Trong những năm trở lại đây, Logistics Việt Nam đã có chuyển biến tích cực khi càng nhiều doanh nghiệp áp dụng chuỗi cung ứng lạnh vào sản xuất bởi nhu cầu về dịch vụ này tăng mạnh do xu hướng kinh doanh và tiêu dùng mới xuất hiện trọng nước. Nhờ chuỗi lạnh, doanh nghiệp phần nào giảm được sự thất thoát, lãng phí; nâng cao năng suất cũng như năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng lạnh của nước ta vẫn còn hiện hữu nhiều khó khăn về mặt cơ sở hạ tầng cũng như trình độ chuyên môn chuyên sâu về logistics.
Nội dung bài viết
1. Tổng quan về chuỗi cung ứng lạnh
Chuỗi cung ứng lạnh được hiểu là chuỗi dịch vụ, logistics kiểm soát những yếu tố có liên quan đến bảo quản, vận chuyển, giao nhận và giám sát tất cả các loại hàng hóa nhằm đảm bảo duy trì nhiệt độ, bổ sung nhiệt lạnh khi cần thiết cho các sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ cao như mặt hàng nông nghiệp, thủy hải sản, hàng đông lạnh chế biến, hoa tươi cắt cành, các sản phẩm dược phẩm đặc biệt là vacxin.
Với mô hình cung ứng này, chất lượng hàng hóa sẽ phụ thuộc rất lớn vào quy trình và thiết bị bảo quản, chuyên chở; đồng thời điều này cũng sẽ quyết định thời gian hàng hóa có thể sử dụng.
Chuỗi cung ứng lạnh sẽ bao gồm hai hoạt động logistics chính là kho lạnh và vận tải lạnh:
- Kho lạnh: là kho chứa được thiết kế, lắp đặt hệ thống đặc biệt với khả năng điều chỉnh các điều kiện bảo quản như nhiệt độ, độ ẩm,… phù hợp với các đặc tính lý tính, hóa học của hàng hóa lưu trữ.
- Vận tải lạnh: Bao gồm các loại phương tiện chuyên chở như xe tải lạnh. container lạnh, các thiết bị chuyên dụng cho hoạt động vận chuyển và giao nhận kiểm tra, duy trì nhiệt độ lạnh cần thiết.
Tiêu chuẩn nhiệt độ phổ biến trong chuỗi cung ứng lạnh là:
- Từ -28॰C đến -30॰C: Đông lạnh sâu (Deep Frozen), chủ yếu dành cho hải sản.
- Từ -16॰C đến -20॰C: Đông lạnh (Frozen), chủ yếu dành cho sản phẩm là thịt.
- Từ 2॰C đến 4॰C: Lạnh (Chiller), chủ yếu cho mặt hàng nông sản.
2. Thách thức trong chuỗi cung ứng lạnh của Việt Nam
2.1 Thiếu kho dùng cho bảo quản lạnh
Thị trường kho lạnh dịch vụ tại Việt Nam đang đi theo hướng nguồn cung không đáp ứng kịp nhu cầu tăng đột biến, nhất là sau tác động của đại dịch Covid-19.
Cả nước hiện có 48 kho lạnh dịch vụ bảo quản nông – thủy sản với công suất khoảng 700.000 pallet và hàng nghìn kho lạnh tại các nhà máy chế biến với công suất 2 triệu tấn tập trung ở phía Nam.
Hiện nay, số kho lạnh vẫn chưa đáp ứng nhu cầu bảo quản nông sản xuất khẩu của quốc gia; bên cạnh đó, dù đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu thủy sản nhưng các nhà máy chế biến thủy sản nước ta chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu kho lạnh.
Có thể thấy rằng Việt Nam đang thiếu các nhà cung cấp kho lạnh chuyên nghiệp, trọn gói cho toàn chuỗi thực phẩm; vì vậy doanh nghiệp trở nên bị động, buộc phải tự xoay xở đã khiến khiến gánh nặng chi phí logistics tăng lên, làm giảm sự cạnh tranh của sản phẩm trên cả thị trường trong nước và quốc tế.
Việc nguồn cung kho lạnh của Việt Nam bị hạn chế một phần là do các cơ sở kho lạnh cần nhiều thời gian xây dựng hơn, phức tạp và tốn kém hơn so với các nhà kho tiêu chuẩn. Theo Savills, chi phí đầu tư kho lạnh cao gấp hai đến ba lần so với nhà kho thông thường và quá trình xây dựng hơn 6 tháng. Bên cạnh đó, thời hạn thuê kho lạnh thường kéo dài 15-20 năm cũng đã khiến cho nguồn cung kho ngày càng hiếm.
