Cùng với quá trình phát triển về mọi mặt của nền kinh tế: cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, nguồn nhân lực…và cơ hội hội nhập thì logistics nhanh chóng chuyên môn hóa và phát triển trở thành ngành dịch vụ đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp trong nước nói riêng và toàn bộ nên kinh tế nói chung, bên cạnh đó còn góp phần thúc đẩy giao thương quốc tế. Cụ thể vai trò của logistics là gì, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết nhé!
Nội dung bài viết
1. Logistics là gì?
Nói về logistics, có rất nhiều ý kiến và cách tiếp cận khác nhau nhằm định nghĩa một cách tổng quát và chính xác nhất.
Theo Chính phủ Việt Nam
Tại Điều 233 Bộ Luật Thương mại năm 2005 quy định Dịch vụ logistics là một hoạt động thương mại.
Theo đó, thương nhân đứng ra tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm: nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan hoặc các thủ tục giấy tờ khác, trực tiếp hoặc gián tiếp tư vấn khách hàng, tham gia đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.[1]
Theo Hội đồng chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng Hoa Kỳ
Logistics có thể được hiểu là quá trình hoạch định, thực hiện và kiểm soát sự lưu thông, tích trữ một cách hiệu quả tối ưu các loại hàng hoá, nguyên vật liệu, thành phẩm và bán thành phẩm, dịch vụ và thông tin đi kèm từ khâu khởi đầu tới khâu kết thúc nhằm mục đích đảm bảo các yêu cầu của khách hàng và bao gồm đầu vào, đầu ra, chuyển động bên trong và bên ngoài.[2]
Theo World Marintime Unviersity- Đại học Hàng Hải Thế Giới, D. Lambert
Logistics được hiểu là quá trình xây dựng kế hoạch, cung cấp và quản lý việc chu chuyển và lưu kho có hiệu quả hàng hoá, dịch vụ và các thông tin liên quan từ nơi xuất xứ đến nơi tiêu thụ vì mục tiêu đáp ứng yêu cầu của khách hàng.[3]
Ngoài những khái niệm được nêu ra thì còn rất nhiều các định nghĩa khác về logistics. Song có thể nhận thấy rằng đây không đơn giản là một hoạt động đơn lẻ mà là một chuỗi các hoạt động bao trùm mọi yếu tố tạo nên sản phẩm, là quá trình lưu trữ hàng hóa, sản xuất sản phẩm và phân phối hàng hóa tới tay người người tiêu dùng, ta không thể phủ nhận rằng vai trò của logistics từ lâu đã có tác động mạnh mẽ tới đời sống sản xuất của chúng ta.
2. Vai trò của ngành logistics đối với doanh nghiệp và nền kinh tế
Vai trò của logistics đối với các doanh nghiệp
Theo Peter Drucker “Logistics không chỉ là một ngành mà là nền tảng phát triển của doanh nghiệp” và nếu thiếu nó thì các hoạt động của doanh nghiệp về sản xuất cũng như phân phối sẽ bị ngưng trệ và kém hiệu quà.
-
Đảm bảo dòng luân chuyển hiệu quả
Logistics đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về vận chuyển, phân phối và đảm bảo sự luân chuyển hiệu quả của các yếu tố đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp. Việc lựa chọn đúng nguồn nguyên liệu, vị trí kho, tính toán lượng hàng tồn kho hay phương thức vận chuyển phù hợp đều có thể giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
-
Nâng cao năng lực quản lý
Logistics góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và giúp các doanh nghiệp đưa ra những quyết định chính xác trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, khi doanh nghiệp gặp phải các vấn đề về nguyên vật liệu cung ứng, phương tiện vận tải, địa điểm, kho bãi, bán thành phẩm…, thì chúng sẽ trở thành nhân tố đắc lực hỗ trợ và giải quyết hiệu quả các vấn đề này.
