Thương mại điện tử xuyên biên giới là cơ hội hay thách thức 2022?

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu. Việc trò chuyện, trao đổi và thậm chí là giao dịch mua bán cũng được diễn ra dễ dàng và nhanh chóng. Vì vậy, thói quen mua sắm của người tiêu dùng có sự thay đổi rõ rệt. Người tiêu dùng dần chuyển từ việc mua sắm truyền thống sang mua sắm trên các sàn thương mại điện tử.

Đặc biệt, trong suốt hai năm đại dịch COVID – 19 hoành hành, thương mại điện tử xuyên biên giới càng có xu hướng phát triển mạnh mẽ hơn. Đây được xem như một phương pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Vậy chính xác thương mại điện tử xuyên biên giới là gì? Hãy cùng tham khảo bài viết để tìm hiểu về phương thức giao dịch này cũng như các vấn đề liên quan đến nó nhé!

1.      Thương mại điện tử xuyên biên giới là gì?

Thương mại điện tử xuyên biên giới (Cross-Border E-Commerce) là thuật ngữ được sử dụng trong ngành logistic. Thuật ngữ này dùng để chỉ hoạt động mua sắm của người tiêu dùng giữa những quốc gia khác nhau thông qua việc sử dụng mạng Internet. Lúc này, người tham gia mua sắm sẽ được gọi là “người tiêu dùng toàn cầu”.

 

Thương mại điện tử xuyên biên giới là gì? - Thương mại điện tử xuyên biên giới
Thương mại điện tử xuyên biên giới là gì?

 

Thương mại điện tử xuyên biên giới không chỉ giúp người tiêu dùng tiếp cận với nhiều mặt hàng tại các thị trường trên khắp thế giới. Mà nó còn mở rộng thị trường, tệp khách hàng của các doanh nghiệp. Việc giới thiệu cũng như mang sản phẩm đến tay khách hàng trên khắp thế giới một cách dễ dàng hơn. Hơn nữa, phương thức này còn là một cách hiệu quả quảng bá và tăng độ nhận diện trên thị trường nhập khẩu.

Ví dụ: Taobao là một trang thương mại điện tử lớn của Trung Quốc. Dù bạn ở Việt Nam nhưng nhờ có Internet, bạn vẫn có thể mua sắm bất kỳ sản phẩm nào đang có mặt trên các gian hàng ở Taobao.

2.      Những hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới

Hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới có hai đối tượng tham gia chính. Đó là người tiêu dùng và doanh nghiệp/ nhà phân phối/ nhà bán lẻ. Chính vì vậy, phương thức kinh doanh này được chia thành 4 hình thức cụ thể như sau:

Các mô hình thương mại điện tử - Thương mại điện tử xuyên biên giới
Các mô hình thương mại điện tử
  • Giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B)
  • Giữa doanh nghiệp/ nhà phân phối/ nhà bán lẻ với người tiêu dùng (B2C)
  • Giữa hai cá nhân tại hai quốc gia khác nhau (C2C)
  • Giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp (C2B)

3.      Cơ hội thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại doanh nghiệp

Thương mại điện tử xuyên biên giới được đón nhận và nhanh chóng phát triển như hiện nay là nhờ vào những lợi ích mà nó mang lại. Phương thức thương mại này không chỉ giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn mua sắm với mẫu mã và giá thành đa dạng mà còn mang đến nhiều cơ hội trong kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Nhờ vào Internet mà thương mại điện tử xuyên biên giới có thể phủ sóng khắp mọi nơi trên thế giới. Thị trường tiêu thụ không chỉ nằm gọn trong quốc gia mà vươn ra khắp các vùng lãnh thổ khác. Nhờ vậy, các doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô kinh doanh, tiếp cận lượng khách hàng từ khắp nơi trên thế giới.

Thương mại điện tử xuyên biên giới mở ra hàng nghìn cơ hội cho các doanh nghiệp - Thương mại điện tử xuyên biên giới
Thương mại điện tử xuyên biên giới mở ra hàng nghìn cơ hội cho các doanh nghiệp

Bên cạnh đó, việc mở cửa buôn bán với nhiều quốc gia giúp doanh nghiệp tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Doanh nghiệp có thể khám phá ra thị trường mới cũng như những xu hướng mua sắm của khách hàng. Qua đó, doanh nghiệp không ngừng cải tiến và đổi mới sản phẩm của mình.

Hơn nữa, thương mại điện tử xuyên biên giới còn giúp doanh nghiệp cắt giảm được các khoản chi phí phân phối. Phương thức thương mại này được đánh giá là kênh phân phối ngắn nhất để kết nối trực tiếp với khách hàng. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể quảng bá cũng như phát triển thương hiệu trên thị trường nhập khẩu.

4.      Những thách thức hiện tại mà thương mại điện tử xuyên biên giới đang đối mặt

Đi đôi với cơ hội mà thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại chính là những thách thức. Sự khác biệt về vùng lãnh thổ, ngôn ngữ, đơn vị tiền tệ… là những yếu tố gây nên khó khăn trong phương thức thương mại này. Dưới đây là những thách thức mà thương mại điện tử xuyên biên giới được dự đoán phải đối mặt trong thập kỷ tới.

