Top 4 điều cần biết khi doanh nghiệp vay vốn ngân hàng

 

Những điều cần biết khi doanh nghiệp tiến hành vay vốn ngân hàng

Vay vốn ngân hàng hiện nay không còn quá xa lạ đối với cá nhân, doanh nghiệp. Các khoản vay vốn sẽ hỗ trợ về vốn một cách nhanh chóng, cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiết kiệm thời gian, tiếp cận nhiều cơ hội mới và phát huy lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Nếu doanh nghiệp của bạn đang có nhu cầu vay vốn ngân hàng, hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về điều kiện để doanh nghiệp vay vốn ngân hàng cũng như hồ sơ cần chuẩn bị và những lưu ý khi doanh nghiệp vay vốn ngân hàng nhé

1. Điều kiện để doanh nghiệp vay vốn ngân hàng

Việc đầu tiên mà bất cứ doanh nghiệp nào khi đăng ký vay vốn, là doanh nghiệp phải hiểu rõ về mục đích cho khoản vay mong muốn cũng như trả lời được câu hỏi “Vay vốn để làm gì?”. Tùy vào nhu cầu của doanh nghiệp, tất cả mục đích vay vốn cần được liệt kê rõ ràng, chi tiết, ví dụ như cần vốn để mở rộng kinh doanh, hay đầu tư để thu mua tài sản cố định như thiết bị, máy móc hoặc đơn giản là để giải quyết nhu cầu thu mua nguyên vật liệu và sản xuất hàng hóa.

Theo đó doanh nghiệp cần chuẩn bị một kế hoạch kinh doanh chi tiết kèm theo những giấy tờ liên quan, chiến lược tăng trưởng hay kế hoạch phát triển doanh nghiệp cụ thể. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp chứng minh cho ngân hàng hiểu rõ mục đích vay vốn của doanh nghiệp

Những điều kiện cần có khi doanh nghiệp tiến hành vay vốn ngân hàng gồm:

  • Người đại diện doanh nghiệp để vay vốn ngân hàng phải có đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự
  • Mục đích khi doanh nghiệp sử dụng vốn vay phải là mục đích chính đáng, minh bạch, rõ ràng
  • Doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, không quá yếu kém, có đủ khả năng để chi trả các khoản nợ cả gốc và lãi trong tương lai
  • Doanh nghiệp đang có dự án đầu tư kinh doanh khả thi kèm theo kế hoạch trả nợ, kế hoạch này phải có tình thực tế, khả thi cao
  • Doanh nghiệp phải đảm bảo tài sản của mình trong sạch, phù hợp với các quy định của pháp luật 
Tài sản đảm bảo vay vốn như nhà cửa, xe cộ, giấy tờ có giá trị
Một số tài sản đảm bảo vay vốn

2. Hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp

Một trong những điều đầu tiên mà các ngân hàng xem xét khi cấp vốn vay cho doanh nghiệp là xem xét uy tín của người đi vay và người bảo lãnh hoặc theo dõi lịch sử thanh toán của các khoản nợ. Việc chuẩn bị hồ sơ vay vốn hoàn chỉnh là yêu cầu bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp khi tiến hành quá trình đi vay vốn ngân hàng. Về cơ bản, danh mục hồ sơ vay vốn doanh nghiệp tại ngân hàng khá giống nhau, các loại giấy tờ chi tiết yêu cầu không có sự khác biệt. Doanh nghiệp cần chuẩn bị những giấy tờ cũng như hồ sơ theo hướng dẫn sau:

A. Hồ sơ pháp lý để vay vốn ngân hàng

Trong hồ sơ pháp lý để vay vốn, doanh nghiệp cần đáp ứng một số tiêu chí sau:

  • Giấy phép thành lập công ty hoặc giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư
  • Điều lệ của công ty
  • Quyết định bổ nhiệm giám đốc và kế toán trưởng (nếu có)
  • Chứng minh nhân dân, căn cước công dân có hiệu lực hoặc Hộ chiếu, Sổ hộ khẩu có hiệu lực của người đại diện công ty đứng ra vay vốn
  • Giấy chứng nhận đăng ký thuế

