Hiệp định CPTPP- Nhìn lại thành tựu sau 2 năm gia nhập của Việt Nam

Hiệp định CPTPP- Thành tựu sau 2 năm gia nhập của Việt Nam

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam từ 14/01/2019, tính tới nay đã hơn 02 năm. Tổng kết các kết quả đầu tiên từ thực thi CPTPP cũng như đánh giá về các vấn đề phát sinh trong thực thi Hiệp định này để khuyến nghị cho Nhà nước, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan trong thời gian thực thi CPTPP sắp tới là rất cần thiết.

1. Hiệp định CPTPP là gì?

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là Hiệp định thương mại tự do (FTA) được đàm phán từ tháng 03/2017 trên cơ sở thỏa thuận tiền thân là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). CPTPP được ký kết vào ngày 08/03/2018 bởi 11 nước thành viên (bao gồm Australia, Canada, Chile, Brunei, Mexico, Malaysia, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore và Việt Nam).

Tháng 3/2010, Việt Nam tham gia vòng đàm phán chính thức đầu tiên của Hiệp định TPP, được khởi động tại thành phố Melbourne, Úc.

Tháng 2/2016, Việt Nam cùng các nước thành viên ký kết Hiệp định TPP tại New Zealand.

Tháng 1/2017, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi Hiệp định TPP. Tháng 11/2017, 11 nước còn lại đã thống nhất đổi tên Hiệp định TPP thành Hiệp định CPTPP (hay còn gọi là TPP11).

Ngày 8/3/2018, các Bộ trưởng của 11 nước tham gia Hiệp định CPTPP đã chính thức tham gia Lễ ký Hiệp định CPTPP tại thành phố Santiago, Chile.

Hiệp định CPTPP- Thành tựu của Việt Nam sau 2 năm gia nhập
Hiệp định CPTPP chính thức được ký kết tại Chile

Các nước tham gia CPTPP có tổng GDP: 10,2 nghìn tỷ USD, chiếm hơn 13% trong tổng GDP toàn cầu. Tổng dân số: 495 triệu người, chiếm 6,8% dân số thế giới.

Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 với Australia, Canada, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, và có hiệu lực từ 14/01/2019 với Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm: Cục diện đầy biến đổi của hai thập niên hình thành CPTPP

2. Nội dung Hiệp định CPTPP

Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP (gồm 30 chương và 9 phụ lục) nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP.

20 nhóm nghĩa vụ tạm hoãn này bao gồm 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 Chương là Quản lí hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng.

Tuy nhiên, toàn bộ các cam kết về mở cửa thị trường trong Hiệp định TPP vẫn được giữ nguyên trong Hiệp định CPTPP.

Có thể bạn quan tâm: So sánh Hiệp định TPP và Hiệp định CPTPP

3. Kết quả Việt Nam đạt được sau 2 năm gia nhập Hiệp định CPTPP

Về kim ngạch xuất nhập khẩu

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác CPTPP năm 2019 đạt tăng trưởng trung bình 7,2% so với năm 2018, trong khi nhập khẩu chỉ tăng nhẹ ở mức 0,7%. Xuất khẩu sang các thị trường mới trong CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng (trong khoảng từ 26%-36%).

Trong bối cảnh hầu như tất cả các đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu năm 2019, việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng này cho thấy Hiệp định này đang ít nhiều tạo ra những tác động ban đầu tích cực.

Đặc biệt, Hiệp định CPTPP đang thể hiện hiệu ứng tốt trong mở đường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tiến vào châu Mỹ một cách trực tiếp (ở các thị trường mà CPTPP đã có hiệu lực, gồm Canada và Mexico) và cả gián tiếp (thông qua động lực thúc đẩy thương mại song phương với các thị trường mà CPTPP chưa có hiệu lực như Peru, Chile).

Hiệp định CPTPP- Nhìn lại thành tựu sau 2 năm gia nhập của Việt Nam
Bảng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác CPTPP năm 2018-2019

Tuy nhiên, trong so sánh với mặt bằng chung, lợi ích từ CPTPP còn khiêm tốn. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường CPTPP (7,2%) thấp hơn so với mức 8,4% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi toàn thế giới trong cùng thời kỳ. Hơn nữa, với một số thị trường các đối tác, đà tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn trước khi có CPTPP vốn cũng đã ở mức cao hơn đáng kể so với trung bình xuất khẩu đi các thị trường khác, cho thấy CPTPP dường như chỉ có tác động bổ trợ nào đó cho đà tăng tự nhiên này.

Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 1,67%,  mức rất thấp không chỉ so với mức trung bình năm 2019 (37,2%) mà còn so với tỷ lệ tận dụng năm đầu tiên của nhiều FTA khác. Đây là chỉ dấu rất đáng quan ngại, cho thấy khả năng hiện thực hóa các lợi ích xuất khẩu trực tiếp từ Hiệp định này của Việt Nam còn hạn chế. Một số nguyên nhân khách quan có thể dẫn tới thực tế này, ví dụ

  • Các ưu đãi thuế quan CPTPP giai đoạn đầu còn thấp so với ưu đãi của các FTA mà Việt Nam đã có với cùng các đối tác, hay
  • Quy tắc xuất xứ của CPTPP tương đối phức tạp và khác biệt so với các FTA, đòi hỏi thời gian để tìm hiểu và điều chỉnh sản xuất.

Mặc dù vậy, không thể bỏ qua những hạn chế đáng kể từ góc độ chủ quan trong nhận thức hay năng lực tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp. Điểm tích cực là ở các thị trường chưa từng có FTA với Việt Nam trước CPTPP như Canada hay Mexico, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan ngay trong năm đầu đã đạt mức 7,26-8%, không thấp hơn so với tỷ lệ tận dụng nhiều FTA khác trong năm đầu thực thi.

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, xuất khẩu của Việt Nam đi các thị trường đã phê chuẩn CPTPP chỉ đạt kim ngạch xấp xỉ 2019. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP trong năm thứ 2 này đã được cải thiện, đạt 4% trong trung bình, riêng với các thị trường mới là Canada và Mexico là 17%

Về thu hút vốn FDI

Hiệp định CPTPP- Nhìn lại thành tựu sau 2 năm gia nhập của Việt Namthành tựu 2 năm gia nhâ
Thu hút FDI từ CPTPP

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm 2019, Việt Nam thu hút xấp xỉ 9,5 tỷ USD vốn đầu tư từ các nước CPTPP, giảm gần 36% so với năm 2018. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới giảm 51,3% so với năm 2018; vốn đăng ký tăng thêm giảm 50,6%; giá trị góp vốn mua cổ phần tăng 36,5%.

Đáng chú ý, trong khi tổng số vốn đăng ký giảm, số dự án cấp mới lại tăng hơn 13% so với năm 2018. Quy mô trung bình các dự án FDI mới từ các nước CPTPP giảm mạnh trong năm 2019 so với năm trước đó, từ gần 11 triệu USD/dự án năm 2018 giảm xuống còn khoảng 4,7 triệu USD/dự án năm 2019 (giảm 56,9%).

Xét theo từng đối tác, đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam có mức giảm sâu nhất về giá trị, từ gần 9 tỷ USD năm 2018 giảm xuống còn hơn 4 tỷ USD năm 2019, tương đương 52%. Vốn FDI từ các nguồn truyền thống khác cũng giảm mạnh như Australia giảm gần 63%, Malaysia giảm 50%…

Cụ thể, báo cáo của VCCI phân tích, vốn FDI từ các nguồn CPTPP giảm gần 36% thì tổng vốn FDI thu hút được năm 2019 của Việt Nam vẫn tăng trên 7%. Đặc biệt, vốn đăng ký mới từ CPTPP giảm trên 51% thì tổng vốn đầu tư đăng ký mới từ tất cả các đối tác mặc dù cũng giảm nhưng cũng chỉ ở mức gần 7%. Dù tất cả các dự án từ các đối tác CPTPP và từ thế giới đều giảm, nhưng tốc độ giảm ở các đối tác CPTPP cao gấp 2 lần so với trung bình chung (tương ứng là giảm 56,9% và giảm 26,9%).

Có thể nói, bức tranh FDI chung không mấy sáng sủa của năm 2019, mảng FDI từ các đối tác CPTPP “tối màu” hơn đáng kể. Nếu soi chiếu với số liệu đầu tư ra nước ngoài của các nước đối tác thì tình hình còn kém khả quan hơn khi mà tổng đầu tư ra nước ngoài (chỉ tính đầu tư trực tiếp) trên toàn thế giới cũng như từ các nước CPTPP trong năm 2019 đều tăng (lần lượt là tăng 33,19% và 51,25%) so với năm 2018.

Nếu như năm 2019 có bức tranh khá ảm đạm thì sang năm 2020, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, thu hút đầu tư từ CPTPP khả quan hơn. Cụ thể, tổng vốn FDI vào Việt Nam năm 2020 đạt 28,5 tỷ USD, giảm gần 25% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, vốn FDI từ các đối tác CPTPP cùng giai đoạn đạt 11,8 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ.

Về hoàn thiện thể chế

Từ góc độ hoàn thiện thể chế, để thực thi CPTPP, Quyết định 121/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực thi CPTPP của Chính phủ đã liệt kê cụ thể danh mục các văn bản cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung và thời hạn thực hiện. Rà soát thực tế cho thấy sau 2 năm thực thi, công tác sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản để thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay khi Hiệp định có hiệu lực đã hoàn thành Kế hoạch về mặt số lượng (với tổng cộng 18 văn bản được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung).

