NHỮNG ĐIỀU SINH VIÊN CẦN BIẾT KHI LỰA CHỌN NGÀNH KẾ TOÁN NĂM 2022

Ngành kế toán đã có từ lâu nhưng nó vẫn luôn nằm trong nhóm ngành nghề “hot” và được nhiều bạn trẻ lựa chọn theo học. Tuy nhiên không phải ai cũng đã có những kiến thức chung về ngành kế toán và còn nhiều sinh viên băn khăng trước quyết định của mình với những câu hỏi về cơ hội, thách thức và các kỹ năng, phẩm chất cần có trong kế toán? Bài viết sau đây sẽ mang lại cho các bạn sinh viên những thông tin cần thiết về ngành kế toán và giải đáp các thắc mắc trên.

Tìm hiểu chung về ngành kế toán

Ngành kế toán là gì?

Kế toán là công việc ghi chép, thu thập, xử lý và cung cấp các thông tin về tình hình hoạt động tài chính của một tổ chức, một doanh nghiệp, một cơ quan nhà nước, một cơ sở kinh doanh tư nhân…Đây là một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Từ quản lý ở phạm vi từng đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp cho đến quản lý ở phạm vi toàn bộ nền kinh tế.

Hình: Ngành kế toán là gì?
Ngành kế toán là gì?

Phân loại ngành kế toán

Kế toán được chia thành hai loại:

Kế toán công là kế toán tại những đơn vị hoạt động không có tính chất kinh doanh, không lấy lợi nhuận làm mục đích hoạt động như các tổ chức đoàn thể xã hội, các tổ chức nhà nước… Công việc của kế toán trong những tổ chức này là làm việc giấy tờ, công văn, thuế và tính toán tiền lương cho các nhân viên, thành viên trong tổ chức đó.

Kế toán doanh nghiệp là kế toán ở các doanh nghiệp, hoạt động với mục tiêu chính là kinh doanh sinh lời. Công việc của kế toán trong doanh nghiệp rất nhiều mặt, nhiều áp lực và khó khăn hơn rất nhiều so với kế toán công.

Ngoài cách chia này, còn có thể chia kế toán thành nhiều loại khác nhau dựa vào tên gọi và đặc trưng của công việc mà kế toán viên phải làm như: kế toán tổng hợp, kế toán công nợ, kế toán kho, kế toán bán hàng….

Vai trò của ngành kế toán

Ngành kế toán có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn là công cụ đắc lực để quản lý nền kinh tế của Nhà nước. Kế toán là cầu nối giữa chủ doanh nghiệp với các hoạt động mua bán, kinh doanh, huy động vốn, giải ngân vốn… giữa chủ doanh nghiệp với các nhân viên trong công ty.

Đối với doanh nghiệp

Đối với Nhà nước

  • Giám sát thường xuyên tình hình hoạt động kinh doanh sản xuất kinh doanh
  • Cung cấp tài liệu cho doanh nghiệp làm cơ sở hoạch định chương trình hành động cho từng giai đoan, từng thời kỳ.
  • Duy trì và phát triển các mối liên kết trong doanh nghiệp.
  • Cơ sở pháp lý để giải quyết tranh tụng khiếu tố, với tư cách là bằng chứng về hành vi thương mại.
  • Giúp người quản lý điều hoà tình hình tài chính của doanh nghiệp và đưa ra các quyết định phù hợp

 

  • Theo dõi được sự phát triển của các ngành sản xuất kinh doanh, tổng hợp được sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
  • Cơ sở để giải quyết tranh chấp về quyền lợi giữa các doanh nghiệp.
  • Cung cấp thông tin để tìm ra cách tính thuế tốt nhất, hạn chế thất thu thuế, hạn chế sai lầm trong chính sách thuế….
  • Đưa ra các dữ kiện hữu ích cho các vấn đề kinh tế , chính trị , xã hội…xác định được vai trò trách nhiệm, vị trí quản lý và đưa ra các dữ liệu có ích cho việc xác định khả năng tổ chức và lãnh đạo.

 

Cơ hội và thách thức của ngành kế toán trong bối cảnh hiện tại ở Việt Nam

Cơ hội phát triển ngành kế toán tại Việt Nam

  • Ngành đặc thù có thể làm việc trong mọi tổ chức

Bất kỳ tổ chức, hoạt động trong lĩnh vực hay thành phần kinh tế nào cũng đều cần đến nhân sự ngành kế toán. Ngay cả trong đại dịch Covid-19, khi nhiều doanh nghiệp dừng hoạt thì theo số liệu của Tổng cục Thống kê số doanh nghiệp thành lập mới năm 2020 là 134.941, mặc dù số dừng hoạt động 37.663 đơn vị, nhưng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 44.096 (tăng so với năm 2019 là 11,9%). Qua đó cho thấy, cơ hội việc làm cho sinh viên ngành kế toán là rất lớn.

