Nắm vững trong tay cách đọc và phân tích 1 báo cáo tài chính doanh nghiệp.

Khả năng đọc hiểu tình hình tài chính của một công ty là một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng. Báo cáo tài chính cung cấp một bức tranh tổng thể về tình hình hoạt động của một công ty. Việc được trang bị tốt kĩ năng này giúp các nhà đầu tư chứng khoán có thể xác định tốt hơn các cơ hội tiềm năng đồng thời tránh rủi ro không đáng có và giúp các chuyên gia ở mọi cấp độ có thể đưa ra các quyết định, chiến lược kinh doanh đúng đắn và phù hợp hơn. Bởi vậy trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ cách đọc báo cáo tài chính đơn giản và nhanh nhất để có thể đọc hiểu một bản báo cáo tài chính.

 

1. Báo cáo tài chính là gì?

Báo cáo tài chính (BCTC) cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp, như: tài sản, nợ, vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền…Báo cáo thường được công bố định kỳ vào cuối mỗi quý và vào cuối năm.

Trong báo cáo tài chính thường bao gồm 4 phần chính:

  • Bảng cân đối kế toán
  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
  • Thuyết minh báo cáo tài chính.

2. Vai trò của báo cáo tài chính doanh nghiệp

Báo cáo tài chính có một vai trò to lớn trong thực tiễn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp:

  • Qua những con số được trình bày tổng quát, phản ánh rõ nét về tài sản, nguồn vốn và toàn bộ tình hình tài chính của doanh nghiệp trong kỳ giúp cho người đọc nắm bắt được thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp một cách trực quan nhất.
  • Cung cấp những thông tin cần thiết để phục vụ các nhà quản trị và các đối tượng khác như cổ đông hay các nhà quản lý cấp trên.
  • Những chỉ tiêu và số liệu được lập trên báo cáo tài chínhlà cơ sở để tính ra các chỉ tiêu quan trọng khác nhằm giúp cho việc đánh giá hiệu quả sử dụng hiệu quả của các hoạt kinh doanh.
  • Là tài liệu quan trọng để làm căn cứ cho việc các chủ sở hữu, nhà đầu tư phân tích để đưa ra quyết định về quản lý và điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh hay đầu tư của doanh nghiệp.

Vai trò báo cáo tài chính

3. Đọc hiểu báo cáo tài chính doanh nghiệp

3.1 Đọc hiểu bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định bằng cách thể hiện quy mô cũng như tương quan giữa tài sản (các nguồn lực) mà công ty kiểm soát với nguồn vốn hình thành nên các tài sản đó.

Mô hình bảng cân đối kế toán

 

Trước hết chúng ta cùng tìm hiểu hai khoản mục lớn được thể hiện rõ ràng trong bản cân đối kế toán là Tài sản và Nguồn vốn

Tài sản là tất cả những nguồn lực do doanh nghiệp kiểm soát, nắm giữ và có thể thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó. Cơ cấu Tài sản thường được chia thành Tài sản ngắn hạn và Tài sản dài hạn. Trong đó:

  • Tài sản ngắn hạn: là những tài sản có thời gian sử dụng ngắn dưới 12 tháng hoặc 1 chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh nghiệp và thường xuyên thay đổi hình thái giá trị trong quá trình sử dụng. Đối với doanh nghiệp, tài sản ngắn hạn thường bao gồm: tiền và các khoản tương đương tiền, hàng tồn kho, phải thu, đầu tư ngắn hạn.
  • Tài sản dài hạn: Là những tài sản có thời gian sử dụng, luân chuyển và thu hồi dài trên 12 tháng hoặc trong nhiều chu kỳ kinh doanh. Tài sản dài hạn thường bao gồm: tài sản cố định, các khoản đầu tư tài chính dài hạn, các khoản phải thu dài hạn… Các tài sản này tạo nên nền tảng, cơ sở cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như nhà xưởng, máy móc, thiết bị.

