Kinh tế chia sẻ sau 6 năm tại Việt Nam: Bùng nổ xu hướng mới hay thách thức cho doanh nghiệp?

Kinh tế chia sẻ

Mở đầu: 

Trên thế giới, khái niệm “kinh tế chia sẻ” hoặc “mô hình chia sẻ” đã xuất hiện từ rất lâu, tuy nhiên phải đến năm 2009, mô hình kinh doanh này mới thực sự phát triển mạnh mẽ khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng. Những năm gần đây, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo nên một thời đại “công nghệ số”, việc ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực đời sống trở thành xu hướng phát triển tất yếu của xã hội.

Khái niệm kinh tế chia sẻ:

Theo bài nghiên cứu “Scoping the Sharing Economy” của nhà kinh tế học Bertin Martens (2016), Kinh tế chia sẻ còn được gọi là sharing economy hoặc tiêu dùng cộng tác. Theo cách hiểu phổ biến nhất, kinh tế chia sẻ là một hệ thống kinh tế mà ở đó các tài sản; dịch vụ được chia sẻ dùng chung (có trả phí hoặc không trả phí) giữa các thực thể tham gia thông qua công cụ Internet. Nền kinh tế này tạo cơ hội để người tham gia có thể làm việc tự do; bán thời gian hay toàn thời gian để gia tăng thu nhập. 

Đôi nét về mô hình kinh tế chia sẻ: 

Mô hình kinh tế chia sẻ bắt nguồn từ Mỹ 15 năm trước. Mới đây, công ty kiểm toán PWC đã ước tính kinh tế chia sẻ toàn thế giới năm 2013 trị giá hơn 255 tỷ USD.

Là mô hình kinh tế mà người tiêu dùng có thể tận dụng những nguồn lực dư thừa của nhau thông qua việc thuê mướn

Một cá nhân có thể cho người lạ thuê bất cứ thứ gì họ đang không sử dụng, như xe cộ, nhà cửa, chỗ để xe… thông qua Internet và những công ty kết nối cung – cầu. Các công ty này cũng đưa ra các mức xếp hạng hay các đánh giá để bên thuê và cho thuê có thể tin tưởng nhau. Với sự phổ biến của các dịch vụ này, nhiều người trên thế giới sẽ không cần phải mua khi đã có thể thuê bất cứ thứ gì mình cần.

Có ý nghĩa tích cực đối với môi trường

Nền kinh tế chia sẻ đang phát triển vì nó tái phân phối tài nguyên đang không được sử dụng hiệu quả (sản phẩm mua rồi nhưng không dùng, máy móc không được khai thác tối đa thời gian sử dụng) sang chỗ mà nó được dùng hiệu quả hơn.

Theo khảo sát của ECNS – cơ quan báo chí lớn thứ 2 của Trung Quốc, quy mô của thị trường kinh tế chia sẻ năm 2015 tại Trung Quốc đã vượt ngưỡng 152,8 tỷ USD. Tương tự tại Mỹ, tổng giá trị các công ty hoạt động theo hướng kinh tế chia sẻ đã chiếm hơn 3% GDP nước Mỹ, tương đương trên 463,9 tỷ USD.

Có những công ty đã thành công vang dội, tạo độ phủ sóng toàn cầu với hướng đi theo nền kinh tế chia sẻ này: Airbnb, Uber, RabbitTask…

Xem thêm: 5 mô hình kinh tế chia sẻ thành công

Kinh tế chia sẻ – “chìa khóa tăng trưởng”:

1. Tại sao kinh tế chia sẻ phát triển?

Thực trạng tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt

 Theo Global Footprint Network, năm 2019 trung bình mỗi công dân trên hành tinh đã tiêu thụ một lượng tài nguyên gấp 1,75 lần so với mức cần thiết. Nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và đa số trong số đó không thể tái tạo. Một vấn đề cấp bách được đặt ra là giảm lượng tiêu thụ tài nguyên. Mô hình kinh tế chia sẻ ra đời như một giải pháp để giảm bớt quá tải trong tiêu dùng. 

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ 

Ứng dụng gọi xe Grab là một ví dụ điển hình của mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. Các đối tác tài xế của Grab có thể làm việc bán thời gian; làm việc tự do hay làm việc toàn thời gian tùy nhu cầu. Họ tận dụng xe cá nhân để phục vụ khách hàng có nhu cầu di chuyển trên cung đường của mình. Mô hình này góp phần giảm lượng xe lưu thông trên đường phố; giảm khí thải ra môi trường. 

