Just-in-time (JIT) là gì? UNIQLO đã áp dụng JIT để tối ưu hoá việc quản lý hàng hoá như nào? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu hết tất cả những bí mật đằng sau sự thành công trong công tác quản trị tồn kho trong bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
1. Tổng quan về UNIQLO
Uniqlo – công ty con của công ty trách nhiệm hữu hạn Fast Retailing, là một công ty thiết kế, may mặc và bán lẻ trang phục thường ngày của Nhật Bản được sáng lập bởi Tadashi Yanai vào năm 1984 tại Fukuro-machi, Naka-ku, Hiroshima.
Tiền thân của Uniqlo là một cửa hàng quần áo nhỏ tên là “Ogori Shoji” tại thành phố Ube, thuộc tỉnh Yamaguchi, sau đó phát triển thành Công ty TNHH Ogori Shoji vào mùa xuân năm 1963. Năm 1972, Tadashi Yanai đã thừa kế chuỗi cửa hàng may mặc nam của cha mình. Vào năm 1984, ông đã mở một cửa hàng mới mang tên Unique Clothing Warehouse, sau này được rút ngắn thành Uniqlo. Vào năm 1994, Uniqlo đã chính thức niêm yết lên sàn chứng khoán Hiroshima. Vào thời điểm lên sàn, Uniqlo đã có chuỗi 100 cửa hàng trên khắp Nhật Bản.
Với chiến lược mở rộng ra các nước phương Tây, Uniqlo tập trung phát triển các sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình. Uniqlo đã đổi mới logo thương hiệu để dễ dàng nhận biết hơn và phù hợp với đối tượng khách hàng trẻ hơn.
Thành công vang dội lên đến hơn 500 cửa hàng nội địa tại Nhật Bản, năm 2001, Uniqlo tiến hành quá trình mở rộng thị trường ra nước ngoài, bắt đầu là cửa hàng tại London; tiếp đến là tại Thượng Hải, Trung Quốc,… Đến tháng 2/2021, Uniqlo đã sở hữu 2.280 cửa hàng trên toàn thế giới.
Uniqlo không có cơ sở sản xuất riêng nhưng có mối quan hệ đối tác với các xưởng sản xuất trên toàn thế giới. Hiện tại, xưởng thiết kế của Uniqlo vẫn được đặt tại Nhật Bản, New York, Paris,…Để tận dụng được tất cả những lợi thế từ các đối tác vào hoạt động quản trị kinh doanh, cụ thể là quản trị tồn kho, Just – in – time chính là sự lựa chọn sáng suốt được UNIQLO thành công áp dụng.
2. Just-in-time là gì?
Khái niệm Just-in-time:
Hệ thống sản xuất tức thời (Just-in-time/JIT), là một chiến lược quản lý sắp xếp các đơn hàng nguyên liệu thô từ các nhà cung cấp một cách trực tiếp với lịch trình sản xuất. Các công ty sử dụng chiến lược sản xuất này để gia tăng hiệu quả quản lý hàng hoá và giảm sự lãng phí bằng cách chỉ nhận hàng khi họ cần chúng cho quá trình sản xuất, giúp giảm chi phí tồn kho.
Lợi ích của chiến lược quản trị hàng tồn kho Just – in – time:
Giảm lãng phí: Mô hình JIT loại bỏ việc đặt hàng quá mức và dư thừa
- Giảm hàng tồn kho lỗi thời
- Các mặt hàng tồn kho bị lỗi dễ xác định và sửa chữa hơn khi mức sản xuất thấp, giúp giảm chi phí phế liệu
Cải thiện hiệu quả: JIT loại bỏ các chi phí đi kèm với nguyên liệu thô bổ sung, hàng tồn kho không cần thiết và lưu trữ sản phẩm
- Tăng tỷ lệquay vòng hàng tồn kho
- Hạn chế hàng tồn kho ở mức tối thiểu
- Giảm thiểu nguyên liệu thô tồn kho nhờ việc nhận giao hàng với số lượng nhỏ nhất có thể và nhiều lần mỗi ngày
- Nguồn cung ứng địa phương ở gần cơ sở sản xuất của công ty, đảm bảo việc giao hàng kịp thời, đúng hạn
Năng suất cao hơn: JIT nâng cao năng suất bằng cách giảm thời gian và nguồn lực tham gia vào các quy trình sản xuất.
