BẬT MÍ 03 BƯỚC TRONG CHIẾN LƯỢC QUẢN LÝ LOGISTICS NGƯỢC TẠI HEINEKEN

Heineken đã áp dụng mô hình quản lý Logistics ngược trong mục tiêu “Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn” trong bối cảnh vấn đề môi trường đang trở thành rào cản lớn cho sự phát triển của các doanh nghiệp hiện nay để tạo ra mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị của mình và đã đạt được một số thành công nhất định.

Đến năm 2025, Heineken Việt Nam tiến tới việc bù hoàn 100% nước sử dụng trong quá trình sản xuất, sử dụng 100% năng lượng tái tạo và 100% rác thải được tái chế, tái sử dụng .
Đến năm 2025, Heineken Việt Nam tiến tới việc bù hoàn 100% nước sử dụng trong quá trình sản xuất, sử dụng 100% năng lượng tái tạo và 100% rác thải được tái chế, tái sử dụng.

1. Logistics Ngược – bạn đã hiểu đúng?

Logistics Ngược (Reserve Logistics) hay còn gọi là Logistics thu hồi, là toàn bộ hoạt động Logistics hỗ trợ cho các dòng chảy ngược chiều của chuỗi cung ứng gồm dòng chảy của nguyên liệu, bán thành phẩm và thông tin có liên quan từ điểm tiêu thụ đến điểm xuất xứ và dòng tài chính (nếu có) từ bán hoàn lại cho người mua.

Mô hình Logistics Ngược
Mô hình Logistics Ngược

Logistics ngược vận hành theo chu trình ngược lại so với Logistics xuôi. Các trường hợp có hoạt động Logistics ngược là khách hàng hoàn trả đơn hàng, sản phẩm hỏng cần bảo hành, sản phẩm cũ và hỏng thu lại với mục đích thu hồi giá trị hoặc xử lý một cách thích hợp.

2. 03 bước trong chiến lược quản lý Logistics ngược tại Heineken

HEINEKEN đã áp dụng chiến lược mô hình quản lý Logistics ngược tập trung để có thể tiến tới mục tiêu mô hình kinh tế tuần hoàn và chiến lược “Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn”, không rác thải cần chôn lấp. HEINEKEN đã tái sử dụng hoặc tái chế gần như toàn bộ (khoảng 99%) phế thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất.

Tại HEINEKEN Việt Nam, một chai thủy tinh có thể được tái sử dụng tới 30 lần, còn mỗi chiếc két nhựa có tuổi thọ từ 5-10 năm. 100% lon bia cũng được tái chế. So sánh với lượng sản phẩm trong một năm của HEINEKEN, không khó để hình dung khối lượng bao bì được tái chế/ tái sử dụng lớn đến mức nào.

Chai thủy tinh Haineken có thể tái sử dụng trên 30 lần
Chai thủy tinh Heineken có thể tái sử dụng trên 30 lần

Đối với các loại bao bì như vỏ lon, vỏ chai, nắp chai, két bia, Heineken tiến hành thu gom trực tiếp tại hàng quán, siêu thị để tiến hành tái chế, tái sử dụng. Riêng nắp chai được công ty thu gom, xử lý thành thép để xây những cây cầu tại các địa phương còn khó khăn như Tiền Giang, An Giang.

Các bước thực hiện việc quản lý Logistics ngược theo mô hình quản lý tập trung đối với sản phẩm hư hỏng, không đáp ứng yêu cầu khách hàng; phế phẩm, phụ phẩm; sản phẩm kết thúc sử dụng gồm các bước như sau:

Bước 1: Tập hợp, nhập kho thu hồi 

  • Phạm vi kinh doanh của Heineken rộng khắp lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, hệ thống kho có một vai trò quan trọng nhất định trong chuỗi hoạt động Logistics. Heineken đã tổ chức hoạch định một hệ thống kho từ Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Vũng Tàu. Công tác quản trị kho của Heineken do bộ phận Logistics đảm nhiệm bao gồm cả hoạt động Logistics xuôi và hoạt động Logistics ngược.
  • Hoạt động này nhằm mục đích thu hồi các sản phẩm hư hỏng để bảo vệ uy tín của doanh nghiệp trên thị trường và gia tăng chất lượng dịch vụ khách hàng. Ngoài ra, hoạt động này còn thực hiện nhiệm vụ thu hồi các loại bao bì hoàn trả (vỏ chai thủy tinh) từ các nhà phân phối, đại lý khách hàng về doanh nghiệp để tái sử dụng cho hoạt động sản xuất.
  • Bên cạnh đó, công ty còn thu hồi lại các phế phẩm và phụ phẩm cơ bản khác như bã hèm, men thừa và các vật liệu như các tông, nhôm, nhựa và giấy để tái sử dụng vào các hoạt động khác. Khi tiến hành nhập kho thu hồi, sẽ đồng thời tiến hành sự phân loại mức độ tái sử dụng của các sản phẩm theo mức từ cao tới thấp. Điều này giúp công ty tiến hành hoạt động tái sử dụng một cách dễ dàng hơn.

