4 ứng dụng blockchain trong quản trị chuỗi cung ứng

Ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng

Bài viết đề cập đến 4 ví dụ về ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản trị chuỗi cung ứng các sản phẩm .

  1. Chuỗi cung ứng là gì ? 

Cung ứng là một khái niệm kinh tế cơ bản mô tả tổng số lượng của một hàng hóa hoặc dịch vụ cụ thể có sẵn cho người tiêu dùng. Nguồn cung có thể liên quan đến số hàng hóa có sẵn ở một mức giá cụ thể hoặc trên một phạm vi giá nếu được hiển thị trên biểu đồ.

Chuỗi cung ứng là mạng lưới của tất cả các thực thể tham gia vào việc sản xuất và cung cấp thành phẩm cho khách hàng cuối cùng.

Bao gồm tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô, sản xuất lắp ráp sản phẩm, lưu trữ trong kho, nhập và theo dõi đơn đặt hàng, phân phối và giao hàng cho khách hàng cuối cùng .

  1. Quản trị chuỗi cung ứng

Là quá trình đưa ra các quyết định dài hạn, ngắn hạn hay trung hạn về các hoạt động trong các mắt xích của chuỗi cung ứng.

Bậc chiến lược: các quyết định dài hạn và khó thay đổi đối với doanh nghiệp như mạng lưới nhà máy, kho bãi, đối tác chiến lược,..

Bậc chiến thuật : các quyết định trung hạn ( hàng quý, năm) như nguồn hàng, quy trình sản xuất, chính sách dự trữ,..

Bậc tác nghiệp : các quyết định ngắn hạn ( hàng ngày, tháng) như lịch trình sản xuất, lộ trình giao hàng, phân phối,..

Hoạt động cung ứng đạt hiệu quả cao hay không phụ thuộc vào công tác quản trị chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Quản trị chuỗi cung ứng bền vững đang ngày càng trở thành điểm mấu chốt trong sự phát triển của các doanh nghiệp.

Mỗi doanh nghiệp ứng dụng các mô hình hay các công nghệ khác nhau để tăng hiệu quả trong việc quản trị chuỗi cung ứng của mình. Một công nghệ đang được sử dụng phổ biến nhất hiện nay chính là Blockchain.

Ứng dụng Blockchain trong quản trị chuỗi cung ứng đang ngày càng trở thành xu hướng tối ưu cho các doanh nghiệp , giúp cho quá trình quản lý dễ dàng hơn và đạt hiệu quả cao nhất .

  1. Blockchain là gì ?

Công nghệ blockchain
Nguồn: Internet

Blockchain là một sổ cái kỹ thuật số được phân chia hay dễ hiểu hơn là cơ sở dữ liệu trong một mạng. Sổ cái được chia sẻ cho những người tham gia vào mạng lưới. Điều này cho thấy rằng trong toàn bộ hệ thống không phải chỉ có một vị trí duy nhất, một tài liệu có thể làm căn cứ đáng tin (authority) duy nhất, vì những lần sao chép cùng một phiên bản sổ cái được đặt ở nhiều nơi. Bạn có thể tham khảo thêm tại đây : Blockchain là gì ? Blockchain hoạt động như thế nào ?

  1. Vai trò của blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng

Xác thực và kiểm tra chất lượng chuỗi cung ứng

Công nghệ Blockchain cho phép truy xuất nguồn gốc hàng hóa từ cửa hàng đến nhà sản xuất với độ chính xác cao về dữ liệu. Mỗi lô hàng được thiết lập một dữ liệu theo dõi riêng và đồng nhất từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ.

Tăng cường vận chuyển hàng hóa và giao hàng

Việc lập hóa đơn, thanh toán hóa đơn hay quá trình vận chuyển sẽ được kiểm soát một cách dễ dàng hơn và được tự động hóa thực hiện thông qua việc sử dụng các hợp đồng thông minh hay các AI dưới sự quản lý giúp đỡ của công nghệ Blockchain.

