Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, sau giai đoạn mở cửa theo chiều rộng bằng việc gia nhập và thực thi các cam kết WTO, Việt Nam đã bước sang giai đoạn hội nhập theo chiều sâu, với việc đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do. Tính tới thời điểm 12/2020, Việt Nam đã ký kết tổng cộng 15 FTA, và 02 FTA đang trong quá trình đàm phán.
Mặc dù vậy, tới nay việc tận dụng các lợi ích từ các FTA đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Một trong những lý do đó là doanh nghiệp chưa được trang bị kiến thức cơ bản về các FTA. Bài viết tập hợp những vấn đề cơ bản về FTA để cung cấp cho doanh nghiệp và các đối tượng quan tâm những kiến thức cốt lõi nhất, tạo nền tảng thích hợp để doanh nghiệp tìm hiểu sâu hơn lĩnh vực này, và tận dụng được các Hiệp định thương mại tự do để hội nhập thành công.
Nội dung bài viết
1. Hiệp định thương mại tự do là gì ?
Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement) được hiểu là các hiệp định hợp tác kinh tế được ký giữa hai hay nhiều thành viên nhằm loại bỏ các rào cản với phần lớn hoạt động thương mại đồng thời thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các nước thành viên với nhau. Các rào cản thương mại có thể dưới dạng thuế quan, quota nhập khẩu, các hàng rào phi thuế quan khác như tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về vệ sinh dịch tễ, …
Hiện nay có nhiều thuật ngữ được sử dụng khác nhau như Hiệp định đối tác kinh tế (Economic Partnership Agreement), Hiệp định thương mại khu vực (Regional Trade Agreement), … nhưng nếu bản chất của các hiệp định đều hướng tới tự do hoá thương mại (bao gồm loại bỏ rào cản và thúc đẩy thương mại), thì đều được hiểu là các FTA.
Thành viên có thể là các quốc gia độc lập (Trung Quốc, Việt Nam,…) hoặc các khu vực thuế quan độc lập (Liên Minh Châu Âu,…). Vì vậy, thông thường khi nói tới Thành viên, người ta hay dùng chung là “nền kinh tế”.
2. FTA khác với WTO và các Hiệp định thương mại đầu tư mà Việt Nam đã ký như thế nào ?
Các Hiệp định WTO thường bao gồm cam kết trong các lĩnh vực thương mại cụ thể như hàng hoá, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, … hướng đến thống nhất các quy tắc chung tạo nền tảng cho thương mại toàn cầu, và mới chỉ dừng lại ở việc giảm bớt các rào cản thương mại. So với các Hiệp định WTO thì các FTA có mức độ tự do hoá cao hơn, hướng đến không chỉ giảm bớt, mà là loại bỏ hoàn toàn rào cản đối với thương mại.
Xem thêm Các Hiệp định WTO
Trong khi đó, khác với FTA, các Hiệp định thương mại đầu tư song phương (Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương, Hiệp định hỗ trợ và hợp tác lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan, ….) chỉ hướng đến các cam kết tạo khuôn khổ chung cho hoạt động đầu tư và thương mại giữa hai nước mà không bao gồm các nội dung về loại bỏ rào cản thương mại.
Xem thêm về Các Hiệp định thương mại đầu tư song phương
Các Hiệp định thương mại ưu đãi (PTA) là những cam kết thương mại đơn phương mà một nước phát triển dành ưu đãi về thuế quan cho hàng nhập khẩu đến từ các nước đang phát triển, không dựa trên cơ sở có đi có lại. Các hiệp định này bao gồm Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP-Generalized System of Preferences).
Như vậy, so với các hiệp định kể trên, các FTA được đặc trưng bởi mục tiêu loại bỏ các rào cản đối với thương mại và mức độ tự do hoá thương mại giữa các Thành viên và mức độ tự do hoá thương mại.
3. Nội dung và các loại hình FTA
3.1 Nội dung
Phạm vi và các vấn đề được đề cập đến trong mỗi FTA là khác nhau, phụ thuộc vào lựa chọn và thỏa thuận giữa những thành viên. Tuy nhiên, với tính chất chung là hướng tới loại bỏ rào cản đối với phần lớn thương mại giữa các nền kinh tế thành viên, một FTA thường bao gồm các nội dung chính sau :
- Nhóm các cam kết liên quan tới tự do hàng hóa (thương mại hàng hóa) bao gồm Ưu đãi thuế quan, Quy tắc xuất xứ, Loại bỏ hoặc cắt giảm hàng rào phi thuế quan.
- Nhóm các cam kết liên quan tới tự do dịch vụ (thương mại dịch vụ) bao gồm Mở cửa thị trường, Các nguyên tắc liên quan tới việc đối xử với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài khi họ cung cấp dịch vụ vào các quốc gia hay các tổ chức, cá nhân.