4.1.           Rào cản thuế quan

Như chúng ta đã biết, mỗi quốc gia sẽ có những luật, quy định riêng về mức thuế đối với hàng nhập khẩu. Việc đánh thuế cao hay thấp lên hàng nhập khẩu có sự ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành của sản phẩm. Mặt khác, chính sách về thuế bổ sung không rõ ràng có thể gây biến động giá thành sản phẩm. Từ đó mang đến những trải nghiệm tiêu cực trong quá trình mua sắm của khách hàng.

Hiện nay tại Việt Nam, đối với mỗi kiện hàng nước ngoài được nhập khẩu về trong nước để đến tay người tiêu dùng phải chịu ba loại thuế. Đó là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

Rào cản thuế quan gây ra nhiều khó khăn - Thương mại điện tử xuyên biên giới
Rào cản thuế quan gây ra nhiều khó khăn

4.2.            Chi phí phụ cho người tiêu dùng

Bên cạnh rào cản của thuế, khi mua sắm hàng hóa xuyên biên giới, khách hàng cũng phải tốn thêm một khoản chi phí phụ. Những khoản chi phí này xuất phát từ phương thức thanh toán mà khách hàng lựa chọn trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Cụ thể như phí chuyển tiền, phí giao dịch…

Chi phí giao dịch - Thương mại điện tử xuyên biên giới
Chi phí giao dịch

4.3.           Tỷ giá hối đoái

Mỗi quốc gia sử dụng một loại tiền tệ riêng biệt. Thông thường, khách hàng ở quốc gia nào sẽ có thói quen sử dụng nội tệ của mình để giao dịch trao đổi mua bán. Tuy nhiên, khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới, khách hàng phải chuyển đổi sang sử dụng đô la Mỹ. Hoặc khách hàng phải sử dụng tiền tệ theo quốc gia của nhà phân phối/ nhà bán lẻ.

Chênh lệch tỷ giá hối đoái - Thương mại điện tử xuyên biên giới
Chênh lệch tỷ giá hối đoái

Tỷ giá hối đoái luôn biến động không ngừng nên giá thành sẽ có sự dao động lên xuống. Điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của khách hàng. Chính vì vậy, tỷ giá hối đoái là một thách thức đối với doanh nghiệp, các nhà phân phối và bán lẻ.

4.4.           Gian lận thẻ tín dụng

Khi tham gia các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới, khách hàng thường sử dụng thẻ tín dụng hoặc ví điện tử để thanh toán. Lợi dụng điểm này, hành vi gian lận thẻ tín dụng ngày một có xu hương gia tăng. Để ngăn chặn hành vi này, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ AVS. Đây là hệ thống xác minh thông tin địa chỉ thanh toán với thông tin cung cấp cho ngân hàng.

Ngành công nghiệp "đánh cắp tiền" trong cách mạng công nghệ 4.0 - Thương mại điện tử xuyên biên giới
Ngành công nghiệp “đánh cắp tiền” trong cách mạng công nghệ 4.0

Tuy nhiên, hiện nay, tại một số quốc gia không chấp nhận sử dụng AVS. Do đó, tình trạng gian lận thẻ tín dụng vẫn không thể chấm dứt hoàn toàn.

4.5.           Quá trình vận chuyển phức tạp

Quá trình vận chuyển hàng hóa từ quốc gia này sang quốc gia khác chưa bao giờ dễ dàng bởi rào cản của các đạo luật và thuế quan. Ngoài ra, quãng đường vận chuyển dài cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với vận chuyển trong nước. Đặc biệt là đối với vận chuyển bằng đường thủy. Khách hàng phải đối mặt với nguy cơ mất hàng, lạc hàng hoặc hàng bị hư hỏng.

Việc vận chuyển giữa các quốc gia còn tiềm ẩn nhiều rủi ro - Thương mại điện tử xuyên biên giới
Việc vận chuyển giữa các quốc gia còn tiềm ẩn nhiều rủi ro

4.6.           Sự khác biệt về ngôn ngữ

Một điểm khó khăn không thể không nhắc đến là sự khác biệt về ngôn ngữ. Trên thế giới có gần 200 quốc gia với hơn 7000 loại ngôn ngữ. Vì vậy, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới không thể hỗ trợ tất cả các loại ngôn ngữ. Hiện nay, đa số các sàn thương mại điện tử trên thế giới chỉ hỗ trợ những ngôn ngữ thông dụng hiện nay như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Pháp…

Do đó, với những quốc gia không được hỗ trợ về ngôn ngữ cũng như tiền tệ sẽ gặp khó khăn trong giao dịch. Thậm chí họ không thể tham gia mua sắm trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, người bán và khách hàng cũng sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp nếu có sự khác biệt ngôn ngữ. Khi hàng hóa xảy ra vấn đề hoặc quá trình vận chuyển bị gián đoạn, vì sự khác biệt ngôn ngữ nên sẽ rất khó để hai bên cùng nhau giải quyết.

Kết luận

Thương mại điện tử xuyên biên giới vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp và nhà phân phối. Phương thức này mở ra rộng thị trường bán buôn, quảng bá thương hiệu đến khắp các nơi trên thế giới. Nhưng đi cùng với đó cũng là hàng loạt thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt. Hy vọng với những thông tin mà bài viết chia sẻ có thể giúp bạn hiểu hơn về phương thức thương mại này.

Tham khảo các bài viết liên quan khác dưới đây:

Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Kim Dung

Mã sinh viên: 19051445

Lớp học phần: INE3104-4