- Quay vòng sản phẩm nhanh hơn
- Thời gian sản xuất ngắn hơn
- Đơn giản hóa việc thay đổi đơn đặt hàng
Quy trình sản xuất mượt mà hơn: JIT có thể loại bỏ tắc nghẽn và sự chậm trễ trong toàn bộ quy trình sản xuất.
- Chu kỳ sản xuất ngắn hơn
- Giảm lỗi sản phẩm
- Thời gian sản xuất ngắn hơn
Chi phí thấp hơn: Nhận hàng trên cơ sở khi cần thiết sẽ giảm chi phí hàng tồn kho.
- Giảm vốn lưu động
- Chi phí lưu trữ thấp hơn
- Đầu tư tiền mặt thấp hơn
- Giảm chi tiêu lớn cho nguyên liệu thô
- Giảm chi phí lao động
Cải thiện chất lượng: Lực lượng lao động linh hoạt có thể tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm chất lượng với tỷ lệ lỗi thấp hơn. Kết quả tốt hơn làm tăng sự hài lòng của khách hàng và giảm chi phí tiền mặt cho sản xuất.
- Giảm hàng hóa dở dang
- Ít hư hỏng hơn
- Đảm bảo chất lượng
Điều kiện áp dụng Just in Time
Chiến lược Just In Time thể hiện hiệu suất cao nhất khi được áp dụng trong các doanh nghiệp sản xuất có tính chất lặp lại. Mô hình Just in Time mang những đặc điểm quan trọng sau:
- Thực hiện sản xuất với các lô hàng nhỏ, duy trì quy mô sản xuất ổn định. Tiếp nhận vật liệu nguyên liệu trong suốt quá trình sản xuất làm cho quy trình hoạt động hiệu quả hơn so với việc sản xuất lô hàng lớn và để tồn kho, gây lãng phí vốn. Hơn nữa, việc này giúp kiểm soát chất lượng dễ dàng hơn và giảm thiệt hại do sai sót.
- Quy trình sản xuất và phân phối được xây dựng một cách chi tiết để đảm bảo rằng mỗi công đoạn tiếp theo có thể bắt đầu ngay sau khi công đoạn trước kết thúc. Không có sự chờ đợi từ lao động hoặc thiết bị nào đối với sản phẩm đầu vào.
- Mỗi công đoạn chỉ sản xuất một lượng sản phẩm/bán thành phẩm bằng đúng lượng cần thiết cho công đoạn tiếp theo. Người lao động tại công đoạn tiếp theo trở thành khách hàng của công đoạn trước đó.
- Các công nhân có trách nhiệm kiểm tra và nghiệm thu sản phẩm trước khi bắt đầu công việc của họ. Sản phẩm không đạt yêu cầu sẽ được loại bỏ khỏi dây chuyền và thông báo để điều chỉnh kế hoạch kịp thời.
- Áp dụng mô hình Just in Time đòi hỏi sự hợp tác mạnh mẽ giữa nhà sản xuất và nhà cung cấp. Việc tăng cường hợp tác với các công ty đối tác xã hội là chìa khóa để nâng cao hiệu quả lao động.
- Để đạt được sự thành công với Just in Time, doanh nghiệp cần tích hợp đồng bộ nhiều biện pháp, bao gồm việc triển khai dây chuyền sản xuất theo quy trình (thay vì theo từng bộ phận chuyên môn để giảm thiểu chi phí vận chuyển), khả năng tự kiểm lỗi (kiểm tra và nghiệm thu sản phẩm ngay sau công đoạn trước), và bình chuẩn hóa (phân phối công việc đồng đều qua các ngày, tránh tình trạng quá tải hoặc thiếu việc)
3. Chiến lược quản trị hàng tồn kho JIT của UNIQLO.
Dưới đây là 3 đặc điểm quan trọng trong Mô hình sản xuất tức thời JIT của UNIQLO.
Áp dụng tiến bộ khoa học – kĩ thuật.
Để áp dụng mô hình tồn kho JIT, Uniqlo phải quản lý doanh số bán hàng và xu hướng hàng tuần, sau đó đặt hàng đúng số lượng vật liệu may mặc, từ đó giúp giảm lượng hàng tồn kho.
Thông tin được tích hợp cùng thẻ RFID cũng là cơ sở để cho nhân viên công ty dự đoán và xác định mức cung ứng trong tương lai.
Tại cửa hàng, nhân viên được cung cấp một thiết bị cầm tay có tên Casio IT 300 nhằm cung cấp thông tin theo thời gian thực về kiểm tra hàng tồn kho và tạo điều kiện truy cập thông tin như mô tả sản phẩm, thông tin giá cả, trả lại, giao hàng và dữ liệu bán hàng hàng ngày (RT Insights).
Bộ phận kiểm soát hàng tồn kho duy trì mức tồn kho tối ưu của cửa hàng bằng cách theo dõi doanh số bán hàng và hàng tồn kho hàng tuần. Công ty cũng cho hiển thị các sản phẩm mới mỗi tuần. Nhóm nhân viên sẽ theo dõi những con số đó và điều phối hàng tồn kho để đáp ứng các đơn đặt hàng và duy trì mức tồn kho phù hợp. Vào cuối mỗi mùa, những người bán hàng và bộ phận tiếp thị điều phối các chương trình khuyến mãi và giúp giảm lượng hàng tồn kho còn lại.
Theo Huayuan RFID, Uniqlo đã gắn thẻ RFID vào tất cả các sản phẩm và kết hợp với thiết bị xử lý vật liệu tự động. Sau khi áp dụng phương pháp này, hiệu quả sản xuất của Uniqlo đã tăng 80 lần, năng suất vận chuyển tăng 19 lần, hiệu quả lưu trữ tăng 3 lần và độ chính xác của thiết bị phát hiện tự động RFID là 100 %. Ngoài ra, theo Fast Retailing 2023, Uniqlo phải chi ít tiền hơn cho việc lưu trữ hàng hóa tại các kho phân phối của mình vì hiếm khi thừa đơn đặt hàng.
Nhờ những nỗ lực trên, trong lễ hội mua sắm online Double 11 năm 2018, Uniqlo đã đạt doanh số 1 tỷ USD trong một phút. Và dựa vào hệ thống quản lý tồn kho tự động xuất sắc của mình, Uniqlo cho phép khách hàng nhận hàng tại các cửa hàng ngoại tuyến trong vòng 24 giờ. (Nguồn: Chinainternetwatch.com 2018).
Để vận hành mô hình tồn kho JIT, Uniqlo cần tập trung vào việc đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất. Năm 2018, Fast Retailing đã hợp tác với Daifuku, một công ty hậu cần và cũng là nhà cung cấp hệ thống xử lý vật liệu cũng như chi khoảng 100 tỷ yên để tự động hóa các kho hàng hiện tại. Bằng cách hợp tác với Daifuku, 90% lao động của Uniqlo đã được cắt giảm trong nhà kho, cho phép Uniqlo hoạt động 24 giờ/ngày (Reuters 2018).
Ngoài ra, Fast Retailing Group còn hợp tác với Mujin, một công ty khởi nghiệp công nghệ Nhật Bản chuyên phát triển robot, để thiết kế những con robot hai tay với tầm nhìn 3D có khả năng làm những việc như gấp áo phông và dùng tay hút để nhặt đồ bọc nhựa, quần áo mà trước đây chỉ con người mới có thể làm được (Abrahams 2019).Hệ thống tự động mới nhằm mục đích giao hàng kịp thời và giảm thiểu chi phí lưu kho (Doyle 2018). Với hệ thống robot, nhân viên chỉ cần thực hiện một lượng nhỏ công việc (Bain 2018).
Nhờ duy trì hoạt động theo mô hình quản trị này, số ngày luân chuyển hàng tồn kho trung bình của Uniqlo tại Nhật Bản là 83,72 ngày, nhanh hơn ít nhất một nửa so với các công ty dịch vụ trong nước (oIBP Intelligent Supply Chain Forecasting and Decision-Making Platform). Sự đầu tư để tăng tốc độ sản xuất này cũng giúp cho công ty ứng biến nhanh hơn với sự thay đổi của nhu cầu thị trường, giảm rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng.
70% quần áo là mẫu cơ bản.
Một trong những đặc điểm chỉ có tại Uniqlo, chính là quần áo đều được thiết kế hướng tới sự khả dụng cao trong cuộc sống thường ngày. Vì vậy, một mô hình phát triển sản phẩm hoàn toàn khác được áp dụng và các mẫu cơ bản có thể được mặc bởi mọi lứa tuổi và giới tính được giới thiệu và phát triển chuyên sâu.
