Thương mại điện tử xuyên biên giới đang là nhân tố cốt lõi trong quá trình khôi phục và thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu sau hơn hai năm đại dịch Covid-19. Đây được xem là kênh sản xuất triển vọng và tiềm năng giúp phát triển nền kinh tế dành cho mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với những lợi thế của thương mại điện tử, các doanh nghiệp Việt cần biết tận dụng, kế thừa và đổi mới để sánh vai với các thị trường kinh tế lớn trong tương lai gần.
Nội dung bài viết
1. Thương mại điện tử xuyên biên giới là gì
Thương mại điện tử xuyên biên giới là hình thức trao đổi mua – bán giữa một người hoặc doanh nghiệp của quốc gia này với một người hoặc doanh nghiệp của quốc gia khác. Đây là hoạt động kinh doanh hàng hoá và dịch vụ hướng tới các khách hàng quốc tế thông qua hình thức trực tuyến. Các doanh nghiệp có thể chọn lựa kinh doanh thông qua website, cửa hàng trực tuyến và sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, thương mại điện tử quốc tế có thể được thực hiện dưới cả ba hình thức bao gồm B2B, B2C và C2C.
2. Thực trạng TMĐT xuyên biên giới toàn cầu và tại Việt Nam
- Tình hình thế giới
Trong cuộc cách mạng 4.0, thương mại điện tử được xem là nguồn lực chính của nền kinh tế số. Với bối cảnh phức tạp của đại dịch Covid-19 trong hơn hai năm qua, thực trạng thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng trở nên sôi động. Việc ứng dụng công nghệ số và xây dựng kênh phân phối mới đã và đang trở thành một phương thức kinh doanh hiệu quả dành cho các doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại.
Theo số liệu Bộ Công Thương vào năm 2020, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đã đạt hơn 146 tỷ euro, chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu. Tại Trung Quốc, vào năm 2020, xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới đã đạt tổng doanh thu khoảng 1,69 nghìn tỷ NDT.
Với sự kết hợp của thương mại quốc tế truyền thống và thương mại điện tử, các trang thương mại điện tử quốc tế đã được phát triển và trở thành trào lưu của rất nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… cũng như lan rộng khắp khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Việt Nam và Thái Lan.
Ở Việt Nam, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo khảo sát của Bộ Công Thương vào năm 2020, Việt Nam có 49,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến. Ngoài ra, có khoảng gần 10 triệu sản phẩm nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam được bán cho khách hàng Amazon trên toàn cầu.
Mặc dù thế giới đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch, Việt Nam vẫn có số lượng các nhà bán hàng tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, các thị trường quốc tế của nhà bán hàng Việt Nam được đánh giá tương đối phong phú: từ khu vực Bắc Mỹ (Mỹ, Canada, Mexico); Châu Âu (Anh, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Thuỵ Điển) và một số quốc gia khác như Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ,…
- Tình hình tại Việt Nam
Trải qua hơn hai năm ảnh hưởng bởi Covid-19, sàn thương mại điện tử quốc tế vẫn được xem là điểm sáng cho bức tranh kinh tế của các nước, trong đó có Việt Nam. Năm 2019, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các sàn thương mại điện tử nội địa mà Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương triển khai được đánh giá là một giải pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp Việt mở rộng, tiếp cận thị trường thông qua phương thức phân phối hiện đại.
Năm 2020, Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam – ECVN đã ra mắt tại Diễn đàn chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa. Đây được biết đến là giải pháp chuyển đổi số trên nền tảng thương mại điện tử B2B khi kết nối với hơn 100 thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Hiện tại, thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 tại Đông Nam Á, đồng thời thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới trong lĩnh vực này. Tính đến năm 2021, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ của nước ta tăng 16% đạt 13,7 tỷ USD. Dự báo giai đoạn 2022-2025, thương mại điện tử Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ vào năm 2025 và chiếm 10% so với tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
3. Ưu điểm của thương mại điện tử xuyên biên giới
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được những cột mốc đáng ngưỡng mộ trên các trang thương mại điện tử quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ khi trở thành một trong những thị trường có bước nhảy vọt lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Qua đó, doanh nghiệp Việt cần phải “nằm lòng” các ưu điểm của thương mại điện tử để có những bước đi đúng đắn trước khi gia nhập thị trường thế giới.