Cải thiện tính minh bạch của quản lý chuỗi cung ứng

Đối với việc quản lý chuỗi cung ứng, thách thức lớn nhất là độ tin cậy và sự chậm trễ trong việc truy xuất các dữ liệu của sản phẩm. Khi ứng dụng blockchain thì mọi dữ liệu đều được mã hóa cụ thể theo từng lô hàng , đảm bảo nguồn dữ liệu thông suốt chuỗi cung ứng, từ nhà sản xuất đến khách hàng cuối cùng. Bất cứ lúc nào, bất cứ bộ phận nào trong chuỗi cung ứng đều có thể truy cập được các thông tin về lô hàng.

Tính tin cậy trong khâu quản lý chuỗi cung ứng nhờ đó mà được nâng cao, mức độ chậm trễ trong việc truy xuất các dữ liệu sản phẩm cũng nhờ đó mà được giảm bớt.

  1. Ứng dụng blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng  

Ứng dụng blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng của HTX Mỹ Xương

Công nghệ blockchain được ứng dụng trong việc truy xuất nguồn gốc của xoài Cát Chu

Xoài Cát Chu là một thương hiệu xoài khá nổi tiếng ở Việt Nam, là một trong những mặt hàng nông sản đạt sản lượng cao và chất lượng tốt. Tuy nhiên, HTX Mỹ Xương gặp vấn đề khó khăn trong quá trình quản lý , truy xuất nguồn gốc của quả xoài dẫn đến thương hiệu bị giả mạo. Khách hàng cuối cùng không thể biết được nguồn gốc xuất xứ của quả xoài mà mình mua cũng như ngày xuất khỏi cơ sở trồng trọt. Chuỗi cung ứng không minh bạch, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của sản phẩm.

Khi Blockchain được đưa vào ứng dụng trong quản lý chuỗi cung ứng của HTX, các bên tham gia trong chuỗi được chia thành 4 mắt xích : mắt xích đầu tiên là Hợp tác xã, mắt xích thứ hai là bên vận chuyển, mắt xích thứ ba là nhà bán lẻ và cuối cùng là mắt xích người tiêu dùng. Mỗi một mắt xích có một vai trò riêng, song lại có mối liên hệ mật thiết đến nhau và đến quản lý chuỗi cung ứng của quả xoài Cát Chu.

Blockchain trong chuỗi cung ứng xoài Cát Chu
Sơ đồ blockchain quản lý chuỗi cung ứng quả xoài Cát Chu

Vai trò của các mắt xích trong quản lý chuỗi cung ứng của quả xoài Cát Chu : HTX có vai trò tạo bản ghi số khởi điểm cho lô hàng, chứa các thông tin xác định lô hàng ( tên sản phẩm, mã sản phẩm, tiêu chuẩn sản xuất, ngày thu hoạch,..). Đơn vị vận chuyển xác nhận đơn hàng đã được vận chuyển rời khỏi nơi sản xuất. Ghi lại thông tin ngày xuất xưởng và cập nhật trạng thái vận chuyển cho lô hàng.

Nhà bán lẻ sẽ quét mã truy xuất để xác nhận lô hàng đã đến tay và cập nhật tình trạng của lô hàng. Người tiêu thụ cuối, sẽ sử dụng ứng dụng trên điện thoại hoặc phương tiện điện tử khác để quét mã truy xuất, lấy thông tin đơn hàng.  từ đó họ sẽ biết được toàn bộ thông tin liên quan về nguồn gốc, nơi sản xuất, ai vận chuyển, tình trạng, khả năng sử dụng của sản phẩm.

Việc ứng dụng Blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng , cụ thể là truy xuất nguồn gốc của quả xoài Cát Chu đã giúp cho HTX Mỹ Xương đạt được hiệu quả cao. Chuỗi cung ứng được minh bạch, rõ ràng, việc truy xuất không còn gặp khó khăn, thương hiệu không còn bị giả mạo . Ví dụ về HTX Mỹ Xương là một trong những điển hình về việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong việc quản lý chuỗi cung ứng hiện nay.

