So sánh 2 sàn thương mại điện tử phổ biến nhất hiện nay. Shopee hay Lazada?

      Hiện nay cụm từ Thương mại điện tử trở nên rất phố biến, và được rất nhiều người quan tâm. Trong thời điểm bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ số, đi kèm là sự phát triển nhanh chóng của internet thì việc chuyển dịch hình thức bán hàng truyền thống sang các sàn thương mại điện tử chính là các xu hướng mới của các doanh nghiệp.

      Đặc biệt, trong thời điểm Covid-19, giãn cách xã hội đã làm ngưng trệ nặng nề đối với hoạt động mua bán trên các thị trường. Vì vậy, sự nổi lên của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki hay Sendo chính là một sự giải tỏa cho các doanh nghiệp.

      Vậy, sàn thương mại điện tử là gì? Giữa Shopee  Lazada đâu là sàn thương mại điện tử mà các doanh nghiệp hoặc cá nhân nên cân nhắc để bán hàng? Hãy cùng khám phá qua bài chia sẻ dưới đây để hiểu rõ hơn nhé !

   Sàn thương mại điện tử là gì?

      Sàn giao dịch TMĐT là một website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu của website có thể tiến hành toàn bộ hoặc một phần quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên website đó.

      Doanh nghiệp khi muốn bắt đầu bán sản phẩm của họ thì sẽ tạo một website trên các nền tảng mua sắm trực tuyến và cho phép người dùng đăng ký tài khoản, tạo cửa hàng trên chính trang web của họ. Tại sàn, các nhà bán lẻ sẽ tự do đăng bán, trưng bày các sản phẩm kinh doanh của mình. Sau đó, người có nhu cầu mua hàng sẽ lên website để tìm kiếm sản phẩm cho mình.

Các sàn thương mại điện tử

   So sánh nền tảng mua sắm trực tuyến hiện nay:

      Với sự bùng nổ mạnh mẽ trong lĩnh vực Ecommerce, các sàn giao dịch điện tử mọc lên như nấm với đa dạng các mô hình, quy mô, mặt hàng kinh doanh khác nhau. Trong đó, Shopee, Lazada là 2 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam.

Lượng truy cập sàn thương mại điện tử Shopee và Lazada quý III/2021
Lượng truy cập sàn thương mại điện tử Shopee và Lazada quý III/2021 ( nguồn iPrice)

      Tuy nhiên, đâu là thị trường béo bở giúp các doanh nghiệp thu về được nhiều lợi nhuận nhất ta có thể làm một phép so sánh dưới đây:

1. Sàn thương mại điện tử Shopee Việt Nam:

      Shopee có trụ sở tại Singapore và trực thuộc SEA (sở hữu các thương hiệu hàng đầu hiện nay như: Garena , Foody, ShopeeFood, Airpay). Bước vào thị trường kinh doanh Việt Nam từ năm 2015, Shopee Việt Nam nhanh chóng vụt lên trở thành một thị trường màu mỡ của các nhà kinh doanh online lớn nhỏ.

      Shopee đang phát triển rất mạnh mẽ và tăng trưởng tích cực về mặt người dùng. Đây là sàn sở hữu thị phần lớn nhất ở Việt Nam về kinh doanh online. Vì sức hấp dẫn đó, Shopee càng thu hút được nhiều khách hàng và người bán.

1.1. Mô hình kinh doanh:

      Thời điểm đầu, Shopee có mô hình kinh doanh là C2C Marketplace, và có vai trò trung gian giữa các hoạt động mua bán của các cá nhân. Hiện nay, Shopee đã thay đổi và triển khai mô hình kết hợp giữa C2C và B2C. Đồng thời thực hiện thu phí “hoa hồng” và phí đăng bán sản phẩm.

1.2. Lượng truy cập website:

       Shopee dẫn đầu trong thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam với lượt truy cập lên tới 77.8 triệu lượt mỗi tháng ( trong quý III năm 2021). (Nguồn iPrice Group)

       Với lượng truy cập khủng như vậy thì không nghi ngờ gì Shopee Việt Nam là một thị trường tuyệt vời cho các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh và thu về lợi nhuận. Tại gian hàng Shopee Mall, khách hàng có thể hưởng được nhiều ưu đãi hơn, chính vì vậy xu hướng mua hàng trên gian hàng này rất mạnh mẽ. Vì vậy, những ai muốn kiếm về được nhiều nguồn khách hàng tiềm năng thì có thể suy nghĩ tới việc cố gắng thay đổi kênh bán hàng của mình sang gian hàng Shopee Mall.

Giao diện gian hàng Shopee Mall
Giao diện gian hàng Shopee Mall 

1.3. Ưu điểm:

  • Giao diện bắt mắt, dễ nhìn, được đông đảo khách hàng yêu thích.
  • Chiến dịch Marketing, khuyến mãi nhiều và thường xuyên, khuyến khích khách hàng mua sắm.
  • Đối tượng khách hàng phần nhiều là người trẻ, đa dạng nhu cầu và sở thích, dễ thích ứng với các sản phẩm mới lạ.
  • Quy trình mở gian hàng đơn giản, nhanh chóng, chỉ cần xác minh email, số điện thoại.
  • Phí mở gian hàng miễn phí, phí hoa hồng kinh doanh 0% hiện tại với shop thông thường.
  • Chính sách ưu đãi, trợ phí vận chuyển cực tốt, khuyến khích mua hàng cao.
  • Liên kết với những đối tác vận chuyển lớn, thời gian giao hàng nhanh từ 2 – 5 ngày với các đơn hàng tiêu chuẩn.
  • Tương tác tốt với khách hàng dễ dàng qua khung chat.
  • Có phương án giao nhanh tùy chọn theo ý khách hàng mà không cần đăng ký thêm.