Ngoài ra, trong trường hợp tiêu chuẩn hóa các hoạt động logistics của doanh nghiệp, việc ký một hợp đồng duy nhất với một công ty logistics có thể giúp giảm bớt sự phức tạp của quá trình vận chuyển và phân phối, giúp giảm thiểu chi phí liên quan và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.
-
Vai trò của logistics trong xây dựng chiến lược của doanh nghiệp
Bên cạnh những vai trò của logistics đối với hoạt động sản xuất và luân chuyển hàng hóa, một vai trò quan trọng không thể thiếu của logistics đó là hỗ trợ mạnh mẽ đến hoạt động marketing đặc biệt là marketing mix. Nhờ dịch vụ này mà các doanh nghiệp có thể dự đoán chính xác nhu cầu của thị trường, đánh giá khả năng tiếp cận, độ tin tưởng và chấp nhận sản phẩm của khách hàng, từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược về sản phẩm, giá cả, hay xác định đúng thị trường mục tiêu của doanh nghiệp.
Vai trò của logistics đối với nền kinh tế
-
Liên kết các hoạt động trong nền kinh tế quốc gia
Logistics là cơ sở của các hoạt động trong nền kinh tế từ sản xuất, lưu thông đến phân phối, giúp chúng liên kết chặt chẽ với nhau. Khi các hoạt động này được diễn ra suôn sẻ thì sẽ góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển, còn nếu ngưng trệ thì sẽ làm hạn chế giao thương giữa các vùng trong nước và các quốc gia, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ sản xuất và đời sống. Vì vậy, khi hiệu quả của hoạt động logistics trong nền kinh tế tăng lên sẽ làm tăng hiệu quả của nền kinh tế – xã hội ở một mức độ nhất định.
-
Tăng cường sự liên kết kinh tế khu vực
Logistics là một trong những yếu tố làm tăng cường mối quan hệ trong kinh tế quốc tế. Đặc biệt trong một nền kinh tế hội nhập, mở cửa với sự phát triển của các công ty xuyên quốc gia (TNCs), hoạt động thương mại và đầu tư được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, các TNCs này thực hiện hệ thống hậu cần toàn cầu cũng giúp đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, hạn chế tối đa tác động của các yếu tố thời gian, địa lý, điều kiện tự nhiên xã hội đến sản xuất hàng hóa.
-
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Hoạt động logistics hiệu quả giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc phát triển logistics có thể làm giảm bớt chi phí lưu thông, hạ giá thành sản phẩm, tiết kiệm được thời gian giao hàng, tăng cường khả năng cung ứng và chủ động trong các hoạt động sản xuất, phân phối, lưu thông.
Song song với sự phát triển logistics là khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư, các nhà đầu tư sẽ ưu tiên hơn đối với các quốc gia có điều kiện phát triển tốt, không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn dựa vào trình độ phát triển của hoạt động logistics.
3. Kết Luận
Trên đây là một số định nghĩa về logistics và vài trò của logistics đối với sự phát triển hiện nay. Hiểu rõ về vai trò của logistics một cách sâu sắc sẽ phần nào góp phần giúp cho các doanh nghiệp có những giải pháp thực hiện hoạt động hậu cần hiệu quả. Từ đó sẽ tối ưu hóa về mọi phương diện của hoạt động sản xuất, làm cho việc kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung ngày càng tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ. Bạn cũng có thể tham khảo thêm về các vai trò của logistics tại đây.
[1] Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2005), Luật Thương mại năm 2005, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 58.
[2] Douglag M. Lambert (1998), Fundermental of logistics, McGraw – Hill., tr. 4
[3] Ma Shou (1999), Logistics and Supply Chain Management, World Marintime University., tr. 5
Một vài bài viết khác liên quan :
12 XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA DỊCH VỤ LOGISTICS
3 xu hướng phát triển bền vững trong quản lý chuỗi cung ứng
Top 5 lý do nên lựa chọn ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng
4 ứng dụng blockchain trong quản trị chuỗi cung ứng
Người thực hiện: Đoàn Thị Liên Phương_MSV19051188
Bài viết rất bổ ích