Top 8 điều cần chú ý khi sử dụng Incoterms

I. Incoterms là gì?

Thuật ngữ Incoterms là từ viết tắt của cụm từ “International commercial terms”. Lần đầu được giới thiệu vào năm 1936 bởi Phòng thương mại quốc tế (ICC),  Incoterms 2020 là phiên bản được cập nhật từ phiên bản của năm 2010 – và cũng là phiên bản thứ 9 – mỗi phiên bản được thiết kế nhằm bắt kịp với bối cảnh thương mại toàn cầu liên tục phát triển.

Incoterms.
Incoterms. Nguồn: ICC

Bộ quy tắc Incoterms bao gồm các từ viết tắt đại diện cho những điều khoản cụ thể  được sử dụng cho hoạt động buôn bán hàng hóa và quy định trách nhiệm của bên mua và bên bán trong giao dịch thương mại quốc tế.

Incoterms là bộ phận quan trọng trong hoạt động thương mại, là ngôn ngữ chung, làm rõ hơn hoạt động thương mại quốc tế. Sự khác nhau giữa ngôn ngữ, phong tục, văn hóa, luật pháp giữa các quốc gia khiến cho các vấn đề tranh chấp xảy ra trong quá trình trao đổi hàng hóa trở nên khó giải quyết. Vậy nên INCOTERMS ra đời và trở thành bộ quy tắc để giải thích những điều kiện thương mại thông dụng nhất trong thương mại quốc tế. Incoterms là cơ sở giúp làm rõ sự phân chia trách nhiệm,chi phí và rủi ro trong quá trình vận chuyển từ người bán sang người mua.

Incoterms còn là cơ sở quan trọng để xác định giá cả hàng hóa xuất nhập khẩu. Incoterms đã chỉ rõ bên nào trong hợp đồng có nghĩa vụ thuê phương tiện vận tải, mua bảo hiểm, khi nào người bán giao hàng cho người mua và chi phí mỗi bên phải chịu. Những chi phí người bán và người mua phải chịu (vận tải,thông quan, thuế,..) có ảnh hưởng tới trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu.

II. Những lưu ý khi sử dụng Incoterms

1. Incoterms không phải là luật

 

Incoterms là tập quán thương mại, không mang tính chất bắt buộc
Incoterms là tập quán thương mại, không mang tính chất bắt buộc.Nguồn: ICC

Incoterms là tập quán thương mại, không phải là luật, nên những quy tắc đề ra không có tính chất bắt buộc.

Do đó người mua và người bán không phải tuân thủ theo Incoterms, nếu họ không lựa chọn 1 trong những quy tắc này làm hợp đồng. Chỉ khi bên bán và bên mua đồng ý sử dụng quy tắc nào đó trong Incoterms và đưa vào trong bản hợp đồng mua bán, thì lúc đó nội dung của quy tắc áp dụng mới có tính ràng buộc. Một khi đã được thống nhất áp dụng, các bên giao dịch phải có nghĩa vụ, trách nhiệm với những quy tắc này. Incoterms chỉ giải thích những vấn đề chung nhất có liên quan đến việc giao hàng. Như việc bên nào có nghĩa vụ thuê phương tiện vận tải hoặc mua bảo hiểm, khi nào người bán giao hàng cho người mua và phân chia chi phí cho các bên ra sao.

Song các vấn đề khác như giá cả, phương thức thanh toán, việc bốc, xếp, dỡ hàng hóa, lưu kho, lưu bãi thì tùy theo vào thỏa thuận của các bên thể hiện trong hợp đồng hoặc theo tập quán cảng, tập quán ngành kinh doanh, tập quán của nước sở tại của các bên tham gia mua bán.

2. Hiệu lực của các phiên bản trước

Khi học, tìm hiểu và áp dụng về Incoterms, hầu như mọi người đều mắc phải sai lầm chung là chỉ đọc các điều kiện chính mà không quan tâm đến các lưu ý về sử dụng Incoterms. Dẫn đến thỉnh thoảng có một vài sai sót khi làm hợp đồng chẳng hạn như quên không ghi Incoterms năm nào. Incoterms có nhiều phiên bản, các phiên bản ra đời sau không phủ nhận tính hiệu lực của các phiên bản trước đó. Chính vì vậy, mà khi sử dụng thì cần phải ghi rõ là áp dụng Incoterms phiên bản nào để đối chiếu và xác định trách nhiệm của các bên. Một số phiên bản trước của Incoterms được banh hành vào các năm: 1936, 1953 (được sửa đổi vào năm 1967 và 1976), 1980, 1990, 2000, và 2010. Nếu quên không đề cập đến phiên bản Incoterms đang sử dụng trong quá trình làm hợp đồng thì có thể gây ra nhiều rắc rối cho việc đối chiếu, xác minh tính hiệu lực của các điều khoản trong hợp đồng.

