Cẩm nang Incoterms 2020 cho người mới bắt đầu

minh họa incoterms 2020

Để giúp đảm bảo giao dịch xuất khẩu quốc tế suôn sẻ và tránh những sai lầm có thể gây tốn, hãy sử dụng các điều khoản Incoterms 2020 được quốc tế công nhận để làm rõ nhiệm vụ, chi phí và rủi ro cho người mua và người bán.

Giới thiệu về Incoterms 2020

Incoterms là một bộ gồm 11 quy tắc riêng do Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) ban hành nhằm xác định trách nhiệm của người bán và người mua trong các giao dịch thương mại quốc tế. Mỗi quy tắc Incoterms làm rõ các nhiệm vụ, chi phí và rủi ro mà người mua và người bán phải chịu trong các giao dịch này. Làm quen với Incoterms sẽ giúp nhà xuất nhập khẩu tiến hành các giao dịch trơn tru hơn bằng cách xác định rõ ràng ai chịu trách nhiệm về những gì vào từng bước của giao dịch.

Các quy tắc Incoterms 2020 được cập nhật và phân thành hai nhóm phản ánh các phương thức vận tải. Trong số 11 quy tắc, có bảy quy tắc dành cho BẤT KỲ (các) phương thức vận tải nào và bốn quy tắc dành cho vận chuyển ĐƯỜNG BIỂN VÀ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA.

Incoterms 2020 được chia làm 2 nhóm

Lưu ý khi sử dụng Incoterms 2020

Incoterms 2020 quy định chi phí và rủi ro thuộc về người bán hay người mua trong từng bước của giao dịch. Incoterms 2020 không quy định những điều sau:

  • Xác định hàng hóa đang được bán cũng như niêm yết giá hợp đồng;
  • Phương thức và thời gian thanh toán hàng hóa;
  • Thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa từ người bán sang người mua;
  • Quy định người bán phải cung cấp chứng từ nào cho người mua để tạo thuận lợi cho quá trình thông quan tại nước của người mua;
  • Cách giải quyết việc không cung cấp hàng hóa phù hợp với hợp đồng mua bán, giao hàng chậm trễ, cũng như các cơ chế giải quyết tranh chấp.

Hiểu đúng về 11 điều khoản Incoterms 2020

11 điều khoản Incoterms 2020 được chia làm 4 nhóm là các nhóm E, F, C và D và được xếp theo thứ tự tăng dần trách nhiệm cũng như chi phí cho người bán.

EXW – Giao tại nơi sản xuất/ nhà máy/ kho

EXW là điều khoản Intoterms 2020 duy nhất thuộc nhóm E và cũng là điều kiện yêu cầu tối thiểu nhất đối với người bán. Với điều kiện này, người bán giao hàng cho người mua tại cơ sở của người bán  hoặc tại một địa điểm quy định như nơi sản xuất, nhà máy hoặc kho của người bán. Người bán cũng không cần làm thủ tục thông quan xuất khẩu hay bốc hàng lên phương tiện tiếp nhận (dù trong thực tế, người bán có điều kiện bốc hàng tốt hơn).

EXW thường được sử dụng trong trường hợp người bán không có kinh nghiệm xuất khẩu, không thể tự thông quan, sắp xếp vận chuyển hay mua bảo hiểm cho hàng hóa. Cũng có thể hiểu EXW là điều kiện mà người mua phải chịu tối đa rủi ro và chi phí.

FCA – Giao hàng cho người chuyên chở

Người bán giao hàng cho người chuyên chở đầu tiên do người mua chỉ định, tại cơ sở của người bán hoặc tại địa điểm chỉ định. Các bên cần quy định rõ địa điểm tại nơi được chọn để giao hàng, vì rủi ro sẽ được chuyển từ người bán sang người mua tại địa điểm đó.

Ngoài ra, việc xác định rõ địa điểm giao hàng cũng ảnh hưởng tới nghĩa vụ bốc và dỡ hàng. Nếu việc giao hàng diễn ra tại cơ sở của người bán, thì người bán có nghĩa vụ bốc hàng lên phương tiện chuyên chở. Nếu việc giao hàng diễn ra không tại cơ sở của người bán thì người bán không có nghĩa vụ bốc hàng.

FCA cũng quy định người bán thông quan hàng xuất khẩu.