Bước 2: Kiểm tra và đánh giá 

  • Sau khi được nhập vào kho, các vỏ chai sẽ được kiểm tra và đánh giá qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là kiểm tra thủ công do nhân công trong kho xử lý và kiểm tra từng chai, và từ đó loại bỏ những chai bị nứt, sứt mẻ, vỡ, cũng bóc hết các tem nhãn cũ trên thân chai. Tuy nhiên, phương pháp kiểm tra vật lý bằng tay này lại chưa đảm bảo được về sức ép chai thủy tinh có còn như cũ hay không, vì thế, giai đoạn thứ hai được sinh ra.
  • Giai đoạn này các vỏ chai sẽ đi qua một hệ thống máy nén khí, các máy sẽ nén đầy khí vào trong chai để thử xem chai có chịu được áp suất lớn hay không. Cũng chính vì việc làm này tránh để cho các tai nạn trong quá trình chiết rót xảy ra, vì khi chiết rót, nhất là với những sản phẩm và chất lỏng có gas thì những chai thủy tinh không đạt an toàn sẽ nổ trong quá trình chiết rót chất lỏng.
  • Trải qua quá trình này, những chai không bị vỡ sẽ được tiếp nhận công đoạn tiếp theo, còn những chai bị nổ cũng như bị loại ra ngay từ công đoạn kiểm tra vật lý bằng tay ở trên sẽ bị loại bỏ.

Bước 3: Xử lý 

  • Trải qua hai công đoạn trong quá trình kiểm tra và đánh giá vỏ chai thủy tinh ở trên thì các vỏ chai an toàn sẽ được đưa vào quá trình rửa sạch.
  • Để tái sử dụng, vỏ chai từ thị trường khi thu hồi trở lại về nhà máy phải trải qua quá trình khử trùng nghiêm ngặt, đảm bảo những tiêu chuẩn vệ sinh khắt khe nhất. Trong đó đảm bảo vỏ chai được rửa sạch hoàn toàn những chất lỏng đã bị biến chất còn sót lại sau khi sử dụng, cũng như được loại bỏ các vi khuẩn gây lên men sau khi đóng chai và khử đi mùi trong thân chai cũng như các loại vi khuẩn, nấm mốc.
  • Nếu như không rửa sạch thì không thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm đầu ra. Kết thúc thời hạn tái sử dụng lên tới 20 lần, chai được trả về nhà máy thủy tinh để tái chế.
  • Việc thu hồi vỏ chai của doanh nghiệp được thực hiện song song với hoạt động thu hồi sản phẩm hư hỏng. Sau khi được rửa sạch thì các vỏ chai sẽ được sấy khô, và đưa lên quá trình chiết rót, đóng chai, dán nhãn và đưa ra nhà máy, bước vào quá trình tiêu thụ.
  • Bên cạnh đó những vỏ chai được tái chế hay tái sử dụng, những két đựng bia bằng nhựa sau thời hạn sử dụng từ 5-10 năm sẽ được cán vụn và bán lại cho các công ty sản xuất nhựa. Các két nhựa này sẽ được tái chế thành những sản phẩm như pallet nhựa, sóng nhựa hoặc những sản phẩm khác theo nhu cầu sử dụng.
03 bước trong mô hình quản lý chiến lược Logistics Ngược tại Heineken
03 bước trong mô hình quản lý chiến lược Logistics Ngược tại Heineken/ Nguồn: Heineken Việt Nam

3. Thuận lợi, khó khăn khi Heineken áp dụng mô hình quản lý Logistics ngược

Thuận lợi

Tạo giá trị từ tái chế: Năm 2021, 6/6 nhà máy của HEINEKEN Việt Nam đều đã đạt mục tiêu không còn rác thải chôn lấp, tái sử dụng và tái chế 100% các phụ, phế phẩm trong sản xuất. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí mà còn tạo ra giá trị cho xã hội.

