Khi nhắc đến chủ đề đầu tư kinh doanh, thuật ngữ FDI được sử dụng rất phổ biến. Nếu bạn chưa biết FDI là gì và muốn tìm hiểu những vấn đề liên quan đến thuật ngữ này thì theo dõi bài viết được chia sẻ dưới đây nhé!
Nội dung bài viết
Một số khái niệm liên quan đến FDI
FDI là gì ?
FDI (Foreign Direct Investment) là hình thức đầu tư dài hạn vào nước khác thông qua việc xây dựng nhà máy sản xuất, cơ sở kinh doanh. Nhà đầu tư nước ngoài có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Đa phần các trường hợp, cơ sở kinh doanh mở tại nước đầu tư vốn sẽ là công ty con hoặc chi nhánh. Ví dụ, Samsung Việt Nam là chi nhánh của Tập đoàn Samsung tại Hàn Quốc. Samsung Việt Nam hiện có các nhà máy sản xuất – lắp ráp điện thoại di động và phụ kiện tại Bắc Ninh, Thái Nguyên.
Vốn FDI là gì?
Vốn FDI được biết đến là nguồn tiền đầu tư dài hạn của các nhà đầu tư nước ngoài tiếp nhận đầu tư. Thay vì tập trung ở thị trường đóng cho các nhà đầu tư, nguồn vốn FDI được sử dụng tích cực tại các thị trường mở.
Phân loại vốn FDI:
Theo tính chất đầu tư
- Vốn chứng khoán.
- Vốn tái đầu tư.
- Vốn vay nội bộ.
Theo ý định của nhà đầu tư
- Vốn tìm kiếm tài nguyên.
- Vốn tìm kiếm hiệu quả.
- Vốn tìm kiếm thị trường.
Doanh nghiệp FDI là gì?
Doanh nghiệp FDI là doanh nghiệp trực tiếp sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài sử dụng vào các hoạt động kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp FDI sẽ không phân biệt tỷ lệ vốn của công ty mẹ ở nước ngoài là bao nhiêu.
Xem thêm:Doanh nghiệp FDI
Lợi ích của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI
Bổ sung cho nguồn vốn trong nước
Đầu tư nước ngoài là việc nguồn vốn được dịch chuyển từ nguồn vốn ngoại tệ sang Việt Nam. Từ đó, góp phần tăng trưởng nền kinh tế và phát huy tối đa nguồn vốn sẵn có.
Tiếp thu công nghệ và bí quyết quản lý
Thu hút đầu tư nước ngoài từ các công ty đa quốc gia sẽ giúp một nước có cơ hội tiếp thu công nghệ mới và bí quyết quản lý kinh doanh mà các công ty này đã tích lũy và phát triển qua nhiều năm và bằng những khoản chi phí lớn. Bởi lẽ, những công ty ở các nước trên thế giới có những kinh nghiệm, tư duy cao hơn, thì chúng ta có thể học hỏi, phát huy khả năng sáng tạo, công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu
Khi thu hút FDI từ các công ty đa quốc gia, không chỉ xí nghiệp có vốn đầu tư của công ty đa quốc gia, mà ngay cả các xí nghiệp khác trong nước có quan hệ làm ăn với xí nghiệp đó cũng sẽ tham gia quá trình phân công lao động khu vực. Chính vì vậy, nước thu hút đầu tư sẽ có cơ hội tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu thuận lợi cho đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường giao thương với nhiều nước trên khu vực và trên thế giới.