Cách tiếp cận đặc biệt này giúp giảm và áp lực hàng tồn kho. SKU (đơn vị lưu kho) của Uniqlo được duy trì ở mức khoảng 1.000 mẫu trong suốt cả năm, trong khi các công ty may mặc thông thường địa phương về cơ bản ở mức 2.000-5.000 mẫu. Mặc dù không có nhiều SKU, Uniqlo đã tiến hành phát triển chuyên sâu từng loại. Một sản phẩm thường được chia thành cổ tròn và cổ chữ V. Nó bao gồm cho đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt về màu sắc, mỗi SKU có đến bốn, năm loại màu sắc (oIBP Intelligent Supply Chain Forecasting and Decision-Making Platform).
Hợp tác với các đối tác.
Tính đến 1/3/2023, Uniqlo hợp tác với tất cả 162 nhà cung cấp vải, 432 nhà máy may, 126 nhà máy gia công trên khắp thế giới (fastretailing.com). Trong đó, phần lớn các đối tác của công ty đến từ Trung Quốc: 67/162 nhà cung cấp vải; 247/432 nhà máy may; 79/126 nhà máy gia công. Một số đối tác nổi bật có thể kể đến chính là: Toray Industries INC (cung cấp vải); Green textile limited (nhà máy may); Kenpark Bangladesh Apparel (Private) Ltd. (nhà máy gia công).
Để bắt đầu, kế hoạch chiến lược của Uniqlo được xác định bằng cách xem xét các nhà cung cấp có chất liệu chất lượng cao giúp Uniqlo khác biệt với các đối thủ cạnh tranh khác. Ví dụ, Uniqlo hợp tác với một đối tác tên là TORAY, một trong những nhà sản xuất dệt may nổi tiếng của Nhật Bản để phát triển chất liệu cốt lõi của họ bằng cách sử dụng công nghệ HEATTECH hoặc Silky Dry(Businesslogistics 2017).
Theo Sarah & Dorothee (2014), mối liên kết giữa Uniqlo và các nhà cung cấp dài hạn của họ là một chiến lược và lòng tin – dựa trên mối quan hệ cho phép công ty có những cam kết chặt chẽ với các nhà cung cấp. Chẳng hạn, Sarah & Dorothee đã báo cáo rằng Uniqlo sẽ gửi lời xin lỗi và thậm chí bồi thường cho các nhà cung cấp của mình nếu có bất kỳ tình huống không mong muốn nào xảy ra, chẳng hạn như bỏ lỡ thời gian giao hàng hoặc sản xuất bị mất (Sarah, L & Dorothee, B, 2014, trang 28).
Các đối tác của Uniqlo có mặt ở hầu hết mọi châu lục. Chính điều này không chỉ giúp giảm chi phí quản lý kho của Uniqlo mà còn giảm thiểu khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng đến các cửa hàng của công ty.
Lời kết
Qua bài viết này, chúng ta đã hiểu rõ hơn về cách Just-in-time không chỉ là một chiến lược quản trị hàng tồn kho mà còn là một “bí mật” quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì sự linh hoạt và hiệu quả trong môi trường kinh doanh ngày nay.
Uniqlo là một ví dụ điển hình cho việc hiểu rõ và áp dụng chiến lược Just-in-Time trong quản trị hàng tồn kho. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa hiệu suất sản xuất mà còn mang lại lợi ích lớn về mặt chi phí và linh hoạt. Bằng cách linh hoạt quản lý hàng tồn kho, Uniqlo đã có thể đáp ứng nhanh chóng sự biến động của thị trường và nhu cầu của khách hàng, từ đó vượt mặt nhiều đối thủ nặng ký khác và dần khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường quốc tế.
Những nội dung liên quan:
Mô hình Just In Time: Vai trò, Ứng dụng và Quy trình triển khai
Toyota và “Bí quyết thành công” nhờ Just in time
E-logistics tại Việt Nam: Cơ hội & thách thức trong năm 2024
Sinh viên thực hiện: Phạm Quỳnh Anh
MSV: 21050779
Lớp: QH 2021 E KTQT CLC2
Mã học phần: INE3104_9
Pingback: E-logistics tại Việt Nam: Cơ hội & thách thức trong năm 2024