi đọc hết bài viết trên, các độc giả có thể hiểu rõ hơn về các phương thức cho vay và những điều lưu ý vô cùng quan trọng trước khi các bạn quyết định đi vay các ngân hàng thương mại. Việc phân biệt và hiểu rõ các phương thức vay sẽ giúp các bạn lựa chọn được cho bản thân một công cụ vay hiệu quả và phù hợp tình hình tài chính nhất. Và những lưu ý cũng không thể bỏ qua nếu các bạn không muốn bị mất tiền oan trong những cuộc giao dịch.

>> Đọc thêm:

1. Cuộc chạy đua trong chuyển đổi số giữa các ngân hàng Việt Nam năm 2021

2. Thông tư 39/2016/TT-NHNN Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

3. Lãi suất cho vay của ngân hàng nào thấp nhất?