Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng, phát triển bền vững dường như đã trở thành xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Theo đó, chuỗi cung ứng xanh chính là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế cạnh tranh, tạo lập thương hiệu thân thiện với môi trường và tiến tới sự phát triển bền vững.
Là một tập đoàn bán lẻ đồ nội thất hàng đầu trên thế giới, IKEA đã có những bước tiên phong và chuyển đổi mạnh mẽ trong xây dựng và quản lý chuỗi cung ứng xanh. Vậy chuỗi cung ứng xanh là gì và tính “xanh” trong chuỗi cung ứng của IKEA được thể hiện như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Nội dung bài viết
Chuỗi cung ứng xanh là gì?
Chuỗi cung ứng xanh (Green Supply Chain) hiểu một cách đơn giản là mô hình chuỗi cung ứng được thiết kế và vận hành nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất kinh doanh lên môi trường, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực sinh thái tự nhiên.
Về bản chất, chuỗi cung ứng xanh là sự tích hợp các tiêu chuẩn môi trường vào chuỗi cung ứng truyền thống. Quản lý chuỗi cung ứng xanh theo đó sẽ gắn liền với quản trị các mắt xích, bao gồm thiết kế xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics đầu vào và đầu ra xanh, sản xuất xanh,… Tất cả các khâu mắt xích này đều phải được “xanh hóa”, tức là phải đảm bảo thân thiện với môi trường. Chẳng hạn như thu mua xanh, được hiểu là hoạt động thu mua các sản phẩm ít hoặc không gây hại đến môi trường sống và sức khỏe con người.
Lợi ích của chuỗi cung ứng xanh
Chuỗi cung ứng xanh mang lại rất nhiều lợi ích cho môi trường, xã hội, nền kinh tế và đặc biệt là cho các doanh nghiệp.
- Đối với môi trường: Chuỗi cung ứng xanh giúp giảm lãng phí, giảm chất thải, giảm suy thoái đất… nói chung là giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, chuỗi cung ứng xanh cũng giúp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, ví dụ như nước, gỗ, và năng lượng.
- Đối với xã hội: Chuỗi cung ứng xanh giảm thiểu những tác động xấu từ chất thải công nghiệp, từ đó góp phần cải thiện chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng.
- Đối với nền kinh tế: Chuỗi cung ứng xanh giúp cải thiện quy trình sản xuất, giảm chi phí nguyên nhiên vật liệu, tạo ra lợi thế cạnh tranh và tăng tính linh hoạt của nền kinh tế.
- Đối với doanh nghiệp: Các doanh nghiệp khi vận hành chuỗi cung ứng xanh có thể tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất và hơn hết là cải thiện hiệu quả kinh doanh cũng như tăng doanh số bán hàng. Đặc biệt, chuỗi cung ứng xanh còn thể hiện trách nhiệm xã hội của mỗi doanh nghiệp, trong đó bao gồm trách nhiệm bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng và các đối tác liên quan.
Chuỗi cung ứng xanh của IKEA
Giới thiệu về IKEA
IKEA là một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Thụy Điển, chuyên về thiết kế đồ nội thất bán lắp ráp, thiết bị và phụ kiện nhà ở. Từ một cửa hàng tạp hóa nhỏ được thành lập vào năm 1943 bởi Ingvar Kamprad, IKEA đã trở thành một trong những doanh nghiệp bán lẻ lớn mạnh dẫn đầu thế giới. Tính đến tháng 7 năm 2022, IKEA đã sở hữu 472 cửa hàng hoạt động tại 64 thị trường trên toàn thế giới.
Với ý tưởng tạo ra “các dòng sản phẩm trang trí nội thất có thiết kế đẹp, hữu dụng và ở mức giá thấp để có thể phù hợp với khả năng chi trả của nhiều người”, những sản phẩm mà IKEA cung cấp hiện nay không chỉ có mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng, thiết kế hiện đại mà còn vô cùng thân thiện với môi trường.
Là một trong những công ty tiên phong trong việc xây dựng chuỗi cung ứng xanh với tầm nhìn hướng tới sự phát triển bền vững và ổn định, IKEA cam kết tất cả sản phẩm và dịch vụ được cung cấp sẽ ngày càng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về chất lượng, giá cả và “xanh”, đảm bảo sẽ đem lại nhiều lợi ích chung cho cả con người lẫn môi trường.
Chuỗi cung ứng xanh của IKEA
Các hoạt động trong chuỗi cung ứng xanh của IKEA gắn chặt với chiến lược phát triển bền vững. IKEA không ngừng nỗ lực thực hiện từng thay đổi và cải tiến để đạt được mục tiêu về kinh tế, tài chính, nhưng không vì thế mà quên đi các yếu tố về môi trường và xã hội. Sự bền vững hay cái “xanh” trong chuỗi cung ứng của IKEA được lồng ghép và bổ sung thông qua một số hoạt động dưới đây:
Sử dụng nguyên vật liệu xanh
Để đảm bảo mục tiêu của chuỗi cung ứng xanh, IKEA từ chối sử dụng những nguyên liệu có hóa chất độc hại, cũng như đưa ra các yêu cầu cho nhà cung cấp về chất lượng, dịch vụ và trách nhiệm với môi trường, xã hội.
