Tất cả thông tin cần biết về 6 loại phí dịch vụ ngân hàng hiện nay

Hiện nay, có 6 khoản phí dịch vụ ngân hàng mà người sử dụng cần lưu tâm khi sở hữu 1 tấm thẻ ngân hàng. Vậy những mức phí này có cao không, làm cách nào để hạn chế tối ưu mức phí dịch vụ ngân hàng.

1. Phí dịch vụ ngân hàng là gì?

Dịch vụ ngân hàng là các dịch vụ ngân hàng cung cấp cho người dùng như cho vay, thẻ, máy rút tiền, gửi tiết kiệm, kinh doanh ngoại tệ, môi giới đầu tư, dịch vụ ủy thác tư vấn, quản lý đầu tư…

Phí dịch vụ ngân hàng là các khoản phí ngân hàng thu từ khách hàng khi họ sử dụng các dịch vụ ngân hàng cung cấp.

Với số lượng dịch vụ phong phú nên các loại phí dịch vụ ngân hàng cũng rất đa dạng. Để biết các hiện nay có các loại phí nào mời bạn hãy theo dõi ngay dưới đây.

Biểu phí dịch vụ các ngân hàng
Biểu phí dịch vụ các ngân hàng

2. Các loại phí dịch vụ ngân hàng bạn cần nắm được

Hiện nay có 6 loại phí dịch vụ ngân hàng chủ yếu bạn cần nắm được để thuận tiện trong giao dịch và sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Sau đây là 6 loại phí dịch vụ ngân hàng chính:

Phí duy trì tài khoản ngân hàng

Phí duy trì tài khoản ngân hàng chính là số dư tối thiểu có trong tài khoản của bạn. Thông thường khi tài khoản của bạn duy trì được một mức tối thiểu trở lên theo quy định thì ngân hàng sẽ miễn phí duy trì. Ngân hàng tính phí duy trì tài khoản khi số dư dưới mức tối thiểu theo quy định.

Phí duy trì tài khoản thường tính theo từng tháng, trừ phí vào cuối tháng. Phí duy trì tài khoản của các ngân hàng trong nước thường dao động từ 5000 VND đến 15000 VND/tháng, còn ngân hàng quốc tế thường vài trăm ngàn VND/tháng.

Thực tế đây là loại phí bạn có thể dễ dàng tránh được bằng cách luôn đảm bảo số dư tài khoản ở mức tối thiểu theo quy định ngân hàng. Mức số dư tối thiểu không quá cao, chỉ từ 200.000 VND, 500.000 VND đến 2 triệu đồng tùy quy định của từng ngân hàng nội địa. Mặc dù phí duy trì tài khoản tính vào cuối tháng nhưng thời gian duy trì mức tối thiểu khá ngắn, một số ngân hàng yêu cầu mức duy trì chỉ kéo dài 3 ngày, 5 ngày hoặc 1 tuần, 10 ngày.

Phí thường niên

Phí thường niên là phí dịch vụ ngân hàng phải đóng hàng nằm để duy trì tài khoản thẻ ngân hàng và các dịch vụ khác của thẻ, đảm bảo giao dịch thông suốt.

Trong khi phí duy trì tài khoản ngân hàng bạ có thể tránh được nhưng phí thường niên lại không. Mức phí thường niên hiện tại được các ngân hàng áp dụng chủ yếu cho thẻ ghi nợ hay thẻ thanh toán nội địa dao động khoảng 50.000 VND – 100.000 VND;

Riêng phí thường niên thẻ tín dụng hay các loại thẻ thanh toán quốc tế Mastercard/Visa/JCB… rơi vào khoảng 100.000 VND và lên đến 500.000 VND/năm. Một số hạng thẻ đặc biệt có giá trị phí thường niên có thể ở mức 990.000 VND/năm hoặc 1200.000 VND/năm, thậm chí là vài triệu đồng/năm tùy theo các đặc quyền mà chủ tài khoản thẻ được hưởng.

Phí quản lý tài khoản

Mức phí quản lý tài khoản mỗi ngân hàng sẽ khác nhau, trong đó có hai loại dịch vụ chủ yếu là phí SMS Banking và phí Mobile Banking/ Internet Banking.

Ngân hàng thu phí SMS Banking của khách hàng cho các thông báo được gửi về số điện thoại chủ tài khoản khi có các giao dịch phát sinh.

Phí Mobile Banking/ Internet Banking được tính khi bạn đăng ký giao dịch thông qua internet và sử dụng các chức năng của Mobile Banking và Internet Banking.

Phí chuyển tiền, rút tiền

Phí chuyển và rút tiền là hai loại phí được các cá nhân dùng dịch vụ ngân hàng quan tâm nhất.

Phí chuyển tiền là ngân hàng thu phí mỗi lần khách hàng chuyển tiền qua cây ATM, qua điểm giao dịch và qua Internet Banking/Mobile Banking.

Phí rút tiền là phí phải trả khi bạn rút tiền từ tài khoản ngân hàng qua cây ATM hoặc từ quầy giao dịch.

Lưu ý khi rút tiền tại cây ATM ngân hàng bạn mở tài khoản có thể sẽ được miễn phí hoặc phải trả mức phí thấp, nếu rút tại cây ATM của ngân hàng khác bạn sẽ phải chịu mức phí rút tiền theo quy định ngân hàng đó. Với chuyển tiền cũng tương tự như vậy, chuyển trong hệ thống ngân hàng sẽ có phí thấp hơn hoặc miễn phí, chuyển liên ngân hàng phí sẽ cao hơn.

