Bất ngờ trước top các dự án FDI đổ về Việt Nam đầu năm 2021

FDI 2021

Đại dịch COVID-19 tác động khiến cho dòng vốn đầu tư trên toàn cầu giảm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nhận được lượng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào cùng với vốn thực hiện vẫn trên đà tăng. Từ đó cho thấy nhiều nhà đầu tư lớn, vừa và nhỏ từ các quốc gia phát triển đang nhìn nhận Việt Nam là một mảnh “đất lành” để rót vào dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) trong năm 2021.

I. FDI – Những điều cơ bản cần biết

1. FDI là gì?

FDI (Foreign Direct Investment) là hình thức đầu tư nước ngoài dài hạn của cá nhân hoặc tổ chức nước này vào nước khác bằng cách thiết lập nhà xưởng sản xuất, cơ sở kinh doanh. Mục đích nhằm đạt được các lợi ích lâu dài và nắm quyền quản lý cơ sở kinh doanh này.

Giải thích chi tiết hơn về FDI, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa ra định nghĩa: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xảy ra khi một nhà đầu tư từ một nước (nước chủ đầu tư) có được một tài sản ở nước khác (nước thu hút đầu tư) đi cùng với quyền quản lý số tài sản đó. Phương diện quản lý là thứ để phân biệt FDI với các công cụ tài chính khác.

2. Vai trò của FDI

2.1. Tác động tích cực

  1. Do người nước ngoài là người trực tiếp điều hành, quản lí vốn FDI nên họ có trách nhiệm cao và kỹ năng tốt.
  2. Khai thác được nguồn tài nguyên khoáng sản và nguồn lao động dồi dào. Tăng lượng việc làm và đào tạo nhân công chất lượng cao.
  3. Mở rộng thị trường tiêu thụ kéo theo đó là quy mô sản xuất rộng lớn, nâng cao sản xuất, giảm giá thành sản phẩm phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng.
  4. Tránh được hàng rào bảo hộ mậu dịch và phí mậu dịch của nước tiếp nhận đầu tư.
  5. Bổ sung nguồn vốn cho phát triển kinh tế – xã hội trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
  6. Tạo nguồn thu ngân sách lớn cho cả hai bên.

2.2. Tác động tiêu cực

  1. Phải đối mặt với nhiều gánh nặng trong môi trường mới về chính trị, xung đột vũ trang. Hay đơn thuần là những tranh chấp nội bộ, mâu thuẫn về những khác biệt trong tư duy truyền thống.
  2. Nếu doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư nước ngoài thì trong nước sẽ mất đi nguồn vốn đầu tư. Gây khó khăn trong việc tìm vốn phát triển, áp lực giải quyết việc làm trong nước, do đó có thể dẫn tới nguy cơ suy thoái kinh tế.
  3. Các chính sách trong nước có thể bị thay đổi bởi khi đưa ra yêu cầu đầu tư, các nhà đầu tư thường có các biện pháp vận động Nhà nước theo hướng có lợi cho mình.
  4. Trong quá trình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ có sự thay đổi liên tục của các luồng vốn dẫn đến cán cân kinh tế bị di chuyển theo.

II. Thực trạng vốn FDI đổ vào Việt Nam tính đến tháng 3/2021

1. Tình hình chung

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/3/2021, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

FDI Việt Nam 2021

Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thu hút FDI quý I của Việt Nam vẫn tăng cao so với cùng năm trước, trong đó, vốn FDI giải ngân đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ 2020. Đây là kết quả khá tích cực. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 7,2 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh đạt 2,1 tỷ USD, tăng 97,4% so với cùng kỳ. Song tổng giá trị đầu tư nước ngoài thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 908 triệu USD, giảm 58,5% so với cùng kỳ.

Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 179 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 281 triệu USD và 555 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 524,3 triệu USD.

Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2021, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 8,8 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 8,4 tỷ USD không kể dầu thô. Xuất siêu khu vực đầu tư nước ngoài đã bù đắp phần nhập siêu gần 6,7 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD.

FDI Việt Nam 2021
Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 3,9 tỷ USD, chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký đạt 600 triệu USD.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm đã có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Dẫn đầu là Singapore với tổng vốn đầu tư gần 4,6 tỷ USD, chiếm gần 45,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 2,1 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 93,4% và 70,8% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này. Trong khi đó, Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,2 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ…