HIỆP ĐỊNH RCEP: 1 MIẾNG BÁNH NGON HAY MỒI CÂU CỦA TRUNG QUỐC?

Hiệp định RCEP đã và đang là một vấn đề được chính phủ và doanh nghiệp hết sức quan tâm trong thời gian gần đây, tại sao lại như vậy, hãy tham khảo bài viết này nhé!

HIỆP ĐỊNH RCEP LÀ GÌ?

Hiệp định RCEP là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới trong thời điểm hiện tại với 16 thành viên, bao gồm 10 nước thuộc khối Đông Nam Á (ASEAN) – Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Myanmar, Singapore, Philippines và 6 đối tác thương mại lớn là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc.

Tuy nhiên sau đó, Ấn Độ tuyên bố rút khỏi hiệp định này sau mâu thuẫn an ninh chiến lược với Trung Quốc và lo ngại các nhà sản xuất nội địa của nước này phải cạnh tranh và đánh mất vị thế so với hàng hóa giá rẻ đến từ Trung Quốc. Tháng 11/2019, Hội nghị thượng đỉnh RCEP lần thứ 3 được tổ chức, các nước đã cơ bản hoàn tất đàm phán các văn kiện và đến tháng 11/2020, 15 nước thành viên đã ký kết hiệp định RCEP.

Hội nghị thượng đỉnh RCEP lần thứ 3 diễn ra tại Bangkok, Thailand
Hội nghị thượng đỉnh RCEP lần thứ 3 diễn ra tại Bangkok, Thailand

Các nền kinh tế RCEP có quy mô 2,2 tỉ người – khoảng 30% dân số thế giới và là thị trường tạo ra 26.200 tỉ USD sản lượng toàn cầu – tương đương 30% của nền kinh tế toàn cầu. Với mục tiêu là thiết lập một nền tảng quan hệ đối tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thương mại và đầu tư trong khu vực, đồng thời đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu.

Theo đó, Hiệp định sẽ mang lại cơ hội thị trường và việc làm cho doanh nghiệp và người dân trong khu vực. Hiệp định RCEP sẽ song hành và hỗ trợ một hệ thống thương mại đa phương cởi mở, bao hàm và dựa trên các quy tắc.

MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA HIỆP ĐỊNH RCEP

Các nhà lãnh đạo của các nước thành viên RCEP cho rằng đây sẽ là một Hiệp định hiện đại, toàn diện và cùng có lợi, trong đó bao gồm các lĩnh vực: Thương mại hàng hóa; Dịch vụ; Đầu tư; Hợp tác kinh tế và kỹ thuật; Sở hữu trí tuệ; Cạnh tranh; Giải quyết tranh chấp và các vấn đề khác. Không chỉ thế các quốc gia trong khối RCEP sẽ cam kết tự do hóa gần hết 100% thương mại, thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do.

Theo cam kết của Việt Nam tại Hiệp định, Việt Nam có 06 biểu lộ trình cam kết thuế quan đối với 06 nước/nhóm nước, bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Hiệp định RCEP được xây dựng dựa trên các cam kết cắt giảm thuế quan đã có và sẽ xóa bỏ khoảng 90% thuế nhập khẩu trong vòng 20 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Lộ trình cam kết về thuế quan của Việt Nam cũng như của các nước trong Hiệp định RCEP có thời hạn dài nhất là 25 năm.

Hiệp định RCEP đưa ra các quy định về hài hòa và đơn giản hóa Quy tắc xuất xứ hàng hóa. Những quy tắc này bao gồm quy định cho phép cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ, của bất kỳ nước thành viên nào trong Hiệp định RCEP để tiếp tục tính vào nguyên liệu có xuất xứ của thành phẩm cuối cùng, và được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt RCEP khi lưu thông giữa các quốc gia thành viên của Hiệp định.

Ngoài ra, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ sẽ được Việt Nam và hầu hết các nước thành viên (trừ Lào, Cambodia và Myanmar) áp dụng sau không quá 10 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực.

Dây chuyền sản xuất các bản mạch điện tử tại Công ty TNHH Synopex Vina2, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại tỉnh Bắc Ninh
RCEP giúp Việt Nam thu hút dòng vốn FDI

Hiệp định RCEP cũng bao gồm các cam kết về tạo thuận lợi thương mại và thực hiện thủ tục hải quan, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, cụ thể: minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hải quan, áp dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ hoạt động hải quan dựa trên tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận, tạo thuận lợi thương mại cho “Doanh nghiệp ưu tiên” và cho phép đàm phán công nhận lẫn nhau về các chương trình “Doanh nghiệp ưu tiên”, quy định về khiếu nại và kháng nghị.

CÁC NHÀ PHÂN TÍCH NÓI GÌ VỀ HIỆP ĐỊNH RCEP?

