Với việc thương mại điện tử ngày càng phát triển, song hành cùng đó chính là dịch vụ Logistics. Hiểu một cách đơn giản, Logistics chính là dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa tối ưu nhất từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng.
Cùng với sự phủ sóng của Logistics, các thuật ngữ Logistics được các công ty cũng như các Logistician rất phổ biến trong môi trường hằng ngày tại các công ty, doanh nghiệp. Với những người mới tìm hiểu về ngành này, có thể sẽ chưa hiểu hết được các thuật ngữ viết tắt bằng tiếng Anh.
Để giúp mọi người khám phá thêm về lĩnh vực đang rất hot này, Clibme đã tổng hợp lại các thuật ngữ Logistics thông dụng cho mọi người tham khảo và sử dụng trong bài viết bên dưới!
Cùng tham khảo một số bài viết liên quan đến chủ đề LOGISTICS VÀ CHUỖI CUNG ỨNG: tại đây<<<
Nội dung bài viết
Giải thích Thuật ngữ Logistics
1. SKU
SKU (Stock Keeping Unit) là đơn vị phân loại hàng hoá tồn kho hay còn được gọi là mã hàng hóa, là mã vạch có thể quét giúp bạn tìm kiếm và quản lý sản phẩm một cách dễ dàng.
Mã hàng hóa được tạo thành từ 8 chữ cái và chữ số trở lên, cung cấp thông tin chi tiết về giá cả, chi tiết sản phẩm và nhà sản xuất của sản phẩm. Cụ thể, một SKU hoàn chỉnh nên gồm những yếu tố sau đây:
- Tên nhà sản xuất / thương hiệu
- Mô tả chất liệu và hình dáng sản phẩm: Mô tả ngắn về chất liệu (cotton, khaki, lụa, gấm…); hình dáng (dài, ngắn…)
- Ngày mua hàng: Gồm các số ngày, tháng, năm (chỉ nên dùng 2 số cuối)
- Kho lưu trữ: Nếu bạn có nhiều kho hàng, bạn có thể có ký hiệu riêng cho từng kho theo khu vực Hà Nội, Hồ Chí Minh… hay theo quận, huyện.
- Kích cỡ sản phẩm
- Màu sắc sản phẩm
- Tình trạng sản phẩm: Còn mới hay đã qua sử dụng
Đơn vị phân loại hàng hoá tồn kho SKU là một thuật ngữ Logistics cơ bản và thông dụng giúp các nhà quản lý chuỗi cung ứng có thể đánh giá dữ liệu tổng thể về doanh số bán hàng cũng như quản lý hàng hóa đầu vào.
2. Freight Forwarder
Freight Forwarder hay Forwarder là đơn vị cung cấp dịch vụ giao nhận vận tải, chuyên thu xếp, lưu kho, vận chuyển hàng hóa thay mặt cho doanh nghiệp. Hình thức này còn được gọi là cung cấp dịch vụ hậu cần bên thứ 3.
Ngoài ra, công ty forwarder cũng cung cấp những dịch vụ khác nhằm gia tăng giá trị cho khách hàng như lo thủ tục hải quan, chuẩn bị chứng từ, thương lượng cước vận chuyển, cho đến gom hàng và bảo hiểm.
Các công ty cung cấp dịch vụ này có sẵn mối quan hệ với các đơn vị vận tải để đảm bảo mức giá và dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Họ đóng vai trò trung gian giữa người gửi hàng (Shipper) và tất cả cá nhân hay đơn vị dịch vụ tham gia vào quá trình vận chuyển.
Các công ty forwarder giúp giảm bớt áp lực, thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp so với việc đầu tư đội ngũ và cơ sở Logistics inhouse.
3. Freight Consolidation
Freight consolidation (gom hàng hóa) là một thuật ngữ logistics trong đó hàng hóa của người gửi được kết hợp với nhiều lô hàng khác nhau trong một khu vực địa lý cụ thể để thành một chuyến hàng hóa duy nhất.
Lô hàng này sau đó được vận chuyển đến một điểm đích đã định trước, sau đó nó được chia ra thành các lô hàng nhỏ hơn và được vận chuyển đến điểm đích cuối cùng.
Hàng hóa với xe tải có thể được phân loại thành FTL (Full truckload – vận chuyển hàng đầy xe tải) hoặc LTL (Less than truckload – vận chuyển hàng lẻ bằng xe tải), giúp tiết kiệm chi phí, rủi ro và cải thiện mạng lưới vận tải.
Với hàng hóa vận chuyển được biển, công ty Logistics sẽ dùng các Container để vận chuyển. Các loại hàng hóa được phân loại thành:
- FCL (viết tắt của Full Container Load) là xếp hàng nguyên container, người gửi hàng và người nhận hàng chịu trách nhiệm đóng gói hàng và dỡ hàng khỏi container. Khi người gửi hàng có khối lượng hàng đồng nhất đủ để chứa đầy một container hoặc nhiều container, người ta thuê một hoặc nhiều container để gửi hàng.