Về tiến độ, mặc dù được soạn thảo với tiến độ nhanh hơn đáng kể so với quy trình thông thường, phần lớn các văn bản thực thi CPTPP đều được ban hành chậm hơn so với yêu cầu của cam kết (từ nửa tháng đến 20 tháng).

Về các doanh nghiệp

Về mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về CPTPP, 69% doanh nghiệp nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định này, cao hơn tất cả các FTA khác, 25% doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về Hiệp định. Tuy nhiên, cứ 20 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.

Kết quả này cho thấy các nỗ lực tuyên truyền phổ biến chung về CPTPP đã có hiệu quả ban đầu tích cực nhưng mới trên bề mặt là chủ yếu. Với một FTA khó và phức tạp như CPTPP, cần thiết phải có những biện pháp thông tin chuyên sâu, chi tiết và hữu ích hơn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Với 3/4 các doanh nghiệp chưa từng hưởng lợi ích trực tiếp nào từ CPTPP, lý do chủ yếu (60%) là họ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan tới thị trường hay đối tác ở khu vực CPTPP trong hai năm vừa qua.

Thực tế này không gây ngạc nhiên (khi CPTPP không phải là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, ví dụ khối này chỉ chiếm chưa đầy 15% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019) nhưng lại là gợi ý quan trọng cho thấy cần thiết phải quảng bá về các cơ hội mới từ CPTPP, những lợi ích cụ thể có thể có, để các doanh nghiệp biết và nghĩ tới việc tận dụng, đặc biệt là với các thị trường mới, chưa thực sự quen thuộc với doanh nghiệp trong CPTPP.

Có thể bạn quan tâm: Việt Nam với CPTPP: Cơ hội và thách thức

4. Giải pháp để thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP hơn

Đối với Chính phủ và các cơ quan Nhà nước

Công tác rà soát tính tương thích và chuẩn bị cho việc xây dựng các quy định pháp luật phù hợp với các cam kết thể chế trong CPTPP cần được thực hiện cẩn trọng hơn, với cái nhìn liên ngành, nhấn mạnh yêu cầu thẩm định kỹ càng và với tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp.

Để thu hút đầu tư từ các đối tác trong Hiệp định CPTPP, Báo cáo khuyến nghị, Chính phủ cần tiếp tục cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, tháo gỡ rào cản do bất cập trong công tác thực thi và đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và nguồn cung nguyên vật liệu tại chỗ…

Tổ chức các chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia một cách hệ thống đặc biệt là ở các thị trường mới, cập nhật thông tin thị trường và kết nối cung cầu. Các hoạt động này cũng cần được thiết kế theo các nhóm đối tượng riêng, với ưu tiên đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Đối với các doanh nghiệp

Với các doanh nghiệp, chủ động tìm hiểu cơ hội, cam kết CPTPP và hành động hiện thực hóa những lợi ích từ Hiệp định là đòi hỏi quan trọng nhất.

Nâng cao năng lực cạnh tranh mà bắt đầu từ năng lực cạnh tranh của sản phẩm không chỉ là công việc thường xuyên phải thực hiện mà còn là chìa khóa để doanh nghiệp chớp được các cơ hội từ quá trình hội nhập CPTPP và các FTA.

Cần chú ý liên kết và hợp tác trong kinh doanh để cùng mạnh, qua đó thu lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp từ quá trình này.

Thay vì những nỗ lực đơn lẻ kém hiệu quả, doanh nghiệp cần hợp tác (trong khuôn khổ VCCI hay các hiệp hội doanh nghiệp) để vận động chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó giải phóng sức sáng tạo và hội nhập thành công.

Kết luận

Từ các kết quả thực thi hai năm đầu thực thi CPTPP, có thể thấy Hiệp định CPTPP đã có những tác động tích cực bước đầu cho nền kinh tế, mang tới những lợi ích thực tế cho một số doanh nghiệp. Mặc dù vậy, những gì đã đạt được còn thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng, mà nguyên nhân không chỉ từ các biến cố khách quan như tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu hay đại dịch COVID-19, mà còn ở các vấn đề chủ quan của chính các doanh nghiệp và các cơ quan.

Một số vấn đề về kinh tế quốc tế mà có thể bạn quan tâm:

FTA và 5 vấn đề cơ bản

EVFTA – “Trái ngọt” kết tinh sau 10 năm nỗ lực không ngừng nghỉ

10 năm Cát Linh-Hà Đông: Bài học về ODA từ bẫy nợ của Trung Quốc

FDI là gì? 5 lợi ích từ thu hút vốn FDI ở Việt Nam

Hiệp định RCEP: Cơ hội và thách thức cho các nhà đầu tư Việt Nam 2022

Sinh viên thực hiện

Nguyễn Thị Thanh Nhung

Mã sinh viên: 19051184

Lớp: QH2019 E KTQT CLC3