2.2 Ngành lạnh còn phân mảnh
Bên cạnh vấn đề thiếu kho lạnh thì thị trường kho lạnh nội bộ tương đối phân tán, chủ yếu là của các doanh nghiệp nông, thủy, hải sản quy mô nhỏ với mức độ ứng dụng công nghệ thấp.
Theo như nghiên cứu của Đại học Cần Thơ, 83% sản phẩm sau khi thu hoạch không được bảo quản lạnh mà giao luôn cho thương lái, 11% chỉ được bảo quản ở nhiệt độ bình thường và chỉ 6% được lưu trữ lạnh. Điều này dẫn đến sự hao hụt về số lượng và giá trị hàng hóa, gây ảnh hưởng đến tiềm năng xuất khẩu cho những sản phẩm sau này.
Thêm vào đó, số lượng phương tiện vận tải lạnh như xe tải lạnh, xe chở container lạnh, tàu chở hàng có khoang lạnh hay vận chuyển lạnh hàng không còn ít, thời gian kiểm tra chuyên ngành mất từ 1 – 2 ngày. Điều này làm phát sinh chi phí giám sát, lưu container, lưu bãi và từ đó tăng chi phí logistics.
Ngoài ra, quy trình thực hiện chuỗi không đồng nhất dẫn đến việc thay đổi nhiệt độ của hàng hóa trong quá trình vận chuyển và lưu kho cũng sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm cũng như giảm thời gian bảo quản. Nguyên nhân chính của vấn đề này chính là sự thiếu liên kết giữa các thành phần trong chuỗi cung ứng lạnh, đặc biệt là hai quy trình vận tải lạnh và kho lạnh.
2.3 Chưa ứng dụng tối ưu công nghệ vào chuỗi cung ứng lạnh
Các doanh nghiệp trên thị trường chưa ứng dụng nhiều các công nghệ hỗ trợ quản lý vận tải TMS trên toàn bộ hệ thống nhằm nắm bắt được các thông tin cần thiết từ khâu lưu kho, xếp hàng từ kho lên phương tiện vận chuyển cho đến điểm cuối của quá trình vận tải mà mới chỉ dừng lại ứng dụng công nghệ định vị GPS.
Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp làm dịch vụ giao nhận hiện nay vẫn chưa có phần mềm quản lý giao nhận vận tải quốc tế (FMS) do các phần mềm lớn được cung cấp từ nước ngoài thì giá rất cao (không dưới 100.000 USD), trong khi phần mềm FMS trong nước thì lại không đủ tính năng và độ an toàn bảo mật.
2.4 Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao
Nguồn nhân lực trong chuỗi cung ứng lạnh của Việt Nam còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Theo VIFFAS (Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam), nguồn cung cấp lao động cho ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu trên thực tế, đặc biệt là thiếu hụt nguồn nhận lực chất lượng cao.
Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, có tới 80,26% nhân lực trong các công ty logistics chủ yếu vẫn được đào tạo thông qua các công việc hàng ngày; 23,6% lao động tham gia các khóa đào tạo trong nước; 6,9% thuê các chuyên gia nước ngoài đào tạo; còn những người tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài chỉ chiếm 3,9%.
Thực tế hiện nay, việc đào tạo nguồn nhân lực trong ngành này hầu hết đã được thực hiện ở các trường đại học, tuy nhiên cũng mới chỉ là đào tạo cơ bản và chưa đầy đủ, các doanh nghiệp sau khi tuyển dụng vẫn phải mất khá nhiều thời gian để đào tạo lại.
3. Giải pháp nào cho những thách thức trên?
3.1 Xây dựng hệ thống đồng bộ
Hai mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng lạnh là vận tải lạnh và kho lạnh. Để liên kết được hai mắt xích này với nhau thì giải pháp tối ưu nhất hiện giờ chính là sử dụng một nhà cung cấp cho cả hai dịch vụ này. Khi đó, nhà cung cấp có thể xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng đồng nhất giữa hai quá trình vận tải lạnh và lưu kho lạnh nhằm đảm bảo chất lượng của hàng hóa cũng như sẽ hạn chế được sự thay đổi nhiệt độ trong quá trình vận chuyển từ nơi thu hoạch đến cơ sở chế biến và đến tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến các thiết bị theo dõi, kiểm soát và điều chỉnh nhiệt độ nhằm đảm bảo các điều kiện bảo quản trong thời gian mong muốn.
3.2 Ứng dụng công nghệ hiện đại trong bảo quản lưu kho hàng hóa
Việt Nam đã thành công được Nhật Bản chuyển giao cho công nghệ CAS vào năm 2013, đây là một trong những công nghệ mới trong vấn đề bảo quản lưu kho và được coi là một trong những yếu tố giúp sản phẩm nông hải sản của Việt nam vươn ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được với công nghệ này một cách hiệu quả do chi phí đầu từ ban đầu cho CAS khá cao (khoảng 30 tỷ đồng).
