KHỞI NGHIỆP LÀ GÌ? HÀNH TRANG 4 YẾU TỐ CƠ BẢN ĐỂ KHỞI NGHIỆP

KHỞI NGHIỆP LÀ GÌ? HÀNH TRANG 4 YẾU TỐ CƠ BẢN ĐỂ KHỞI NGHIỆP

Khởi nghiệp là gì? Hành trang 4 yếu tố cơ bản để khởi nghiệp

Trong những năm gần đây, chắc hẳn bạn đã nghe nhiều người nhắc đến xu hướng khởi nghiệp. Tuy nhiên không phải ai cũng đang hiểu đúng và đủ về cụm từ này. Nhiều người đang cho rằng khái niệm startup và khởi nghiệp là giống nhau. Liệu điều đó đúng hay sai?

Vậy hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu định nghĩa khởi nghiệp là gì và hành trang cần chuẩn bị trước khi khởi nghiệp nhé!

1. Khởi nghiệp là gì? Khái niệm Khởi nghiệp và Startup có giống nhau?

Mặc dù hai cụm từ “khởi nghiệp” và “startup” thường được thấy đi chung với nhau trong nhiều cuộc hội thoại và bài viết, thế nhưng chúng lại mang định nghĩa khác nhau. Để điều hành một công ty khởi nghiệp thành công, bạn cần hiểu và phân biệt được hai khái niệm này.

1.1. Khởi nghiệp là gì?

Khởi nghiệp là khi bạn đang có ý tưởng tự mình thực hiện những ý tưởng kinh doanh, quản lý và tìm kiếm thu nhập thông qua quá trình sản xuất, cung cấp và phát triển một sản phẩm mới hoặc dịch vụ nào đó ra thị trường, ngoài ra còn có thể mua bán lại sản phẩm đang có. Hình thức thường thấy của khởi nghiệp là thành lập một doanh nghiệp và bạn là người làm chủ.

Bằng việc tạo ra lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động, giữ tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế ở mức an toàn, khởi nghiệp thành công gián tiếp góp phần ổn định xã hội, giảm thiểu tệ nạn xã hội do thất nghiệp gây ra như trộm cắp, bài bạc, đua xe, ma túy,… Khởi nghiệp cũng góp phần giảm áp lực lên nền kinh tế, trợ cấp xã hội, đưa đất nước ngày càng phát triển.

Khởi nghiệp là gì?

1.2. Startup là gì?

Theo Neil Blumenthal, đồng Giám đốc điều hành của Warby Parker thì khái niệm “startup” được hiểu là một công ty hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề mà có giải pháp không chắc chắn, không đảm bảo sẽ thành công.

Có thể thấy, startup chỉ các doanh nghiệp đang trong những bước đầu của sự phát triển kinh doanh. Những ý tưởng hoặc dự án này thường được khởi đầu bởi từ 1 đến 3 người sáng lập. Họ tập trung vào việc tận dụng nhu cầu thị trường để phát triển một số sản phẩm, dịch vụ hoặc công nghệ mà họ nghĩ rằng thỏa mãn người tiêu dùng.

Hình minh họa – Nguồn: Mashable on Tweeter

Ngoài ra, startup còn được biết đến với cái tên khác là “Khởi nghiệp sáng tạo”. Đây là ý tưởng cho các bạn trẻ mong muốn khẳng định bản thân, đột phá ở các lĩnh vực mới. Hành trình khởi nghiệp này sẽ dựa trên các ý tưởng sáng tạo, sản xuất sản phẩm có sự nổi trội, ưu việt hơn so với những hàng hóa, dịch vụ đã có mặt trên thị trường.

1.3. Phân biệt Khởi nghiệp và Startup

Startup có thể là khởi nghiệp nhưng khởi nghiệp chưa chắc đã là startup. Hai khái niệm này giống nhau là cùng bắt đầu với yếu tố “con người” và ra giải pháp đáp ứng nhu cầu thị trường từ hai bàn tay trắng, giải quyết nó và thu về lợi nhuận.

  • Khởi nghiệp là việc khởi đầu xây dựng, phát triển công việc sự nghiệp. Còn “startup” chỉ là hình thức mà người ta lựa chọn để khởi nghiệp.
  • Startup là một nhóm người hay một công ty thực hiện một ý tưởng kinh doanh nhưng chưa chắc chắn sẽ thành công. Startup là danh từ chỉ một tổ chức, trong khi khởi nghiệp là một động từ chỉ sự phát triển kinh doanh. Do đó, các sản phẩm, dịch vụ của startup không phải là bản thân startup mà giống như một sản phẩm của doanh nghiệp.

2. Hành trang 4 yếu tố cơ bản cần chuẩn bị trước khi khởi nghiệp

Mỗi người sẽ có cho mình một hướng đi riêng trên con đường khởi nghiệp. Thế nhưng để có một khởi đầu triển vọng, bạn nên chuẩn bị những “hành trang” cơ bản sau đây cho doanh nghiệp mình sắp xây dựng. Hãy cùng xem đó là những yếu tố nào nhé!

2.1. Năng lực sáng tạo, tìm kiếm ý tưởng

Để sản phẩm, dịch vụ của bạn trở nên nổi bật trên thị trường, bạn cần phải có sự sáng tạo và không ngừng tìm tòi những ý tưởng mới mẻ. Mặt hàng bạn bán ra không chỉ cần thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng mà phải có sự khác biệt nhất định so với đối thủ. Ngay cả khi sản phẩm của bạn “sinh sau đẻ muộn”, thì nhờ vào sự sáng tạo khách hàng cũng sẽ nhớ tới doanh nghiệp của bạn khi trông thấy mặt hàng, dịch vụ mà bạn cung cấp.

