Logistics: Top 05 xu hướng định hình tương lai

Top 5 xu hướng Logistics định hình tương lai

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và thương mại điện tử bùng nổ, Logistics được coi là “xương sống” của nền kinh tế toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển, lưu trữ và phân phối hàng hóa và dịch vụ. Trong những năm gần đây, xu hướng phát triển mạnh mẽ của ngành Logistics đang thúc đẩy làn sóng tiến bộ công nghệ, tự động hóa quy trình và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Hãy đồng hành với chúng tôi trong hành trình khám phá xu hướng này nhé !

1. Logistics là gì?

Logistics là một khái niệm rất rộng, và tùy vào từng cách tiếp cận khác nhau sẽ có những định nghĩa khác nhau.

Theo điều 233, Luật Thương mại 2005 đưa ra định nghĩa: “Dịch vụ Logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao.”

Theo Gianpaolo Ghiani, Gilbert Laporte và Roberto Musmanno (2004) định nghĩa: “Logistics liên quan đến việc lập kế hoạch và kiểm soát các luồng nguyên liệu và thông tin liên quan trong các tổ chức, cả trong khu vực công và tư nhân. Nói rộng ra, sứ mệnh của nó là đưa đúng nguyên vật liệu đến đúng nơi vào đúng thời điểm, đồng thời tối ưu hóa thước đo hiệu suất nhất định (ví dụ: giảm thiểu tổng chi phí vận hành) và đáp ứng một loạt ràng buộc nhất định (ví dụ: hạn chế về ngân sách).”

Theo Alan Harrison và Remko van Hoek (2008), “Logistics đề cập đến việc quản lý vật liệu và thông tin. Logistics đầu vào liên quan đến các liên kết giữa công ty đầu mối và các nhà cung cấp thượng nguồn (‘bên mua’), trong khi Logistics đầu ra đề cập đến các liên kết giữa công ty đầu mối và khách hàng hạ nguồn (‘bên bán’) của nó.”

Mạng lưới cung cấp trong chuỗi cung ứng
Mạng lưới cung cấp trong chuỗi cung ứng

(Nguồn: After Slack et al., 1997)

2. Tình hình thị trường Logistics thế giới

Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2023, do tăng trưởng và các động lực chính của nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm nên chuỗi cung ứng toàn cầu năm 2023 chưa cho thấy nhiều cải thiện so với năm 2022. Theo Precedence Research, quy mô thị trường Logistics toàn cầu đạt gần 9 nghìn tỷ USD năm 2023, và dự kiến sẽ tăng lên 18,23 nghìn tỷ USD vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR)  đáng chú ý là là 10,7 % từ năm 2023 đến năm 2030.

Quy mô thị trường Logistics giai đoạn 2022-2030 (nghìn tỷ USD)
Quy mô thị trường Logistics giai đoạn 2022-2030 (nghìn tỷ USD)

(Nguồn: Precedence Research)

Một trong những yếu tố chính ảnh hưởng tích cực đến thị trường là ngành thương mại điện tử đang bùng nổ, cũng như khả năng kết nối mạng tốc độ cao được cải thiện. Nhu cầu về dịch vụ giao nhận hàng hóa hiệu quả ngày càng tăng khi ngành thương mại điện tử phát triển. Hơn nữa, thị trường đang được thúc đẩy bởi sự thay đổi trong sở thích của khách hàng đối với mua hàng trực tuyến.

Mạng lưới bán lẻ trực tuyến cung cấp các phương tiện giao hàng tận nhà thuận tiện, hỗ trợ mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất đang hướng tới các giải pháp xanh hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu tác động đến môi trường cũng như cải thiện chứng chỉ xanh cho hoạt động kinh doanh của họ. Họ cũng cung cấp các hệ thống giám sát hậu cần kết hợp các công nghệ tiên tiến như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) và thực tế tăng cường (AR).