Tăng số lượng việc làm và đào tạo nhân công
Vì một trong những mục đích của FDI là khai thác các điều kiện để đạt được chi phí sản xuất thấp, nên xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ thuê mướn nhiều lao động ở Việt Nam. Đồng thời, việc các doanh nghiệp nước ngoài chi trả hầu hết đều có mức lương tối thiểu cao hơn, từ đó góp phần giúp thu nhập của một bộ phận dân cư được cải thiện, sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Trong quá trình thuê mướn đó, đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp, mà trong nhiều trường hợp là mới mẻ và tiến bộ ở các nước đang phát triển thu hút FDI, sẽ được xí nghiệp cung cấp. Điều này tạo ra một đội ngũ lao động có kỹ năng cho đất nước đồng thời thu hút FDI. Không chỉ có lao động thông thường, mà cả các nhà chuyên môn địa phương cũng có cơ hội làm việc và được bồi dưỡng nghiệp vụ ở các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nguồn thu ngân sách lớn
Khi bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư vào Việt Nam đều phải đóng thuế suất đối với hoạt động kinh doanh của mình. Do đó, việc thu được nguồn thuế từ các doanh nghiệp nước ngoài là một nguồn thu ngân sách quan trọng, chiếm phần lớn trong việc phát triển dòng tiền, nền kinh tế tại Việt Nam.
Mặt hạn chế của FDI
Nếu để các doanh nghiệp FDI đầu tư tràn lan, thiếu tổ chức, không được quy hoạch bài bản thì nguồn tài nguyên khai thác sẽ dần cạn kiệt, ô nhiễm môi trường.
Việc lựa chọn lĩnh vực, địa điểm đầu tư đều do quyết định của doanh nghiệp FDI. Điều này khiến cho tình trạng mất cân bằng vùng. Các doanh nghiệp trong nước có thể bị phá sản vì không đủ tiềm lực cạnh tranh.
Ngoài ra, khi các nhà đầu tư vận động quan chức quản lý địa phương đồng ý với các điều khoản có lợi cho doanh nghiệp FDI sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường chính trị.
5 hình thức FDI phổ biến tại Việt Nam
Hình thức đầu tư FDI dựa vào mục đích
Đầu tư theo chiều ngang – Horizontal FDI
Đây là hình thức đầu tư dựa vào những lợi thế có sẵn trong ngành, tiến hành đầu tư trực tiếp vào ngành đó tại một quốc gia khác. Hình thức này giúp gia tăng lợi nhuận cho thị trường nước ngoài của các nhà đầu tư.
Đầu tư theo chiều dọc – Vertical FDI
Hình thức đầu tư này sẽ tập trung vào mục đích khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ở các quốc gia được đầu tư. Đồng thời, tận dụng các yếu tố đầu vào như nguồn lao động, đất đai nhằm thúc đẩy sự phát triển và thu lợi nhuận trong tương lai tại nước tiếp nhận đầu tư. Hình thức này khá phổ biến và được áp dụng tại các nước phát triển, trong đó có Việt Nam.
Ví dụ: Trong năm 2019, Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội là dự án đầu tư FDI bất động tại Việt Nam do tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) là chủ đầu tư với tổng vốn khoảng 420 triệu USD (khoảng 9.600 tỷ đồng). Thực hiện trên tổng diện tích đất là 125 ha. Trong đó, trường đua ngựa được xây dựng có sân vận động đua ngựa, khán đài xem sức chứa đến 30.000 người với đa dạng dịch vụ ăn uống, tổ chức cá cược, đua ngựa, hệ thống trang thiết bị tổ hiện đại.
Hình thức đầu tư FDI dựa trên vốn sở hữu
- Thành lập công ty 100% vốn từ nhà đầu tư nước ngoài: Đây là những doanh nghiệp thuộc sở hữu của Nhà nước FDI do các nhà đầu tư nước ngoài thành lập và chịu trách nhiệm với kết quả kinh doanh.
- Thành lập công ty liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước hoặc Chính phủ Việt Nam.
