Thương mại điện tử xuyên biên giới: cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam năm 2022

1. Thương mại điện tử xuyên biên giới là gì?

Thương mại điện tử xuyên biên giới là hoạt động kinh doanh hàng hóa hoặc dịch vụ đến các khách hàng quốc tế thông qua hình thức online. Doanh nghiệp có thể kinh doanh thông qua website, cửa hàng trực tuyến hay các sàn thương mại điện tử. Thương mại điện tử quốc tế có thể được thực hiện dưới cả ba hình thức B2B, B2C và C2C.

thương mại điện tử xuyên biên giới
Thương mại điện tử xuyên biên giới

2. Thực trạng hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung, tuy nhiên, thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng vượt bậc.

Theo bà Lê Thị Hà – Trưởng phòng Chính sách (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương), thương mại điện tử – Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á.

Năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam là 18%, trở thành nước duy nhất trong Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng dẫn báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy, quy mô thương mại điện tử Việt Nam hiện đạt giá trị 21 tỷ USD, dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên 57 tỷ USD.

Covid-19 đã thay đổi phương thức tiêu dùng và sở thích mua sắm của nhiều người. Trong bối cảnh này, nhiều DN đã phải tăng cường chuyển đổi số, cũng như điều chỉnh mô hình vận hành, điều chỉnh về sản phẩm nhằm đảm bảo sự cạnh tranh.

Thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam
Nền tảng thương mại điện tử Việt Nam

Theo khảo sát được Bộ Công Thương thực hiện với hơn 10.000 DN nội địa, trong hai năm 2020 – 2021, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ vững 17%/năm.

Năm 2021, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD, ước tính giá trị mua sắm trung bình là 270 USD/người/năm. Đối tượng và số lượng khách hàng cho DN hiện đã được mở rộng ra ngoài phạm vi thành thị với lượng người bán tăng đột biến từ những đơn vị phi thành thị, tăng khoảng 40% năm 2021.

Bên cạnh đó, một số sàn lớn cũng ghi nhận việc DN thực phẩm đồ uống, đồ tươi sống đã bắt đầu “lên sàn”. 6 tháng đầu năm 2021, ở khu vực phi thành thị có khoảng 8.000 hộ nông dân tiếp cận, 15.000 mặt hàng nông sản được đưa lên sàn, tăng khoảng 91% so với cùng kỳ năm 2020.

3. Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp tại Việt Nam

3.1. Cơ hội.

Đưa hàng Việt ra thế giới

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), dù gặp những ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2020 do dịch COVID-19 nhưng thương mại điện tử Việt Nam vẫn có những bước tăng tốc mạnh mẽ và trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam cho hay, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số.

Kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến năm 2020, Việt Nam có 49,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến (số liệu này năm 2016 mới chỉ ghi nhận 32,7 triệu người).

Bên cạnh đó, thương mại điện tử giúp người tiêu dùng thông qua internet để mua sắm tại các thị trường quốc tế và trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”. Đồng thời, giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng hơn khi giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tay khách hàng quốc tế.

Ngoài ra, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, cọ sát thực tế để hoàn thiện sản phẩm của mình; nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.

Thương mại điện tử xuyên biên giới với doanh nghiệp việc
Hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế (nguồn Báo hải quan)

Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, thương mại điện tử xuyên biên giới được phát triển trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với thương mại điện tử đang trở thành trào lưu của các quốc gia có nền tảng thương mại điện tử phát triển như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc … và lan rộng tới các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á như: Indonesia, Thái Lan, Việt Nam…

Đơn cử, tốc độ ứng dụng và phát triển thương mại điện tử của Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong thập kỷ gần đây.

Thống kê từ Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), năm 2020 doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 146 tỷ Euro và chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu.

Theo số liệu Trung Quốc công bố, xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm 2020 của nước này đạt tổng cộng 1,69 nghìn tỷ NDT, tăng 31,1%. Tổng giao dịch xuất khẩu qua thương mại điện tử tăng hơn 40% lên 1,12 nghìn tỷ NDT, Trung Quốc nhập khẩu hàng hoá từ thị trường nước ngoài qua thương mại điện tử đạt 570 tỷ NDT, tăng trưởng 16,5%.

Tỷ trọng thương mại điện tử xuyên biên giới trung bình của khu vực so với toàn cầu tăng liên tục qua các năm, đạt giá trị trung bình 41,3%/năm và tốc độ tăng trở lại đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu (27,4%/năm trong giai đoạn 2016-2020).

Doanh thu thương mại điện tử giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2,883 nghìn tỷ USD. Bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Xem thêm: Sản phẩm “Made in Vietnam” vươn ra quốc tế nhờ thương mại điện tử xuyên biên giới

Mở ra tiềm năng lớn

Thương mại điện tử xuyên biên giới ở Việt Nam đối với doanh nghiệp xuất khẩu còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý, thủ tục và tài chính của nước xuất khẩu, nước nhập khẩu và các nền tảng thương mại điện tử quốc tế.