B. Báo cáo tài chính của công ty

Một bản báo cáo tài chính để báo cáo thông tin tín dụng thường bao gồm các nội dung sau:

  • Báo cáo tài chính của doanh nghiệp (ít nhất là 2 năm gần nhất)
  • Hợp đồng mua hàng, bán hàng
  • Hợp đồng sử dụng lao động

C. Phương án vay vốn ngân hàng

Để có thể vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp cần cung cấp phương án vay vốn ngân hàng để từ đó ngân hàng có cơ sở để tin tưởng vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Phương án vay vốn ngân hàng sẽ gồm

  • Phương án sản xuất, kinh doanh có hiểu quả để bảo đảm khả năng trả nợ cho ngân hàng đúng hạn
  • Bản kế hoạch trả nợ ngân hàng

D. Tài sản đảm bảo tiền vay theo quy định

Ngân hàng sẽ dựa vào tài sản doanh nghiệp để một phần đánh giá được giá trị doanh nghiệp. Những tài sản này thường là:

  • Bất động sản: Các giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu nhà cửa, nội thất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…
  • Xe máy, ô tô, máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển, hàng hóa: Hóa đơn, biên lai, hợp đồng mua bán, chuyển nhượng,…
  • Các loại chứng từ có giá trị: Giấy chứng nhận góp vốn, trái phiếu, cổ phiếu,…
                            Hồ sơ vay vốn phải thể hiện được khả năng trả nợ của công ty

3. Các hình thức vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp

Hiện nay, các ngân hàng trong và ngoài nước có khá nhiều hình thức cho vay vốn. Các hình thức phổ biến nhất phải kể đến: Vay tín chấp, vay thế chấp, vay trả góp, vay thấu chi,… Tùy theo mục đích sử dụng, doanh nghiệp sẽ lựa chọn hình thức vay vốn phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình. Sau đây sẽ là phần điểm qua một số hình thức vay vốn ngân hàng phổ biến:

A. Vay tín chấp

Là hình thức người đại diện hợp pháp theo pháp luật của doanh nghiệp dùng uy tín của bản thân và sự tín nhiệm đối với ngân hàng để đứng ra vay vốn mà không cần thế chấp tài sản. Đây là hình thức quen thuộc đối với các doanh nghiệp đã hoạt động kinh doanh lâu năm và thường được các doanh nghiệp này sử dụng

Khi vay tin chấp, doanh nghiệp cần trình bày minh bạch, rõ ràng, chi tiết mục đích sử dụng vốn vay vào các hoat động kinh doanh nào.

Một số ví dụ cho mục đích vay vốn của doanh nghiệp: Dùng để nâng cấp nhà xưởng, kho bãi; đầu tư trang thiết bị, máy móc; mua nguyên vật liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất; thuê chuyên gia, nhân công tay nghề cao; đầu tư dự án mới hoặc tái đầu tư,…

B. Vay thế chấp

Đây là hình thức vay vốn ngân hàng mà doanh nghiệp sẽ sử dụng sự đảm bào tài sản để tiến hành vay vốn. Những tài sản dùng để vay thế chấp thường là tài sản cố định, nhà máy, phương tiện vận tải, giấy phép kinh doanh,… Ngân hàng sẽ giữ các giấy tờ có liên quan để các tài sản thế chấp, còn quyền sở hữu vẫn thuộc về phía doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp không còn chứng minh được khả năng trả nợ thì ngân hàng sẽ buộc doanh nghiệp đó phải chuyển giao tài sản và quyền sở hữu tài sản thế chấp cho ngân hàng để ngân hàng tiến hành thanh lý trừ nợ

Vay vốn thế chấp được chia ra làm 3 loại:

