Quy trình 7 bước của một giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới

Trong những năm gần đây, công nghệ và mạng Internet phát triển vượt bậc đã mở ra nhiều cơ hội kinh doanh. Thương mại điện tử xuất hiện khắp mọi nơi trên mạng Internet. Việc kinh doanh buôn bán không chỉ gói gọn trong nội địa mà mở rộng ra phạm vi trên toàn thế giới. 

Tuy nhiên, câu hỏi “Tại sao nên thương mại điện tử xuyên biên giới?’ vẫn còn là nỗi bâng khuâng của doanh nghiệp. Bài viết dưới đây sẽ lí giải tại sao nên tham gia thương mại điện tử quốc tế. Đồng thời, chia sẻ một số điểm lưu ý khi muốn tham gia vào phương thức thương mại này.

1. Tại sao nên tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới?

Thương mại điện tử xuyên biên giới còn gọi là thương mại điện tử quốc tế đem lại lợi ích phong phú cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp và các nhà bán lẻ. Đối với người tiêu dùng, thương mại điện tử quốc tế mang đến hàng triệu mặt hàng với mẫu mã, giá thành và xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới. Hơn nữa, thương mại điện tử còn tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho người tiêu dùng. Bằng một thiết bị điện tử có kết nối Internet, người tiêu dùng ở Việt Nam có thể mua ngay một chiếc váy tại Trung Quốc.

Đối với doanh nghiệp và các nhà bán lẻ, thương mại điện tử quốc tế còn mang lại lợi ích to lớn hơn rất nhiều. Phương thức thương mại này mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Giờ đây, thị trường buôn bán không chỉ nằm trong nước mà phát triển ra khắp các khu vực trên thế giới. Nhờ vậy, độ nhận diện và mức độ phổ biến của thương hiệu được phủ sóng mạnh mẽ. 

Thương mại điện tử quốc tế đem đến lợi ích phong phú cho doanh nghiệp
Thương mại điện tử quốc tế đem đến lợi ích phong phú cho doanh nghiệp

Bên cạnh đó, lượng khách hàng tiềm năng trên thị trường quốc tế còn là miếng mồi ngon béo mỡ. Nếu doanh nghiệp cung cấp sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý sẽ thu hút được lượng lớn. Nhờ vào lượng khách hàng này, doanh nghiệp có thể tiếp cận và tăng cao doanh số. Các đơn đặt hàng gia tăng kéo theo doanh thu cùng tăng lên.

Ngoài ra, một số sản phẩm hoặc mặt hàng không hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước. Nhưng khi mang ra thị trường quốc tế lại rất được ưa chuộng. Thương mại điện tử xuyên biên giới là cơ hội để các doanh nghiệp và nhà bán lẻ bán các sản phẩm này. 

2. 7 bước của một giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới

Qua phần trên có thể thấy những lợi ích to lớn mà thương mại điện tử quốc tế mang lại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vậy bạn có thắc mắc một quy trình hoàn thiện giao dịch thương mại điện tử quốc tế diễn ra như thế nào không?

Để mua một sản phẩm từ các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới rất đơn giản. Người tiêu dùng chỉ cần click chuột và thực hiện thanh toán trong vòng 2 phút. Nhưng để hàng hóa có thể đến với với tay của khách hàng, phía sau đó là cả một hệ thống.

Quy trình 7 bước của một giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới bao gồm:

Bước 1: Đặt hàng

Đầu tiên, khách hàng sẽ thông qua sàn thương mại điện tử quốc tế để lựa chọn và mua sắm sản phẩm. 

Bước 2: Tiếp nhận và chuyển giao đơn hàng

Sau khi, khách hàng chọn mua và tiến hành thanh toán thì đơn hàng sẽ được chuyển đến nhà cung cấp.

Bước 3: Chuẩn bị và đóng gói

Nguồn hàng của nhà cung cấp, nhà bán lẻ hoặc đại lý sẽ lấy từ các nhà máy sản xuất. Sau khi đã chuẩn bị và đóng gói hàng hóa, nhà cung cấp sẽ chuyển cho bên vận chuyển. 

Bước 4: Vận chuyển đến kho tại nước ngoài

Bên vận chuyển của sàn thương mại điện tử sẽ đưa hàng đến kho tại nước ngoài. 

Bước 5: Vận chuyển về Việt Nam

Tiếp sau đó, hàng hóa sẽ được vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam. 

Bước 6: Kiểm duyệt tại cửa khẩu Việt Nam

Tại Việt Nam, hàng hóa sẽ được kiểm tra tại cửa khẩu. Sau khi hoàn tất các bước kiểm tra, đơn hàng của khách hàng sẽ được chuyển đến kho của sàn thương mại điện tử quốc tế tại Việt Nam. 