  • Mở rộng phạm vi làm việc

Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với Internet vạn vật kết nối đã kéo gần khoảng cách địa lý trong thực hiện hoạt động kế toán. Các kế toán viên có thể làm việc ở mọi nơi, mọi lúc nếu đảm bảo chất lượng công việc. Đây là cơ hội lớn đối với ngành kế toán nhưng cũng là áp lực không nhỏ khi buộc phải cải thiện năng lực một cách nhanh chóng để thích ứng với bối cảnh hiện tại của thế giới.

  • Tiếp cận với công nghệ và chuẩn mực kế toán quốc tế

Ngày nay, công nghệ hiện đại tạo điều kiện cho việc khai thác dữ liệu và cải thiện độ tin cậy của việc lập báo cáo. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo mang đến những phần mềm kế toán tiện ích với chi phí phù hợp, từ đó tiết kiệm thời gian và sử dụng hiệu quả nguồn lực hơn. Hơn nữa, toàn cầu hóa cũng mang lại nhiều cơ hội học hỏi và nâng cao những chuẩn mực chung của ngành kế toán tại Việt Nam khi phải hội nhập với chuẩn mực kế toán quốc tế.

Hình: Chuẩn mực quốc tế ngành kế toán
Chuẩn mực quốc tế ngành kế toán
  • Cơ hội tạo động lực để các cá nhân, tổ chức hành nghề kế toán phát triển

Những tiến bộ trong công nghệ là động lực giúp các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong ngành kế toán phát triển, nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc.

Thách thức đối với ngành kế toán tại Việt Nam

  • Vướng mắc trong áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế

Hiện nay, giữa Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và Chuẩn mực kế toán quốc tế hiện vẫn còn tồn tại một khoảng cách đáng kể, sự khác biệt lớn này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hội nhập của ngành kế toán tại Việt Nam. Nếu ngành kế toán Việt nam muốn tạo dựng được quan hệ với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhanh chóng hội nhập cùng kế toán thế giới thì càng cần nhanh chóng hoàn thiện đúng, đủ VAS ngay trên cơ sở chuẩn mực kế toán thế giới.

  • Thiếu hụt lao động chất lượng cao

Mặc dù số lượng đào tạo nhân sự ngành kế toán nhiều nhưng chất lượng để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp chưa cao lý do thì có thể do việc tiếp xúc với kiến thức, kinh nghiệm thực tế còn hạn chế và còn lại thì do học “cưỡi ngựa xem hoa”, học vì điểm số.

  • Áp lực cạnh tranh khi tuyển dụng và áp lực công việc cao

Số lượng đào tạo nhân sự ngành kế toán ngày càng nhiều nên việc cạnh tranh sẽ ngày càng gắt gao. Thêm vào đó, công việc trong ngành kế toán luôn suy nghĩ, làm việc trong môi trường gắn bó với các con số áp lực công việc cao nên đòi hỏi sinh viên phải có sự chính xác tuyệt đối, tính cẩn thận và tỉ mỉ cao.

Đặc biệt trong đại dịch Covid-19, việc phân chia lịch làm việc và sự cố về nhân sự khiến khối lượng công việc tăng, tăng giờ làm, chậm trễ trong hoàn thành công việc do chưa thích nghi với nhiệm vụ mới, khó khăn trong làm việc từ xa do thiếu các công cụ hỗ trợ từ đó lại càng tăng thêm áp lực đối với các kế toán viên.

  • Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật còn hạn chế

Hiện nay, tại Việt Nam, công tác kế toán chủ yếu được thực hiện trên hồ sơ, giấy tờ. Trong thời kì Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, các phần mềm thông minh chuyển hóa toàn bộ các dữ liệu đó thành thông tin điện tử, vừa đa dạng, vừa khó nắm bắt. Do vậy, nếu một kiểm toán viên lâu dài không am hiểu về công nghệ thì sẽ khó khăn trong việc thực hiện vận hành công việc.

Những điều kiện cần ở một kế toán viên

Thứ nhất, kiến thức chuyên môn tốt, vững vàng

Kế toán là công việc cần có kiến thức về các hoạt động tài chính nói chung và kiến thức chuyên ngành nói riêng. Nên việc tích luỹ kiến thức khi ngồi trên ghế nhà trường là một điều vô cùng quan trọng. Học tập là cách tốt nhất để chạm tới thành công vì vậy kế toán viên cần có tinh thần học tập chăm chỉ,nghiêm túc, tránh có tâm lí học để lấy chứng chỉ gây ra lỗi hỏng kiến thức.

Ngoài những kiến thức chuyên môn thì việc bổ sung những kiến thức về tin học, ngoại ngữ cũng là điều cần thiết. Nếu thiếu mặt này, kế toán viên sẽ không thể đọc, hiểu các báo cáo liên quan đến công việc kế toán của mình cũng như cơ hội thăng tiến giảm xuống nhiều. Vì vậy, hãy chăm lo cho ngoại ngữ và tin học thật tốt để đảm bảo mình là một ứng cử viên xuất sắc cho vị trí ứng tuyển.

