Hội nhập kinh tế quốc tế là gì? Hình thức, cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế trong 2021?

Hội nhập kinh tế quốc tế (Economic integration) là quá trình hợp tác, giao lưu giữa các quốc gia, hoặc các nền kinh tế với mục tiêu giảm thiểu hoặc xóa bỏ các rào cản thương mại, đồng thời khuyến khích hợp tác thông qua những chính sách tài chính và tiền tệ.

1. Khái niệm hội nhập kinh tế

Hội nhập kinh tế, hiểu theo định nghĩa đơn giản nhất, là hiện tượng các nền kinh tế hợp tác với nhau. Ví dụ điển hình nhất cho định nghĩa này của hội nhập kinh tế là trường hợp đế quốc La Mã xâm chiếm thế giới và mở rộng mạng lưới giao thông, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và áp đặt đồng tiền của họ trong toàn bộ lãnh địa được chiếm đóng.

Hiện nay, khái niệm phổ biến nhất của hội nhập kinh tế quốc tế được đề xuất bởi Béla Balassa (1961), với nội dung như sau: Hội nhập kinh tế là quá trình chủ động thực hiện đồng thời hai việc một mặt, gắn nền kinh tế và thị trường từng nước với thị trường khu vực và thế giới thông qua các nỗ lực thực hiện mở cửa và thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế quốc dân; và mặt khác, gia nhập và góp phần xây dựng các thể chế kinh tế khu vực và toàn cầu.

Quá trình hội nhập kinh tế hình thành và phát triển song song với sự phát triển của tự do hóa thương mại và xu hướng mở cửa nền kinh tế của các quốc gia. Các vấn đề mà hội nhập kinh tế giải quyết bao gồm:

  • Giảm thiểu hoặc xóa bỏ các hàng rào thuế quan/phi thuế quan
  • Cắt giảm các hạn chế với hoạt động dịch vụ
  • Hạn chế các trở ngại, khó khăn với hoạt động đầu tư quốc tế
  • Giảm thiểu khó khăn của các hoạt động di chuyển lao động quốc tế
  • Điều chỉnh các công cụ, quy định của các chính sách thương mại quốc tế khác

2. Các loại hình hội nhập kinh tế quốc tế

2.1 Hợp tác kinh tế song phương

Đây là loại hình hội nhập kinh tế phổ biến, tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau: hiệp định kinh tế, thương mại, đầu tư hoặc các thỏa thuận thương mại tự do (FTA), song phương,…Hình thức này thường được phát triển khi mỗi quốc gia thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế.

Tại Việt Nam, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) được coi là cột mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi trong quá trình phát triển kinh tế đất nước. Đại hội nhấn mạnh đến việc mở rộng giao lưu quốc tế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển kinh tế đất nước. Sau Đại hội, hàng chục hiệp định thương mại, đầu tư song phương đã được kí kết giữa Việt Nam và các nước khác trên thế giới.

Một số ví dụ bao gồm: Hiệp định về Thúc đẩy và bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Việt Nam và Australia (05/3/1991); Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan về Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư lẫn nhau (30/10/1991);…

Tính đến ngày 30/12/2018, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185 nước; có 16 đối tác chiến lược, 14 đối tác toàn diện. Việt Nam đã kí kết được trên 90 hiệp định thương mại song phương; gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; 75 hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế thu nhập với các nước/vùng lãnh thổ trên thế giới.

Có thể kể đến một số hiệp định kinh tế song phương của Việt Nam với các đối tác quan trọng như: Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (2000), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA – 2008),….

Hội nhập kinh tế

2.2 Hội nhập kinh tế khu vực

Xu hướng khu vực hóa xuất hiện từ khoảng những năm 50 của thế kỉ XX và phát triển cho đến ngày nay. Sự phân loại và khái niệm về các loại hình hội nhập kinh tế khu vực có sự thay đổi theo sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Xét theo cấp độ, hội nhập kinh tế thường được chia thành năm cấp độ là:

2.2.1 Khu vực/hiệp định thương mại ưu đãi (Preferential Trade Arangement – PTA)

Các bên tham gia thỏa thuận hạ thấp một phần hàng rào thương mại hàng hóa cho nhau và duy trì hàng rào đó với các bên thứ ba không tham gia thỏa thuận.

