Kinh tế thế giới trong cuộc chiến tranh Nga – Ucraine năm 2022

Đối đầu giữa Nga - Ukraine - ảnh hưởng kinh tế thế giới

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã tác động mạnh đến cục diện chính trị thế giới và thay đổi một cách cơ bản trật tự an ninh châu Âu trong 3 thập kỷ qua, sau khi Liên Xô sụp đổ. Quan trọng không kém là một loạt biện pháp cấm vận cùng lúc trong nhiều lĩnh vực và chặt chẽ nhất từ trước tới nay mà Mỹ, châu Âu và một số nước khác đã ban hành để trừng phạt Nga. Các sự kiện này đã gây xáo trộn lớn trên thị trường tài chính, dầu khí và ngũ cốc thế giới; làm tăng lạm phát và giảm tăng trưởng kinh tế thế giới.

Chiến tranh Nga - Ukraine - Kinh tế thế giới
Nga và Ukraine

 

1. Các trừng phạt tài chính và tác động tới kinh tế thế giới

Mức độ nghiêm trọng của tác động kinh tế do cuộc chiến Nga – Ukraine gây ra tùy thuộc vào khoảng thời gian và cường độ chiến tranh cũng như việc áp dụng chặt chẽ và lâu dài các biện pháp cấm vận. Cho tới nay, các biện pháp cấm vận của phương Tây nhằm cấm giao dịch với một số ngân hàng Nga, kể cả ngân hàng trung ương, cấm tiếp cận với hệ thống tài chính Mỹ, Anh, EU và loại Nga khỏi hệ thống thông tin giữa các ngân hàng (SWIFT)

Hiện nay quan trọng là biện pháp cấm giao dịch với các ngân hàng lớn của Nga, kể cả ngân hàng trung ương. Nó sẽ gây trở ngại rất lớn trong việc chi trả thanh toán các dịch vụ buôn bán và đầu tư giữa Nga và các nước trên thế giới. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp đã tránh giao dịch với đối tác Nga vì sợ liên lụy và dân chúng nhiều nước phương Tây tự động tẩy chay hàng Nga. Các sự kiện này góp phần làm giảm mức cung hàng hóa Nga cho thị trường thế giới.

Chiến tranh và cấm vận đã lập tức có tác động mạnh lên thị trường tài chính và kinh tế Nga và thế giới. Giá chứng khoán Nga lập tức giảm khoảng 50-90% làm thị trường chứng khoán đóng cửa liên tục nhiều ngày, đồng rúp mất giá rất mạnh so với đô la Mỹ; Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất cơ bản lên 20% và GDP Nga được tiên đoán sẽ giảm 7% (hay hơn nữa) và lạm phát tăng trên 20% trong năm nay.

Nếu cấm vận kéo dài, kinh tế Nga sẽ bị kiệt quệ, không thể phát triển và hiện đại hóa các ngành công nghiệp. Tuy GDP Nga chỉ bằng 1,5% nền kinh tế toàn cầu, Nga chiếm thị phần khá lớn trong thị trường một số mặt hàng quan trọng như dầu khí, ngũ cốc và vài khoáng sản chiến lược nên chiến tranh và cấm vận đã tạo ra sự khan hiếm và đẩy cao giá các mặt hàng này – qua đó tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới.

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia Anh (NIESR), cuộc chiến này sẽ làm GDP toàn cầu giảm ít nhất 1%, và tăng lạm phát thêm 3% trong năm nay. Nếu phương Tây cấm vận toàn bộ việc xuất khẩu dầu khí của Nga, tác động tiêu cực sẽ còn lớn hơn nhiều. Nói chung, kinh tế thế giới sẽ rơi vào tình trạng giảm phát, gây khó khăn cho việc kinh doanh của các doanh nghiệp.

2. Thị trường dầu khí 

Nhiều vấn đề khó khăn sẽ xảy ra nếu Mỹ, châu Âu cấm vận các doanh nghiệp dầu khí của Nga.

Nga sản xuất 11,3 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó có 10 triệu thùng dầu thô; đứng thứ ba trên thế giới sau Mỹ (17,6 triệu thùng/ngày) và Ảrập Saudi (12 triệu thùng/ngày).

Tuy nhiên, Nga xuất khẩu khoảng 7,8 triệu thùng/ngày, trong đó có khoảng 5 triệu thùng là dầu thô, đứng đầu thế giới. Nga cũng sản xuất 638 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm, đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ; và xuất khẩu khoảng 200 tỉ mét khối.

 

Chiến tranh Nga - Ukraine - Kinh tế thế giới
Giá dầu leo thang vì chiến sự Nga – Ukraine

Trước khi Nga tấn công Ukraine, thị trường dầu và khí thế giới đã mất cân bằng vì mức cầu tăng khi kinh tế bắt đầu hồi phục, trong khi OPEC chậm trễ trong việc tăng sản xuất để đảo ngược quyết định cắt định mức sản lượng 10 triệu thùng/ngày trong năm 2020 khi dịch Covid-19 đang hoành hành.

Dự báo OPEC sẽ sản xuất dưới 30 triệu thùng/ngày trong năm nay, thấp hơn sản lượng trong những năm trước Covid-19. Khi lượng xuất khẩu dầu từ Nga bị cắt giảm giá dầu đã nhảy vọt.

