Xuất khẩu gạo Việt Nam sang 3 quốc gia thuộc thị trường ASEAN: Thực trạng và giải pháp

Theo Bộ Công thương, những năm qua, gạo là mặt hàng nông sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang các nước ASEAN. Đây là thị trường lớn với gần 700 triệu dân, có nhiều nét tương đồng về văn hóa, lối sống, khoảng cách địa lý gần với Việt Nam, nên dư địa tăng trưởng xuất khẩu gạo Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, yêu cầu về chủng loại gạo, chất lượng gạo của các nước trong khu vực ASEAN cũng khác nhau, đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt trong cách thức tiếp cận thị trường.

Thúc đẩy xuất khẩu gạo Việt Nam theo hướng bền vững là một vấn đề cấp thiết đối với Việt Nam. Bài viết này phân tích thực trạng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Namtình hình xuất khẩu gạo năm 2021. Từ đó đề xuất một số giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

1. Thực trạng xuất khẩu gạo Việt Nam

1.1 Tại thị trường Philippines

Gạo Việt Nam có nhiều tiềm năng tại Asean - Xuất khẩu gạo Việt Nam
Gạo Việt Nam có nhiều tiềm năng tại ASEAN

Theo thông tin từ Bộ Công thương, tình hình xuất khẩu gạo năm 2021 của Việt Nam vào Philippines đạt mức cao. Lượng xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường này là 2,45 triệu tấn, kim ngạch hơn 1,25 tỷ USD, tăng 10,7% về lượng, tăng 18,5% về kim ngạch so với năm 2020. Giá xuất khẩu gạo Việt Nam trung bình vào thị trường này cũng đạt mức cao, đạt 509,7 USD/tấn, tăng 7,1% so với năm 2020.

Quý I/2022, Philippines tiếp tục đứng đầu về tiêu thụ gạo Việt Nam, chiếm 44,7% trong tổng lượng và chiếm 42,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 672.136 tấn, tương đương 311,08 triệu USD, tăng 63,3% về lượng, tăng 41,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài Philippines, Malaysia, Indonesia, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong ASEAN phải kể đến như Singapore, Brunei, Lào…

1.2 Tại thị trường Indonesia

Gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Indonesia cần lưu ý phẩm cấp cũng như thương hiệu. - Xuất khẩu gạo Việt Nam
Xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường Indonesia cần lưu ý phẩm cấp cũng như thương hiệu

Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia – ông Phạm Thế Cường cho biết: Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, lượng gạo tiêu thụ bình quân tại nước này hiện khoảng 93 kg/người/năm, tổng nhu cầu gạo tiêu dùng Indonesia khoảng 30,1 triệu tấn/năm.Tuy nhiên sản xuất lúa gạo tại Indonesia không hiệu quả, giá thành cao, thu nhập thấp nên nông dân không mặn mà trồng lúa, từ đó dẫn tới năng suất, chất lượng lúa không cao.

Chính vì vậy, Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với sản lượng hằng năm tương đối lớn. Các thị trường cung cấp gạo chủ yếu cho Indonesia là Pakistan, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ. Lượng gạo nhập khẩu của nước này có xu hướng ổn định trong ba năm gần đây; trong đó năm 2021 là 407.740 tấn, trị giá 184 triệu USD. Tính riêng năm 2021, xuất khẩu gạo Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia đạt 65.960 tấn, chiếm 16,1% tổng lượng nhập khẩu của Indonesia. Đối với gạo Việt Nam, Indonesia nhập khẩu chủ yếu là gạo chất lượng cao.

1.3 Tại thị trường Malaysia

Malaysia - Thị trường xuất khẩu tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam sau Covid-19 - Xuất khẩu gạo Việt Nam
Malaysia – Thị trường xuất khẩu tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam sau Covid-19

Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia – ông Trần Lê Dung thông tin: Malaysia là nước không có thổ nhưỡng tốt để trồng lúa, nông nghiệp chủ yếu tập trung trồng cây cọ dừa và cao-su. Với diện tích trồng lúa chỉ khoảng 0,7 triệu ha, thấp nhất khu vực Đông Nam Á, sản xuất lúa gạo của Malaysia hiện chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên hằng năm phải nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo để đáp ứng nhu cầu trong nước và dự trữ.

Hiện tại gạo Việt Nam chiếm thị phần lớn trong tổng lượng gạo nhập khẩu hằng năm của Malaysia. Trước đây, lượng xuất khẩu gạo Việt Nam vào Malaysia thấp hơn Thái Lan, nhưng 5 năm trở lại đây, gạo Việt đã vượt xa Thái Lan về sản lượng nhập vào Malaysia. Theo thống kê năm 2019, xuất khẩu gạo Việt Nam chiếm 44% tổng sản lượng gạo nhập vào Malaysia, năm 2020 là 41,9%. Riêng ba tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Malaysia đã tăng trưởng hơn 102% về sản lượng.

2. Giải pháp giữ vững và mở rộng thị trường

2.1 Tại thị trường Indonesia

Mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều lợi thế và cơ hội xuất khẩu gạo Việt Nam sang các nước ASEAN, nhưng thời gian tới sẽ gặp thách thức không nhỏ trong việc giữ vững và mở rộng thị phần xuất khẩu. Như tại thị trường Indonesia, thách thức đến từ chủ trương bảo đảm an ninh lương thực của Indonesia khiến nhu cầu nhập khẩu gạo có xu hướng giảm. Chính phủ Indonesia ngày càng đẩy mạnh phát triển sản xuất trồng lúa gạo qua việc hình thành các vùng chuyên canh tập trung, phát triển hệ thống thủy lợi, có các chính sách hỗ trợ nông dân trồng lúa, …

Trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia sụt giảm sẽ dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa gạo Việt Nam và Thái Lan. Việc nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường Indonesia còn khá mờ nhạt, trong khi gạo Thái Lan lại có nhiều thương hiệu dễ nhận biết đối với người tiêu dùng tại các siêu thị của Indonesia.

Nhu cầu tiêu thụ gạo chất lượng cao tại Indonesia ngày càng lớn, nhất là các dòng gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 nhưng nhiều doanh nhân nhập khẩu gạo lớn của Indonesia hiện vẫn chưa biết đến các loại gạo chất lượng này của Việt Nam. Vì vậy, công tác quảng bá thương hiệu gạo của Việt Nam tại Indonesia cần được tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

2.2 Tại thị trường Malaysia

Tại Malaysia – thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong khối ASEAN, cũng liên quan đến vấn đề nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam, bà Trần Lê Dung nhấn mạnh: Công ty Bernas Berhad là doanh nghiệp độc quyền nhập khẩu gạo trắng dài của Việt Nam. Đây cũng là loại gạo tiêu thụ chủ yếu tại nước này. Tuy nhiên, Công ty Bernas Berhad hiện nhập theo container gạo thô, sau đó về nước đóng gói và dán nhãn mác thương hiệu công ty của họ. Do đó, tại thị trường Malaysia, người tiêu dùng vẫn chủ yếu biết đến thương hiệu gạo của Bernas Berhad.

Đây chính là nguyên nhân khiến người tiêu dùng ít biết đến gạo Việt Nam. Để cải thiện tình trạng này, bà Trần Lê Dung đưa ra giải pháp: Tại một số siêu thị Malaysia hiện có hình thức gửi hàng mẫu tại các gian hàng. Theo đó, doanh nghiệp sẽ mất phí thời gian đầu để giới thiệu hàng. Các doanh nghiệp Việt Nam nên lưu ý đến hình thức giới thiệu này, bởi trong quá trình trưng bày, quảng bá, sản phẩm có nhiều người hỏi mua thì siêu thị sẽ nhập hàng, đồng thời các doanh nghiệp khác cũng sẽ quan tâm.

Ngoài ra, để đa dạng mặt hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt nên đẩy mạnh xuất khẩu gạo nếp vì nhu cầu tại Malaysia cũng rất cao.

3. Giải pháp tăng cường xuất khẩu gạo Việt Nam sang ASEAN

3.1 Đối với nhà nước

Thứ nhất, về quy hoạch lại sản xuất lúa gạo.

Nhà nước cần có các biện pháp quy hoạch lại sản xuất lúa gạo nhằm nâng cao sản lượng gạo của cả nước đảm bảo đến năm 2030, các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Trên cơ sở Quyết định số 124/QĐ-TTg, ngày 02/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Qui hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành Nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch cho phù hợp với điều kiện cụ thể, phát triển những ngành hàng có lợi thế của địa phương.  

Thông qua hệ thống khuyến nông để chuyển tải các tiến bộ kỹ thuật mới đến nông dân và hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất theo qui hoạch, sử dụng các công nghệ canh tác mới, giống mới, đảm bảo nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa.

Thực hiện đào tạo nâng cao trình độ cho người nông dân, việc này cần chú trọng ngay từ các thế hệ nông dân trẻ. Trước tiên là giáo dục nhận thức cho họ, sau đó là đào tạo về kỹ thuật, nâng cao khả năng tiếp nhận công nghệ,… Để hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại cần phải có nông dân có trình độ. Bên cạnh đó, đào tạo các cán bộ nghiên cứu, cán bộ khuyến nông để giúp nông dân áp dụng công nghệ và kĩ thuật vào sản xuất.

Phát triển thương hiệu gạo vùng, địa phương thông qua phát triển thương hiệu gạo vùng, địa phương đã được bảo hộ. Xây dựng và phát triển mới các thương hiệu gạo vùng, địa phương. Ưu tiên lựa chọn 3 giống gạo đặc sản tại vùng đồng bằng sông Cửu Long để hỗ trợ xây dựng, phát triển thành thương hiệu gạo vùng, địa phương hướng tới trở thành thương hiệu quốc gia, bao gồm: giống jasmine, giống lúa thơm và giống nếp đặc sản.

