Hiện nay, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có một số FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA). Những FTA này được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng hội nhập lần thứ hai mạnh mẽ hơn đối với Việt Nam trong tương lai. Các FTA thế hệ mới chính là đòn bẩy giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế thế giới trong năm 2022.
Nội dung bài viết
1. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới
Thuật ngữ “Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới” được sử dụng để chỉ các FTA với những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm những cam kết về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ như các “FTA truyền thống”; mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0%, có thể có lộ trình); có cơ chế thực thi chặt chẽ và hơn thế, nó bao hàm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như: Lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư…
Việt Nam hiện nay đã tham gia một số FTA thế hệ mới, trong đó nổi bật bao gồm:
Hiệp định CPTPP
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP.
Các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 65-95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế quan trong vòng 5-10 năm.
Trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ số dòng thuế ở mức cao, theo đó: 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Hiệp định EVFTA
Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam gọi tắt là Hiệp định EVFTA.
Các nội dung chính của Hiệp định, bao gồm: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững; các vấn đề pháp lý, hợp tác và xây dựng năng lực.
Trong EVFTA, Việt Nam và EU cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99% số dòng thuế trong khoảng thời gian 7 năm đối với EU và 10 năm đối với Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, sau 3 năm là 58,7% số dòng thuế, sau 5 năm là 79,6% số dòng thuế, sau 7 năm là 91,8% số dòng thuế và sau 10 năm là 98,3% số dòng thuế.
Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu hàng hóa sang EU với lộ trình lên đến 15 năm.
2. Thực trạng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tại Việt Nam
Đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 10 hiệp định đã có hiệu lực và đang thực thi cam kết, 3 hiệp định đã ký kết hoặc kết thúc đàm phán nhưng chưa có hiệu lực, 4 hiệp định đang đàm phán.
Với việc đàm phán, ký kết hàng loạt các FTA này, Việt Nam đang bước vào ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng, được các đối tác đánh giá rất cao. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhất trong số 12 nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng thêm 23,5 tỉ USD vào năm 2020, xuất khẩu sẽ tăng 68 tỉ USD vào năm 2025. Tương tự các FTA khác, EVFTA cũng đem lại những cơ hội xuất khẩu rất lớn cho Việt Nam khi tiếp cận với thị trường các nền kinh tế hàng đầu.
Việt Nam, với vị trí thuận lợi về địa kinh tế, địa chính trị, tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động, thông qua các FTA này hứa hẹn mang lại cơ hội hợp tác về vốn, về những mô hình, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện nay, phạm vi đối tác FTA của Việt Nam đã khá rộng và toàn diện, trong 3 – 5 năm tới sẽ chạm đến các dấu mốc quan trọng của nhiều Hiệp định và dần tiến đến tự do hóa thuế quan hầu hết các mặt hàng nhập khẩu với các đối tác thương mại chính. Ngoài ra, việc ký kết hai Hiệp định và tuyên bố kết thúc hai Hiệp định quan trọng là Hiệp định EVFTA và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế của Việt Nam, là đòn bẩy giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế lớn thế giới.
Xem thêm tại: Tham gia 3 FTA thế hệ mới: Những bước đi ấn tượng của Việt Nam!
3. Vai trò của Hiệp định thương mại tự do (FTA) – Đòn bẩy giúp Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế
Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, trở thành đòn bẩy giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế quốc tế. Các FTA thế hệ mới luôn coi trọng mục tiêu phát triển bền vững. Điều này thể hiện ở các quy định không thuộc phạm trù thương mại (môi trường, lao động…) nhưng sẽ bị ràng buộc thực hiện bởi các biện pháp thương mại.
Các hiệp định thế hệ mới ngay khi đi vào thực thi đã đem lại những tín hiệu tích cực về thương mại. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường trước đây chúng ta chưa có FTA (Ca-na-đa, Mê-hi-cô) tăng ở mức từ 20 đến 30% trong năm đầu tiên thực thi. Năm 2020, bất chấp tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, xuất khẩu sang các thị trường này vẫn tăng từ 12 đến 15%.
Đối với EVFTA, 5 tháng đầu tiên thực thi (từ tháng 8 đến tháng 12-2020) đã có 62.500 bộ Chứng nhận xuất xứ EUR.1 được cấp; cho phép 2,35 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU (xấp xỉ 15% kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ) được hưởng ưu đãi. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu sang EU đã tăng 1,6% so với cùng kỳ 2019, thời điểm chưa xuất hiện dịch bệnh. Những kết quả khả quan bất chấp tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu cho thấy sức hấp dẫn của các thị trường mới khai thông và tiềm năng của các doanh nghiệp.