Theo báo cáo LPI được công bố vào tháng 4/2023 bởi World Bank, ngành Logistics thích ứng với sự thay đổi của các mô hình thương mại toàn cầu, với độ tin cậy của chuỗi cung ứng cao hơn, khả năng chuẩn bị trước khủng hoảng tốt hơn, xanh hóa chuỗi cung ứng và số hóa. 

3. Xu hướng phát triển của Logistics

3.1 Chuyển đổi số: tăng cường số hóa và tự động hóa

Trong lĩnh vực logistics, chuyển đổi số là việc sử dụng công nghệ số để thay đổi các quy trình, mô hình và hoạt động Logistics nhằm nâng cao hiệu quả, tính linh hoạt và khả năng ứng phó của chuỗi cung ứng. Ngày nay, ngành logistics đang trải qua sự thay đổi đáng kể theo hướng số hóa và tự động hóa.

Các công ty logistic đang ngày càng áp dụng các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)… để hợp lý hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả và giảm chi phí. Theo Báo cáo LPI 2023, số hóa chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi, đang cho phép rút ngắn thời gian trễ cảng lên đến 70% so với các nước phát triển. 

3.2 Ứng dụng AI 

AI đề cập đến việc sử dụng các thuật toán và học máy để tự động hóa và tối ưu hóa các quy trình hậu cần khác nhau, đồng thời hiện đang được sử dụng để tự động hóa các công việc thường ngày và cung cấp những hiểu biết sâu sắc mà trước đây không thể đạt được. 

AI đặc biệt phù hợp với lĩnh vực giao nhận hàng hóa do mạng lưới rộng khắp của ngành. Bằng cách phân tích dữ liệu, Al có thể dự đoán khối lượng sản xuất và vận chuyển trong tương lai, từ đó sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Nó có thể điều khiển các quy trình cơ học thông qua hệ thống robot và thị giác máy tính, thậm chí có thể làm mượt trải nghiệm của khách hàng thông qua các bot hỗ trợ. Do đó, các nhiệm vụ đang được giao cho các hệ thống kỹ thuật số tự học với tốc độ ngày càng tăng.

3.3 Ứng dụng Blockchain

Để có một dịch vụ logistics tốt, sự hợp tác của tất cả các bên liên quan nhằm tối ưu dòng hàng hóa, dòng thông tin và dòng tiền là  vô cùng cần thiết. Bản chất các dòng này đều phức tạp, điển hình là dòng thông tin.

Sự phức tạp của dòng thông tin trong thương mại quốc tế
Sự phức tạp của dòng thông tin trong thương mại quốc tế

(Nguồn: Accenture)

Trong các giải pháp, Blockchain đã thu hút nhiều sự quan tâm của các tổ chức đang tìm cách cải thiện hiệu quả dịch vụ và tính minh bạch của chuỗi cung ứng. Hoạt động trên cơ sở hạ tầng sổ cái phân tán, nó có thể ghi lại các giao dịch giữa các bên một cách bảo mật cao và theo dõi tính xác thực của hàng hóa khi chúng di chuyển trong chuỗi cung ứng. Bằng cách kết hợp tính năng ghi dữ liệu bất biến và tuần tự hóa, công nghệ chuỗi khối hoạt động như một nguồn thông tin xác thực duy nhất cho người dùng.

3.4 Ứng dụng IoT 

Internet of Things (IoT) là một vấn đề lớn. Nó giúp các doanh nghiệp cải thiện chuỗi cung ứng của họ. Một số công ty đặt cảm biến trong xe của họ để theo dõi lô hàng. Họ cũng có thể giúp quản lý tuyến đường và địa điểm. Các giải pháp IoT trong kho có thể giúp quản lý hàng tồn kho, điều kiện lưu trữ và bảo trì phòng ngừa. 