Tăng doanh số, nâng cao tổng doanh thu
Việc định vị thương hiệu trên thị trường quốc tế có thể thu hút một lượng lớn khách hàng đến với sản phẩm của doanh nghiệp. Khi hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp sẽ bán trực tiếp cho người tiêu dùng theo hình thức D2C (Direct to consumer).
Đây là mô hình kinh doanh mà doanh nghiệp phân phối trực tiếp sản phẩm đến khách hàng thông qua cửa hàng chính hãng, website hoặc thương mại điện tử. Nhờ vậy, các doanh nghiệp có thể điều chỉnh giá bán cuối cùng và thu về một phần lớn hơn của tỷ suất lợi nhuận, từ đó doanh số bán hàng sẽ được tăng cao.
Nâng cao uy tín thương hiệu
Một trong những lợi thế hàng đầu của việc bán hàng xuyên biên giới đó chính là nâng cao uy tín thương hiệu. Doanh nghiệp cần quảng bá thương hiệu của mình ra thị trường thế giới để giới thiệu cho bạn bè quốc tế cũng như tiếp cận được tệp khách hàng tiềm năng.
Bên cạnh việc mở rộng thị trường, thương mại điện tử quốc tế còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, đây còn là cơ hội giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh có cơ hội được triển khai kinh doanh cũng như tiếp cận các doanh nghiệp nước ngoài một cách nhanh chóng.
Giảm cạnh tranh trong nước, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế
Mọi doanh nghiệp đều nhận thức rõ các thách thức phải đối mặt với thực trạng thương mại điện tử xuyên biên giới, một trong số đó là sự cạnh tranh. Mặc dù áp lực cạnh tranh là yếu tố không thể thiếu trong môi trường kinh doanh nhưng nó cũng là “con dao hai lưỡi” khiến nhiều người bán hàng muốn từ bỏ ngành này. Bởi vậy, đa số doanh nghiệp hiện nay muốn đưa sản phẩm ra thị trường thế giới để giảm bớt sự cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại trong nước.
Đồng thời, đây cũng được xem là một lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác. Nếu sản phẩm của doanh nghiệp được đánh giá cao, tiềm năng phát triển lớn thì người bán nên biết cách nắm bắt cơ hội và gia nhập vào sàn thương mại điện tử quốc tế.
4. Kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới cần biết những gì?
Để tham gia vào thị trường thương mại điện tử quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tích lũy đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm. Bên cạnh những cơ hội phát triển, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với một số bất cập như chi phí, pháp luật hay trình độ. Bởi vậy, một số thông tin quan trọng về kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới mà doanh nghiệp cần phải biết sẽ được đề cập dưới đây.
“Nằm lòng” quy định pháp luật
Trong những năm gần đây, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, việc nắm rõ các quy định pháp luật của từng quốc gia là một trong những vấn đề quan trọng để kinh doanh thành công lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới.
Có thể thấy, mỗi thị trường lại có những quy định về thủ tục, ngành hàng, chất lượng sản phẩm và cách thức giao dịch khác nhau. Để kinh doanh thương mại điện tử quốc tế, các doanh nghiệp cần phải đầu tư thời gian tìm hiểu và nắm vững các điều khoản, luật lệ để tạo lợi thế so với các đối thủ kinh doanh khác.
Khả năng phân tích thị trường
Trước khi đưa thương hiệu và sản phẩm ra thế giới, các doanh nghiệp cần phải nắm rõ diễn biến thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng. Quá trình nghiên cứu thị trường không chỉ là việc tìm kiếm các dữ liệu và thống kê con số mà các dữ liệu đã được thu thập sẽ cần phải tiến hành phân tích, chuyển hoá thành các thông tin liên quan.
Qua đó, các doanh nghiệp cần phân tích thị trường từ việc phát hiện ra thị trường ngách cho đến hoạch định một chiến lược kinh doanh. Thêm vào đó, việc xây dựng công cụ tiếp thị xuất khẩu hiệu quả cũng được xem là yếu tố cần thiết giúp thúc đẩy doanh nghiệp trên sàn thương mại điện tử quốc tế hiện nay.
Nắm rõ hoạt động Logistics
Logistics là hệ thống giúp tối ưu hoá toàn bộ quá trình sản xuất, lưu thông trên phạm vi rộng của thương mại điện tử xuyên biên giới, từ trong khu vực đến toàn thế giới. Đây là quá trình vận chuyển quốc tế giúp giao nhận hàng hóa từ quốc gia này đến quốc gia khác trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, thủ tục giấy tờ đối với hàng hoá nhập khẩu sẽ có sự khác nhau ở mỗi quốc gia. Bởi vậy, doanh nghiệp hoặc cá nhân kinh doanh phải nắm rõ các quy định khi vận chuyển hàng hoá ra nước ngoài. Dưới đây là 5 loại giấy tờ cần phải biết trong quá trình vận chuyển hàng quốc tế dành cho những người trong ngành.