Thứ hai, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo thu mua gạo tạm trữ và chính sách trợ giá cho nông dân.

Trong cơ chế thị trường, giá cả biến động theo qui luật cung cầu, đa số các mặt hàng nông sản là loại hàng hóa thường sản xuất theo thời vụ, tiêu thụ cả năm, nên có nơi, có lúc vào vụ thu hoạch tiêu thụ không kịp giá bị rớt, nhất là khi được mùa lớn. Để hạn chế tình trạng này, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu mua gạo tạm trữ xuất khẩu và có chính sách trợ giá cho nông dân.

Thứ ba, hợp tác với các quốc gia xuất khẩu gạo lớn để chiếm lĩnh thị trường.

Vấn đề của Việt Nam là không có đủ gạo có chất lượng cao để xuất khẩu, trong khi gạo chất lượng thấp và gạo 25% tấm rất nhiều nhưng lại rất khó xuất khẩu, do nhu cầu thị trường đối với loại gạo này thấp và phải cạnh tranh với gạo của Ấn Độ và Pakistan có giá thấp hơn nên gạo chất lượng thấp và gạo 25% tấm của Việt Nam rơi vào tình trạng ế ẩm. Đã đến lúc Việt Nam và các quốc gia xuất khẩu gạo chủ đạo trong khu vực phải hợp tác thành một khối, nhằm cạnh tranh và giành lại lợi thế trên thị trường gạo quốc tế.

3.2 Đối với Doanh nghiệp

Thứ nhất, cần ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến gạo xuất khẩu.

Một yếu tố quan trọng gây hạn chế chất lượng gạo là công nghệ sau thu hoạch. Hoàn thiện công nghệ sau thu hoạch: cần quan tâm đầu tư nâng cấp công nghệ thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch (dùng máy sấy thay cho phơi thóc bằng ánh sáng mặt trời).

Tăng cường đầu tư cho công nghiệp xay xát, chế biến gạo, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong tạm trữ như sử dụng khí cacbon dioxit, nitơ, công nghệ bảo quản mát. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc cung cấp cây giống, khuyến nông, mua, bảo quản, tồn trữ, vận chuyển, bốc xếp… phải thực hiện quản lý theo tiêu chuẩn ISO, đặc biệt là ở những vùng trọng điểm lúa gạo xuất khẩu.

Ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất lúa gạo - Xuất khẩu gạo Việt Nam
Ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất lúa gạo

Thứ hai, cần có giải pháp về phát triển thị trường.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước về xuất khẩu gạo như hiện nay và những năm tới, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam nhất thiết phải có hệ thống các giải pháp hữu hiệu về thị trường ngoài nước.

Để tăng sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, không chỉ là tăng năng suất và chất lượng sản xuất trong nước để giảm chi phí, mà còn phải mở rộng và ổn định thị trường theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, đảm bảo chữ tín với khách hàng, tăng cường tiếp thị, đầu tư nghiên cứu và dự báo thị trường… Các giải pháp cụ thể như: Nghiên cứu thị trường, Lựa chọn các thị trường mục tiêu.

Thứ ba, cần có giải pháp về xúc tiến thương mại.

Các doanh nghiệp trực tiếp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại bao gồm: nghiên cứu thị trường; tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm,… bằng cách thực hiện các chiến dịch quảng cáo, tham gia hội chợ, triển lãm, lập văn phòng đại diện ở nước ngoài,…

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước trong vấn đề thị trường, các doanh nghiệp phải chủ động tìm bạn hàng và phương thức kinh doanh thích hợp để xâm nhập và mở rộng chỗ đứng trên thị trường gạo thế giới. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần đa dạng hóa khách hàng và tận dụng cả những hợp đồng có khối lượng không lớn; đồng thời thiết lập quan hệ với các tập đoàn xuyên quốc gia là những tổ chức kinh tế vững mạnh có tầm hoạt động rộng, sự am hiểu về thị trường và khả năng về vốn lớn để đảm bảo thị trường xuất khẩu ổn định.

4. Kết luận

Ngoài ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông sản thì xấu khẩu gạo Việt Nam cũng đóng góp to lớn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh hầu hết các nước ASEAN đều có những thay đổi về nhu cầu, điều kiện nhập khẩu gạo, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo Việt Nam, ngành gạo cần rà soát lại nhu cầu của từng thị trường, xác định những thị trường tiêu thụ gạo giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm với mức giá cao.

Từ đó có chiến lược quảng bá, giới thiệu sản phẩm đúng hướng. Cần chú trọng xây dựng thương hiệu gạo tại các nước ASEAN để xác lập vị thế cho hạt gạo Việt Nam, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng gạo tại các thị trường này. 

SV thực hiện: Lê Phương Lan
Mã sinh viên: 19051500

Lớp: QH-2019-E QTKD CLC 3
Mã học phần: INE3104 3