Phát triển bền vững môi trường nói riêng và phát triển bền vững nói chung là một phương thức phát triển tổng hợp đa ngành, liên ngành, thành chương trình hành động với nhiều tiêu chí ngày càng được cụ thể và rõ nét. Phát triển bền vững, mang tính tất yếu và là mục tiêu cao đẹp của quá trình phát triển.
Phát triển bền vững là mối quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Trong tiến trình phát triển của thế giới, mỗi khu vực và quốc gia xuất hiện nhiều vấn đề bức xúc mang tính phổ biến. Kinh tế càng tăng trưởng thì tình trạng khan hiếm các loại nguyên nhiên liệu, năng lượng do sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên không tái tạo được càng tăng thêm, môi trường thiên nhiên càng bị hủy hoại, cân bằng sinh thái bị phá vỡ, thiên nhiên gây ra những thiên tai vô cùng thảm khốc.
Để có thể có nền kinh tế phát triển mạnh và bình orn, việc sử dụng nề kinh tế phát triển bền vững môi trường đã và đang là một vấn đề được đặc biệt quan tâm bởi Chính phủ cũng như các doanh nghiệp và cả cộng đồng. Tầm quan trọng của môi trường và phát triển bền vững môi trường được quan trọng đến mức các nhà kinh tế gọi đó là chìa khóa “xanh” cho mọi cánh cửa để phát triển kinh tế trong thế kỷ 21 nói riêng và cả tương lại nói chung.
Nội dung bài viết
1, Khái niệm phát triển bền vững
Năm 1980, trong bản “Chiến lược bảo tồn thế giới” do Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN-International Union for Conservation of Nature and Natural Resources) đã đưa ra mục tiêu của phát triển bền vững là “đạt được sự phát triển bền vững bằng cách bảo vệ các tài nguyên sinh vật” và thuật ngữ phát triển bền vững ở đây được đề cập tới với một nội dung hẹp, nhấn mạnh tính bền vững của sự phát triển về mặt sinh thái, nhằm kêu gọi việc bảo tồn các tài nguyên sinh vật.
Năm 1987, trong Báo cáo “Tương lai chung của chúng ta”, Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED-World Commission on Environment and Development) của Liên hợp quốc, “phát triển bền vững” được định nghĩa là “Sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn thương khả năng cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”.
Quan niệm này chủ yếu nhấn mạnh khía cạnh sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo đảm môi trường sống cho con người trong quá trình phát triển. Phát triển bền vững là một mô hình chuyển đổi mà nó tối ưu các lợi ích kinh tế và xã hội trong hiện tại nhưng không hề gây hại cho tiềm năng của những lợi ích tương tự trong tương lai (Gôdian và Hecdue, 1988, GS. Grima Lino).
Quan niệm về phát triển bền vững dần được hình thành từ thực tiễn đời sống xã hội và có tính tất yếu. Tư duy về phát triển bền vững bắt đầu từ việc nhìn nhận tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và tiếp đó là nhận ra sự cần thiết phải giải quyết những bất ổn trong xã hội
2, Phát triển bền vững môi trường
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp, du lịch; quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới,… đều tác động đến môi trường và gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, điều kiện tự nhiên. Bền vững về môi trường là khi sử dụng các yếu tố tự nhiên đó, chất lượng môi trường sống của con người phải được bảo đảm. Đó là bảo đảm sự trong sạch về không khí, nước, đất, không gian địa lý, cảnh quan. Chất lượng của các yếu tố trên luôn cần được coi trọng và thường xuyên được đánh giá kiểm định theo những tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế.
Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng môi trường sống. Phát triển bền vững về môi trường đòi hỏi chúng ta duy trì sự cân bằng giữa bảo vệ môi trường tự nhiên với sự khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ lợi ích con người nhằm mục đích duy trì mức độ khai thác những nguồn tài nguyên ở một giới hạn nhất định cho phép môi trường tiếp tục hỗ trợ điều kiện sống cho con người và các sinh vật sống trên trái đất.
Phát triển bền vững về môi trường gồm những nội dung cơ bản: Một là, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo; Hai là, phát triển không vượt quá ngưỡng chịu tải của hệ sinh thái; Ba là, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tầng ôzôn; Bốn là, kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính; Năm là, bảo vệ chặt chẽ các hệ sinh thái nhạy cảm; Sáu là, giảm thiểu xả thải, khắc phục ô nhiễm (nước, khí, đất, lương thực thực phẩm), cải thiện và khôi phục môi trường những khu vực ô nhiễm…
3, Thực trạng phát triển bền vững môi trường tại Việt Nam hiện nay
Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 nhằm mục tiêu tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Chiến lược đặt ra 3 mục tiêu quan trọng là giảm rác thải, ổn định để phát triển bền vững môi trường cho các ngành kinh tế cũng như lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Mục tiêu lâu dài trong tăng trưởng xanh, phát triển bền vững môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP. Theo đó, Chiến lược đặt ra mốc đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Xa hơn, năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Để thực hiện xanh hóa các ngành kinh tế, phát triển bền vững môi trường, Chiến lược hướng đến việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao Chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Với việc hình thành lối sống xanh, Việt Nam đặt nhiều mục tiêu vào năm 2030 như: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom chiếm 10%; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại
Để chỉ đạo thực hiện Chiến lược này, Thủ tướng yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững về môi trường. Chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thực hiện.