Phí giao dịch ở nước ngoài

Khi đi du lịch nước ngoài, bạn sẽ phải thanh toán hóa đơn và sử dụng thẻ tại các máy ATM khác nhau. Vì vậy, mỗi giao dịch sẽ bị thu phí theo quy định của ngân hàng tại quốc gia đó. Mức phí này thường được tính dưới 3% trên tổng số tiền giao dịch, đôi khi cũng được tính khi bạn kiểm tra số dư trong tài khoản.

Lời khuyên là bạn nên thông báo với ngân hàng mở thẻ Visa/Mastercard về dự định đi nước ngoài của mình. Qua đó, ngân hàng có thể hỗ trợ khi bạn gặp sự cố ngoài ý muốn cũng như kiểm tra những giao dịch quốc tế từ thẻ Visa/MasterCard Debit của bạn.

Phí in sao kê

Khách hàng có nhu cầu in sao kê các giao dịch cá nhân của mình để kiểm tra tài chính hoặc xác thực tài chính. Ngoài ra việc in sao kê còn là một bước chứng minh khả năng tài chính của bản thân bắt buộc nếu bạn muốn vay tín chấp.

Phí in sao kê của các ngân hàng dao động từ 20.000 – 100.000 VNĐ tùy vào từng ngân hàng và tùy theo từng loại thẻ tín dụng, thẻ thanh toán bạn đang sử dụng.

Hiện nay có hai hình thức in sao kê là trực tuyến và trực tiếp:

  • Qua dịch vụ Internet Banking bạn có thể tự kiểm tra lịch sử giao dịch và tự in sao kê, bản sao kê này chỉ có tác dụng kiểm soát chứ không có giá trị pháp lý cho các thủ tục hành chính.
  • In sao kê trực tiếp là bạn tới quầy giao dịch và yêu cầu ngân hàng sao kê, bản sao kê này có dấu chứng thực từ ngân hàng và có giá trị pháp lý, được sử dụng trong các bộ hồ sơ vay vốn.

3. Ngân hàng nào có phí dịch vụ rẻ nhất hiện nay?

Trong số các loại phí dịch vụ ngân hàng nêu trên thì phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống ngân hàng, phí rút tiền tại cây ATM được mọi người quan tâm nhất. Nhìn chung mức phí dịch vụ tại mỗi ngân hàng không giống nhau và chỉ một số ít ngân hàng miễn phí rút tiền hoặc chuyển khoản cho khách hàng của mình.

Để biết ngân hàng nào thu phí rút tiền rẻ nhất hiện nay bạn có thể tham khảo ngay bảng cập nhật biểu phí rút tiền của các ngân hàng mới nhất sau:

Ngân hàng Phí rút tiền ATM nội bộ (VND/giao dịch) Phí rút tiền ATM ngoại mạng (VND/giao dịch)
VPBank Miễn phí 0-3.300
HDBank Miễn phí 3.300
TPBank Miễn phí Miễn phí
VIB Miễn phí 0 – 10.000
LienVietPostBank Miễn phí 1.650
SHB Miễn phí 1.100
Vietcombank  1.100  3.300
Vietinbank  1.100  3.300
Agribank  1.100  3.300
ACB 1.100 0 – 3.300
Eximbank 1.100 2.200
Sacombank 1.100 3.300
MBBank 1.100 – 3.300 3.300

Qua bảng trên ta thấy các ngân hàng VPBank, HDBank, LienVietPostBank, TPBank, VIB, SHB… đang áp dụng chính sách miễn phí rút tiền nội mạng cho khách hàng sử dụng dịch vụ. Còn các ngân hàng khác đang thu phí ở mức 1.100 đến 3.300 VND/giao dịch nội mạng. Rút tiền ATM ngoại mạng chỉ duy nhất TPBank miễn phí, còn lại hầu hết thu phí từ 3.300 đến 10.000 VND/giao dịch ngoại mạng.

Với dịch vụ chuyển tiền hầu hết hiện nay người dùng sử dụng Mobile Banking và Internet Banking để chuyển khoản. Một số ngân hàng miễn phí chuyển khoản nội mạng, một số ngân hàng vẫn thu phí. Bạn có thể tham khảo phí chuyển tiền các ngân hàng được cập nhật mới nhất trong bảng sau:

Phí chuyển tiền các ngân hàng hiện nay

Phí chuyển tiền các ngân hàng hiện nay

Qua bảng trên ta thấy phí chuyển tiền nội mạng có nhiều ngân hàng không thu phí, một số thu phí dao động từ 1.100 VND/giao dịch đến 9.900 VND/giao dịch.

Nhìn chung về dịch vụ rút tiền có TPBank là ngân hàng rẻ nhất khi không thu phí rút tiền cả nội và ngoại mạng. Còn hầu hết các ngân hàng sẽ miễn phí khi chuyển tiền nội mạng.

Nhìn chung để nắm được hết các loại phí dịch vụ ngân hàng bạn hãy tham khảo trực tiếp trên website của từng ngân hàng để cập nhật mức phí hiện hành nhanh nhất.

Hy vọng với các thông tin trên bạn nắm được những loại phí dịch vụ ngân hàng đang thu từ khách hàng, đồng thời biết mức phí một số dịch vụ phổ biến như rút tiền, chuyển tiền hay phí quản lý tài khoản.

Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Mở tài khoản số đẹp MBBank

Người thực hiện

Hà Minh Đức – 19051441

QH-2019-E QTKD CLC 3