Ứng dụng Grab sử dụng mô hình kinh tế chia sẻ

Theo nghiên cứu của ABI, Grab đang được định giá 14 tỷ USD; chiếm gần 73% thị phần gọi xe công nghệ. Trung bình, Grab có 46 triệu chuyến mỗi ngày từ 2,8 triệu đối tác tài xế. Hơn 35% giao dịch Grab được thanh toán thông qua ví điện tử Moca. Kinh tế chia sẻ là gì? Hoàn toàn không sai khi nói kinh tế chia sẻ là “sản phẩm” của công nghệ.

Thế hệ người tiêu dùng mới trong thời đại 4.0 

Millennials là thế hệ sinh năm 1980 – 1995 và Gen Z là thế hệ sinh năm 1996 – 2000 hiện đang chiếm 38% – hơn 1/3 lực lượng lao động. Trong thập kỷ tiếp theo, chỉ số này sẽ tăng lên 58%. Đây đều là những thế hệ sinh ra trong thế giới của internet; được tiếp xúc với công nghệ từ nhỏ.

 Ngoài việc đủ khả năng tạo ra xu hướng sống và xu hướng tiêu dùng mới, những thế hệ này còn đặc biệt quan tâm đến môi trường và trách nhiệm xã hội. Họ hoàn toàn cởi mở với phương châm “hiệu quả sử dụng quan trọng hơn quyền sở hữu”. Lượng người trẻ đông đảo cùng tư duy tiến bộ này là bàn đạp để nền kinh tế chia sẻ phát triển.

2. Thành tựu của kinh tế chia sẻ tại Việt Nam 

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trong ASEAN cho phép thí điểm mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ kết nối vận tải cho Uber và Grab, bắt đầu từ năm 2014.

Sự phát triển vượt bậc của KTCS với nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ số:

Dịch vụ chia sẻ phòng (Airbnb); dịch vụ du lịch (Triip.me); dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng…(Rada); dịch vụ tài
chính ứng dụng công nghệ cho vay ngang hàng (Huydong.com, tima.vn, lendbiz.vn),…

Về quy mô hoạt động:

Đối với lĩnh vực dịch vụ vận tải trực tuyến, theo số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, đến năm 2017, có tới 25.000 xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi đã được cấp phù hiệu và có đến 24.000 chiếc đang tham gia mạng lưới của Uber và Grab. Trong khi đó, số xe taxi truyền thống chỉ bằng 46% so với số xe tham gia mạng lưới của Uber và Grab.

Tại Hà Nội, theo một báo cáo chỉ ra rằng, tính đến tháng 12/2017, GrabTaxi có 11.474 xe tham gia thí điểm trên địa bàn, chiếm 90,67% số lượng xe được cấp phép hoạt động trên địa bàn toàn thành phố. Ngoài Grab, hiện nay còn khoảng 10 hãng taxi khác đã tham gia cung cấp ứng dụng đặt xe qua mạng, trong đó có cả các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh.

Kinh tế chia sẻ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam:

Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, sự phát triển nhanh chóng của mô hình KTCS đem đến nhiều cơ hội cho Việt Nam:

(1) Kinh tế chia sẻ giúp tạo ra một phương thức kinh doanh mới, mở ra cơ hội kinh doanh mới dựa trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ 4.0;

(2) Kinh tế chia sẻ góp phần tạo nên một thị trường cạnh tranh hơn và loại hình dịch vụ đa dạng hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng;

(3) Kinh tế chia sẻ tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập;

(4) Kinh tế chia sẻ góp phần làm giảm các chi phí giao dịch trong kinh doanh, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam;

(5) Kinh tế chia sẻ đem lại cơ hội cải cách bộ máy hành chính theo hướng Chính phủ số và thúc đẩy cải cách thể chế nhằm phát triển nền kinh tế số và tận dụng xu thế của CMCN 4.0.

Hạn chế của kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

Sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong thời gian qua đa phần mang tính tự phát. Trong khi đó, các cơ quan quản lý Nhà nước còn khá lúng túng trong việc xác định bản chất và cách thức quản lý mô hình kinh tế chia sẻ. Vì vậy, trong quá trình phát triển tại Việt Nam, không tránh khỏi nhiều hạn chế:

(1) Sự cạnh tranh không công bằng giữa KTCS và kinh tế truyền thống

Các hãng taxi truyền thống đang bị kiểm soát chặt chẽ và khắt khe hơn so với các hãng taxi công nghệ thể hiện qua việc xe Grab được đi vào những tuyến đường mà taxi truyền thống bị cấm.

(2) Các cơ quan quản lý khó kiểm soát các vấn đề về an toàn lao động, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người tiêu dùng

Việc quản lý của Nhà nước đối với các loại dịch vụ kinh tế chia sẻ hiện nay còn thiếu các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng, thiếu các quy định liên quan đến trách nhiệm của các nền tảng về cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý.