FAS – Giao hàng dọc mạn tàu

Chỉ từ cái tên ta đã có thể hiểu rằng điều kiện FAS chỉ áp dụng với phương thức vận tải sử dụng tàu thủy, hay vận tải biển và vận tải đường thủy nội địa. Khi áp dụng điều kiện này, trách nhiệm của bán tăng thêm khi anh ta phải đặt hàng hóa dọc mạn tàu do người mua chỉ định (ví dụ đặt trên cầu cảng hoặc trên xà lan tại cảng giao hàng (nước người bán). Sau khi hàng hóa đã được đặt dọc mạn tàu, mọi rủi ro và chi phí sẽ do người mua chịu.

Trên thực tế, không phải lúc nào tàu cũng vào cảng để người bán có thể xếp hàng dọc mạn tàu. Khi tàu không ở trong cảng, người bán sẽ phải chịu chi phí thuê xà lan chở hàng từ trong cảng ra tàu đậu ở ngoài.

FOB – Giao lên tàu

FOB là một điều kiện Incoterms 2020 phổ biến được áp dụng với vận tải biển và đường thủy nội địa. Người bán thay vì chỉ đặt hàng dọc mạn tàu như với FAS, thì với FOB anh ta sẽ phải giao hàng lên trên tàu do người mua đưa đến tại cảng xếp hàng (ở nước người bán). Rủi ro và chi phí chỉ chuyển từ bên bán sang bên mua khi hàng hóa đã được xếp xong lên tàu.

Người bán cần có vận đơn (Bill of Lading) sạch do hãng tàu phát hành làm minh chứng đã hoàn thành nghĩa vụ giao hàng và có thể lấy đó làm cơ sở yêu cầu thanh toán.

CPT – Cước phí trả tới

Chuyển sang các điều kiện nhóm C của Incoterms 2020, người bán bây giờ sẽ phải đảm nhiệm một trong những trách nhiệm quan trọng nhất. Đó là việc thuê phương tiện vận tải chặng chính (chặng quốc tế).

Điều kiện CPT yêu cầu người bán giao hàng đã thông quan xuất khẩu tại nơi đến ở nước người mua. Người bán sẽ phải thuê phương tiện vận tải và trả cước phí để chở hàng đến nơi đến quy định. Trên thực tế, người bán chỉ cần giao hàng đến cảng biển hoặc cảng hàng không tại nước người mua.

Với CPT cần lưu ý thời điểm chuyển giao chi phí và rủi ro là không giống nhau. Mặc dù bên bán phải chịu chi phí cho đến tận dỡ hàng ở nước người mua, nhưng họ chỉ cần chịu rủi ro cho đến khi hàng hóa được giao xong cho người chuyên chở đầu tiên.

Nếu giao hàng qua đường hàng không, bên bán chỉ cần chở hàng đến kho tại sân bay. Nếu giao hàng qua đường biển, hàng chỉ cần được chở đến các ICD. Trong trường hợp hàng hóa bị tổn thất khi ở trong các kho nói trên, người mua sẽ là người phải chịu.

CIP – Cước phí và bảo hiểm trả tới

Hiểu đơn giản, CIP chính là CPT, cộng thêm điều kiện người bán mua bảo hiểm cho hàng hóa. Nếu hàng hóa gặp rủi ro thì người mua sẽ là người được bảo hiểm.

Chữ I trong CIP viết tắt cho Insurance, có nghĩa là Bảo hiểm. CIP và CIF là hai điều kiện Incoterms 2020 duy nhất quy định bắt buộc mua bảo hiểm. Với các điều kiện khác thì việc mua bảo hiểm là tự nguyện.

CFR – Tiền hàng và cước phí

Giả sử người bán cần chuyển hàng cho người mua ở trong thành phố Osaka tại Nhật Bản. Anh ta sẽ có hai lựa chọn, hoặc là chọn điều kiện kiện CPT thành phố Osaka, hoặc là chọn điều kiện CFR Cảng Osaka.

Với lựa chọn đầu tiên, người bán có nghĩa vụ thuê tàu để chở hàng đến cảng Osaka. Sau đó, anh ta vẫn phải tiếp tục thuê phương tiện vận tải để chuyển hàng đến địa điểm đã thống nhất với người mua nằm trong thành phố Osaka.

Với lựa chọn thứ hai, người chỉ cần thuê tàu giao hàng đến cảng Osaka là hết nghĩa vụ. Việc vận chuyển hàng từ cảng về kho thuộc về người mua.