- Nhóm các cam kết liên quan tới các vấn đề khác bao gồm Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Cạnh tranh, Minh bạch, chống tham nhũng, Môi trường, Lao động, …
3.2 Các loại hình
Trên thực tế, việc phân loại được thực hiện theo các tiêu chí thông dụng như số lượng thành viên, nội dung hiệp định.
- Theo tiêu chí số lượng và khu vực địa lý của các nền kinh tế thành viên thì có các loại sau: song phương và khu vực.
- Theo tiêu chí về phạm vi và nội dung cam kết thì có các loại sau: truyền thống và hệ mới
Xem thêm Phân biệt FTA truyền thống và FTA thế hệ mới
4.Việt Nam đã tham gia bao nhiêu FTA? Các FTA có thay thế các Hiệp định khác liên quan tới thương mại mà Việt Nam đã có không?
4.1 Việt Nam đã tham gia bao nhiêu FTA?
Đến nay, Việt Nam đã chính thức tham gia, ký kết thực hiện 14 FTA có hiệu lực và 01 FTA đã chính thức ký kết, sắp có hiệu lực, hiện đang đàm phán 02 FTA. Trong số 14 FTA đã có hiệu lực và đang triển khai, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tiếp theo đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Xem thêm Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã tham gia
4.2 Các FTA có thay thế các Hiệp định khác liên quan tới thương mại mà Việt Nam đã có không?
Liên quan tới thương mại, đầu tư, với mỗi Đối tác FTA, Việt Nam không chỉ có thỏa thuận tại FTA mà còn có thể có nhiều thỏa thuận khác, ví dụ: Các Hiệp định về bảo hộ thương mại, đầu tư; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định hợp tác, tương trợ về hải quan; Các Hiệp định, Công ước chung mà cả Việt Nam và Đối tác FTA đều là thành viên
Về nguyên tắc, khi Việt Nam ký kết và thực hiện FTA với Đối tác, các thỏa thuận (Điều ước, Hiệp định,…) khác đã có giữa Việt Nam và Đối tác đó vẫn tiếp tục có hiệu lực. Các thỏa thuận đang có ny chỉ chấm dứt hiệu lực hoặc thay đổi hiệu lực nếu trong Hiệp định có quy định nêu rõ vấn đề này.
5. Quy trình để có một FTA
Đối với mỗi FTA, thông thường các thành viên dều tự thỏa thuận cụ thể với nhau về tiến trình, thủ tục, điều kiện đàm phán, ký kết, thực thi FTA đó. Không có quy trình chung, bắt buộc nào đối với việc đàm phán, ký kết, thực thi, thời hạn cụ thể các FTA, tất cả phụ thuộc vào sự thống nhất ý chỉ chủ quan của các bên tham gia đàm phán.
- Trên thực tế, mỗi nước đều có quy định riêng về thẩm quyền, trình tự, cách thức tham gia một thỏa thuận quốc tế từ góc độ nội bộ của mình. Ở Việt Nam, các quy định này được nêu trong Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho nội bộ mỗi nước, không tự động áp dụng cho các FTA.
- Từ góc độ quốc tế, Công ước Viên năm 1969 cũng có các quy định về việc đàm phán, ký kết, thực thi các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho các nước thành viên Công ước Viên, khi các nước này không có thỏa thuận liên quan hoặc có tranh chấp trong quá trình đàm phán, ký kết, thực thi, giải thích các điều ước quốc tế.
Trên thực tế, thường thì một FTA sẽ trải qua quy trình 5 bước sau :
Bước 1: Nghiên cứu tiền khả thi
Ở giai đoạn này, các Bên thường cử ra các nhóm kỹ thuật với nhiệm vụ nghiên cứu ban đầu về khả năng đàm phán Hiệp định (Có mong muốn không? Có chia sẻ quan điểm chung nhất định về mở cửa thị trường không? Việc Có FTA có lợi không? Có khó khăn, cản trở nào không?…).
Kết quả bước này là các Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của mỗi bên với nội dung trả lời cho câu hỏi: Có nên bắt đầu đàm phán FTA không?
Bước 2: Đàm phán
Quá trình đàm phán là quá trình các Bên đưa ra các yêu cầu của mình (gọi là “bản chào”-Offer), trả lời các yêu cầu của đối tác, trao đổi, thảo luận để đi đến thống nhất về tất cả các vấn đề của FTA (từ các nguyên tắc đàm phán, phạm vi các nhóm vấn đề đàm phán, cấu trúc của từng nhóm vấn đề, đến nội dung cụ thể của từng cam kết, các vấn đề chung về hiệu lực, thủ tục, mối quan hệ với các thỏa thuận khác…).
Mỗi đợt đàm phán lớn thường được gọi là một “Vòng đàm phán”. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều FTA lớn ngoài các Vòng đàm phán chính thức (với sự tham gia của các quan chức cấp cao) còn có rất nhiều các đàm phán ở cấp kỹ thuật” giữa các chuyên viên, thảo luận các vấn đề chi tiết, cụ thể trong từng điều khoản cam kết.