Nguồn vốn cho biết tài sản của đơn vị do đâu mà có và đơn vị phải có những trách nhiệm kinh tế, pháp lý gì đối với các nguồn đó. Cơ cấu nguồn vốn được chia thành Nợ phải trả và Vốn chủ sở hữu.

  • Nợ phải trả: bao gồm Nợ ngắn hạn và Nợ dài hạn tuần tự đề cập đến nghĩa vụ nợ trong thời hạn dưới 1 năm và trên 1 năm của doanh nghiệp. Đây là nguồn vốn bổ sung quan trọng nhằm đáp ứng đủ vốn cho nhu cầu sản xuất kinh doanh.
  • Vốn chủ sở hữu: nguồn tài trợ xuất phát từ chính chủ sở hữu doanh nghiệp, đây cũng chính là phần còn lại trong tài sản của công ty sau khi các khoản nợ đã được trả. Vốn chủ sở hữu có vị trí và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc duy trì và phát triển hoạt động của doanh nghiệp.

Do tài sản được hình thành từ nguồn vốn nên chúng ta có thể dễ dàng hiểu được một phương trình kế toán cơ bản đó là:

  • Tổng tài sản = Tổng nguồn vốn; hay Tổng tài sản = Tổng nợ phải trả + Tổng vốn chủ sở hữu

Đối với bảng cân đối kế toán thì ngoài việc xem xét chi tiết các khoản mục quan trọng, chúng ta còn cần phải chú ý tìm hiểu cơ cấu của tài sản, nguồn vốn cũng như mối tương quan giữa các khoản mục nhằm đánh giá tình hình sức khỏe tài chính cũng như sự hiệu quả, phù hợp của cơ cấu tài sản, nguồn vốn với thực tế kinh doanh của đơn vị.

3.2 Đọc hiểu báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là báo báo tổng hợp, phản ánh tình hình và kết quả kinh doanh, lãi hay lỗ của doanh nghiệp trong một kỳ hoạt động. Do hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp luôn là yếu tố được coi trọng nên nhiều người sẽ chọn đọc báo cáo kết quả kinh doanh đầu tiên khi xem xét báo cáo tài chính của một đơn vị.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Thông thường, chúng ta sẽ đọc báo cáo theo thứ tự trừ trên xuống dưới, bắt đầu với chỉ tiêu “doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” hoặc “doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ” nếu như đơn vị có phát sinh các khoản giảm trừ doanh thu (chiết khấu, giảm giá hàng bán).

Các chỉ tiêu quan trọng tiếp theo là:

  • Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ = doanh thu bán hàng – giá vốn hàng bán. Đây là chỉ tiêu quan trọng, bước đầu thể hiện khả năng sinh lời của doanh nghiệp.
  • Lợi nhuận thuần từ HĐKD cho thấy khả năng tạo lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp. Nếu lợi nhuận từ các hoạt động cốt lõi của đơn vị chiếm tỷ trọng càng cao trong tổng lợi nhuận thì chất lượng của lợi nhuận càng cao và càng bền vững. Chỉ tiêu này được tính toán trên cơ sở lợi nhuận gộp cộng với doanh thu hoạt động tài chính trừ đi các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính phát sinh trong kỳ.
  • Lợi nhuận khác = Thu nhập khác – Chi phí khác, thể hiện lợi nhuận từ các nguồn khác (thanh lý tài sản, bồi thường hợp đồng…)
  • Lợi nhuận kế toán trước thuế = Lợi nhuận thuần từ HĐKD + Lợi nhuận khác
  • Lợi nhuận sau thuế TNDN = Lợi nhuận trước thuế – Chi phí thuế thu nhập DN

“Lãi trên cổ phiếu” thể hiện khả năng sinh lời của của doanh nghiệp tính trên mỗi đơn vị cổ phiếu phổ thông do đó rất được các nhà đầu tư chứng khoán quan tâm.

3.3 Đọc hiểu báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ thể hiện chi tiết tình hình thu, chi và biến động dòng tiền của doanh nghiệp, được phân chia cụ thể theo Hoạt động kinh doanh, Hoạt động đầu tư và Hoạt động tài chính. Dòng tiền ra của doanh nghiệp được thể hiện dưới giá trị âm, trong khi dòng tiền vào là số dương.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

 

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ đã được trình bày thành 3 phần tương ứng với 3 dòng tiền: Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, Dòng tiền từ hoạt động đầu tư, và Dòng tiền từ hoạt động tài chính.

  • Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh: là dòng tiền phát sinh trong quá trình thanh toán cho nhà cung cấp, khách hàng, cho người lao động, chi trả lãi vay, và nộp các khoản thuế cho nhà nước… Đây là lượng tiền mặt mà bản thân doanh nghiệp làm ra, chứ không phải từ việc huy động thêm vốn đầu tư hay vay nợ.
  • Dòng tiền từ hoạt động đầu tư: bao gồm dòng tiền vào và dòng tiền ra có liên quan đến hoạt động đầu tư, mua sắm, thanh lý… tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác.
  • Dòng tiền từ hoạt động tài chính sẽ liên quan đến việc tăng/giảm vốn chủ sở hữu (nhận vốn góp mới, thu từ phát hành cổ phiếu, trả cổ tức cho cổ đông…) và vay nợ (chi trả nợ gốc vay, hay vay nợ mới nhận được…)

Về bản chất, quá trình lưu chuyển tiền tệ trong DN dựa trên quan hệ cân đối của dòng tiền trong kỳ và được thể hiện qua phương trình:

Tiền tồn đầu kỳ + Tiền thu trong kỳ – Tiền chi trong kỳ = Tiền tồn cuối kỳ

Trong phân tích tài chính thì việc phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ là không thể bỏ qua, bước phân tích này sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ được giá trị doanh nghiệp, tránh việc bị qua mặt bởi các báo cáo lợi nhuận tốt đẹp mà không hiểu được tính bền vững của các lợi nhuận này.

3.4 Đọc hiểu thuyết minh báo cáo tài chính

Thuyết minh Báo Cáo Tài Chính cung cấp thông tin chi tiết các thông tin số liệu đã trình bày ở các Bảng Cân Đối Kế Toán, Báo cáo Kết Qủa Kinh Doanh , Báo cáo Lưu Chuyển Tiền Tệ và các thông tin cần thiết khác theo chuẩn mực kế toán cụ thể…

Thuyết minh báo cáo tài chính

Thuyết minh Báo Cáo Tài Chính sẽ bao gồm những nội dung:

  • Đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp;
  • Kỳ kế toán và đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán;
  • Chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán áp dụng;
  • Các chính sách kế toán áp dụng;
  • Thông tin bổ sung cho các khoản mục trên Bảng cân đối kế toán;
  • Thông tin bổ sung cho các khoản mục trên Báo cáo KQKD;
  • Thông tin bổ sung cho các khoản mục trên Lưu chuyển tiền tệ.

Khi đọc thuyết minh báo cáo tài chính, cần tập trung đọc về đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp để xác định hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp. Sau đó tập trung vào việc phân tích các chỉ số bất thường, chiếm tỷ trọng lớn của bảng cân đối kế toán, kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Một lưu ý nhỏ khi đọc thuyết minh báo cáo tài chính đó là thường các doanh nghiệp sẽ làm ở mức tối thiểu theo quy định của pháp luật, nên nhà đầu tư cần có sự tìm hiểu thêm từ các nguồn khác.

4. Kết luận

Như vậy chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu vai trò và những thành phần cơ bản để đọc hiểu một bản báo cáo tài chính. Hy vọng bài viết có thể giúp bạn có thêm những kiến thức và giúp bạn giải đáp các thắc mắc về lĩnh vực này.

 

Những bài viết khác liên quan đến lĩnh vực:

Chứng khoán phái sinh và 4 điều có thể bạn chưa biết

Top 5 kênh Youtube SIÊU HAY về tài chính cá nhân dành cho người trẻ

Cải cách tài chính công ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020

Bộ Tài chính công bố danh mục báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đầu tư công

Nguồn: Tổng hợp

Người viết: Nguyễn Văn Đàn

MSV: 19051045

INE3104 6_Bài tập lớn