- LCL (viết tắt của Less than Container Load) là cách thức vận chuyển hàng hoá khi chủ hàng không đủ hàng để đóng nguyên một container, mà cần ghép chung với một số lô của chủ hàng khác. Khi đó, công ty dịch vụ sẽ kết hợp nhiều lô hàng lẻ (LCL shipments), sắp xếp, phân loại và đóng chung vào container, sau đó thu xếp vận chuyển từ cảng xếp tới cảng đích. Việc kết hợp đóng chung như vậy gọi là gom hàng, hay consolidation.
4. EVFTA
EVFTA (European Union – Vietnam Free Trade Agreement), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam là một trong những thỏa thuận tham vọng nhất được ký kết giữa EU và một nước đang phát triển, là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được ký kết giữa Việt Nam và 28 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu.
Hiệp định này cho phép các nhà xuất khẩu và nhà đầu tư của EU tiếp cận một thị trường năng động và đang phát triển, trong đó họ có thể củng cố và mở rộng hiện diện thương hiệu.
Các nội dung và lợi ích của FTA mang lại:
- Xóa bỏ thuế hải quan
- Giảm hàng rào phi thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Châu Âu
- Bảo vệ các chỉ dẫn của Châu Âu về mặt địa lý
- Mở cửa thị trường Việt Nam cho các nhà khai thác dịch vụ của EU
- Khuyến khích đầu tư
Hiệp định này cho phép các nhà xuất khẩu và nhà đầu tư của EU tiếp cận một thị trường năng động và đang phát triển.
5. 3PL
3PL (Third-party Logistics) hay còn gọi là hậu cần bên thứ ba là đơn vị được thuê ngoài cung cấp các giải pháp Logistics cho doanh nghiệp.
Những công ty cung cấp dịch vụ Logistics bên thứ ba có tầm ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động chuỗi cung ứng của Khách hàng như giúp tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, cải thiện độ tin cậy và nâng cao tính hiệu quả.
Công ty 3PL sở hữu nhiều mối quan hệ với các đơn vị vận tải với đơn hàng số lượng lớn và đa dạng các hình thức vận chuyển từ đường bộ đến đường hàng không để đảm bảo nhu cầu cho khách hàng. Ngoài ra, họ luôn tối ưu hóa liên tục chuỗi cung ứng qua việc theo dõi và khắc phục các sai sót để cải thiện dịch vụ của mình.
Có 5 loại doanh nghiệp 3PL chính có thể kể đến như
- Cung cấp dịch vụ vận chuyển (Transportation-based LSPs)
- Cung cấp dịch vụ phân phối (Distribution-based LSPs)
- Cung cấp dịch vụ giao nhận (Forwarder-based LSPs)
- Cung cấp dịch vụ tài chính (Financial-based LSPs)
- Cung cấp dịch vụ công nghệ (Technology-based LSPs)
6. 4PL
4PL (Fourth Party Logistics) – Logistics chuỗi phân phối hay nhà cung cấp Logistics chủ đạo. 4PL là mô hình được phát triển trên nền tảng của mô hình 3PL. Công ty cung cấp dịch vụ 4PL sẽ quản lý các hoạt động logistics cũng như các hoạt động trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Dịch vụ hậu cần của bên thứ tư có thể lần lượt cung cấp:
- Chiến lược Logistics
- Chiến lược nguồn vận chuyển
- Lập kế hoạch kinh doanh
- Phân tích mạng lưới
- Quản lý sự thay đổi
- Lập kế hoạch tồn kho
Ngoài 3PL và 4PL đã nói ở trên, còn có thêm cả những mô hình nhỏ hơn như 1PL, 2PL. Hay mô hình cao cấp hơn là 5PL và mới nhất chính là 6PL. Đây là 2 mô hình cao cấp nhất hiện tại với 6PL là sự hiện diện của công nghệ AI (viết tắt của Artifical Intelligence – Trí Thông Minh Nhân Tạo)
7. Bill of Lading
Thuật ngữ Bill of Lading (BOL) hay vận đơn đường biển là tài liệu quan trọng nhất để vận chuyển một chuyến hàng.
Tài liệu này có giá trị pháp lý ràng buộc và cung cấp cho tất cả các bên liên quan thông tin chính xác để xử lý việc vận chuyển hàng hóa và xuất hóa đơn một cách chính xác.
3 chức năng chính của vận đơn bao gồm:
- Biên nhận hàng hóa: xác nhận khi hàng hóa đã được đưa lên tàu và có thể sử dụng cho mục đích bảo hiểm.
- Chứng nhận sở hữu hàng hóa
- Bằng chứng của hợp đồng vận chuyển.