Hình: Tiếng anh trong ngành kế toán
Tiếng anh trong ngành kế toán

Thứ hai, kỹ năng và trách nhiệm với công việc cao

Ngành kế toán liên quan với rất nhiều ngành nghề như ngân hàng, thuế… nên cần sự thông thạo trong các kỹ năng như đọc báo cáo tài chính, phân tích tài chính, các kỹ năng thương lượng, đàm phán để hỗ trợ… nhằm nâng cao hiệu quả công việc.

Hơn nữa, nên biết cách chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau trong lúc làm việc. Tuy nhiên, do kế toán là một ngành đặc thù, mọi công việc nội bộ có phần “bí mật” nên các kế toán viên phải thật cẩn thận từ lời nói đến cách làm việc. Ngoài ra, kế toán viên còn phải thể hiện khả năng quan sát nhanh nhạy, phản ứng với các sự cố phát sinh trong quá trình làm việc, từ đó phân tích, tổng hợp một cách chính xác nhất.

Áp lực công việc của nhân viên kế toán rất cao, ngày ngày nhân viên kế toán đối mặt với lượng lớn các thông tin kinh tế, tài chính, phải tập trung xử lý hàng loạt các nghiệp vụ sao cho chính xác và hợp lý nên lúc nào cũng căng thẳng vì vậy những kế toán viên phải là người chịu được áp lực, có trách nghiệm cao trong công việc, không nản lòng.

Thứ ba, có phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp

Chuyên môn cao là điều kiện cần nhưng đức tính cẩn thận lại là điều kiện đủ để làm nên một nhân viên ngành kế toán. Tính cẩn thận là một yêu cầu quan trọng trong ngành kế toán vì tính chất công việc gắn liền với các tài liệu, sổ sách, giấy tờ chứa những con số “biết nói” về tình hình tài chính. Do đó, kế toán viên phải đảm bảo giữ gìn tài liệu, sắp xếp số liệu chuẩn chỉnh, dễ dàng tìm kiếm, tra cứu nhất. Khi tổng hợp số liệu cần phải cẩn thận vì chỉ cần một sai sót nhỏ là có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến toàn công ty.

Ngoài ra, tính trung thực và đạo đức nghề nghiệp cũng là những phẩm chất mà các nhà tuyển dụng coi trọng đối với các ứng viên kế toán. Vì kế toán liên quan đến sổ sách và tiền bạc, nên tính trung thực luôn được coi trọng. Không gian dối và chính trực, trong bất cứ công việc gì, kế toán viên sẽ luôn nhận được sự tin tưởng, tôn trọng và nể phục.

Thứ tư, đam mê và tận tâm với công việc

Trong bất cứ ngành nghề nào cũng cần sự đam mê và tận tâm với công việc, nếu một kế toán viên làm việc với tinh thần chán nản, không quan tâm đến công việc thì sẽ chẳng bao giờ thăng tiến trên con đường sự nghiệp. Đối với một kế toán viên cần phải yêu thích những dãy số, phải cảm thấy vui khi làm việc, biến những con số trở nên có giá trị với những người quan tâm. Sự cố gắng không thể thay thế được niềm đam mê. Vì vậy, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu chọn nghề kế toán mà không có niềm đam mê với những con số.

Hình: Đam mê và tận tâm trong ngành kế toán
Đam mê và tận tâm trong ngành kế toán

Kết luận

Bài viết mang đến những kiến thức cơ bản về ngành kế toán, cho các bạn sinh viên một cái nhìn tổng quan nhất về những cơ hội và thách thức của ngành. Đồng thời, nêu ra những yếu tố cần thiết để trở thành một kế toán viên. Tuy nhiên, lựa chọn ngành nghề là một quyết định vô cùng quan trọng của sinh viên nó ảnh hưởng nhiều đến tương lai và cuộc sống sau này. Vì vậy, sinh viên cần xem xét và cân nhắc thật kĩ trước để đưa ra quyết định tốt nhất.

Tham khảo thêm tài liệu về ngành kế toán tại:

https://tapchitaichinh.vn/ke-toan-kiem-toan/co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-ke-toan-kiem-toan-viet-nam-trong-boi-canh-moi-318241.html

http://effectsoft.com.vn/vi/ac102a274/con-duong-de-tro-thanh-mot-nhan-vien-ke-toan-gioi.html

https://jobsgo.vn/blog/ke-toan-la-gi-tong-quan-ve-nganh-ke-toan/

Người thực hiện: Nguyễn Thị Hoạt

Mã sinh viên: 19051088

Lớp: INE3104 6_Bài tập lớn

2 thoughts on “NHỮNG ĐIỀU SINH VIÊN CẦN BIẾT KHI LỰA CHỌN NGÀNH KẾ TOÁN NĂM 2022

  1. Xinh says:

    Thật là một bài viết bổ ích. Quả nhiên tác giả đã tốn rất nhiều công sức để mang đến cho đọc giả những kiến thức bổ ích như vậy, xin chân thành cảm ơn.

  2. Hoàng says:

    Thật là một bài viết bổ ích. Quả nhiên tác giả đã tốn rất nhiều công sức để mang đến cho đọc giả những kiến thức bổ ích như vậy, xin chân thành cảm ơn.

Comments are closed.