Chẳng hạn, đối với nguồn nguyên liệu chiếm tỷ lệ lớn là gỗ, IKEA đã và đang không ngừng tăng cường tìm kiếm nguồn cung cấp gỗ đạt chứng chỉ FSC (Forest Stewardship Council), đồng thời đầu tư mạnh vào lâm nghiệp bền vững thông qua làm việc với các tổ chức như Global Forest Watch. Cụ thể, năm 2014, khoảng 40% gỗ mà IKEA sử dụng có nguồn gốc bền vững và tỷ lệ này liên tục tăng lên tới khoảng 61% vào năm 2016 và hơn 75% vào năm 2017.
IKEA đã tham gia vào một số chương trình trồng rừng nhằm mục tiêu trồng được số cây nhiều hơn số gỗ mà họ tiêu thụ và cam kết không lấy nguồn cung gỗ từ các khu rừng nhiệt đới đang suy giảm nghiêm trọng. Chính vì những nỗ lực trên, IKEA là một trong những công ty dẫn đầu Thẻ điểm Nội thất gỗ (the Wood Furniture Scorecard) do Liên đoàn Động vật hoang dã Quốc gia (National Wildlife Federation – NWF) và Hội đồng Nội thất Bền vững (Sustainable Furnishings Council – SFC) phát hành nhiều năm qua.
Song IKEA cũng đặt nhiều nỗ lực vào việc tìm kiếm các nguyên vật liệu thay thế hoặc nguyên vật liệu có khả năng tái chế trong các sản phẩm của mình để tránh làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mục tiêu mà doanh nghiệp này hướng tới trong năm 2030 là sử dụng 100% nguyên liệu có thể tái tạo và tái chế.
Sử dụng công cụ hỗ trợ xanh
IKEA đã sử dụng các công cụ hỗ trợ để thực hiện cải tiến sản phẩm theo hướng bền vững và thân thiện hơn với môi trường. Các công cụ này là cơ sở để IKEA đánh giá các hoạt động thiết kế sản phẩm.
Trong số bộ công cụ mà IKEA đã sử dụng, không thể không kể đến Bảng điểm cho sản phẩm bền vững – một sáng kiến nổi bật nhằm mục đích quản lý và nâng cao tính “xanh” của sản phẩm. Đây là công cụ hiệu quả giúp cho IKEA thực hiện thành công chiến lược cung cấp các hàng hoá bền vững với môi trường. Bảng điểm này được tính dựa trên các chỉ tiêu cơ bản về môi trường theo các cấp độ, mỗi mức điểm sẽ đánh giá được tính bền vững của sản phẩm.
Ví dụ, các sản phẩm ghi nhận số điểm trên 120 là các sản phẩm bền vững và được đánh giá cao. Nhờ công cụ này, IKEA sẽ có phương hướng xây dựng những biện pháp thích hợp để duy trì và phát triển các nhóm sản phẩm xanh, cũng như cải thiện và loại bỏ các nhóm sản phẩm tác động tiêu cực đến môi trường.
Bên cạnh Bảng điểm cho sản phẩm bền vững, IKEA còn sử dụng nhiều công cụ hỗ trợ khác. Chẳng hạn như Tài liệu hướng dẫn sử dụng vật liệu được IKEA dùng để giải thích các hoạt động bền vững của vật liệu cá nhân, hay Hội đồng đánh giá rủi ro nguyên vật liệu dùng để đánh giá tất cả các vật liệu mới tiềm năng cho sự an toàn, chất lượng và tính bền vững.
Thiết kế xanh
IKEA luôn nỗ lực tối ưu hóa thiết kế của mình nhằm tạo ra các sản phẩm nội thất bền vững và thân thiện với môi trường. Ngoài việc sử dụng các nguyên vật liệu xanh, IKEA còn cố gắng tìm kiếm cách thức để sử dụng ít nguyên liệu nhất có thể tạo ra sản phẩm mà không vi phạm các cam kết về chất lượng và độ bền. Điều này cũng giúp cho doanh nghiệp giảm thiểu chất thải ra môi trường, cắt giảm được chi phí vận chuyển do sử dụng ít nhiên liệu và nhân công hơn.
Ví dụ điển hình về thiết kế xanh của IKEA là dòng sản phẩm bàn LACK – dòng sản phẩm được thiết kế rất độc đáo nhưng lại vô cùng thân thiện với môi trường. Nhà thiết kế của IKEA đã sử dụng một cánh cửa như là một chiếc bàn với cấu trúc nhiều lớp gỗ được xếp chồng lên các tấm hình tổ ong, thiết kế này tạo nên cấu trúc chắc chắn, nhẹ và đặc biệt là có thể tiết kiệm lượng gỗ sử dụng.
