6 nguyên nhân dẫn đến thói quen mua CIF bán FOB của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam

Trong hoạt động thương mại quốc tế, các doanh nghiệp ở nước phát triển thường tìm mọi cách để xuất hàng theo điều kiện CIF và nhập hàng theo điều kiện FOB, hay nói cách khác là giành được quyền vận tải và bảo hiểm trong việc thuê phương tiện vận chuyển sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho họ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp lựa chọn hình thức ngược lại: nhập theo điều kiện CIF và xuất theo điều kiện FOB và đã trở thành thói quen “mua CIF bán FOB”, khiến doanh nghiệp chịu nhiều bất lợi về giá xuất và nhập.

Bài viết sau đây lý giải 6 nguyên nhân doanh nghiệp xuất nhập nhập khẩu Việt Nam có thói quen mua CIF bán FOB và đưa ra giải pháp cho tình trạng này.

1. Khái niệm “mua CIF bán FOB”

 

CIF vs FOB
CIF vs FOB

FOB (Free on board) là điều kiện giao hàng miễn trách nhiệm của người bán khi hàng đã lên boong tàu. Trong điều kiện này, rủi ro mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá di chuyển khi hàng hoá được xếp xong lên tàu, người mua chịu mọi chi phí kể từ thời điểm này trở đi. Hàng hoá được “bán FOB” có nghĩa là giá của hàng hoá chưa bao gồm phí bảo hiểm, cước vận tải và các yếu tố đó thuộc về bên mua hàng.

CIF (Cost, Insurance and Freight) là điều kiện giao hàng tại cảng xếp dỡ hàng, bao gồm các yếu tố: giá, bảo hiểm và cước phí. Khi giá hàng hoá được thoả thuận là giá CIF, tức là mọi chi phí về thủ tục hải quan, phí bảo hiểm và cước vận chuyển đã bao gồm trong giá của hàng hoá. Vì vậy, “mua CIF” có thể hiểu là giá sản phẩm khi nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam đã bao gồm các yếu tố trên

Xem thêm: Cẩm nang Incoterms 2020 cho người mới bắt đầu

2. Nguyên nhân dẫn đến thói quen “mua CIF bán FOB” của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam

Nguyên nhân của việc mua CIF bán FOB
Nguyên nhân của việc “mua CIF bán FOB”

2.1. Ngành hàng hải tại Việt Nam chưa đủ mạnh

Nguyên nhân chính của việc “mua CIF bán FOB” là tàu vận chuyển của Việt Nam thường cũ nát, lạc hậu, thời gian sử dụng đã quá lâu (thường là 10-20 năm, hoặc lên đến 25-30 năm), cơ sở vật chất kém, dẫn đến việc tiêu hao nhiều nhiên liệu, chi phí sửa chữa cao.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng hải chưa mở rộng ra nước ngoài, mạng lưới vận tải của Việt Nam và hệ thống đại lý ở nước ngoài còn ít, giá cước vận chuyển cao so với mặt bằng chung giá cước của các đơn vị vận chuyển nước ngoài. Do đó, ngành hàng hải Việt Nam chưa thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu trong suốt một khoảng thời gian dài.

2.2. Ngành bảo hiểm ở Việt Nam chưa thực sự có uy tín

Đội ngũ cán bộ ngành bảo hiểm tại Việt Nam chưa được đào tạo chuyên sâu nhiều, dẫn đến chất lượng còn thấp, việc giải quyết vấn đề khiếu nại còn lúng túng, kéo dài thời gian bồi thường, từ đó làm giảm uy tín của công ty. Vốn của các công ty này còn ít, do vậy thường phải tái bảo hiểm ở các công ty bảo hiểm nước ngoài khi số tiền bảo hiểm quá lớn.

Mặt khác, cách tính phí bảo hiểm của các công ty này chưa hợp lý khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu thấy quyền lợi của họ khi được bồi thường không được thoả đáng.

2.3. Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành

Do không phối hợp chặt chẽ giữa chủ hàng, chủ tàu và công ty bảo hiểm bảo hiểm Việt Nam dẫn đến tình trạng có hàng để xuất nhưng thiếu tàu chuyên chở hoặc ngược lại, thiếu hàng xuất nhưng thừa tàu vận chuyển. Trong khi đó ở nước ngoài, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, vận tải và bảo hiểm liên kết rất chặt chẽ vì lợi ích bản thân cũng như lợi ích quốc gia.

Bên cạnh đó, có những khách hàng nước ngoài sẵn sàng mua CIF bán FOB nhưng với điều kiện ta phải thuê tàu của họ và muốn tạo được sự liên kết này cần phải có hỗ trợ của Nhà nước và đây đóng vai trò mang tính quyết định.