Sự sáng tạo giúp bạn có cái nhìn bao quan toàn bộ những gì diễn ra trên thị trường hiện nay, từ đó thấu hiểu được những nhu cầu chưa được đáp ứng của khách hàng, sau cùng là đưa ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh sao cho vừa phù hợp, vừa mang tính đột phá, vừa tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Hình minh họa – Nguồn: Yandex

Thị trường là mảnh đất màu mỡ với vô vàn doanh nghiệp, hình thức, ngành nghề kinh doanh. Tạo nên sự khác biệt trong sản phẩm, dịch vụ bạn cung cấp cũng chính là điểm tựa quan trọng để bạn đứng vững trên thị trường ngày ngày vẫn đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt ấy.

2.2. Nguồn vốn khởi nghiệp

Bên cạnh sự sáng tạo không ngừng, thì nguồn vốn là một yếu tố khác vô cùng quan trọng trên con đường khởi nghiệp thành công. Nếu doanh nghiệp của bạn là một cái cái cây thì vốn là nguồn dinh dưỡng nuôi sống và phát triển nó. Mọi ý tưởng dù có tiềm năng và khả thi đến đâu đều không thể thực hiện được nếu như không có vốn. Nguồn vốn có thể đến bằng nhiều cách khác nhau, do bạn tự tích lũy, kêu gọi, vay ngân hàng,… Đây được coi là yếu tố đòn bẩy cho sự thành công sau này của tất cả những doanh nghiệp đã và đang khởi nghiệp.

2.3. Kiến thức nền tảng và kiến thức chuyên môn về khởi nghiệp

Kiến thức là hành trang quan trọng cho bất cứ ý tưởng nào bạn muốn thực hiện. Đặc biệt khi làm chủ một doanh nghiệp, bạn buộc phải sở hữu lượng kiến thức cơ bản đồng thời không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn về lĩnh vực bạn khởi nghiệp.

Cho dù sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp là gì, thì việc tìm hiểu kỹ càng về kiến thức xung quanh mặt hàng đó cũng vô cùng cần thiết để có thể đảm bảo cho doanh nghiệp tránh được những rủi ro không đáng có. Chẳng hạn bạn làm về sản phẩm thời trang thì bạn phải am hiểu về các loại vải và hình thức may đo, gia công.

Hình minh họa – Nguồn: Yandex

Hiểu biết về các kiến thức cơ bản lẫn kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực mình khởi nghiệp và nhiều khía cạnh khác của doanh nghiệp như sản phẩm, thị trường, nguồn nhân lực, công nghệ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp,… là một nền tảng vững chắc để bạn tránh khỏi sự thất bại vì thiếu kiến thức và những sự cố ngoài ý muốn xảy đến. Mặt khác, khi đã có kiến thức, bạn cũng sẽ không quá khó khăn để đưa ra nhiều ý tưởng khởi nghiệp tuyệt vời, sát với thực tế!

2.4. Sự nỗ lực và kiên trì

Khởi nghiệp không dễ và cũng chưa bao giờ dễ, không phải ai khi mới bắt đầu khởi nghiệp cũng có được thành công. Thậm chí tỷ lệ thất bại còn chiếm đa số. Thế nhưng tại sao hiện nay ngày càng có nhiều người vẫn không ngừng khởi nghiệp? Khởi nghiệp làm gì mà lại có sức hấp dẫn đến như vậy? Đó chỉ có thể là nhờ sự kiên trì và nỗ lực của con người.

Thực tế đã chứng minh rằng những doanh nhân thành công chúng ta vẫn thường hâm mộ đều là những người có tinh thần quyết tâm cao hơn hẳn so với những người bình thường ngay cả khi tưởng như họ không bao giờ bị thất bại. Suy nghĩ đó là hoàn toàn sai lầm.

Thất bại không phải là sự chấm dứt hoạt động mà để chúng ta nhận ra vấn đề thực sự nằm ở đâu, đưa ra giải pháp nhằm vượt qua trở ngại đang cản bước. Đây cũng có thể cho là một dạng của sự đam mê, đi kèm với tính kiên trì sẽ khiến chúng ta đứng lên nhanh chóng sau những thất bại.

3. Kết Luận

Khởi nghiệp là một chặng đường dài với nhiều thử thách và khó khăn, thế nhưng khi đến đích bạn sẽ được tận hưởng những “trái chín” mà bạn đã gieo trồng trên đoạn đường ấy. Lão Tử có câu “Đường đi ngàn dặm, bắt đầu từ bước đầu tiên”, 4 yếu tố cơ bản trên sẽ là đòn bẩy giúp bạn thành công khi quyết định khởi nghiệp.

Hãy chọn cho mình một động lực đủ lớn, hình thành cho mình những thói quen tốt và giữ vững các cam kết hành động và kỷ luật bản thân cho đến khi có kết quả thực sự!

Vậy là chúng ta đã cùng nhau đi tìm hiểu “Khởi nghiệp là gì? Hành trang cần chuẩn bị trước khi khởi nghiệp”. Mong rằng bài viết trên có thể giúp ích bạn trên con đường làm chủ một doanh nghiệp của riêng bạn. Chúc bạn thành công với những ý tưởng sáng tạo của mình!

ĐỌC THÊM:

KINH DOANH ONLINE: 5 YẾU TỐ ĐỂ KHỞI NGHIỆP THÀNH CÔNG

BÁN HÀNG ONLINE: 5 SAI LẦM THƯỜNG GẶP KHI KHỞI NGHIỆP KINH DOANH TRÊN WEBSITE THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Sinh viên thực hiện: Trần Thúy Hiền

Mã sinh viên: 20050086

Lớp: QH-2020-E KTQT CLC 1

Mã lớp học phần: INE3104 5