Bước 7: Giao hàng

Cuối cùng, người giao hàng sẽ đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Một giao dịch thương mại điện tử quốc tế được thực hiện theo 7 bước cơ bản
Một giao dịch thương mại điện tử quốc tế được thực hiện theo 7 bước cơ bản

3. Những điều cần lưu ý khi tham gia thương mại điện tử quốc tế

Thương mại điện tử quốc tế trên thế giới mở ra cơ hội kinh doanh trên thị trường quốc tế cho các doanh nghiệp. Thị trường rộng lớn đầy tiềm năng nhưng cũng có không ít khó khăn. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp, đại lý và nhà bán lẻ muốn tham gia thương mại điện tử quốc tế cần lưu ý một số điểm sau:

3.1. Bắt tay chuẩn bị sớm

Với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ và mạng Internet hiện nay, thương mại điện tử không ngừng phát triển. Chính vì vậy, doanh nghiệp, đại lý và các nhà bán lẻ nên bắt tay chuẩn bị và tham gia càng sớm càng tốt. Việc tham gia sớm sẽ giúp bạn chiếm được ưu thế trong cuộc chạy đua này.

Dù tham gia sớm nhưng không có nghĩa là vội vàng và hấp tấp. Bạn nên tiến hành tìm hiểu về số liệu, thị trường cũng như nhu cầu của khách hàng. Từ đó, bạn có thể xây dựng nên một kế hoạch phù hợp để tiếp cận và quảng bá thương hiệu đến thị trường quốc tế. 

3.2. Tạo dựng niềm tin với khách hàng

Hiện nay, tình trạng gian lận trực tuyến ngày càng phổ biến. Đặc biệt, đối với những giao dịch thương mại thì tỷ lệ này càng cao hơn. Theo thống kế, tỷ lệ gian lận trung bình của các đơn hàng quốc tế cao hơn đơn trong nước đến 3,5 lần. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự thiếu minh bạch và thiếu hụt thông tin. 

Vì vậy, việc đầu tiên các doanh nghiệp và nhà bán lẻ cần chuẩn bị khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới là tạo dựng niềm tin trong lòng khách hàng. Bằng cách tăng độ nhận diện thương hiệu hoặc công khai hồ sơ thông tin doanh nghiệp. Nhờ đó, khách hàng có thể hiểu rõ hơn về doanh nghiệp, nhà bán lẻ.

3.3. Nghiên cứu thị trường

Trong kinh doanh, bạn càng hiểu rõ thị trường thì càng thành công. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cũng như nhà bán lẻ cần nghiên cứu thị trường thật cẩn thận trước khi tham gia. Thương mại điện tử quốc tế cũng vậy. Nếu muốn tiếp cận và buôn bán ở một đất nước, khu vực xa lạ nào thì bạn cần nghiêm túc nghiên cứu. Bạn có thể tìm hiểu và phân tích về phong tục, văn hóa, mức thu nhập, nhu cầu, thị hiếu… 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu về đối thủ cạnh tranh. Đi đôi với cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh là áp lực cạnh tranh đến từ trong nước lẫn quốc tế. Hiểu rõ đối thủ cạnh tranh giúp doanh nghiệp có thể đưa ra những chiến lược phù hợp và hiệu quả hơn.

Hiểu rõ thị trường giúp doanh nghiệp tiến xa hơn trên thị trường quốc tế
Hiểu rõ thị trường giúp doanh nghiệp tiến xa hơn trên thị trường quốc tế

3.4. Đo lường và quản trị rủi ro

Như đã nhắc đến ở phần trên, thị trường quốc tế đầy tiềm năng với lượng khách hàng lớn từ khắp các nơi trên thế giới. Nhưng cũng vì vậy mà thị trường này còn ẩn chứa nhiều rủi ro. Do đó, khi tham gia thương mại điện tử quốc tế, doanh nghiệp và nhà bán lẻ nên đo lường cũng như quản trị rủi ro.

Những rủi ro này thường xuất phát từ hai phía, đó là rủi ro khách quan và rủi ro chủ quan. Rủi ro khách quan đến từ tâm lý người tiêu dùng, rủi ro về công nghệ, rủi ro trong quá trình vận chuyển… Rủi ro chủ quan đến từ phía doanh nghiệp như chiến lược kinh doanh không thích hợp, không cẩn thận trong bước lựa chọn đối tác…

Khi tham gia thương mại điện tử quốc tế có vô vàn rủi ro. Việc của doanh nghiệp cần làm là nhận diện, thống kê, đo lường các rủi ro. Từ đó có thể đưa ra những biện pháp tối thiểu hóa rủi ro hoặc tránh rủi ro.

Kết luận 

Bài viết đã chia sẻ đã giúp doanh nghiệp giải đáp Quy trình 7 bước giúp doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Qua đó, bạn có thể thấy được lợi ích và cơ hội mà phương thức thương mại này đem đến. Hy vọng với những thông tin trên có thể giúp bạn hiểu rõ hơn lợi ích cũng như quy trình của một giao dịch thương mại điện tử quốc tế. 

Những bài viết liên quan:

Sinh viên thực hiện: Nguyễn Thị Vân Anh

Mã sinh viên: 19051419

Lớp học phần: INE3104-4