Hiệp đinh RCEP sẽ có hiệu lực chính thức vào ngày 1-1-2022, sau khi đã có 10 nước thành viên thông báo phê chuẩn hiệp định. Vậy là chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa để các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp của 15 nước thành viên nói chung, làm quen và thích nghi với những sự thay đổi này. Quan điểm của họ về hiệp định này như thế nào, đây là một hiệp định thật sự tạo ra những bước đột phá cho kinh tế thế giới hay không, hãy cùng tìm hiểu nhé!

Hiệp định RCEP có phải là một miếng bánh ngon cho các thành viên?

Việt Nam được hưởng nhiều lợi ích từ RCEP, khi có các mặt hàng thế mạnh như nông, thủy sản đáp ứng nhu cầu của hầu hết thành viên của khối. Nhờ việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, gia tăng xuất khẩu trong khu vực, đặc biệt là tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, chưa cần chờ đến hiệp định có hiệu lực, Trung Quốc là thị trường nằm trong top 4 của ngành giày dép. Theo đó, hiệu ứng thị trường (cả xuất khẩu và nhập khẩu) sẽ khả quan hơn khi RCEP đi vào thực thi.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết, RCEP là một thị trường rất lớn, chiếm xấp xỉ 50% dân số toàn cầu, đang có sự tăng trưởng mạnh trong thu nhập và tiêu dùng, có nhu cầu cao đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh đặc biệt là dệt may, thiết bị điện tử, nông sản nhiệt đới, thực phẩm, chế biến.

Đối với doanh nghiệp, bà Trang cho rằng, nếu RCEP được ký kết, một số thị trường dịch vụ sẽ mở hơn, cạnh tranh và mang lại nhiều cơ hội hơn cho cả nền kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực như logistics, viễn thông; nền tảng thương mại điện tử tốt hơn; môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, ổn định hơn. RCEP cũng có thể là sự bảo đảm cho tương lai tự do hóa cho khu vực trước xu hướng bảo hộ thương mại.

Khi chính thức có hiệu lực, với tổng GDP thực tế đạt khoảng 25.000 tỷ USD, chiếm gần 30% GDP của thế giới – ngang bằng với Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và lớn hơn cả Liên minh châu Âu (EU), RCEP sẽ tạo nên một thị trường tiêu dùng lớn với khoảng 30% dân số thế giới, làm tăng GDP của khu vực châu Á – Thái Bình Dương thêm 2,1% và GDP thế giới lên 1,4%, mang lại thêm 209 tỷ USD hằng năm cho doanh thu toàn cầu và 500 tỷ USD cho thương mại thế giới vào năm 2030.

Trong đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Trung Quốc thêm khoảng 0,55%, Nhật Bản thêm 0,1% và Hàn Quốc thêm 0,5%. Đối với các cam kết thuế quan, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình, nghĩa là sau 15 – 20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ khoảng 85,6% – 89,6% tổng số dòng thuế đối với các nước đối tác, trong khi các nước đối tác xóa bỏ cho Việt Nam khoảng 90,7% – 92% tổng số dòng thuế.

RCEP thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại giữa các nước thành viên
RCEP thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại giữa các nước thành viên

Hay đây chỉ là mồi câu của Trung Quốc?

Tuy có đến 15 thành viên nhưng chỉ hai quốc gia là Trung Quốc và Nhật Bản đã chiếm khoảng 80% trên tổng GDP 25 nghìn tỷ USD của khối. Các nước ASEAN đóng góp 3 nghìn tỷ USD và phần còn lại đến từ Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

Trên thực tế, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương với hầu hết thị trường thành viên RCEP. Riêng Trung Quốc, dù chưa ký kết FTA song phương, nhưng Việt Nam đã thực thi hiệp định chung giữa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA). Do đó, hoạt động đầu tư khai thác các thị trường trong khối RCEP không còn mới mẻ.

RCEP là một hiệp định cắt giảm hàng rào thuế quan trong lúc mức thuế cơ bản đã ở mức thấp. RCEP hầu như không đề cập gì đến vấn đề quản lý kinh tế, ngay cả các điều khoản về thương mại cũng khó thực thi. Hiệp định này né tránh những vấn đề ‘gai góc’ như trợ cấp chính phủ, mua sắm công, trộm cắp tài sản trí tuệ, và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước với nhà đầu tư. Các tiêu chuẩn về lao động thậm chí còn không được đề cập đến.

Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) ước tính RCEP sẽ thúc đẩy GDP toàn cầu tăng thêm 186 tỷ USD mỗi năm, trong đó Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được hưởng lợi lần lượt 85 tỷ, 48 tỷ và 23 tỷ.

Tất cả chỉ là sự cường điệu và thực tế là thế giới sẽ phải đợi 10 năm nữa để chứng kiến những mức tăng GDP đó: ước tính của PIIE là dự báo đến năm 2030. Dựa trên xu hướng tăng trưởng dài hạn trong quá khứ (và bỏ qua những tác động của đại dịch Covid-19), nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 40% trong cả giai đoạn này. RCEP có thể đóng góp 0,2 điểm phần trăm vào con số đó sau khi đã được làm tròn.