IoT giúp giải quyết thách thức chuỗi cung ứng
IoT giúp giải quyết thách thức chuỗi cung ứng

(Nguồn: Melody Logistics)

=> Xem thêm: Cách Internet vạn vật (IoT) giải quyết các thách thức chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh mới

3.5 Xu hướng phát triển bền vững: Logistics xanh

Tính bền vững là một phong trào đã lan rộng trên nhiều ngành, trong đó có Logistics. Trong bối cảnh người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm thân thiện môi trường và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, Logistics xanh ngày càng được quan tâm và đầu tư một cách chuyên nghiệp.

Theo số liệu từ Báo cáo Logistics Việt Nam 2023, nhu cầu logistics xanh đang tăng lên, với 75% chủ hàng đang tìm kiếm các lựa chọn thân thiện với môi trường khi xuất khẩu sang các nước có thu nhập cao. Có thể nói, Logistics xanh được xem là mắt xích quan trọng trong việc “xanh hóa” chuỗi cung ứng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.

Xu hướng phát triển Logistics theo hướng bền vững
Đặc điểm của Logistics xanh: xanh hóa hoạt động vận tải, kho bãi, đóng gói, hệ thống thông tin và Logistics ngược

Xu hướng phát triển Logistics xanh thể hiện ở 5 đặc điểm:

Xanh hóa hoạt động vận tải thông sử dụng phương tiện vận tải thân thiện với môi trường hoặc ít phát thải cacbon, tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển vì khí thải carbon trong vận chuyển và sử dụng nhiên liệu có thể giảm bằng cách rút ngắn khoảng cách mà hàng hóa phải di chuyển.

Xanh hóa hoạt động kho bãi thông qua thiết kế, xây dựng kho bãi sao cho tận dụng được năng lượng mặt trời, ánh sáng tự nhiên, diện tích, không gian phù hợp và dùng trang thiết bị thân thiện với môi trường…

Xanh hóa hoạt động đóng gói. Thường có ba loại bao bì là bao bì chính, bao bì thứ cấp và bao bì vận chuyển. Việc đóng gói sản phẩm tốt hơn cùng với các vật liệu tái sử dụng và pallet được sắp xếp theo mô hình tối ưu sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí nhờ việc giảm sử dụng vật liệu, tăng sử dụng không gian nhà kho và dung tích phương tiện vận tải, giảm số lượng bao bì cần xử lý. 

Xanh hóa hệ thống thông tin  bằng việc cung cấp những thông tin thực tế về mặt thời gian và điều khiển một cách chính xác, tối ưu các hoạt động trong giao nhận hàng hóa như đóng gói, lưu trữ, vận chuyển, chế biến, phân phối, xếp dỡ, xử lý hàng tồn kho…

Phát triển Logistics ngược bao gồm hoạt động chính là thu hồi, tái sử dụng sản phẩm và xử lý chất thải.

4. Cách một số doanh nghiệp nắm bắt xu hướng phát triển của ngành Logistics

4.1 DHL: Tích hợp AI trong phân loại bưu kiện

DHL là một công ty của Đức chuyên vận chuyển hàng hóa và cung cấp các giải pháp về Logistics quốc tế. DHL đã hợp tác với Dorabot, một nhà cung cấp giải pháp robot được hỗ trợ bởi AI, để tích hợp “DHLBots” vào các trung tâm và cổng. Có khả năng phân loại hơn 1.000 bưu kiện nhỏ mỗi giờ với độ chính xác 99%, DHLBots giảm thiểu tình trạng phân loại sai, loại bỏ nhu cầu phân loại thứ cấp.

DHL tích hợp AI trong phân loại bưu kiện
DHL tích hợp AI trong phân loại bưu kiện

(Nguồn: DHL)

Công nghệ này xuất hiện vào thời điểm quan trọng, do khối lượng vận chuyển tăng trưởng đều đặn trên toàn khu vực. Năm 2020, DHL Express ghi nhận mức tăng sản lượng 17,3% so với cùng kỳ năm trước trong những tháng cao điểm là tháng 11 và tháng 12.

