Quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng sống quan trọng được nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế khuyến nghị nên được phổ cập từ khi còn trên ghế nhà trường. Ở Việt Nam nhiều người trong chúng ta vẫn còn mơ hồ về kỹ năng này, do chưa được giảng dạy đúng mức, đúng cách. Hậu quả là có không ít gia đình thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu hụt tiền bạc mỗi cuối tháng và phải vay mượn để bù đắp chi tiêu. Trong khi đó, chỉ cần có chút hiểu biết và kỹ năng về quản lý tài chính, cuộc sống của bạn sẽ khác đi với rất nhiều lợi ích, mà trước hết là bạn sẽ tích luỹ được nhiều hơn. Một khi an tâm về tài chính, tinh thần của bạn cũng sẽ thoải mái, phấn chấn hơn. Đặc biệt, nguồn vốn dư dả sẽ mở ra cho bạn nhiều cơ hội phát triển và lựa chọn cuộc sống như theo đuổi học vấn cao hơn, hay đầu tư sinh lợi…. Thế nhưng không phải ai cũng rèn luyện được cho mình cách quản lý tài chính cá nhân một cách thông minh và bền vững ngay từ phút đầu. Vì chúng ta thường mắc phải những sai lầm cơ bản. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra các sai lầm nên tránh thường thấy khi lên kế hoạch quản lý tài chính cá nhân.
Nội dung bài viết
1. Tài chính cá nhân là gì? Quản lý tài chính cá nhân là gì?
- Tài chính cá nhân là tổng tài sản mà một cá nhân hay cả một hộ gia đình bao gồm các loại ngân sách, bảo hiểm, sổ tiết kiệm….
- Quản lý tài chính cá nhân ở đây được hiểu đơn giản là một công việc giúp quản lý tiền bạc sắp xếp và lập kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư một cách hợp lý. Mục đích cuối cùng của công việc này là biến những đồng tiền mà bạn kiếm được trở thành những đồng tiền có khả năng sinh thêm lợi nhuận. Trong đó, bạn chính là chủ thể đóng vai trò then chốt, là người quản lý cấp cao nhất và có toàn quyền điều hành túi tiền của chính mình cho các phi vụ khác nhau.
2. Tại sao phải quản lý tài chính cá nhân?
2.1. Đảm bảo nhu cầu sử dụng tiền
Cuối mỗi tháng khi lương về, việc đầu tiên bạn làm sẽ là gì? Bạn có bao giờ nghĩ đến việc lập tức quản lý số tiền vừa kiếm được của mình như thế nào chưa? Chúng ta nên có một kế hoạch xác định thu nhập của mình là bao nhiêu, sẽ chi vào cái gì và kế hoạch tài chính cá nhân trong tương lai. Bằng cách này bạn sẽ nghĩ xa hơn là chỉ làm việc để kiếm tiền và tiêu rồi cứ lặp lại vòng quay như vậy suốt cuộc đời.
2.2. Dễ dàng quản lý thu nhập của bản thân
Nếu bạn không có kế hoạch tài chính cá nhân cho thu nhập của mình, bạn sẽ bị bội chi hoặc chi tiêu các khoản không cần thiết. Khả năng quản lý tài chính cá nhân tốt giúp bạn biết được khoản nào cần chi và không cần chi. Hiểu biết về tài chính cá nhân giúp bạn phân biệt giữa các quyết định tài chính có lợi và bất lợi cho tương lai tài chính của bản thân. Có một kế hoạch tài chính cá nhân vững vàng giúp bạn đáp ứng các nhu cầu ngắn hạn và dài hạn mà không vượt quá thu nhập của bạn
2.3. Quản lý tài chính cá nhân để gia tăng dòng tiền
Một trong những lý do khác tại sao quản lý tài chính cá nhân là cần thiết, là nó có thể giúp bạn tăng dòng tiền trong tương lai. Khi bạn theo dõi lịch sử chi tiêu của mình, bạn có thể dễ dàng hiểu được thói quen chi tiêu tốt xấu của bản thân
2.4. Đảm bảo an tâm cho gia đình
An tâm tài chính cho bạn và gia đình là điều mà ai cũng mong muốn. Mọi người đều muốn họ có thể đáp ứng nhu cầu tiền bạc của cá nhân và gia đình, cho dù nền kinh tế có như thế nào. Không ai muốn gia đình mình phải sống tằn tiện vì thiếu tiền chính vì vậy càng phải chú trọng đến việc lập kế hoạch tài chính cá nhân
2.5. Nâng cao mức sống của bản thân
Học cách tiết kiệm và đầu tư chắc chắn cuộc sống của bạn sẽ tốt hơn nhiều. Điều này có nghĩa thay vì chi tiêu nhiều tiền hơn vào các chi phí ngoài dự kiến bạn nên tiết kiệm nhiều hơn.