Mặc dù vậy, ta vẫn có thể giải quyết vấn đề này bằng cách nội địa hóa các thiết bị trong CAS thông qua tự thiết kế, chế tạo một số khâu trong quá trình bảo quản như cấp động, dự trữ lạnh… và nếu thành công thì ta có thể giảm đến 60% chi phí giá nhập từ Nhật Bản. Điều này thật sự cần sự mạnh dạn đầu tư của các doanh nghiệp, sự khuyến khích của Nhà nước trong việc thúc đẩy công nghiệp sản xuất máy móc trong bảo quản và lưu kho tại Việt Nam.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng nhiều hơn các sản phẩm như máy sấy năng lượng mặt trời, công nghệ sấy đảo chiều, màng bao gói biến đổi khí quyển hay công nghệ chiết xuất Polyphenol đến từ Nhật Bản.
3.3. Xây dựng các kho bảo quản lạnh tại vùng nguyên liệu và các cửa khẩu
Đối với mặt hàng nông sản nói riếng, ngay sau khi thu hoạch và phân loại mà được bảo quản ngay trong các thiết bị thích hợp về nhiệt độ và độ ẩm sẽ đảm bảo được chất lượng tốt nhất và thời gian bảo quản cũng sẽ lâu hơn khi đến tay người tiêu dùng. Đây được coi là công việc cần thiết để đảm bảo việc ứng dụng công nghệ trong bảo quản được hiệu quả hơn.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng nên mời các chuyên gia từ Nhật Bản sang tư vấn và giám sát việc xây dựng các hệ thống kho bảo quản lạnh theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Có như thế, các mặt hàng nông – thủy – hải sản sau khi được bảo quản sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn để tiêu thụ ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
3.4 Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Có rất nhiều cách giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics nói chung và logistics lạnh nó riêng tại Việt Nam đòi hỏi sự tham gia từ Nhà nước, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp logistics và bản thân mỗi sinh viên.
- Về phía Nhà nước
Nhà nước cần tiếp tục kiểm tra và thực hiện các chính sách tạo thuận lợi cho sự phát triển của logistics; đặc biệt các cơ quan chuyên trách cần kết hợp với doanh nghiệp xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng. Bên cạnh đó, các cơ quan cũng cần hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics…, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đào tạo nguồn nhân lực này.
- Về phía các cơ sở đào tạo
Để nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics cần phát triển chất lượng giảng viên giảng dạy, thu hút các chuyên gia cả trong nước và quốc tế tham gia giảng dạy, đào tạo. Việc hợp tác với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, chuyến đi thực tế, thực tập, hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học và tìm việc làm sau khi tốt nghiệp là vô cùng cần thiết.
Cụ thể, khi được đi thực tế tại các doanh nghiệp, sinh viên sẽ hiểu rõ hơn về các quy trình làm việc, thực hành sử dụng các thiết bị chuyên dụng, thực hành cách bảo quản hàng hóa…
Đồng thời, các cơ sở đào tạo cần quan tâm nhiều hơn đến việc trang bị bổ sung những kĩ năng mềm cho sinh viên như làm việc nhóm, khả năng nắm bắt và giải quyết vấn đề, tinh thần trách nhiệm… Việc thực hiện các chương trình trên không chỉ giúp sinh viên tiếp thu được nhiều kiến thức thực tế mà còn rèn luyện được từng kỹ năng liên quan đến công việc.
- Về phía sinh viên
Sinh viên cần năng động tự tìm hiểu kiến thức và tiếp cận các công ty dịch vụ logistics nếu muốn có cơ hội làm việc trong ngành này; đồng thời trau dồi thêm các kinh nghiệm và kỹ năng làm việc trong lĩnh vực này.
4. Kết luận
Trước thời kì hội nhập kinh tế sâu rộng, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do FTA, sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử, các cơ hội từ các công ty đa quốc gia đầu tư vào dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam, những xu hướng kinh doanh và tiêu dùng mới cùng việc gia tăng xuất khẩu nông nghiệp và khai thác thủy hải sản đã tạo ra nhu cầu vô cùng lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ trong chuỗi cung ứng lạnh. Và với những giải pháp nêu trên, thị trường chuỗi cung ứng lạnh Việt nam sẽ còn có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai gần.
Có thể bạn muốn biết:
- Top 10 thuật ngữ logistics xuất nhập khẩu hay dùng
- 3 phương pháp cải thiện hệ thống logistics cho doanh nghiệp
- Top 5 Trường Đại học đào tạo ngành logistics uy tín miền Bắc
- Top 10 công ty logistics uy tín nhất tại Việt Nam năm 2022
Sinh viên thực hiện: Mạc Thị Phương Dung
Mã sinh viên: 20050067
Lớp: QH2020E KTQT CLC1
Mã học phần: INE 3104 5