Nếu phương Tây trực tiếp cấm vận toàn bộ dầu khí Nga thì thị trường thế giới sẽ giảm cung khoảng 5 triệu thùng/ngày từ Nga, tương đương với 5% tổng cầu toàn thế giới như hiện nay.

nếu chiến sự không lan qua các nước thành viên NATO ở chung quanh Nga thì đến cuối năm nay mức cầu sẽ giảm vì kinh tế suy thoái, mức cung sẽ tăng vì giá dầu cao; như thế sẽ vãn hồi sự cân bằng cung – cầu trên thị trường thế giới và giá dầu sẽ giảm trở lại.

Trong tình hình hiện nay, rất khó có thể bù đắp sự thiếu hụt này. OPEC hiện có năng suất dư thừa khoảng 4 triệu thùng/ngày, tập trung ở Ảrập Saudi và một phần ở UAE.

Tuy nhiên hai nước Trung Đông này (là đầu tàu của OPEC) chỉ sử dụng năng suất dư thừa của mình khi tình hình rất căng thẳng trên thị trường dầu và chưa bao giờ dùng hết năng suất dư thừa đó.

Hơn nữa hai nước này cũng không muốn tăng sản lượng dầu thô nhanh và nhiều như Mỹ và châu Âu yêu cầu vì không muốn tỏ thái độ bất thân thiện với Nga.

Iran cũng có khả năng tăng xuất khẩu khoảng 500.000 thùng/ngày nếu hiệp ước dừng phát triển vũ khí hạt nhân được thỏa thuận – nhưng điều này không có gì chắc chắn.

Mỹ sản xuất 11,5 triệu thùng dầu thôi/ngày và có thể tăng sản lượng, nhưng phải đến năm 2023 mới lên mức 12,6 triệu thùng/ngày.

Trước mắt, vì mức cầu trong nước tăng nên Mỹ sẽ tiếp tục nhập ròng dầu thô, khoảng 4 triệu thùng/ngày; trong khi xuất ròng sản phẩm dầu cũng khoảng 4 triệu thùng/ngày nên không giúp được gì nhiều trong tình trạng mất cân bằng trên nền kinh tế thế giới.

3. Thị trường ngũ cốc, nông phẩm

Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, Ukraine đứng thứ 5 – hai nước cộng lại cung cấp hơn 30% cho thị trường lúa mì thế giới. Chiến tranh và cấm vận đã làm giá lúa mì tăng 50% trong tháng qua và đẩy giá các loại ngũ cốc và nông phẩm khác lên theo.

Nếu tình hình chiến sự ở Ukraine kéo dài, mức cung lúa mì cho thị trường thế giới có thể giảm 30%, tạo ra khủng hoảng lương thực, giá nông phẩm tăng cao thêm và nạn đói ở một số vùng.

 

4. Thị trường một số khoáng sản chiến lược

Nga chiếm 49% thị trường xuất khẩu nickel (dùng chế tạo các loại bình điện cho ô tô) trên thế giới; 42% thị trường xuất khẩu palladium (dùng để chế tạo linh kiện chuyển đổi xúc tác analytic converter dùng trong ô tô) và 26% thị trường nhôm.

Ngoài ra Ukraine chiếm 70% thị trường xuất khẩu khí neon (cần thiết trong tiến trình chế tạo linh kiện bán dẫn – semiconductors).

Trong thời gian qua, giá các loại khoáng sản này tăng hơn 30-50% do tình trạng thiếu hụt trên thị trường. Nếu kéo dài, sự thiếu hụt này sẽ làm chậm trễ dây chuyền sản xuất linh kiện bán dẫn, ảnh hưởng đến việc sản xuất hàng loạt các loại máy móc và hàng tiêu dùng cần chip điện tử.

Ngoài ra Mỹ cũng đã cấm bán chip bán dẫn cho Nga và cảnh báo doanh nghiệp các nước khác, nhất là Trung Quốc, không được phá cấm vận bằng cách gián tiếp cung cấp chip cho Nga. Đây là vấn đề có thể tạo thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như kinh tế thế giới.

 

Kết luận

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine và biện pháp cấm vận của phương Tây đã gây ra thiếu hụt và nâng giá nhiều loại hàng như dầu khí, ngũ cốc và một số khoáng sản chiến lược.

Ngoài ra, việc giao dịch với các doanh nghiệp Nga – hoặc trực tiếp bị cấm vận hoặc gián tiếp vì khó khăn trong việc chi trả thanh toán – sẽ trở nên phức tạp và tốn kém hơn nhiều.

Tình trạng này sẽ gây thiếu hụt, chậm trễ và tăng chi phí trong dây chuyền sản xuất nhiều ngành công nghiệp. Nói chung, kinh tế sẽ bị đình trệ, lạm phát tăng cao, gây ra tình trạng giảm phát làm môi trường kinh doanh thêm khó khăn cho các doanh nghiệp.

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề khủng hoảng kinh tế thế giới dưới đây:

5 diễn biến nổi bật của kinh tế thế giới năm 2022

4 hậu quả nặng nề của xung đột Nga – Ucraine

 

Sinh viên thực hiện: Nguyễn Việt Hoàng

MSV: 20050091

Lớp: QH-2020-E KTQT CLC 2

Mã học phần: INE 3104 4