  • Cho vay bổ sung vốn lưu động: Là khoản vay ngắn hạn với mục đích bổ sung vốn lưu động thanh toán trong nước phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh
  • Cho vay theo dự án đầu tư: Là hình thức cho vay tài chính được ngân hàng hay các tổ chức tín dụng cung ứng cho các doanh nghiệp khi có nhu cầu vay vốn để thực hiện các đầu tư dự án kinh doanh nào đó
  • Cho vay thanh toán: Là hình thức cho doanh nghiệp vay vốn để thanh toán chi phí, doanh nghiệp sẽ trả lại khoản vay cho ngân hàng theo thời hạn quy định với một mức lãi suất nào đó

C. Vay trả góp

Là hình thức vay vốn ngân hàng mà tổng tiền gốc lẫn lãi doanh nghiệp phải trả mỗi tháng là bằng nhau. Doanh nghiệp khi đăng ký vay trả góp cần nắm rõ nhu cầu và khả năng trả nợ để vay lượng vốn cũng như thời hạn trả vốn phù hợp.

D. Vay thấu chi

Là hình thức cho vay cho phép doanh nghiệp có thể chi vượt số dư thực tế trên toài khoản gửi tiền trong khoảng thời gian ngắn (thường là dưới 12 tháng). Đây là giải pháp tìn dụng đáp ứng nhu cầu cần vốn đột xuất để tận dụng cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp mà không cần thực hiện hồ sơ vay vốn thông thường. Một số đặc điểm thường của vay thấu chi:

  • Doanh nghiệp có thể chi vượt quá số tiền thực có trên tài khoản gửi tiền ngay cả khi tài khoản đã hết sô dư
  • Mức lãi suất vay thấu chi thường cao hơn so với mức lãi suất thông thường khoảng 1,5 lần
                                      Các hình thức vay vốn thường thấy

4. Một số lưu ý khi doanh nghiệp làm hồ sơ vay vốn ngân hàng

Trước khi tiến hành ký kết làm hồ sơ vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp cần nắm rõ một số đặc điểm sau:

A. Xác định rõ điều kiện và nhu cầu vay vốn thực tế của doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần căn cứ vào doanh thu, doanh số để xác định khoản vay hợp lí. Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo được khả năng trả nợ cho ngân hàng theo dự kiến

Cân đối được khoản vay mà doanh nghiệp đã vay được từ ngân hàng. Tránh trường hợp vay quá nhiều gây tồn dư vốn không sử dụng tới nhưng vẫn phải chịu lãi

B. Lãi suất cho vay

Doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý tới thời hạn thay đổi lãi suất

Khi doanh tiến hành vay vốn, thời hạn vay càng dài, lãi suất sẽ càng cao hoặc có những khoản vay lãi suất sẽ tăng dần theo thời hạn vay, doanh nghiệp cần chú ý tới đặc điểm này và lập kế hoạch trả nợ phù hợp.

C. Chọn ngân hàng và dịch vụ

Hiện nay, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng trong nước không quá chênh lệch. Doanh nghiệp vay vốn ngân hàng nên lựa chọn ngân hàng đem lại nhiều tiện lợi nhất. Một số tiện ích có thể kể ra là vị trí địa lý của ngân hàng gần với văn phòng của doanh nghiệp, có tốc độ phục vụ nhanh chóng,…

Kết luận

Như vậy, có thể thấy điều kiện để doanh nghiệp vay vốn ngân hàng là không quá khó, mọi ngân hàng đều có chính sách hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện tiếp cận vốn tốt nhất. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chủ doanh nghiệp cần nắm rõ các quy trình đăng ký vay vốn ngân hàng, những điều cần làm sau khi vay vốn để từ đó có nhận thức kỹ càng khi đã có được nguồn hỗ trợ tài chính và gia tăng cơ hội phát triển của doanh nghiệp.

Hãy tham khảo thêm một số bài viết

Gửi tiết kiệm ngân hàng – 1 kênh đầu tư “ăn chắc mặc bền”

Tổng quan về 5 loại ngân hàng phổ biến hiện nay

Quy trình thủ tục và điều kiện vay vốn ngân hàng

 

Sinh viên: Nguyễn Trọng Phúc    Nhóm 6

Mã số SV: 19051187