2.4. Thiếu kiến thức, kinh nghiệm về vận tải và bảo hiểm

Nhiều người kinh doanh xuất nhập khẩu Việt Nam chưa có đầy đủ kiến thức về nghiệp vụ thuê tàu và bảo hiểm. Họ cũng không có nhiều mối quan hệ với các hãng vận tải và công ty bảo hiểm, nên rất khó khăn trong việc thuê được hãng chuyên chở uy tín. Trong trường hợp số lượng hàng hoá cần vận chuyển quá lớn, nghiệp vụ thuê tàu chuyên chở rất phức tạp thì nhiều lãnh đạo của doanh nghiệp Việt Nam có trình độ thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm còn non trẻ, chưa được trải nghiệm nhiều nên dễ dàng bị một số công ty nước ngoài gây sức ép hoặc dùng những thủ thuật trong đàm phán để giành quyền vận chuyển, bảo hiểm hàng hoá. Họ thường chào hàng hoặc đề nghị mua với giá FOB cao hơn giá CIF đã trừ đi bảo hiểm và cước phí vận tải, sau đó khi thương lượng họ chấp nhận bán với giá CIF hoặc mua với giá FOB. Với thủ thuật này, các doanh nghiệp Việt Nam thường chấp nhận “mua CIF bán FOB”.

2.5. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sợ rủi ro trong thuê tàu và mua bảo hiểm

Do mua CIF bán FOB, các doanh nghiệp Việt Nam không cần phải thuê tàu vận chuyển và mua bảo hiểm cho hàng hoá nên có thể tránh được những rủi ro như không thuê được tàu, tàu không phù hợp, giá cước vận chuyển và giá bảo hiểm tăng… Vì vậy, các doanh nghiệp này nhượng lại việc thuê tàu và mua bảo hiểm cho bên nước ngoài.

2.6. Khó khăn về vốn và yếu thế trong giao dịch thương mại

Vốn để nhập hay xuất khẩu hàng hoá của một doanh nghiệp Việt Nam thường là đi vay từ các ngân hàng và họ không đủ vốn để trả cước phí vận chuyển và mua bảo hiểm. Bên cạnh đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu thô, cồng kềnh và có giá trị thấp nên tỷ lệ cước phí so tiền hàng khá lớn (có mặt hàng có tiền cước vận chuyển chiếm tới 50% giá CIF).

3. Giải pháp cho tình trạng “mua CIF bán FOB”

Thói quen “mua CIF bán FOB” khiến cho các công ty bảo hiểm của Việt Nam phải “đau đớn” chứng kiến các công ty bảo hiểm nước ngoài chiếm lĩnh phần lớn thị phần bảo hiểm cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy, một số giải pháp sau có thể giải quyết tình trạng “mua CIF bán FOB” thường thấy hiện nay.

 

Giải pháp cho việc "mua CIF bán FOB"
Giải pháp cho việc “mua CIF bán FOB”

Một là, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam cần trang bị những nhận thức đúng đắn và đầy đủ về các điều kiện FOB và CIF. Cần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đẩy nhanh sự chuyển đổi hình thức sở hữu trong các doanh nghiệp nhà nước, từ đó đảm bảo mục tiêu tối đa hiệu quả kinh doanh.

Hai là, cần xây dựng kế hoạch phát triển và nâng cao năng lực lực lượng vận tải biển Việt Nam một cách bền vững, khoa học để có đủ khả năng vận chuyển hàng từ Việt Nam đi các nước trên thế giới với độ an toàn cao và giá cước hợp lý.

Ba là, nếu thiếu vốn khi xuất nhập khẩu hàng hoá thì doanh nghiệp có thể dùng thư tín dụng (L/C) thế chấp tại ngân hàng và sẽ được vay số tiền lớn hơn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có cùng loại hình nên hợp tác với nhau trong những giao dịch thương mại, tập hợp đủ vốn để có thể thực hiện thành công các hợp đồng với điều kiện mua FOB bán CIF.

Bốn là, các doanh nghiệp kinh doanh logistics và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cần chủ động hợp tác chặt chẽ với nhau để tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thay đổi phương thức giao và nhận hàng. Nếu làm được như vậy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ giảm dần thói quen mua CIF bán FOB, chuyển sang mua FOB bán CIF và các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước sẽ chiếm lại được thị phần bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu từ doanh nghiệp nước ngoài.

Xem thêm: Tại sao nên mua FOB bán CIF trong xuất nhập khẩu?

4. Lời kết

Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc 6 nguyên nhân dẫn đến thói quen “mua CIF bán FOB” của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Từ đó, đề xuất một số giải pháp cho tình trạng “mua CIF bán FOB” hiện nay.

Xem thêm các bài viết liên quan đến chủ đề Logistics và SCM: 

4 ứng dụng blockchain trong quản trị chuỗi cung ứng

Chuỗi cung ứng xanh: Chuỗi cung ứng vì thiên nhiên của Vinamilk

Người thực hiện: Trần Phương Anh

MSV: 19051022

Lớp: 211_INE3104 4