Nói đơn giản, điều kiện CIP bằng với điều kiện CFR cộng thêm cước phí vận chuyển nội địa tại nước người mua.

CIF – Tiền hàng, bảo hiểm và cước phí

ĐIều khoản CIF là sự mở rộng của điều khoản CFR, trong đó CIF yêu cầu người bán mua bảo hiểm cho hàng hóa.

Xin được nhắc lại một lần nữa là với các điều kiện nhóm C thì thời điểm chuyển giao chi phí và rủi ro là khác nhau. Khi áp dụng CFR và CIF, rủi ro sẽ được chuyển từ người bán sang người mua ngay sau khi hàng hóa được giao lên tàu. Nhưng chi phí lại chỉ được chuyển giao khi người bán đã hoàn thành việc chở hàng đến cảng đích.

Giá xuất khẩu theo điều kiện CIF

DAP – Giao tại địa điểm đến

Khác với các điều kiện nhóm C, điều kiện nhóm D của Incoterms 2020 có thời điểm chuyển giao chi phí và rủi ro trùng với nhau.

DAP hay “Giao hàng tại nơi đến” có nghĩa là người bán giao hàng khi hàng hóa được đặt dưới quyền định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải đã đến đích và sẵn sàng cho việc dỡ hàng xuống tại địa điểm đích. DAP phù hợp cho các tình huống như sau.

Ví dụ, một doanh nghiệp Việt Nam ở Bắc Giang bán vải cho Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn. Phía Trung Quốc yêu cầu Việt Nam giao hàng cho họ trên các xe tải tại biên giới; việc chuyên chở, thuê xe chở hàng đến điểm quy định trên biên giới là do doanh nghiệp Việt Nam đảm nhận. Việc bốc dỡ hàng từ xe tải xuống tại điểm giao nhận hàng sẽ do doanh nghiệp Trung Quốc đảm nhiệm. Trong ví dụ này, cả trách nhiệm lẫn rủi ro sẽ cùng lúc được chuyển giao kể từ khi bên Việt Nam hoàn thành giao hàng tại địa điểm bên Trung Quốc chỉ định.

Trong DAP, người bán thông quan hàng xuất khẩu. Người mua thông quan hàng nhập khẩu.

DPU – Giao tại địa điểm đến đã dỡ hàng

Nếu với DAP, người bán chỉ cần giao hàng đến nơi, thì với DPU, người bán sẽ phải thêm bước dỡ hàng xuống. DPU là điều kiện Incoterms 2020 duy nhất yêu cầu người bán dỡ hàng tại điểm đến. Cũng chính vì vậy, nếu người bán không muốn chịu rủi ro và chi phí dỡ hàng, không nên dùng DPU mà nên dùng DAP thay thế.

DDP – Giao hàng đã nộp thuế

DDP là điều kiện Incoterms 2020 yêu cầu tối đa trách nhiệm đối với người bán. Người bán giao hàng khi hàng đã làm thủ tục hải quan nhập khẩu, ở trên phương tiện vận tải và đã sẵn sàng để dỡ tại nơi đến quy định.

Kết luận

11 điều kiện Incoterms 2020 thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm tăng dần đối với người bán và giảm dần đối với người mua. Điều đó cũng đồng nghĩa là chi phí tăng dần với người bán và giảm dần với người mua. Đây là cơ sở quan trọng giúp người bán đàm phán giá cả. Khi chi phí và trách nhiệm tăng thì giá bán hàng hóa cũng sẽ tăng theo để bù đắp lại. Qua các phân tích trên, giá cả theo từng điều kiện sẽ được sắp xếp như sau:

Giá cả theo các điều khoản Incoterms 2020

Trên đây là giới thiệu sơ lược về các điều khoản Incoterms 2020 trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế. Hiểu đúng về các điều kiện này sẽ giúp các nhà xuất nhập khẩu tự tin đám phán hợp đồng và tiến hành công việc thuận lợi hơn.

 

Tìm hiểu thêm về các điều khoản Incoterms 2020 tại ICC – Incoterms 2020

Tham khảo các bài viết khác về chủ đề Logistics và SCM:

Incoterms 2020 có gì thay đổi so với Incoterms 2010?

 

Nguyễn Hà Linh

17040371

QH2018 – E KTQT – NN