Tại tỉnh Tiền Giang, nhãn hàng Tiger đã có một dự án sáng tạo và đột phá, đó là thu gom nắp chai bia, tái chế thành một phần vật liệu, dùng để xây cầu cho người dân địa phương. Với hàng trăm nghìn nắp chai bia được thu hồi, tái chế đã xây dựng chiếc cầu dài 30m.

Chiếc cầu dài 30m được xây dựng với hàng trăm nghìn nắp chai bia được thu hồi
Chiếc cầu dài 30m được xây dựng với hàng trăm nghìn nắp chai bia được thu hồi

Đẩy mạnh hình ảnh thương hiệu và phát triển bền vững: Áp dụng mô hình Logistics ngược tập trung, Heineken cho thấy cam kết của doanh nghiệp với việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, hướng tới “Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn”. Tiến tới mục tiêu không rác thải cần chôn lấp, Heineken đã tái sử dụng hoặc tái chế gần như toàn bộ (khoảng 99%) phế thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất. Trong báo cáo phát triển bền vững 2022, 65% người được khảo sát tin rằng Heineken cam kết thực hiện tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải.

Tuân thủ quy định và tiêu chuẩn: Việc Heineken thực hiện chiến lược mô hình Logistics ngược tập trung đã giúp cho 6/6 nhà máy không có chất thải chôn lấp, giúp Heineken đạt top 3 doanh nghiệp bền vững nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất trong vòng 7 năm liên tiếp.

Hợp tác và đối tác: Trong suốt 30 năm hoạt động tại Việt Nam, HEINEKEN đã dày công xây dựng chuỗi cung ứng, thực hiện cam kết tăng cường thu mua nguyên liệu bao bì từ nguồn cung ứng nội địa. Hiện chuỗi cung ứng bao bì của Công ty đạt tới 99% từ nguồn cung nội địa, tạo giá trị kinh tế gần 5.700 tỷ đồng/năm. Long Thành Plastic cũng là doanh nghiệp duy nhất ở khu vực Đông Nam Á được HEINEKEN cấp giấy chứng nhận sản xuất khuôn két và két bia.

Khó khăn

Phức tạp trong việc thu thập và phân loại sản phẩm: Việc thu thập sản phẩm đã qua sử dụng hoặc hỏng hóc từ nhiều điểm tiêu dùng khác nhau có thể gây mất nhiều thời gian và chi phí.

Quản lý và xử lý sản phẩm nguy hiểm: Giai đoạn đầu tiên khi áp dụng Logistics ngược là kiểm tra thủ công do nhân công trong kho xử lý và kiểm tra từng chai nên sẽ gây nguy hiểm cho công nhân khi loại bỏ những chai bị nứt, sứt mẻ, vỡ, bóc hết các tem nhãn cũ trên thân chai.

Hiện Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất tấm nhôm cuộn từ nhôm tái chế, nên hầu hết tấm nhôm cuộn có thành phần nhôm tái chế vẫn đang được nhập từ nước ngoài để sản xuất lon nhôm trong nước.

4. Đánh giá hiệu quả chiến lược mô hình quản lý Logistics ngược tại HEINEKEN

Hiệu quả chiến lược Logistics Ngược của HEINEKEN

Những thành tựu đáng kể đã đạt được của doanh nghiệp chính là biểu hiện rõ nhất cho hiệu quả hoạt động quản lý của chiến lược Logistics ngược. 100% chai thủy tinh của Heineken được tái sử dụng hơn 20 lần. Nhờ vào đó, tỷ lệ chai thủy tinh tái sử dụng đạt 97%, ngoài ra 100% chai thủy tinh hết hạn sử dụng hoặc bị vỡ đều tiếp tục được đưa vào tái chế. Két nhựa đựng chai bia cũng được thiết kế theo hướng tái sử dụng nhiều nhất có thể. Những chiếc két bia của hãng có tuổi thọ từ 5 – 10 năm và cũng được tái chế sau khi hết hạn hoặc hư hỏng.