1.4. Nhược điểm:

  • Mức độ cạnh tranh rất cao do càng ngày càng có nhiều người bán tham gia Shopee .
  • Shopee Việt Nam vẫn chưa quản lý được vấn đề bán phá giá và chưa kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm. 
  • Quy định kiểm duyệt sản phẩm ngày càng khắt khe, thời gian kiểm duyệt lâu và thường xuyên kiểm duyệt lại với các sản phẩm cũ.
  • Có các điều kiện bất lợi cho người bán khi có tranh chấp giữa shop và khách.
  • Điều kiện trợ phí vận chuyển khá cao, giá trị đơn hàng từ 200.000đ/shop rất khó đáp ứng với các shop bán hàng giá trị thấp.
  • Thường có chính sách mới tạo thêm chi phí cho người bán.

2. Sàn thương mại điện tử Lazada:

      Lazada thành lập vào năm 2011, là một thị trường mua sắm và bán hàng online hàng đầu trong khu vực châu Á thời điểm đó. Đến năm 2012, Lazada chính thực ra mắt thị trường Việt Nam với mạng lưới thanh toán và logistics rộng lớn. Lazada Việt Nam được nhắc đến nhiều hơn với vai trò là một sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp các sản phẩm đa dạng về nhà sản xuất, mẫu mã cho tới giá thành sản phẩm.

Giao diện Sàn thương mại điện tử Lazada Việt Nam
Giao diện Sàn thương mại điện tử Lazada Việt Nam

2.1. Mô hình kinh doanh:

      Ngoài việc áp dụng mô hình Marketplace hỗn hợp, Lazada còn cung cấp cho nhà bán hàng các dịch vụ khác như quy trình thanh toán đơn giản qua ví điện tử eM, dịch vụ vận chuyển Lazada Express và kênh bán hàng chính hãng LazMall.

2.2. Lượng truy cập website:

      Trong quý III/2020, lượng truy cập của Lazada Việt Nam là 20.1 triệu lượt/tháng, giảm 4tr so với lượng truy cập cùng quý năm 2021. Quý III năm 2020, lượng truy cập của Lazada chỉ đứng thứ 3, xếp sau Tiki, tuy nhiên sau 1 năm, với các ưu đãi cũng như thay đổi về giao diện, chính sách của mình, Lazada đã lấy lại vị trí thứ 2, chỉ xếp sau Shopee.

2.3. Ưu điểm:

  • Phí đăng ký và duy trì gian hàng hiện tại đang miễn phí. Chỉ thu chiết khấu trên từng đơn hàng doanh nghiệp bán ra và mất phí nếu sử dụng các dịch vụ hỗ trợ của Lazada.
  • Mức hoa hồng khá ưu đãi cho người bán như sau: 5% cho sản phẩm điện tử – công nghệ, 10% với sản phẩm thời trang, 8% cho các sản phẩm khác.
  • Sở hữu một tiềm lực tài chính lớn nên không khó để Lazada thực hiện các chiến dịch marketing. Hiện nay, Lazada đã quảng cáo trên hầu hết các phương tiện mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp cận với nhiều người dùng hơn. Ngoài ra việc kết hợp với nhiều KOL và các ngôi sao có tầm ảnh hưởng trên cả Việt Nam lẫn thế giới đã khiến cho Lazada phủ sóng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 
  • Dịch vụ khách hàng khá tốt, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tạo niềm tin mua sắm cho khách hàng.

2.4. Nhược điểm:

  • Giao diện không bắt mắt, tông màu kém hấp dẫn hơn các đối thủ cạnh tranh khác.
  • Chi phí về logistics (lấy hàng, vận chuyển) khá cao.
  • Thủ tục đăng ký gian hàng khá phức tạp, phải hoàn thành khóa học online của Lazada và khai báo CMND, giấy khai sinh, giấy phép kinh doanh… để mở gian hàng.
  • Thời gian dự kiến giao hàng khá lâu (từ 2 – 8 ngày với giao hàng tiêu chuẩn) làm tăng tỉ lệ rớt đơn hàng.
  • Chỉ là kênh tăng doanh thu, khó phát triển và mở rộng bởi chính sách tập trung vào người mua và các quy định khắt khe với người bán hàng.

   Kết

      Nhìn chung, mỗi sàn thương mại điện tử đều sẽ có ưu và khuyết riêng. Cần cân nhắc nhiều yếu tố như khách hàng, các chính sách của sàn, chính sách thanh toán, vận chuyển, đổi trả hàng… từ đó lựa chọn kênh kinh doanh phù hợp với mình. Hiện nay tại Shopee và Lazada, hai sàn đang đẩy mạnh chiến dịch tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing), đây là một chiến dịch thúc đẩy mạnh mẽ lượng tiếp cận của khách hàng đến sản phẩm của nhà bán hàng. 

      Kinh doanh trên sàn thương mại điện từ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nhà bán hàng từ khâu vận chuyển, chuỗi cung ứng và các chiến dịch tiếp thị. Đặc biệt, việc kinh doanh trên đa kênh từ các sàn thương mại điện tử, liên kết với website và kênh mạng xã hội là cần thiết để mở rộng hiển thị tiếp cận người tiêu dùng hơn.

Tham khảo thêm các bài viết về chủ đề TMĐT tại đây:

Logistics trong Thương mại điên tử

5 CHỈ SỐ KPI THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ B2B QUAN TRỌNG MÀ BẠN KHÔNG NÊN BỎ LỠ

Đẩy mạnh kinh doanh nông sản trực tuyến trong bối cảnh Covid-19

TOP 10 tập đoàn TMĐT lớn nhất thế giới

Người thực hiện: Phạm Việt Anh

MSV: 19051021

Lớp: INE3104 3_Bài tập lớn