(3) Vấn đề thu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác phát sinh từ các dịch vụ hoạt động dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ

So sánh thuế do tài xế và doanh nghiệp sử dụng kinh tế chia sẻ

Hiện nay đối với các doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, có doanh thu tại Việt Nam, chỉ nộp được thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương thức trực tiếp do không quản lý được đầu vào ở nước ngoài và không có trụ sở thường trú tại Việt Nam.

(4) Khung pháp lý về hoạt động kinh doanh hiện nay vẫn “thuần túy” là các quy định kinh doanh truyền thống, mà chưa có các quy định hay điều chỉnh các hoạt động kinh doanh “chia sẻ”

Cụ thể như để dễ kiểm soát, Bộ Giao thông vận tải quy định một xe chỉ được ký một hợp đồng với mục tiêu chính là ngăn chặn tình trạng xe dù, bến cóc. Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định đó đối với loại xe vận tải hành khách trực tuyến theo hợp đồng thì không hợp lý vì trong Bộ luật Dân sự cũng quy định không hạn chế quyền giao kết một hợp đồng hay hai hợp đồng trong quá trình vận tải.

Một số khuyến nghị để giải quyết hạn chế của kinh tế chia sẻ

(1) Nhà nước cần công nhận sự phát triển của kinh tế chia sẻ là tất yếu, nhìn nhận kinh tế chia sẻ như một thành phần kinh tế của Việt Nam

Cần có cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách cho mô hình kinh tế chia sẻ và có biện pháp quản lý phù hợp cho mô hình kinh tế này. Nếu không thì với tốc độ phát triển nhanh chóng của kinh tế chia sẻ như hiện nay có thể dẫn tới những biến thể sai lệch tại Việt Nam

(2) Hoàn thiện khuôn khổ hệ thống pháp luật hiện hành cho mô hình kinh tế chia sẻ

Hệ thống pháp luật sẽ giúp điều chỉnh mọi hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ; đảm bảo môi trường thuận lợi cho sự phát triển; tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa kinh tế chia sẻ với kinh tế truyền thống. Ngoài ra, hệ thống pháp luật còn giúp Chính phủ kiểm soát được các khoản thuế từ mô hình kinh tế chia sẻ

(3) Nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế và đặc thù tại Việt Nam

Để việc quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh này có hiệu quả, đòi hỏi các cơ quan thuế phải có những chính sách linh hoạt và điều chỉnh kịp thời, đồng thời cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm soát các hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ

(4) Xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ và các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống

Nhà nước cần có các chính sách thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ theo hướng nới lỏng các điều kiện cho kinh doanh truyền thống đồng thời nâng cao kiểm soát quản lý đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong việc cung ứng dịch vụ để tăng dần sự công bằng giữa kinh doanh truyền thống và kinh doanh công nghệ. Từ đó, gia tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện nay

(5) Cần tập trung đầu tư phát triển mạng lưới Internet, nâng cấp đảm bảo tính bảo mật tài khoản thanh toán trực tuyến cả về số lượng và chất lượng

Nhà nước cần đẩy nhanh thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử và cơ sở hạ tầng thông tin, nhất là xây dựng hệ thống dữ liệu mở, thông suốt để phục vụ quản lý nhà nước đối với mô hình kinh tế chia sẻ

Nhà nước cần chú trọng công tác an ninh mạng để đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia kinh tế chia sẻ như cần có những chính sách hướng dẫn các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm bảo mật thông tin và tuyên truyền nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc bảo mật thông tin cá nhân của người khác

Đồng thời, xây dựng cơ chế để các bên tham gia KTCS có thể kiểm soát được việc sử dụng thông tin của các nền tảng, các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu cá nhân, tổ chức của mình theo đúng thỏa thuận giữa các bên

(6) Nâng cao nhận thức của các bên trong nền kinh tế chia sẻ gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng

bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thì việc chuẩn bị nguồn cung, đào tạo nhân lực và nâng cao năng lực bộ máy quản lý Nhà nước là việc vô cùng quan trọng. Để nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước, Chính phủ cần đổi mới phương thức quản lý nhà nước về kinh tế theo hướng các bộ, ngành tăng cường phối hợp và phản ứng linh hoạt trong công tác điều hành quản lý nhà nước

 

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về những bài báo thuộc lĩnh vực kinh tế hot nhất hiện nay, hãy nhớ truy cập:

Điểm nóng 2020: Bùng nổ cuộc chạy đua của các ví điện tử tại Việt Nam

Bùng nổ thị trường Ví điện tử Việt Nam: 6 cơ hội và thách thức

Và cũng đừng quên theo dõi clibme.com để cập nhật những thông tin mới về kinh tế một cách nhanh nhất!

Bài viết bởi:

Vũ Thị Phương Anh – 17040643

QH2018 KTQT-NN