Đối với sản phẩm đóng lon, Heineken sử dụng thùng giấy carton và lon nhôm, cũng có khả năng tái chế lên đến 100%. 40% nguyên liệu nhôm và 100% giấy carton là sản phẩm tái sinh. Ngoài ra, Heineken đưa ra cam kết tầm nhìn tới năm 2025 tái chế 100% rác thải cho hoạt động sản xuất. Trong đó, riêng đối với rác thải, công ty đã đạt được tỷ lệ 100% phụ phẩm, phế phẩm trong khâu sản xuất được tái sử dụng hoặc tái chế, do đó không còn rác thải chôn lấp.

Đánh giá hiệu quả chiến lược Logistics Ngược

Thứ nhất, các hoạt động Logistics thu hồi từ tập hợp, kiểm tra, phân loại, xử lý đến phân phối lại đã được triển khai theo từng đối tượng sản phẩm trong chuỗi cung ứng sản phẩm bia của công ty.

Đặc biệt, các hoạt động tập hợp và xử lý các sản phẩm không đáp ứng yêu cầu; phụ phẩm, phế phẩm; sản phẩm kết thúc sử dụng được doanh nghiệp sản xuất triển khai hiệu quả với tỷ lệ được sử dụng để sửa chữa, sản xuất lại và tái chế nguyên liệu cao. Từ đó Logistics thu hồi giúp cho doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí hao tổn do sản phẩm, phụ phẩm bị hư hỏng; chi phí cho nguyên vật liệu mới;…

Thứ hai, trong chuỗi cung ứng sản phẩm bia của công ty, tổ chức Logistics thu hồi đã được triển khai cả ở cấp độ quản lý với sự tham gia của 9 văn phòng thương mại, chi nhánh trên khắp đất nước và ở cấp độ hoạt động với sự tham gia của 6 nhà máy bia.

5 trên 6 nhà máy bia của Heineken Việt Nam sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải các-bon.
5 trên 6 nhà máy bia của Heineken Việt Nam sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải các-bon.

Bên cạnh đó, mạng lưới Logistics thu hồi đã được hình thành theo khu vực, địa bàn. Trong đó, các thành viên trong chuỗi cung ứng sản phẩm bia của công ty đã xây dựng được mối quan hệ cộng tác ở nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt là sự cộng tác giữa nhà sản xuất với các cơ sở thu gom và tái chế (các đại lý và các nhà bán lẻ).

Từ đó tạo nên một mô hình Reserve Logistics tương đối hoàn chỉnh và có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Những cơ sở thu mua, tái chế được thành lập và đảm nhận tất cả mọi hoạt động như thu hồi, sửa chữa, tái chế và thải loại giúp tiết kiệm được thời gian phải tìm kiếm các bên trung gian.

5. Kết luận

Như vậy, chiến lược quản lý tốt Logistics ngược của công ty không chỉ mang đến những giảm thiểu chi phí, tăng doanh thu và nâng cao dịch vụ khách hàng, từ đó giúp công ty giành được lợi thế cạnh tranh trên thị trường; mà còn tạo được uy tín và gây sức ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm hàng hóa của khách hàng.

Trong đó, Heineken ngoài việc thu hút khách hàng bằng chất lượng sản phẩm mà còn dần chiếm một vị thế quan trọng trong việc đưa ra quyết định mua hàng của khách hàng với những hình ảnh thân thiện, mang lại lợi ích cho xã hội và môi trường.

Nhìn chung, Logistics ngược dù mang lại rất nhiều lợi ích nhưng vì quá trình thực hiện khó khăn mà rất nhiều doanh nghiệp đã chưa thể tiến sâu hơn trong quá trình quản lý chiến lược này. Thế nhưng, Heineken với những chiến lược quản lý hiệu quả, cụ thể là chiến lược quản lý Logistics ngược theo mô hình tập trung hóa đã tận dụng tối ưu chiến lược này và tối đa hóa lợi ích cả về kinh tế lẫn tạo sự thông suốt cho quá trình Logistics xuôi và giúp bảo vệ môi trường, mang lại ích lợi cho xã hội.

Xem thêm:

Bật mí về logistics ngược: Top 10 thông tin hữu ích cần biết

E-logistics: Giải pháp tối ưu cho logistics trong năm 2024

E-logistics tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức trong năm 2024

Sinh viên thực hiện: Nguyễn Thu Hoài

Ngày sinh: 01/01/2002

Mã sinh viên: 20050832

Lớp: QH-2020-E KTQT CLC 4

Mã học phần: INE3104_5