4.2 Maersk và IBM: Nâng cao hiệu quả vận tải biển trên nền tảng Blockchain

Giải pháp này giúp số hóa các quy trình thương mại và theo dõi đơn hàng từ khi bắt đầu đưa vào sản xuất cho đến khi giao tận tay khách hàng. Hệ thống này còn cho phép các bên liên quan biết được tiến độ vận chuyển hàng cũng như vị trí của container, tiến độ thực hiện các thủ tục hải quan, các vận đơn và các dữ liệu khác trong toàn bộ quá trình vận chuyển.

Nắm bắt xu hướng phát triển, Maersk IBM ứng dụng Blockchain để cải thiện thương mại toàn cầu
Nắm bắt xu hướng phát triển, Maersk IBM ứng dụng Blockchain để cải thiện thương mại toàn cầu

(Nguồn: Supply chain 247)

Vẻ đẹp của blockchain nằm ở khả năng khuyến khích trao đổi dữ liệu với tính bảo mật cao và năng lực xác thực dữ liệu của nó. Liên minh Maersk và IBM kì vọng giải pháp này sẽ truy vết 10 triệu containers mỗi năm, làm giảm đáng kể việc chậm trễ và gian lận trong suốt quá trình vận chuyển. Do đó, hệ thống này có thể giúp ngành logistics tiết kiệm hàng tỷ dollar.

Tuy nhiên, kết quả của hệ thống này không được như kỳ vọng. Theo ông Rotem Hershka, trưởng bộ phận Nền tảng kinh doanh tại A.P.Moller – Maersk, “mặc dù chúng tôi đã phát triển thành công một nền tảng khả thi nhưng nhu cầu hợp tác toàn ngành trên toàn cầu vẫn chưa đạt được”. Vì vậy, nền tảng này sẽ ngừng hoạt động vào cuối quý 1 năm 2023, tuy nhiên, đây vẫn là bước đệm để thúc đẩy hơn chương trình số hóa của Maersk.

=> Xem thêm: Blockchain trong ngành Logistics

4.3 FedEx: Nắm bắt xu hướng phát triển bền vững

FedEx cam kết trung hòa cacbon
FedEx cam kết trung hòa cacbon

(Nguồn: Pacific Group)

Là một trong những công ty Logistics hàng đầu thế giới, FedEx này đã cam kết giảm 50% lượng khí thải carbon của mình vào năm 2040. FedEx đã thực hiện một số sáng kiến ​​để đạt được mục tiêu này, bao gồm: sử dụng năng lượng tái tạo trong các trung tâm vận chuyển và kho bãi của mình; đầu tư vào các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường, chẳng hạn như máy bay điện và xe tải chạy hybrid; tăng cường sử dụng các giải pháp công nghệ để giảm lượng khí thải.

Có thể nói, xu hướng phát triển Logistics những  năm tới dự kiến ​​sẽ phát triển hơn nữa để đáp ứng những tiến bộ kinh tế và công nghệ toàn cầu. Các doanh nghiệp sẽ tập trung nhiều hơn vào tự động hóa, ứng dụng công nghệ và xanh hóa Logistics, điều này giúp họ duy trì khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. 

Xem thêm:

Bật mí về logistics ngược: Top 10 thông tin hữu ích cần biết

BẬT MÍ 03 BƯỚC TRONG CHIẾN LƯỢC QUẢN LÝ LOGISTICS NGƯỢC TẠI HEINEKEN

3 QUY TRÌNH QUẢN LÝ HÀNG DỰ TRỮ THEO MÔ HÌNH EOQ CỦA KINH ĐÔ

Sinh viên thực hiện: Bùi Phương Thảo

Mã sinh viên: 20050929

Lớp: QH-2020-E KTQT CLC 4

Mã lớp học phần: INE3104 5