Ứng dụng blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng dược phẩm của DHL/Accenture

DHL và Accenture đã hợp tác để đưa công nghệ Blockchain vào ứng dụng trong việc truy xuất vận chuyển dược phẩm của họ. Nhằm đảm bảo dược phẩm không bị giả mạo trong suốt chuỗi cung ứng của họ.

Công nghệ Blockchain được sử dụng để mã hóa sản phẩm ( mã hóa số seri) về nguồn gốc, số lô và hạn sử dụng của dược phẩm. Có thể truy vết mọi lúc mọi nên trên các thiết bị điện tử. Bên cạnh đó còn ứng dụng vào việc xác minh sản phẩm, kiểm chứng sản phẩm được cung cấp bởi một nhà máy sản xuất hợp pháp hoặc dược phẩm đã được vận chuyển và bảo quản một cách phù hợp hay không .

Bộ phận quản lý chuỗi cung ứng dược phẩm của DHL ứng dụng blockchain trong 5 giai đoạn tương ứng như hình dưới đây.

Giải pháp blockchain trong chuỗi cung ứng của DHL

Đơn hàng dược phẩm được mã hóa tại cơ sở sản xuất, sau đó nhà sản xuất có vai trò xác nhận đơn hàng đã được chuyển đến DHL. Khi hàng được vận chuyển tới kho của DHL thì công ty này có vai trò nhập liệu vào blockchain các thông tin trên phiếu xuất kho và khâu lấy hàng, đóng gói hàng hóa. Sau khi các thông tin được nhập liệu thành công thì DHL tiến hành giao hàng cho khách hàng. Dữ liệu về đơn hàng được giao nhận đều được mã hóa trên blockchain.

Cuối cùng khi đến tay khách hàng, đơn hàng sẽ được xác thực và xác nhận đã nhận được hàng. Tất cả mọi dữ liệu về quy trình sản xuất lẫn quy trình vận chuyển đều được các mắt xích nhập liệu và mã hóa trên blockchain. Nhờ đó mà việc truy xuất nguồn gốc, vận chuyển của lô hàng đều được dễ dàng theo dõi .

Kết quả của việc ứng dụng Blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng dược phẩm của DHL và Accenture là đảm bảo được tính hợp pháp, tính trung thực của dược phẩm và các tiêu chuẩn vận chuyển đều được người tiêu dùng kiểm chứng dễ dàng, đảm bảo tối đa sự đáp ứng của chuỗi cung ứng. Công nghệ Blockchain có thể xử lý hơn 7 tỷ đơn vị dược phẩm và hơn 1500 giao dịch mỗi giây .

Dự án này của DHL và Accenture đã chứng minh tính khả thi và hiệu quả của việc ứng dụng Blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng dược phẩm – từ khi sản xuất đến khi bán hàng đến tay người tiêu dùng – đảm bảo sự minh bạch, bảo mật và dễ dàng truy cập kiểm chứng.

Theo phát biểu của Keith Turner, CIO- Trưởng văn phòng phát triển tại DHL Supply Chain :” Sự thành công của giai đoạn nghiên cứu tính khả thi đã chứng minh được tiềm năng của blockchain trong cuộc chiến chống lại thuốc giả. Cùng với các đối tác của mình, chúng tôi đang nỗ lực tinh chỉnh giải pháp, cũng như làm việc với các doanh nghiệp lớn trong ngành để sớm đưa ý tưởng này trở thành sự thật”.

Blockchain đang ngày càng trở nên phổ biến và được ứng dụng rộng rãi trong các mắt xích của chuỗi cung ứng. Từ việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hay quản lý logistics vận chuyển các sản phẩm từ nhà cung cấp đến nhà sản xuất, đến các nhà bán lẻ và cuối cùng là đến tay người tiêu dùng cuối cùng.