Với việc ký kết và thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) qua nhiều năm đàm phán, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành những mục tiêu quan trọng nhất trong Chiến lược đàm phán hiệp định thương mại tự do giai đoạn 2010 – 2020.
Hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần đưa Việt Nam vào nhóm nhỏ các nền kinh tế thành công trong việc duy trì mức tăng trưởng dương. Năm 2020, xuất khẩu đạt 281 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, trong đó có phần đóng góp quan trọng của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới ký kết; 15 FTA được thực thi cho phép hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi tiếp cận thị trường ở trên 50 quốc gia, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đặc biệt, các hiệp định CPTPP, EVFTA được coi là các FTA thế hệ mới, phù hợp xu thế phát triển của thương mại hiện đại. Bởi vậy, các hiệp định này không chỉ mở ra các cơ hội thương mại tiềm tàng với các nền kinh tế phát triển mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, hoàn thiện môi trường thương mại và đầu tư của nước ta.
Xem thêm: FTA thế hệ mới và 05 tác động giúp tăng trưởng kinh tế
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và tác động đối với kinh tế Việt Nam
4. Một số cơ hội và thách thức đặt ra
Giai đoạn 2016 – 2020, theo lộ trình cam kết, phần lớn các FTA mà Việt Nam tham gia đều bước sang giai đoạn cắt giảm sâu, xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với phần lớn các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu. Các FTA thế hệ mới xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa Việt Nam và các nước đối tác, trong đó có những đối tác đặc biệt lớn như Hoa Kỳ hay EU.
Cơ hội
Có thể thấy, cơ hội lớn nhất mà các FTA thế hệ mới mang lại là mở rộng thị trường nhờ cắt giảm thuế và dỡ bỏ rào cản thương mại để tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trong đó, các đối tác FTA của Việt Nam đều là các đối tác thương mại quan trọng, thương mại của Việt Nam với các đối tác đã và đang đàm phán luôn chiếm trên 80% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam. Đây chính là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá.
Trong thời gian tới, khi các cam kết FTA bước vào giai đoạn cắt giảm sâu, đặc biệt các FTA với Hoa Kỳ, EU có hiệu lực sẽ thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn, đem đến nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam đồng thời giúp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào các thị trường nguyên liệu truyền thống.
Thách thức
Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần chủ động ứng phó với nhiều thách thức không nhỏ, đó là tăng cường sức cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam có thể tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan, muốn vậy, trước hết hàng hóa Việt Nam phải đáp ứng tốt các điều kiện về xuất xứ, rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ từ các thị trường nhập khẩu. Nếu tăng cường được sức cạnh tranh của sản phẩm thì sẽ tránh được nhiều hơn những vấn đề như áp thuế cao, điều kiện kỹ thuật. Việt Nam có rất nhiều mặt hàng thế mạnh như giày da, dệt may, thủy sản…
Các hàng rào kỹ thuật và hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực vật khắt khe có thể là những rào cản khiến hàng hóa Việt Nam khó vào thị trường các nước đối tác FTA. Ngoài ra, từ góc độ mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác FTA, do đó, sẽ không còn khái niệm “sân nhà” nữa. Điều này cũng đồng nghĩa là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam chính là áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước đối tác trên chính thị trường nội địa.
Có thể nói, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, với 96% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, áp lực cạnh tranh đối với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn. Việc tự do hóa thuế nhập khẩu sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là từ các nước TPP, EU vào Việt Nam do giá thành rẻ hơn, chất lượng và mẫu mã đa dạng, phong phú hơn sẽ tác động đến lĩnh vực sản xuất trong nước.
Do đó, để tối ưu hóa những tác động tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế đến nền kinh tế, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trên toàn hệ thống đất nước.
Cuối cùng, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới hoàn toàn có khả năng sẽ trở thành động lực cho một làn sóng cải cách về thể chế và hành chính mới, hiệu quả và có định hướng cho Việt Nam. Điều quan trọng hơn cả là Việt Nam cần chuẩn bị thật tốt để nắm bắt những cơ hội mà các FTA này mang lại và giữ vững sự phát triển bền vững trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế.
Người viết: Ngô Thị Trà My
MSV: 19051528
2022_INE 3104 4_Bài tập lớn