2.2.2 Khu vực/hiệp định thương mại tự do (Free Trade Area – FTA)

Là hiệp định theo đó các nước ký kết cam kết bãi bỏ thuế quan và hàng rào phi thuế quan cho tất cả hoặc gần như tất cả hàng hóa của nhau. Có thể có những dòng thuế sẽ được bãi bỏ chậm hơn; và người ta thường đưa các dòng thuế này vào “danh sách nhạy cảm”. Chỉ một số ít dòng thuế sẽ không được bãi bỏ và được liệt kê trong “danh sách loại trừ”.

Quy tắc xuất xứ là một phần quan trọng của các hiệp định thương mại tự do nhằm đảm bảo chỉ những hàng hóa được sản xuất toàn bộ hoặc tối thiểu ở một tỷ lệ nhất định tại các nước thành viên hiệp định mới được buôn bán tự do nhằm tránh tình trạng nước không tham gia hiệp định sử dụng cách tái xuất hoặc chỉ lắp ráp tại một nước tham gia hiệp định mà có thể xuất khẩu sang nước còn lại của hiệp định không phải chịu thuế.

Do xóa bỏ gần như hoàn toàn thuế quan và hàng rào phi thuế quan, nên việc đàm phán để thành lập một hiệp định thương mại tự do rất mất thời gian và qua nhiều vòng thương thảo. Những nước hăng hái với tự do hóa thương mại có thể thỏa thuận tiến hành chương trình giảm thuế quan sớm (còn gọi là chương trình thu hoạch sớm) đối với một số dòng thuế trước khi đàm phán kết thúc và hiệp định được hành lập.

FTA
Hiệp định thương mại tự do

2.2.3 Liên minh thuế quan (Custom Union – CU)

Đây có thể hiểu là một khu vực thương mại tự do giữa các nước thành viên cộng với thuế quan thống nhất của các nước thành viên đối với hàng hóa từ ngoài khu vực. Việc thành lập liên minh thuế quan cho phép tránh được những phức tạp liên quan đến quy tắc xuất xứ, nhưng lại làm nảy sinh những khó khăn trong phối hợp chính sách giữa các nước thành viên.

Như vậy, có thể nhận thấy, CU là hình thức liên kết có tính thống nhất, tổ chức cao hơn so với FTA. Cả hai loại hình hội nhập kinh tế khu vực này đều là sự thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều quốc gia, theo đó các quốc gia thỏa thuận với nhau về loại bỏ thuế quan và các hàng rào phi thuế quan khác đối với toàn bộ hoặc một phần hoạt động mậu dịch của họ. Nhưng, trong chính sách thuế quan với các nước ngoài khối thì FTA và CU có sự khác biệt.

Nếu như trong FTA, các nước thực hiện chính sách thuế quan độc lập trong quan hệ với các nước ngoài FTA; Thì đối với CU: Các nước thành viên có biểu thuế quan chung với các nước ngoài CU.

Ví dụ: Liên minh hải quan Nam Phi (Southern African Customs Union – SACU); Cộng đồng Kinh tế châu Âu (European Economic Community – EEC) thành lập năm 1957 – Từ năm 1968 đến trước những năm 80 của thế kỉ XX, EEC là một liên minh hải quan với chính sách thuế quan đối ngoại chung.

2.2.4 Thị trường chung (Common Market – CM)

Thị trường chung là liên kết kinh tế được đánh giá có mức độ hội nhập cao hơn so với cu. Theo đó, ở mức độ liên kết này, các nước thành viên ngoài việc cho phép tự do di chuyển hàng hóa, còn thoả thuận cho phép tự do di chuyển tư bản và sức lao động giữa các nước thành viên với nhau.

Vi dụ: EU từ năm 1993, đã thiết lập Thị trường chung châu Âu (ECM); Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) được thành lập năm 1991 gồm: Argentina, Brazil, Uruguay, Paraguay, Venezuela, Bolivia, Chile, Colombia, Ecuador và Peru.