Sự thay đổi của Incoterms qua các thời kỳ. Nguồn: Vinalink Logistics

>>Xem thêm sự khác biệt giữa Incoterms 2010 và Incoterms 2020 tại đây

3. Dẫn chiếu chính xác quy tắc Incoterms

Như đã nói ở trên, Incoterms có nhiều phiên bản. Thế nên nếu muốn áp dụng các quy tắc Incoterms của các năm vào hợp đồng mua bán hàng hóa thì phải làm rõ điều đó trong hợp đồng bằng cách sử dụng các từ ngữ như Form sau:

[Điều kiện được chọn, tên địa điểm, Incoterms 2010]

Hai bên mua bán có thể tăng giảm trách nhiệm, nghĩa vụ cho nhau tùy thuộc vào vị thế mạnh (yếu) trong giao dịch. Nhưng không được làm thay đổi bản chất điều kiện cơ sở giao hàng. Việc tăng, giảm trách nhiệm, nghĩa vụ (nếu có) cần phải được cụ thể hóa trong hợp đồng mua bán.

4. Incoterms chỉ xác định thời điểm di chuyển rủi ro hàng hóa

Incoterms chỉ xác định thời điểm di chuyển rủi ro hàng hóa từ người mua đến người bán. Chứ không xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa, cũng như hậu quả của việc vi phạm hợp đồng.

Những vấn đề này thường được quy định trong các điều khoản khác của hợp đồng hoặc trong luật điều chỉnh hợp đồng. Ở EXW và tất cả các điều kiện D, hàng chỉ đơn giản được “đặt dưới sự định đoạt của người mua” tại địa điểm quy định, còn theo các điều kiện F và C, điểm giao hàng gắn với việc giao hàng cho người chuyên chở ở nơi gửi hàng hoặc nơi bốc hàng.Trong những điều kiện sử dụng cho hàng chuyên chở theo đường biển, thì dẫn chiếu đến việc giao hàng dọc mạn con tàu được chỉ định (FAS), hoặc giao lên tàu (FOB, CFR, CIF).

Theo các quy tắc nhóm E, F và D, rủi ro và chi phí (loại thứ nhất) chuyển từ người bán sang người mua trùng nhau tại địa điểm giao hàng ở nơi xuất phát (nhóm E và F) hoặc nơi đến (nhóm D). Chỉ duy nhất các quy tắc nhóm C, rủi ro chuyển từ người bán sang người mua tại địa điểm giao hàng ở nơi xuất phát, trong khi đó chi phí (loại thứ nhất) lại chuyển từ người bán sang người mua tại nơi đến qui định.Chính vì đặc điểm này, việc quy định bổ sung địa điểm giao hàng tại nơi xuất phát vào trong hợp đồng theo nhóm C có ý nghĩa rất quan trọng.

Việc giao hàng của người bán có thể phụ thuộc vào người mua trong những trường hợp:

– Giao hàng cho người chuyên chở hoặc con tàu do người mua chỉ định theo nhóm F

– Giao hàng vào thời gian và địa điểm do người mua chỉ định

Khi người mua vi phạm những nghĩa vụ của mình khiến cho người bán không thể giao hàng hoặc giao hàng chậm, rủi ro sẽ được chuyển khi hết hạn quy định cho việc thực hiện nghĩa vụ của người mua với điều kiện hàng đã được cá biệt hóa.

Đương nhiên, khi rủi ro đã được chuyển cho người mua,mọi chi phí phát sinh liên quan đến hàng hóa người mua cũng phải gánh chịu, trừ những chi phí phát sinh do nguyên nhân có từ trước khi giao hàng.

Thời điểm di chuyển rủi ro hàng hóa của Incoterms 2020
Thời điểm di chuyển rủi ro hàng hóa của Incoterms 2020 Nguồn: Advantage Logistics

5. Giá trị pháp lý

Nhiều người mới làm Xuất Nhập Khẩu phụ thuộc vào các quy tắc trong Incoterms mà quên mất những luật lệ của quốc gia hay vùng lãnh thổ tham gia mua bán. Có thể do chưa nắm rõ tính chất của Incoterms hoặc còn ít kinh nghiệm và chưa linh hoạt trong việc áp dụng.

Các bên cũng cần biết rằng luật địa phương được áp dụng có thể làm mất hiệu lực bất cứ nội dung nào của hợp đồng. Kể cả điều kiện Incoterms đã được lựa chọn trước đó. Do đó, các bên cần nghiên cứu và phải tuân thủ luật địa phương trong quá trình thương thảo và thực hiện hợp đồng mua bán.