4, Mối quan hệ giữa phát triển bền vững môi trường và kinh tế
Mối quan hệ giữa môi trường và phát triển bền vững có ảnh hưởng qua lại và tác động với nhau. Bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững là một chiến lược sống còn của nhân loại trong thế kỷ XXI.
Ở nước ta, chỉ thị 36/CT-TW của Bộ Chính trị chỉ rõ bảo vệ môi trường phải trở thành “nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân”, cho thấy sự nghiệp bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững là một sự nghiệp chính trị trọng đại và bức xúc của cả dân tộc trong bối cảnh hiện đại hoá và công nghiệp hoá.
Môi trường quyết định đến sự ổn định của xã hội. Sự ổn định xã hội bao gồm cả thành thị lẫn nông thôn. Trong đó nông thôn gồm những vùng sinh thái rất đa dạng : rừng núi, đồng bằng, ven biển. Cốt lõi của phát triển bền vững ở các vùng sinh thái này đều dựa cơ bản vào việc xoá đói giảm nghèo và ổn định các quá trình dân cư. Ở đô thị, những người nghèo đô thị thường cư trú trong các khu lao động, các xóm liều, khu ổ chuột. Cải thiện cuộc sống của người nghèo đô thị là cốt lõi của phát triển đô thị.
Trách nhiệm của xã hội với bảo vệ môi trường. Trong thời kỳ đổi mới xã hội phát triển nhanh chóng về mọi mặt, công nghiệp hóa hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ. Do đó Công nghiệp hóa – hiện đại hóa gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết.
5. Tấm gương từ TH True Milk và phát triển bền vững
Ngày 4/10/2019, tập đoàn TH công bố đã tiến hành triển khai áp dụng ống hút làm từ chất liệu nhựa sinh học tiên tiến IngeoTM PLA và BioPBSTM. Vật liệu thân thiện với môi trường này được sản xuất từ nguyên liệu thực vật như ngô, sắn, mía. Cùng với đó, TH tiếp tục nghiên cứu áp dụng ống hút giấy và sẽ phát triển giải pháp này rộng rãi trong tương lai để đảm bảo cam kết bảo vệ môi trường và phát triển bền vững
Đưa vào sử dụng ống hút có thành phần làm từ nhựa sinh học là bước đi tiếp theo trong hành trình “Trân Quý Mẹ Thiên Nhiên” và phát triển bền vững của tập đoàn TH. Việc tập đoàn TH tiên phong đưa ra giải pháp sử dụng ống hút thân thiện với môi trường sẽ tạo ra tác động tích cực tới nhận thức và hành động của cộng đồng doanh nghiệp cũng như công chúng, khuyến khích khách hàng thay đổi hành vi tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường.
Thấu hiểu giá trị tốt đẹp mà thiên nhiên mang lại, mong muốn mang đến những điều tốt đẹp và “Hạnh phúc đích thực” cho con người, lấy đi của thiên nhiên ít nhất và trả về thiên nhiên những điều tốt đẹp nhất, việc sử dụng ống hút nhựa sinh học thân thiện với môi trường là một bước đi tiếp theo của TH, khẳng định vị thế tiên phong của Tập đoàn trong việc áp dụng các giải pháp sản phẩm gắn với tiêu dùng có lợi cho thiên nhiên, môi trường, vì sự phát triển bền vững của con người và hệ sinh thái.
Lời kết
Phát triển đương nhiên sẽ biến đổi môi trường, nhưng làm sao cho môi trường vẫn làm đầy đủ các chức năng: đảm bảo không gian sống với chất lượng tốt cho con người, cung cấp cho con người các loại tài nguyên cần thiết, tái xử lý các phế thải của hoạt động của con người, giảm nhẹ tác động bất lợi của thiên tai, duy trì các giá trị lịch sử văn hoá, khoa học của loài người. Hay nói một cách khác đó là phát triển bền vững
Bài viết được thực hiện bởi sinh viên Trần Ngọc Bách
MSV:19051425
QH-2019-E QTKD CLC3
INE3104-3