Doanh nghiệp làm thương mại điện tử xuyên biên giới cần phải được trang bị kỹ năng đầy đủ về thương mại quốc tế, hiểu biết về thị trường, đảm bảo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như kỹ năng thương mại điện tử của nước sở tại.

Nhận thấy những tiềm năng của kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, ngay trong vụ vải thiều Bắc Giang năm nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã hợp tác với Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) và sàn thương mại điện tử Voso xuất khẩu thí điểm thành công vải thiều Bắc Giang sang thị trường châu Âu theo phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam – Voso Global.

“Có thể coi đây là một bước đi đáng ghi nhận đối với ngành thương mại điện tử Việt Nam trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu qua thương mại điện tử xuyên biên giới”. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá.

Đây sẽ là khu gian hàng Việt Nam đầu tiên nền tảng thương mại điện tử quốc tế với các sản phẩm Việt của các doanh nghiệp Việt được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại thị trường nước nhập khẩu triển khai qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thông qua các kênh phân phối quy mô lớn có sự phối hợp, hỗ trợ trực tiếp từ đội ngũ của JD và các đối tác, hàng hoá do doanh nghiệp Việt sản xuất sẽ được phân phối qua kênh chính thức, uy tín này tại thị trường Trung Quốc.

Thương hiệu của doanh nghiệp tham gia các chương trình sẽ được hỗ trợ quảng bá ngay tại thị trường nước nhập khẩu, điều mà không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng có thể làm được.

Điều quan trọng nữa là hoạt động này không chỉ thúc đẩy kênh bán hàng trực tuyến cho sản phẩm của doanh nghiệp mà còn gián tiếp giúp thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với các nhà nhập khẩu lớn ở nước sở tại.

Với vai trò là đơn vị tổ chức, hỗ trợ kết nối, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp, các thương hiệu Việt tổ chức phân phối trên “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” theo đúng quy định của nền tảng thương mại điện tử, của luật pháp tại nước nhập khẩu.

Đồng thời, tìm kiếm các nguồn lực từ các đối tác để quảng bá, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt phân phối thuận lợi trên nền tảng thương mại điện tử của JD, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Do đó, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh nhanh nhất kết nối trực tiếp với khách hàng; hỗ trợ hữu hiệu cho kênh phân phối truyền thống khi thương hiệu doanh nghiệp được quảng bá trực tiếp tại thị trường nhập khẩu.

Phương thức này một mặt sẽ giúp giảm chi phí doanh nghiệp mặt khác giúp phân phối sản phẩm đến người dùng cuối, giúp phát triển và duy trì thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp tại thị trường nhập khẩu.

3.2. Thách thức.

Gian lận thanh toán

Gian lận thanh toán là khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện hoạt động thương mại điện tử đa quốc gia. Để hạn chế gian lận thẻ tín dụng, hầu hết nhà kinh doanh sẽ kích hoạt AVS hoặc hệ thống xác minh địa chỉ, cho phép người mua sử dụng thẻ tín dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp nên kiểm tra ký IP và địa chỉ thẻ tín dụng có khớp nhau hay không nhằm tránh các rủi ro thanh toán.

Logistics 

Khi kinh doanh đa quốc gia, logistics và logistics ngược là những thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp do chi phí vận chuyển cao, các loại thuế và quy tắc xuất nhập khẩu phức tạp, rủi ro do các yếu tố bên ngoài như thiên tai, dịch bệnh khiến hàng hóa không đến tay khách đúng thời gian dự tính. Doanh nghiệp cần dự báo trước các khó khăn, rủi ro có thể xảy ra, từ đó xây dựng cho mình các giải pháp để xử lý với các tình huống đó.

Quy định và luật pháp

Thuế, giấy phép và thủ tục hải quan là những tài liệu mà mọi doanh nghiệp kinh doanh xuyên biên giới phải nắm chắc. Ngoài ra, công ty cần biết đến những quy định và luật pháp khác liên quan đến tiêu chuẩn hàng hóa, hình thức giao hàng, thanh toán nhằm tránh những rủi ro khi vận chuyển sang quốc gia khác. Nhà quản lý có thể thuê một bên thứ ba chuyên tư vấn luật pháp quốc tế để biết rõ về những chính sách, luật lệ trong thương mại đa quốc gia.

4. Kết luận

Thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành phương thức kinh doanh nổi bật hiện nay, được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên, việc kinh doanh trực tuyến đa quốc gia yêu cầu các công ty cần chuẩn bị cho mình những kiến thức sâu rộng về thị trường, luật pháp, các công cụ công nghệ và xây dựng phương pháp logistics tối ưu nhất.