Ứng dụng công nghệ Blockchain – Tael (WABI) trong quản lý chuỗi cung ứng sữa của Trung Quốc

Bắt nguồn từ sự cố năm 2008, khi mà 6 trẻ sơ sinh tử vong và hơn 50.000 trẻ phải nhập viện vì sử dụng sữa giả. Vấn đề gặp phải của chuỗi cung ứng này là không kiểm soát được toàn bộ quá trình cung ứng sản phẩm và thiếu liên kết giữa thông tin số hóa và thông tin vật lý.

Công ty Techrock đã nghiên cứu và cho ra đời Công nghệ Token WABI để giải quyết vấn đề trên. Công ty phát hành ra một công nghệ blockchain giúp quá trình liên kết thông tin giữa các thông số vật lý và các thông tin được mã hóa diễn ra mượt mà hơn và dễ dàng kiểm chứng.

Các sản phẩm sữa đều được gắn chip RFID và mã QR để có thể quét được mọi lúc mọi nơi thông qua thiết bị di động. Khi khách hàng quét mã thì có thể kiểm chứng được nguồn gốc và mọi thông tin liên quan đến sản phẩm.

Dưới sự hỗ trợ của công nghệ WABI, nguồn cung ứng các sản phẩm sữa của Trung Quốc được khôi phục lại tính minh bạch, đảm bảo niềm tin từ khách hàng. Các bà mẹ bỉm sữa cũng giảm đi nỗi lo âu mua phải sản phẩm giả mạo cho con mình.

Ứng dụng blockchain trong hệ thống logistics của chuỗi cung ứng đô thị Thành phố Hà Nội

Thành phố Hà Nội đang nỗ lực để ứng dụng một hệ thống logistics nhằm nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng đô thị. Thông qua các nghiên cứu, phân tích thì thành phố lựa chọn mô hình Crowd logistics.

Crowd logistics là nền tảng khai thác nguồn lực nhàn rỗi từ cộng đồng người dân trong đô thị, làm giảm chi phí vận tải, giảm quãng đường vận chuyển trên một đơn vị hàng hóa/doanh thu, cũng như thời gian giao hàng cho các công ty logistics, chủ hàng và cả người tiêu dùng.

Tại Thành phố Hà Nội, hiện nay đã có một số nền tảng crowd logistics như Ahamove, Lalamove, Grab, HeyU, shipVN, shipchung, sapo. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất của giải pháp này là sự chính xác, an toàn và minh bạch của thông tin giao dịch, thứ mà cần thiết để phục vụ cho quá trình giải quyết những tranh chấp có thể xảy ra.

Và công nghệ blockchain là giải pháp tối ưu nhằm truy xuất thông tin, cũng như đảm bảo sự minh bạch của thông tin cho hệ thống crowd logistics này và xây dựng niềm tin giữa khách hàng với người cung cấp dịch vụ không chuyên.

Kết quả là hệ thống logistics của thành phố được cải thiện và đem lại hiệu quả như mong đợi. Mọi thông tin trong suốt quá trình vận chuyển, vận tải đều được cập nhật cụ thể, kịp thời và chính xác. Đảm bảo tính minh bạch trong hệ thống Crowd logistics và toàn bộ chuỗi cung ứng của nhà sản xuất, nhà phân phối cũng như đơn vị vận chuyển đến tay khách hàng cuối cùng.

  1. Kết luận

Chuỗi cung ứng là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế, đảm bảo nhu cầu của mọi người dân đều được đáp ứng . Việc quản lý một chuỗi cung ứng hiệu quả sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển bền vững.

Đảm bảo sự phát triển kinh tế, tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đồng thời đảm bảo được tính minh bạch và dễ dàng kiểm chứng các sản phẩm được cung ứng trong chuỗi. Tăng niềm tin từ khách hàng cũng như bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

Thông qua ba ví dụ ứng dụng Blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng, có thể khẳng định Blockchain giúp một nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững hiện tại và sau này của một chuỗi cung ứng !

Bạn có thể quan tâm : 3 xu hướng phát triển bền vững trong quản lý chuỗi cung ứng

Người thực hiện : Ngô Thị Bích Ngọc – MSV: 19051171