TOYOTA VÀ “BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG” NHỜ JUST IN TIME

Mặc dù là hãng xe ra đời sau trong ngành công nghiệp ô tô những Toyota vẫn khiến cho nhiều ông lớn trong ngành công nghiệp này phải dè chừng. Một trong những nguyên tắc đã giúp hãng xe này trở thành đế chế ô tô hàng đầu thế giới là Just in time.

Vậy Just in time là gì? Toyota đã vận dụng Just in time vào trong hoạt động sản xuất như thế nào? Hãy cùng khám phá “Bí quyết thành công của Toyota” trong bài viết này nhé.

Just in time là gì?

“Just in time” trong tiếng Việt là “Hệ thống sản xuất tức thời” viết tắt là JIT, thực chất là một triết lí quản lý rộng nhằm loại bỏ lãng phí và cải thiện chất lượng trong tất cả các quy trình kinh doanh. Theo cách ngắn gọn nhất, Just in time được hiểu là: “Đúng sản phẩm – Đúng số lượng – Đúng nơi – Đúng thời điểm cần thiết”.

Mô hình Just in time
Mô hình Just in time

Trong Just in time, những quá trình không tạo ra giá trị gia tăng trong sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ sẽ bị loại bỏ, hệ thống sẽ chỉ sản xuất ra cái mà khách hàng mong muốn.

Khi một quy trình được vận hành theo cách Just in time, nguyên vật liệu, hàng hóa và các sản phẩm phục vụ cho quá trình sản xuất sẽ được lên kế hoạch chi tiết theo từng bước sao cho cho khâu sau có thể được thực hiện ngay sau khi khâu trước kết thúc. Từ đó sẽ không còn khâu nào trong quá trình sản xuất bị rơi vào trạng thái chờ và hàng hoá sẽ được sản xuất và giao hàng đúng lúc để bán.

Đọc thêm: Just in time là gì? 

Mục tiêu của Just in time.

Mục đích cốt lõi của Just in time là đảm bảo cân bằng trong hệ thống sản xuất, tức là đảm bảo dòng hàng hoá được luân chuyển liên tục, sản xuất diễn ra đều đặn trong toàn hệ thống. Rút ngắn thời gian thực hiện và sử dụng hiệu quả nguồn lực là cách giúp Just in time đạt được 3 mục tiêu chính:

Mục tiêu của Just in time
Mục tiêu của Just in time
  • Loại bỏ sự gián đoạn: Sự gián đoạn có tác động tiêu cực tới hệ thống làm việc đều đặn vì thế nó cần được loại bỏ. Thông thường sự gián đoạn chủ yếu là do các yếu tố như hư hỏng thiết bị hoặc cung ứng chậm trễ,…
  • Làm cho hệ thống linh hoạt hơn: Sự linh hoạt trong sản xuất là khả năng đáp ứng của hệ thống đối với các sự thay đổi. Sự linh hoạt của hệ thống giúp tăng khả năng sản suất và đảm bảo sự cân đối của nguồn lực.
  • Loại bỏ sự lãng phí: Khi nguồn lực không được sử dụng hiệu quả sẽ gây ra lãng phí và nó cần được loại bỏ.

Bí quyết thành công của Toyota nhờ JIT

Gốc rễ tạo nên sự lớn mạnh của Toyota ngày hôm nay mà ngay cả đối thủ của họ cũng không hiểu là Toyota đã biến những công việc cần làm thành “Chuỗi những công việc đan xen nhau”.

Just in time in Toyota
Just in time in Toyota

Với việc áp dụng mô hình Just in time, toàn bộ quy trình quản lý từ sản xuất đến phân phối xe của Toyota sẽ không có hiện tượng xe tồn kho, nguyên vật liệu tồn kho, xe được sản xuất theo đơn đặt hàng và được giao đúng giờ tại đúng địa điểm cho khách.

Để tránh tình trạng sản xuất thừa, hãng xe đã sử dụng “Hệ thống kéo”, tức là cung cấp thêm hàng hoá dựa theo nhu cầu của khách hàng thay vì theo một hệ thống hay lịch trình có sẵn từ trước. Hay nói cách khác là hệ thống linh hoạt theo nhu cầu khách hàng.

Trong dây chuyền của Toyota để thực hiện đơn hàng cần tuân thủ những quy tắc sau:

  • Khi nhận được một đơn hàng mới, các thông tin về hướng dẫn sản xuất phải được ban hành cho đầu dây chuyền sản xuất càng sớm càng tốt.
  • Các bộ phận cần phải được dự trữ cần thiết để có thể lắp ráp bất kỳ loại xe nào trong dây chuyền lắp ráp.
  • Các bộ phận được sử dụng trong quá trình lắp ráp phải cùng số lượng với quy trình trước đó.
  • Quy trình sản xuất cần phải cân đối với mức tiêu thụ. Điều này có nghĩa là quy trình trước phải được dự trữ các bộ phận và chỉ tạo ra số lượng cần cho quy trình sau đó.