2.2.5 Liên minh kinh tế và tiền tệ (Economic Union – EU)

Hội nhập kinh tế đến cấp độ này tạo ra một thị trường chung giữa các nền kinh tế (không còn hàng rào kinh tế nào nữa) với một đơn vị tiền tệ chung. Ví dụ rõ nhất về cấp độ liên minh này là Khu vực đồng Euro. Các khu vực được thành lập với mục tiêu trở thành liên minh kinh tế tiền tệ nhưng chưa hoàn thành được mục tiêu này gồm: Cộng đồng Kinh tế Tây Phi, Cộng đồng Caribbean.

Trong lịch sử đã từng có những khu vực dùng một đơn vị tiền tệ chung, như Liên minh Tiền tệ Latin hồi thế kỷ 19, nhưng họ chưa xây dựng được một thị trường chung nên không gọi đó là liên minh kinh tế và tiền tệ. Lại có một số nước chấp nhận đồng tiền của nước hay khu vực khác làm đơn vị tiền tệ chính thức của mình, nhưng giữa họ không có một thị trường chung, nên không gọi là liên minh kinh tế – tiền tệ.

Với một đơn vị tiền tệ chung, các nước thành viên sẽ phải từ bỏ quyền thực thi chính sách tiền tệ riêng của mình, mà thay vào đó là một chính sách tiền tệ chung của toàn khối do một ngân hàng trung ương chung của khối đó thực hiện, như trường hợp của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Khi mà ngay cả chính sách tài chính cũng được thực hiện chung, hội nhập kinh tế đạt đến độ hoàn toàn.

EU – một ví dụ điển hình

3. Cơ hội, thách thức cho những quốc gia tham gia hội nhập kinh tế quốc tế

Việc tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc te đem lại nhiều cơ hội cho các quốc gia tham gia, tuy nhiên nó cũng đưa lại không ít thách thức:

3.1 Cơ hội

-Hội nhập kinh tế thường dẫn đến giảm chi phí thương mại, cải thiện tính sẵn có của hàng hóa và dịch vụ; các lựa chọn rộng mở hơn và đạt được hiệu quả dẫn đến sức mua lớn hơn.

-Cơ hội việc làm có xu hướng cải thiện vì tự do hóa thương mại dẫn đến mở rộng thị trường, chia sẻ công nghệ và đầu tư xuyên biên giới.

-Hợp tác chính trị giữa các quốc gia cũng có thể được cải thiện thông qua mối ràng buộc kinh tế mạnh mẽ hơn, điều này mang lại động lực để giải quyết xung đột một cách hòa bình và dẫn đến sự ổn định cao hơn.

-Giúp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quốc gia về kinh tế phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế; từ đó tăng tính chủ động, tích cực trong hội nhập kinh tế quốc tế.

3.2 Thách thức

-Tạo ra sức ép cạnh tranh giữa các thành viên khi tham gia hội nhập, khiến nhiều doanh nghiệp, ngành nghề có thể lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí phá sản.

-Làm tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế quốc gia vào thị trường khu vực và thế giới. Điều này khiến một quốc gia dễ bị sa lầy vào các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hay khu vực.

-Các nước đang và kém phát triển phải đối mặt với nguy cơ trở thành “bãi rác” công nghiệp của các nước công nghiệp phát triển trên thế giới.

-Hội nhập kinh tế quốc tế có thể đặt các nước trước nguy cơ gia tăng tình trạng khủng bố quốc tế, buôn lậu, tội phạm xuyên quốc gia, dịch bệnh, di dân, nhập cư bất hợp pháp.

-Hội nhập không phân phối công bằng lợi ích và rủi ro cho các nước và nhóm nước khác nhau trong xã hội. Do đó, dễ làm tăng khoảng cách giàu nghèo, tụt hậu giữa các quốc gia hay tầng lớp dân cư trong xã hội.

Đọc thêm:

https://en.wikipedia.org/wiki/Economic_integration

https://www.investopedia.com/terms/e/economic-integration.asp