3. Những sai lầm thường mắc phải trong quản lý tài chính cá nhân
3.1. Không lập kế hoạch chi tiêu cụ thể
Nhiều cá nhân thường cảm thấy lập kế hoạch chi tiêu không cần thiết với họ. Thực tế, kế hoạch chi tiêu là một trong những biện pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả nhất vì nó cho thấy ý thức về chi tiêu, trách nhiệm đối với tài chính của bạn, cũng như giúp bạn đưa ra các sử dụng tiền bạc thông minh hơn.
Theo lời khuyên của các chuyên gia tài chính chuyên nghiệp, mỗi người nên có một quỹ dự phòng bằng 3 – 6 tháng chi phí sinh hoạt, được cất riêng trong một tài khoản tiết kiệm ngắn hạn mà khi cần có thể rút ra ngay.
3.2. Thiếu kiểm soát trong chi tiêu thường nhật
Nếu bạn chỉ có một nguồn thu nhập cố định, mà không có các nguồn thu dự phòng hay một tài khoản tiết kiệm dành cho các trường hợp rủi ro, khả năng xoay sở khi thực sự có vấn đề xảy ra sẽ thấp hơn rất nhiều. Hãy kiếm thêm thu nhập ngoài lề, hoặc thiết lập một tài khoản tiết kiệm cho bản thân.
3.3. Chi tiêu vượt mức so với thu nhập thực tế
Đôi khi, bạn có một nguồn thu nhập có thể đáp ứng một cách dư dả cho các hoạt động chi tiêu trong cuộc sống, nhưng vì không quản lý tài chính cá nhân, dẫn đến chi tiêu mất kiểm soát sẽ khiến bạn tiêu xài nhiều hơn bình thường, hậu quả là thiếu hụt về ngân sách sau đó.
3.4. Kéo dài các khoản nợ vay không kiểm soát
Vay vốn là một giải pháp tài chính phổ biến mà nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, họ lại không thanh toán nợ đúng hạn, dẫn đến một nguồn tiền âm làm quá trình quản lý tài chính cá nhân sẽ gặp nhiều rủi ro hơn nữa, có thể dẫn đến vỡ nợ hoặc nghiêm trọng hơn. Vì vậy, bạn nên thanh toán nợ đúng hạn và tất toán sớm nếu có khả năng để chấm dứt các khoản nợ và tập trung vào các khoản đầu tư, tiết kiệm có ích hơn.
3.5. Không phân biệt được các khoản chi tiêu nhỏ và tiết kiệm
Trái ngược với việc chi tiêu các khoản lớn, nhiều người lại cho rằng chỉ chi những khoản nhỏ đã là chi tiêu hợp lý và tiết kiệm. Thực tế, dù là khoản chi lớn hay nhỏ, điều quan trọng là nó phù hợp với nhu cầu và khả năng của bạn. Nếu bạn chỉ tiêu những khoản nhỏ nhưng lại sử dụng cho những đối tượng không thiết yếu, vậy thì đó vẫn là một khoản tiêu xài hoang phí
3.6. Lạm dụng tín dụng thẻ
Không thể phủ nhận tiện ích của thẻ tín dụng trong đời sống hiện nay, tuy nhiên, nó lại là một con dao hai lưỡi khiến bạn dễ dàng “vung tay quá trán” mà không nhận ra. Theo thời gian, bạn sẽ dần trở nên phụ thuộc vào việc vay mượn qua thẻ, cứ chi tiêu rồi lại gồng gánh khoản nợ – lãi cao. Để khắc phục vấn đề này, bạn cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định sử dụng chiếc thẻ tín dụng tiện lợi này. Một tuyệt chiêu bạn có thể làm là cân nhắc kỹ lưỡng đâu là “nợ xấu” – những khoản chi khiến bạn tốn tiền, khấu hao nhanh nhưng không mang tới lợi ích gì, và đâu là “nợ tốt” – khoản vay có thể giúp bạn gia tăng giá trị bản thân hay tài sản.
3.7. Thiếu ý thức về việc quản lý tài chính cá nhân
Sai lầm cơ bản nhất trong việc quản lý tài chính cá nhân chính là thiếu ý thức quản lý. Việc quản lý tài chính cá nhân là vô cùng quan trọng, nên bắt đầu ngay để bạn sở hữu tài chính an toàn và ổn định nhất, tránh làm tổn hại hay gặp nhiều rủi ro về tài chính hơn.
4. Kết
Hãy thay đổi thói quen tài chính của bạn ngay bây giờ để có một tương lai tươi sáng – một cuộc sống đảm bảo an toàn tài chính, tự do và hạnh phúc. Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn có động lực để quản lý tài chính cá nhân tốt hơn.
Xem thêm:
Quản lý tài chính cá nhân – 5 bước làm chủ tương lai (clibme.com)
QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN BẰNG 6 BÍ KÍP HOÀN HẢO (clibme.com)
6 sai lầm khi quản lý tài chính cá nhân
Người thực hiện: Nguyễn Thị Phương Dung
MSV: 19051374
Lớp: INE3104 4