Ví dụ: Dự án Thành phố thông minh được khởi công trong năm 2019 trên địa bàn các xã Hải Bối, Vũng Ngọc và Kim Nỗ, thuộc Đông Anh, Hà Nội do liên doanh tập đoàn Sumimoto – Tập đoàn kinh tế lớn thứ 3 tại Nhật Bản và tập đoàn BRG. Tổng vốn đầu tư gần 4.2 tỷ USD với mục tiêu xây dựng khu đô thông minh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Hình thức góp vốn, mua cổ phần góp vào tổ chức kinh tế
Hình thức đầu tư FDI này chủ yếu áp dụng mua cổ phiếu, trái phiếu hoặc trực tiếp góp vốn vào công ty TNHH hoăc công ty hợp danh. Nhà đầu tư sẽ không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động của công ty mà chỉ hướng đến mục đích gia tăng lợi nhuận.
Ví dụ:
Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage với giá trị góp vốn là 3.85 tỷ USD. Mục tiêu của dự án là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.
Dự án của công ty TNHH Techtronic Tools (Hồng Kông) tại TP.HCM với tổng vốn đăng ký 650 triệu USD. Mục tiêu là xây dựng nhà máy sản xuất và trung tâm nghiên cứu phát triển sản xuất các phụ kiện, thiết bị điện cầm tay thông minh trong công nghiệp và dân dụng.
Hình thức đầu tư hợp đồng PPP
Đây là loại hình FDI mà các nhà đầu tư nước ngoài cần thỏa thuận, ký kết để thực một dự án nào đó với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hợp đồng PPP thường được áp dụng để thực hiện, quản lý, vận hành những dự án liên quan kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công cộng.
Ví dụ: Dự án tại TP.HCM với tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD do công ty TNHH Wanna Explore Travel (Ai Cập) đầu tư năm 2019. Mục tiêu là thực hiện dịch vụ đại lý lữ hành, điều hành tour du lịch và hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không.
Vào ngày 05/02/2021, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà máy Lioncore tại Việt Nam do Công ty Singapore Lioncore Industries làm chủ đầu tư. Nhà máy được đặt tại Khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) với tổng vốn đầu tư là 30 triệu USD.
Hình thức đầu tư hợp đồng BCC
Đây là hình thức hợp tác kinh doanh, ký kết đầu tư giữa các nhà đầu tư với nhau nhằm mục đích phân chia lợi nhuận, sản phẩm. Hợp đồng BCC sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật về dân sự.
Ví dụ: Vào tháng 02/2021, UBND thành phố Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án LG Display Hải Phòng do Tập đoàn LG Displays (Hàn Quốc) đầu tư. với tổng số vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, dự án chuyên chuyên sản xuất màn hình OLED công nghệ cao cho các loại thiết bị điện tử, khởi công ngày 6/05/2021 tại khu công nghiệp Tràng Duệ.
Ngày 21/03/2021, UBND tỉnh Long An cũng đã trao Quyết định đầu tư và cùng với đó là cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy Điện LNG Long An I&II với tổng mức đầu tư đạt 3,1 tỷ USD.
Trên đây là thông tin về “FDI là gì?” và 5 lợi ích từ thu hút FDI tại Việt Nam. Có thể thấy, nguồn vốn FDI cực kỳ quan trọng, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế nước nhà mà còn là động lực nâng cao tính cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước lẫn quốc tế. FDI hứa hẹn trong tương lai có thể đưa Việt Nam vươn cao, vươn xa trên thị trường quốc tế.
Tham khảo một số bài viết liên quan:
5 vấn đề cơ bản về các hiệp định thương mại tự do FTA
Hiệp định EVFTA và nền kinh tế Việt Nam trong 1 năm
Hiệp định CPTPP- Nhìn lại thành tựu sau 2 năm gia nhập của Việt Nam
10 năm Cát Linh-Hà Đông: Bài học về ODA từ bẫy nợ của Trung Quốc
EVFTA – “Trái ngọt” kết tinh sau 10 năm nỗ lực không ngừng nghỉ
Sinh viên thực hiện:
Trần Nguyễn Phương Thảo
Bài tập lớn_INE3104 5