Sản xuất xanh
Với cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, quá trình sản xuất của IKEA luôn đảm bảo được các tiêu chí:
- Có thể tái tạo và tái chế: IKEA thành lập nhiều dự án để tiến hành hoạt động tái tạo hay mở rộng các cơ sở tái chế mà doanh nghiệp đang sở hữu. Nhờ đó, tỷ lệ nguyên vật liệu có thể tái tạo, tái chế và đã tái chế được sử dụng trong các sản phẩm đồ nội thất của IKEA liên tục tăng qua các năm, khoảng hơn 88% năm 2011, hơn 91% năm 2012 và hơn 98% năm 2013.
- Độ bền: IKEA thường xuyên tiến hành kiểm tra về độ bền của tất cả các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Ví dụ, IKEA tiến hành xét nghiệm cơ khí cho các dòng sản phẩm như ghế sofa và ghế tựa hay kiểm tra độ bền màu đối với các mặt hàng dệt may.
- Hiệu quả: IKEA liên tục cải thiện, tối ưu hóa quy trình sản xuất của doanh nghiệp mình nhằm mục tiêu tạo ra nhiều thiết kế đẹp mà đòi hỏi ít nguyên vật liệu.
- Không hóa chất: Ngoài việc luôn hướng tới sử dụng nguồn nguyên liệu thô như gỗ, len, bông, IKEA cũng ứng dụng các kỹ thuật sản xuất sao cho lượng khí phát thải ra ít nhất. Có thể nói IKEA là một trong những doanh nghiệp tiên phong loại bỏ dần các hóa chất độc hại và cung cấp các sản phẩm ít tác động gây hại đến sức khỏe con người và môi trường.
- Tiết kiệm: Trong quá trình sản xuất, để tận dụng và tiết kiệm một cách triệt để, nguyên liệu thừa luôn được IKEA chọn lọc, phân loại và sử dụng ở những mục đích khác. Điều này không chỉ nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu mà hơn hết còn tiết kiệm chi phí và giảm lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Sử dụng nguồn năng lượng xanh
Với cam kết trở thành công ty “hoàn toàn tái chế”, IKEA hướng tới sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, tái chế 100% trong hoạt động của họ. Ví dụ điển hình là các tấm pin năng lượng mặt trời được IKEA thiết kế lắp đặt tại hơn 150 cửa hiệu và trung tâm phân phối, cung cấp cho các tòa nhà 10-25% nhu cầu điện năng của doanh nghiệp.
Năm 2010, IKEA đã tiết kiệm được 66 triệu Euro thông qua những nỗ lực tại các cửa hàng và trung tâm phân phối nhằm đạt được hiệu quả về năng lượng. Điều này cho thấy việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và tái chế không chỉ giảm thiểu được lượng khí nhà kính và chất thải độc hại ra môi trường, góp phần làm giảm tác động tiêu cực lên biến đổi khí hậu, mà còn giúp doanh nghiệp IKEA tiết kiệm được khá nhiều chi phí.
Phân phối và vận tải xanh
Hiện nay, IKEA đang hợp tác chặt chẽ với các công ty vận tải để phát triển các ý tưởng mới, các phương thức vận tải hiệu quả, hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu hơn, và đặc biệt là các phương thức vận tải sử dụng những nguồn nhiên liệu bền vững.
IKEA tăng cường sử dụng các phương thức vận tải ít phát thải khí carbon và gây ô nhiễm môi trường như đường sắt và đường biển. Cùng với đó, IKEA đang phát triển nhiều công nghệ mới để có thể giảm lượng khí thải độc hại cũng như hướng đến việc sử dụng nhiên liêu thân thiện hơn với môi trường.
Chẳng hạn như IKEA đã loại bỏ các tấm pallet gỗ trong việc vận chuyển hàng hoá của toàn bộ chuỗi cung ứng. Thay vì sử dụng loại vật liệu này, IKEA đã dùng các tấm pallet giấy được thiết kế với các chân nhựa để có thể tái sử dụng nhiều lần. Hơn thế nữa, các loại tấm pallet kiểu mới với thiết kế nhỏ gọn hơn tạo ra nhiều diện tích chứa hàng giúp giảm số chuyến vận tải, từ đó góp phần giảm lượng khí thải carbon ra môi trường.
Tạm kết
Có thể thấy, các hoạt động từ tìm nguồn cung ứng, thiết kế, sản xuất đến phân phối và vận chuyển sản phẩm đến tay người tiêu dùng của IKEA đều hướng tới mục đích bảo vệ môi trường. Quả thật, với nỗ lực không ngừng nghỉ, IKEA đã phát triển vô cùng thành công mô hình chuỗi cung ứng xanh mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp, môi trường và xã hội. Những thành công của IKEA cũng đã chứng minh rằng thúc đẩy chuỗi cung ứng xanh chính là một bước đi quan trọng không thể thiếu trong hành trình hướng tới phát triển bền vững của các doanh nghiệp hiện nay.
Xem thêm:
https://clibme.com/chuoi-cung-ung-xanh/
Sinh viên thực hiện: Hoàng Bảo Trâm
Mã sinh viên: 21051047
Lớp: QH-2021-E KTQT CLC 2
Mã học phần: INE3104_9
Pingback: Thực trạng phát triển logistics xanh tại Việt Nam trong năm 2023 - Clibme.com - Thư viện kiến thức Kinh tế - Tài Chính