Thông thường, loại vận đơn này được phát hành theo bộ với 6 bản giống nhau. Bộ chứng từ này gồm 3 bản gốc và 3 bản copy. Quá trình sử dụng giao hàng, bộ vận đơn đường biển sẽ sử dụng 1 hoặc 2 bản gốc.
8. Landed Cost
Landed cost hay Landed cost of goods có nghĩa là là tập hợp các chi phí liên quan trực tiếp tới quá trình thu mua hàng hóa (không bao gồm trị giá ban đầu của sản phẩm). Tùy theo từng doanh nghiệp, những chi phí này có thể bao gồm lệ phí hải quan, bảo hiểm, chi phí vận chuyển, kho bãi…
Landed cost có thể bao gồm giá hàng hóa, phí bảo hiểm, thủ tục hải quan… Cần phải có Landed cost vì nó mang lại sự rõ ràng cho việc định giá thực của tất cả hàng hóa và dịch vụ, cũng như giúp tối đa hóa hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng và hiệu quả kinh doanh để mang lại lợi nhuận.
Chú ý: Khi nhập khẩu hàng hóa, ngoài giá mua hàng còn phải quan tâm tới các khoản chi phí khác. Bởi vì có thể sau khi trả phí vận tải, trả thuế và các khoản phát sinh, Landed cost có thể sẽ rất cao. Có thể tham khảo thông tin bên dưới để thấy rõ điều này:
9. Cross Docking
Cross-docking là một thuật ngữ và quy trình Logistics trong đó hàng hóa được phân phối trực tiếp từ nhà cung cấp đến khách hàng hoặc chuỗi bán lẻ mà gần như không có thời gian xử lý.
Quy trình này diễn ra tại một bến cảng phân phối, bao gồm việc nhận hàng hóa thông qua một bến tàu đến và sau đó chuyển chúng qua một bến tàu gửi hàng đi để sẵn sàng vận chuyển.
Xét hiệu quả của cross-docking, không thể không kể đến Walmart. Thời gian vận chuyển nhanh chóng của quy trình giúp Walmart có thể đáp ứng kịp thời những thay đổi trong nhu cầu của khách hàng. Do đã được chuẩn bị đầy đủ, nên khi chở đến nơi hàng sẽ được đưa vào sử dụng ngay mà không cần qua kho nữa. Hệ thống này góp phần giảm chi phí tồn kho rất nhiều, giảm chi phí vận hành, cũng như tiết kiệm không gian và nâng cao hiệu quả phân phối.
Cross-docking tạo ra những tiến bộ trong chuỗi cung ứng, nhưng có thể không phù hợp với mọi doanh nghiệp và do đó cần đưa ra quyết định sáng suốt xem dịch vụ này có phù hợp với công ty của bạn hay không.
10. Bulk Cargo
Bulk Cargo (Hàng rời) có thể được hiểu là hàng chở xô, thông thường sẽ không được đóng thùng, đóng bao hay đóng gói. Đối với hàng hóa loại này sẽ được trực tiếp chứa thông qua các khoang hàng của xe tải, tàu hỏa hoặc tàu thủy.
Hàng rời dùng để chỉ những loại hàng không đóng bao, được chuyên chở dưới dạng rời còn gọi là chở xá (carriage in bulk) như: Than đá, quặng, ngũ cốc, dầu mỏ, phân bón, ximăng…
Hàng rời được định nghĩa là hàng hóa không phù hợp hoặc không thể chứa vừa Container hoặc khoang chứa.
Hàng rời được phân loại thành 2 nhóm như sau:
– Nhóm 1: hàng rời rắn với sự kết hợp từ các phần tử nhỏ, hạt nhỏ hay còn gọi là hàng khô. Loại hàng rời này sẽ được chở với khối lượng, số lượng lớn trên tàu như: lương thực, bột mì, hạt rời, cà phê, nông sản, đá, vật liệu,…
– Nhóm 2: hàng rời lỏng với các mặt hàng như xăng dầu, hóa chất, nước, dầu thô,… được vận chuyển bằng tanker, tàu thủy, tàu hỏa, đảm bảo an toàn.
Kết luận
Các thuật ngữ Logistics thường phức tạp, nâng cao và có nhiều thuật ngữ ngoài kia cũng có thể có sự giao thoa giữa nhiều dịch vụ. Hy vọng những chia sẻ trên từ Clibme đã phần nào giúp bạn có thể áp dụng vào trong công việc và học tập của mình.
Bài viết liên quan
- Chuỗi cung ứng lạnh – 4 giải pháp cốt lõi cho Việt Nam
- 3 phương pháp cải thiện hệ thống logistics cho doanh nghiệp
- TOP 5 Trường Đại học đào tạo ngành Logistics uy tín miền Bắc
- TOP 10 Công ty Logistics Uy Tín Nhất Tại Việt Nam Năm 2022
Sinh viên thực hiện: Nguyễn Ngọc Huyền
Mã sinh viên: 20050158
Lớp: QH2020E KTQT CLC1
Mã học phần: INE 3104 5