Về vấn đề hội nhập theo mô hình Liên minh châu Âu, sẽ không có một thị trường chung, quyền tự do đi lại; thậm chí một cơ chế trọng tài mang tính ràng buộc để giải quyết tranh chấp cũng không có. Và mặc dù có đến 469 trang đề cập đến tự do hoá thương mại trong lĩnh vực dịch vụ, môi trường Internet của Trung Quốc vẫn sẽ đóng cửa.

Ngay cả những điều khoản cắt giảm thuế trong hiệp định cũng nên được nhìn nhận một cách thận trọng. Hiệp định có đề cập đến việc sẽ tiến đến giảm thuế quan về 0, điều này có vẻ rất ấn tượng. Nhưng khi đi vào chi tiết thì ấn tượng đó sẽ không còn là bao.

Ví dụ, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản sang Trung Quốc là máy móc, với hơn 10 tỷ USD một năm. Mức thuế cao nhất của Trung Quốc đối với hàng hóa Nhật Bản trong danh mục này hiện chỉ là 10%, dự kiến sẽ giảm xuống 0% vào năm 2030 hoặc 2035. Vấn đề là các loại máy móc quan trọng nhất trong danh mục này, là robot công nghiệp và máy móc dùng để sản xuất các bảng mạch tích hợp thì thuế suất hiện tại đã là 0%.

Xuất khẩu máy móc từ thị trường Nhật Bản
Xuất khẩu máy móc từ thị trường Nhật Bản

Tương tự, xuất khẩu chính của Úc sang Trung Quốc là quặng sắt đã được miễn thuế từ trước. Tuy nhiên, RCEP sẽ loại bỏ thuế quan 3% của Trung Quốc đối với than đá vào năm tới. Điều này sẽ có lợi cho Úc nếu như Bắc Kinh cho phép nhập khẩu than đá. Hiện 82 tàu chở than mang theo 8,8 triệu tấn than cùng 1.500 thủy thủ của Úc đang bị mắc kẹt bên ngoài các cảng của Trung Quốc trong lúc chờ thông quan để có thể cập cảng và dỡ hàng, đây là hành động cấm vận không chính thức của chính quyền Trung Quốc.

Theo RCEP, mức thuế 14% của Trung Quốc đối với mặt hàng rượu vang nhập khẩu cũng sẽ được dỡ bỏ vào năm tới, nhưng từ nay đến lúc đó, Trung Quốc đã đánh thuế 200% đối với rượu vang của Úc. Nhìn bề ngoài thì đây có vẻ là một biện pháp chống bán phá giá, nhưng trên thực tế nó là cách gây áp lực buộc Úc từ bỏ nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tại nước này.

Việc RCEP không có những phương thức nhằm kiềm chế các hành vi “xấu” của Trung Quốc có thể là lý do Ấn Độ rút khỏi hiệp định. Thủ tướng Ấn Độ đã bị chỉ trích vì bảo hộ nền nông nghiệp Ấn Độ nhưng cũng được ca ngợi vì đã bảo vệ ngành chế tạo. Việc gia nhập RCEP sẽ khiến Ấn Độ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi hàng nhập khẩu giá rẻ của các nhà sản xuất nhỏ từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Lý do nước này rút khỏi hiệp định một phần là vì những hàng rào phi thuế quan, vấn đề trợ cấp của chính phủ và sự thiếu minh bạch.

Tạm kết

Chúng ta không thể phụ nhận những thuận lợi mà hiệp định RCEP đã mang lại không chỉ tính riêng cho Việt Nam mà còn cho các nước trong khu vực trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong thời điểm kinh tế thế giới đang lao dốc không phanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội để Việt Nam vượt lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, hiệp định RCEP cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần phải thực sự nỗ lực.

Tuy nhiên, hiệp định này có thực sự hiệu quả hay không, hay chúng ta đang quá kỳ vọng vào hiệp định này, hãy chờ đợi những kết quả phân tích khi hiệp định bắt đầu có hiệu lực nhé!

Tham khảo thêm các thông tin về Kinh Tế Quốc Tế tại:

FDI là gì? 4 điều quan trọng bạn cần biết

Hiệp định CPTPP: Hướng đi nào cho Việt Nam trong năm 2022?

Việt Nam năm 2021- điểm “hot” trong thu hút FDI.

Khám phá thêm các nội dung về hiệp định RCEP tại:

https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/hiep-dinh-RCEP/

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)

Người viết: Bùi Thị Phương Anh

MSV: 20050743

INE3104 3_Bài tập lớn

One thought on “HIỆP ĐỊNH RCEP: 1 MIẾNG BÁNH NGON HAY MỒI CÂU CỦA TRUNG QUỐC?

Comments are closed.