Đàm phán hoàn tất khi các bên thống nhất được với nhau về tất cả các nội dung của FTA và cùng xác nhận, tuyên bố “hoàn tất đàm phán” (Conclusion of negotiation).
Chú ý: Việc hoàn tất đàm phán một Hiệp định thương mại tự do chỉ có nghĩa là các Bên đã thống nhất về tất cả các nội dung. Nó không có nghĩa là Hiệp định đã được ký kết.
Bước 3: Ký kết
Sau khi hoàn tất đàm phán, văn bản FTA sẽ được các bên thực hiện rà soát pháp lý (rà soát phát hiện và điều chỉnh các lỗi kỹ thuật, các từ ngữ chưa rõ ràng…). Sau đó các Bên sẽ hoàn tất thủ tục nội bộ của mình để cử người có thẩm quyền cùng ký FTA.
Thủ tục ký kết FTA có ý nghĩa như việc các Bên chính thức công nhận sự tồn tại của FTA đó. Thủ tục này cũng là điểm khởi động các quy trình nội bộ của mỗi bên để phê chuẩn/thông qua FTA.
Chú ý: Việc ký kết một Hiệp định thương mại tự do không đồng nghĩa với việc bắt đầu có hiệu lực, cũng không đồng nghĩa với việc các Bên đã bắt đầu bị ràng buộc bởi các cam kết.
Bước 4: Phê chuẩn
Mỗi nước đều có các quy định riêng về quy trình, thẩm quyền phê chuẩn nội bộ của mình với một FTA sau khi được hoàn tất đàm phán và ký kết.
Thông thường một cơ quan Chính phủ sẽ được giao nhiệm vụ đi đàm phán và ký kết FTA. Tuy nhiên việc phê chuẩn thường thuộc thẩm quyền của Nghị viện hoặc Quốc hội.
Việc phê chuẩn một FTA có ý nghĩa như việc chấp thuận chính thức của Bên phê chuẩn về sự ràng buộc đối với mình.
Bước 5: Có hiệu lực
Thông thường, sau khi các Bên hoàn thành thủ tục phê chuẩn nội bộ, thông báo chính thức về việc phê chuẩn này đồng thời đáp ứng đủ các điều kiện để có hiệu lực thì FTA chính thức có hiệu lực với Bên phê chuẩn. Điều kiện để FTA có hiệu lực (phải có bao nhiêu thành viên phê chuẩn…) và thời điểm có hiệu lực (sau bao nhiêu ngày kể từ khi điều kiện có hiệu lực được thỏa mãn…) sẽ tùy thuộc vào quy định cụ thể của mỗi Hiệp định.
Kể từ thời điểm đó, Bên phê chuẩn có nghĩa vụ thực hiện các cam kết trong FTA và được hưởng các quyền lợi từ các cam kết.
Tuy nhiên, không phải cam kết nào trong FTA cũng phải/được thực hiện ngay khi có hiệu lực. Tùy thuộc nội dung từng cam kết, thời điểm thực thi cam kết có thể là ngay tại thời điểm có hiệu lực, cũng có thể là sau một thời gian nhất định (lộ trình).
Chú ý: Thời điểm có hiệu lực của một FTA chỉ có ý nghĩa đối với Nhà nước thành viên FTA, không tự động ràng buộc hay tạo ra quyền/nghĩa vụ trực tiếp nào đối với các tổ chức, cá nhân trong Nhà nước đó.
Để các cam kết FTA có hiệu lực với các tổ chức, cá nhân, thông thường sẽ phải thông qua một trong hai kênh (i) các văn bản pháp luật nội luật hóa từng cam kết cụ thể (trường hợp của Việt Nam là sửa đổi, ban hành mới các Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư… để thực thi cam kết); hoặc (ii) văn bản nội địa cho phép tổ chức, cá nhân áp dụng trực tiếp các cam kết nhất định (trường hợp của Việt Nam là Nghị quyết của Quốc hội cho phép áp dụng trực tiếp cam kết).
Lời kết
Việt Nam chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã giúp cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp được cải thiện rất rõ rệt. Tuy nhiên do chưa hiểu hết kiến thức về FTA nên có nhiều doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội phát triển. Hi vọng với bài viết trên đây sẽ giúp các doanh nghiệp có cái nhìn sâu sắc và đúng đắn về Hiệp định thương mại tự do.
Đọc thêm các bài viết có liên quan tại đây:
FDI là gì? 5 lợi ích từ thu hút vốn FDI tại Việt Nam
EVFTA – “Trái ngọt” kết tinh sau 10 năm nỗ lực không ngừng nghỉ
10 năm Cát Linh-Hà Đông: Bài học về ODA từ bẫy nợ của Trung Quốc
Sinh viên thực hiện
Trần Thị Kim Nhung – 19051386
Bài tập lớn_INE3104 5