Giá trị pháp lý của Incoterms. Nguồn ảnh: Thư Viện Pháp Luật Việt Nam

6. Phạm vi sử dụng

Incoterms thực sự đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho các hoạt động thương mại mang tính quốc tế. Nó cung cấp cho bên mua và bên bán những quy tắc có thể tham khảo và áp dụng một cách thống nhất trong thương thảo và kí kết hợp đồng, giống như một ngôn ngữ chung vậy.

Tùy thuộc vào việc hàng hóa được chuyên chở bằng phương tiện nào (đường không, đường biển, đường bộ,…), loại hình nào (hàng rời, container, sà lan, …) thì có những nhóm điều kiện tương ứng.

7. Incoterms chỉ áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa hữu hình

Chỉ áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa “hữu hình”Incoterms là những quy tắc giải thích các điều kiện thương mại nhưng nó không áp dụng cho tất cả loại hàng hóa mà chỉ giới hạn đối với “hàng hữu hình” (tangible goods).Hàng hóa”hữu hình” là những hàng hóa có thể nhìn thấy, cầm nắm được như sắt thép, nông sản, thủy sản, quần áo, máy móc,… Đối với những hợp đồng mua bán “hàng vô hình” (intangible goods),là hàng hóa không thể nhìn thấy hay cầm nắm được như hợp đồng cung cấp dịch vụ (vận chuyển, bảo hiểm, giao nhận, kho bãi, thủ tục hải quan,…), mua bán phần mềm máy tính(software), giấy phép (licence), bí quyết kỹ thuật (know-how),.. không thể sử dụng Incoterms.

8. Incoterms sử dụng cho cả hợp đồng quốc tế và nội địa

“Incoterms” là viết tắt của “International Commercial Terms” (Các Điều kiện Thương mại Quốc tế), và Incoterms Được ban hành đầu tiên nhằm áp dụng cho mua bán quốc tế. Tuy nhiên, Incoterms cũng có thể được áp dụng cho các hợp đồng nội địa bằng cách dẫn chiếu trong hợp đồng. Trong thực tế, các hợp đồng mua bán quốc tế đòi hỏi hàng hóa phải được vận chuyển từ nước này sang nước khác hầu hết sử dụng Incoterms trong khi các hợp đồng mua bán nội địa hiếm khi dẫn chiếu đến Incoterms.

Với quy tắc EXW và DDP, hoàn toàn thích hợp cho các giao dịch mua bán nội địa vì người bán EXW không có nghĩa vụ thông quan xuất khẩu và người mua DDP không có nghĩa vụ thông quan nhập khẩu. Mặc dù các quy tắc còn lại đòi hỏi người bán phải thông quan xuất khẩu và người mua phải thông quan nhập khẩu, chúng vẫn có thể sử dụng cho các hợp đồng mua bán nội địa. Khi đó, các quy định về thông quan xuất khẩu và nhập khẩu sẽ không được áp dụng.

Các quy tắc Incoterms đã được sử dụng một cách truyền thống trong các hợp đồng mua bán quốc tế khi hàng hóa được vận chuyển vượt ra khỏi biên giới của các quốc gia. Tuy nhiên những khu vực thương mại tự do, chẳng hạn như EU,NAFTA,… vai trò của những thủ tục thông quan xuất nhập khẩu trở nên mờ nhạt. Do vậy, tại các điều của các quy tắc Incoterms về thông quan xuất nhập khẩu quy định rõ ràng chỉ phải thực hiện nếu có áp dụng (where applicable).

Thực tiễn thương mại hiện nay, ngày càng nhiều thương nhân sử dụng những quy tắc Incoterms cho những hợp đồng mua bán nội địa. Ở Mỹ, trước đây hầu như chỉ sử dụng những điều kiện giao hàng của Bộ Luật Thương mại Thống nhất(UCC), ngày nay xu hướng sử dụng các quy tắc Incoterms trong buôn bán nội địa rất phổ biến.

III. Kết luận

Trong giao dịch thương mại quốc tế, người bán và người mua ở những nước khác nhau, có khoảng cách về địa lý nên hàng hóa phải trải qua một quãng đường dài trong một thời gian khá lâu để vận chuyển từ địa điểm người bán đến địa điểm người mua. Chính vì vậy, trong bất kỳ giao dịch quốc tế nào , các bên đều luôn quan tâm đến trách nhiệm, việc di chuyển, cho phí và rủi ro liên quan đến hàng hóa từ người bán sang người mua. Để giải quyết vấn đề này các bên phải sử dụng các điều kiện thương mại. Trong thương mại quốc tế, các điều kiện thương mại có thể được giải thích theo các cách khác nhau, giữa các khu vực thị trường và các ngành nghề buôn bán. Nếu để các bên trong hợp đồng hiểu không thống nhất  về điều kiện thương mại được lựa chọn sẽ rất dễ làm phát sinh tranh chấp.

Người thực hiện: Nguyễn Thị Xuân Thi
MSV:17040865
Lớp:INE3104-2 (Thứ 2)