- Hoá đơn thương mại (Commercial Invoice – CI): Là loại chứng từ quan trọng khi chứa tất cả các thông tin giao dịch bán hàng bao gồm các điều khoản vận chuyển giữa nhà cung cấp và khách hàng.
- Vận đơn (Bill of Lading – BOL): Là tài liệu quan trọng được gửi kèm theo với 3 bản chính bao gồm 1 bản người gửi giữ, 1 bản đơn vị vận chuyển giữ và 1 bản người nhận giữ. Nhờ BOL, mọi người có thể dễ dàng tra cứu được tình trạng hàng hoá.
- Giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin – C/O): Bất kỳ hàng hóa vận chuyển quốc tế nào cũng cần có giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm để đảm bảo nguồn gốc rõ ràng và tránh hàng nhái. Nếu người gửi không chứng minh được xuất xứ đơn hàng thì việc vận chuyển sẽ không được chấp nhận.
- Tài liệu kiểm soát hàng hoá (CCD): Các đơn vị cần đảm bảo chuẩn bị đầy đủ tài liệu kiểm soát hàng hóa các thông tin về người gửi, nhà sản xuất hay công ty xuất khẩu. Từ đó, tài liệu sẽ được đem nộp cho cơ quan dịch vụ biên giới quốc tế để giám sát hoạt động vận chuyển.
- Tờ khai xuất khẩu cho người gửi hàng: Chuẩn bị tờ khai xuất khẩu cho người gửi hàng đối với những đơn hàng từ Việt Nam. Thông qua Cục Xuất Nhập khẩu của Bộ Công thương Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ biết cần phải chuẩn bị loại giấy tờ này hay không. Đối với tờ khai xuất khẩu cho người gửi hàng hợp lệ, con dấu của người xuất khẩu hoặc đại lý uỷ quyền sẽ được đi kèm.
Tối ưu chi phí logistics
Việc tối ưu chi phí để có mức giá bán cạnh tranh được xem là một trong những yếu tố quan trọng khi phân phối hàng hoá tại thị trường quốc tế. Một trong những bước đầu tiên trong quá trình giảm thiểu chi phí đó chính là tập trung hàng hoá vào một kho.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần biết tối ưu bằng cách lựa chọn một đối tác cung cấp dịch vụ logistics toàn diện từ lưu kho đến vận chuyển hàng. Điều này sẽ giúp tự động hóa trong quy trình xử lý đơn hàng.
Biết cải tiến và tự động hoá
Đối với hình thức thương mại điện tử quốc tế D2C, các doanh nghiệp lần đầu được tiếp cận sẽ thường gặp khó khăn về khối lượng và mức độ phức tạp của việc bán hàng quốc tế. Nếu muốn tiếp cận một lượng “khổng lồ” khách hàng và mở rộng quy mô kinh doanh, doanh nghiệp cần đầu tư vào các công cụ tự động hoá, cải tiến công nghệ và trang thiết bị máy móc.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tự động hoá để tiết kiệm thời gian lao động, tránh lãng phí nguồn nguyên vật liệu, tăng độ chính xác cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây được xem là cơ sở giúp khẳng định vị thế trên thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới.
5. Kết luận
Trong thời đại phát triển ngày nay, thương mại điện tử xuyên biên giới được xem là đòn bẩy giúp các quốc gia phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế. Tính đến năm 2025, thương mại điện tử được dự đoán sẽ tiếp tục có những bước chuyển mình đáng kể với mức doanh thu “khổng lồ” dành cho doanh nghiệp Việt. Qua đó, các doanh nghiệp cần biết nắm bắt thời cơ và có những bước tiến lớn để tạo nên một “kỷ nguyên bứt phá” cho nền kinh tế Việt Nam.
Tham khảo bài viết có liên quan:
Thương mại điện tử xuyên biên giới: cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam năm 2022
Top 10 sàn thương mại điện tử tốt nhất
Thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng thu hút doanh nghiệp Việt
Thương mại điện tử xuyên biên giới giúp doanh nghiệp Việt vươn ra toàn cầu