JIT đã giúp Toyota có thể tạo ra một quy trình khép kín cao độ, nhanh chóng, khoa học. Các công ty vệ tinh của Toyota cần phải đúng với quy trình, giờ giấc mà hệ thống thông tin của hãng mẹ điều khiển thông qua các phiếu đặt hàng có chỉ thị rõ về giờ giấc, số lượng. Toyota luôn cố gắng đảm mức hàng tồn kho ở mức tối thiểu đủ để thay thế số lượng hàng xuất đi.

Công cụ quản lý Kanban

Công cụ quản lí Kanban
Công cụ quản lí Kanban

Để Just in time có thể diễn ra trơn tru, một vài công cụ hỗ trợ đã được ra đời  như Thẻ báo (Kanban). Kanban là hệ thống quản lí thông tin kiểm soát số lượng linh kiện trong từng quy trình sản xuất. Kanban sẽ được gắn vào mỗi hộp linh kiện khi vận chuyển qua từng công đoạn lắp ráp.

Thông tin về những việc được giao được thể hiện rõ trong từng thẻ Kanban, người công nhân có thể xác định chính xác việc họ cần làm, biết được thẻ đó có liên quan đến các bên thẻ khác hay không và hoàn thành phần việc được yêu cầu trong thẻ Kanban đó.

Kanban dựa trên phương thức sản xuất của Toyota với 4 nguyên lý:

  • Trực quan hoá công việc: Bảng Kanban bao gồm các cột tương ứng với trạng thái công việc. Mỗi công việc ở trạng thái nào sẽ được đặt với cột tương ứng.
  • Giới hạn công việc đang làm: Nguyên lý này giúp giảm thời gian mỗi công việc đi qua hệ thống Kanban và giúp cho nhóm công nhận làm việc tập trung, tránh lãng phí về thời gian và nhân lực do việc vận chuyển qua lại giữa các công việc.
  • Tập trung vào luồng làm việc: áp dụng nguyên lý giới hạn công việc và phát triển những chính sách theo nhóm để tối ưu hoá hệ thống Kanban và cải tiến luồng làm việc trơn tru hơn.
  • Cải tiến liên tục: Liên tục theo dõi chất lượng và thời gian làm sản phẩm để có cơ sở phân tích, thử nghiệm thay đổi hệ thống nhằm tăng hiệu quả hoạt động của nhóm.

Bạn có thể tham khảo thêm nội dung về Kanban Tại đây

Bài viết tham khảo: https://www.marketenterprise.vn/blog/so-luoc-ve-just-in-time-jit-va-cong-cu-quan-ly-kanban.html

Những lưu ý khi sử dụng Just In Time.

Những lưu ý khi sử dụng Just in time
Những lưu ý khi sử dụng Just in Time
  • JIT thường mang lại hiệu quả tốt nhất đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất có tính chất lặp đi lặp lại. Đặc trưng của JIT là thường áp dụng những lô hàng nhỏ quy mô sản xuất gần như nhau, và vật tư được tiếp nhận trong suốt quá trình sản xuất thay vì nhập những lô hàng lớn để rồi bị tồn kho ứ đọng vốn. JIT cũng giúp cho doanh nghiệp có thể dễ kiểm tra chất lượng, giảm thiệt hại có thể xảy ra khi có sai sót.
  • Hàng hoá được lưu hành trong quá trình sản xuất được phân phối và lập kế hoạch cụ thể chi tiết sao cho khâu tiếp theo được thực hiện sau khi khâu trước được hình thành. Mỗi khâu chỉ làm đúng một số lượng sản phẩm/ bán thành phẩm nhất định mà khâu sau đó cần tới.
  • Để không lãng phí thời gian, người quản lí hoạt động sản xuất cần kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm/ bán sản phẩm trước khi chúng được chuyển sang khâu tiếp theo. Những sản phẩm không đạt đủ tiêu chuẩn, sản phẩm lỗi, sẽ được loại bỏ và báo ngay lên hệ thống để có kế hoạch điều chỉnh kịp thời.
  • Doanh nghiệp cần lưu ý sản phầm cần được chuyển luồng theo quy trình sản xuất chứ không chuyển theo bộ phận chuyên môn để giảm thiểu chi phí vận chuyển. Công việc nên được phân bổ bình chuẩn hoá, tức là phân bổ công việc đều mỗi ngày để tránh tình trạng ngày quá nhiều, ngày qúa ít công việc.

Lời kết:

Toyota đã luôn kiên trì và không ngừng đổi mới để từng bước trở thành tập đoàn ô tô có uy tín hàng đầu thế giới. Sự thành công của đế chế ô tô này chính là thành quả của hãng khi áp dụng Just in time trong hoạt động sản xuất. Toyota cũng không ngần ngại khi chia sẻ bí quyết quản trị này với các nhà cung cấp phụ tùng từ những năm 1990. Điều này đã giúp các doanh nghiệp đạt được sự tăng trưởng lợi nhuận sau đó ngay cả trong những thời kì suy thoái.

Bạn có thể tham khảo thêm về “Walmart: Cross-docking và 5 “bí quyết” thành công trong chuỗi cung ứng” “TẠI ĐÂY”

Người thực hiện: Phạm Thị Mai Linh  – 18050501

QH-2018E KTQT CLC 4